Naomi Osaka: Tượng đài 21 tuổi đi lên từ đắng cay và nước mắt

VIỆT HÙNG |

"Thật không thể tin được, Serena đã bị đánh gục ngay trên sân nhà. Nữ hoàng của chúng ta đã thất bại trước đối thủ vô danh người Nhật Bản, Naomi Osaka..."

Đó là câu bình luận ngày 9.9.2018 trên kênh truyền hình FOX Sports phiên bản Mỹ và không chỉ bộ đôi BLV, hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới cũng không tin những gì xảy ra lúc đó.

Một bên là Serena Williams - "tượng đài bất tử" người Mỹ và một bên là Naomi Osaka - cô gái 21 tuổi vô danh đến từ Nhật Bản.

"Cô bé xinh xắn và chính trực người Osaka"

Osaka là con thứ trong gia đình có 2 chị em, bố là người Haiti, mẹ là người Nhật Bản. Họ gặp nhau và đi tới hôn nhân trên chính mảnh đất Osaka thơ mộng ở xứ hoa anh đào. 

Ngày còn nhỏ, khi phải đi mẫu giáo, thật khó cho các cô giáo mầm non tại nơi này khi phải đọc tên cô bé theo tiếng gốc Haiti. Do đó, mẹ Osaka đã lấy tên nơi gia đình sống để làm họ cho 2 chị em. Trong tiếng Nhật, Naomi Osaka có nghĩa là "Cô bé xinh xắn và chính trực người Osaka".

Naomi Osaka: Tượng đài 21 tuổi đi lên từ đắng cay và nước mắt - Ảnh 1.

Thành phố Osaka xinh đẹp. Ảnh: Japan Tour.

Lên 3 tuổi, cả gia đình nói lời chia tay quê hương để đến nước Mỹ xa xôi sinh sống và định cư. Cách trở vài ngàn km qua bờ Thái Bình Dương, chưa khi nào nỗi nhớ quê hương nguôi đi trong lòng cô bé này. Osaka có quyền chỉ lựa chọn 1 quốc tịch, đó là Haiti. Tuy nhiên, cô vẫn luôn tự hào mình là người Nhật Bản.

Ở mỗi lần được chia sẻ về gốc gác, Osaka luôn nói mình là người Nhật Bản, đại diện cho xứ hoa anh đào.

Naomi Osaka sinh ngày 16.10.1997 tại Nhật Bản. Cô là người có 2 quốc tịch là Nhật Bản và Haiti. Osaka kí hợp đồng đánh chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi.

Tài năng sớm nở rộ với "ảnh treo đầu giường" Serena Williams

Sớm bén duyên với quần vợt khi định cư tại Florida, Osaka cũng như bao bạn nữ đồng trang lứa khác thích mê mệt chị em nhà Williams. Cô chị Mari Osaka cũng quyết theo nghiệp cầm vợt cùng em mình để tạo nên cặp đôi nhà Osaka đầy triển vọng.

Khi được hỏi thần tượng ai, Osaka chỉ nói người duy nhất và không thay đổi trong nhiều năm qua: Serena Williams. Kể cả trong mơ, cô cũng chỉ mong cả đời sẽ được đấu với Serena một lần. 

Chẳng thế mà trong phòng mình, những bức ảnh về huyền thoại quần vợt người Mỹ được Osaka dán khắp nơi. Cô bé bén duyên với bộ môn danh giá này cũng trùng thời điểm "Bà hoàng" nhà Williams đang đạp đổ mọi kỉ lục để xây dựng riêng đế chế của mình ở nội dung dành cho nữ.

Naomi Osaka: Tượng đài 21 tuổi đi lên từ đắng cay và nước mắt - Ảnh 3.

Serena là thần tượng của Osaka từ nhỏ. Ảnh: WTA.

Phong cách đánh của bản thân, Osaka cũng cố học theo thần tượng bằng được. Điểm giống nhau nhất giữa tay vợt Nhật Bản và thần tượng người Mỹ là những cú giao bóng uy lực. Trong lịch sử, chỉ có 9 tay vợt nữ giao bóng có vận tốc lên tới 200 km/h, Osaka và Serena là 2 trong số đó.

Từ giọt nước mắt chiến thắng đến nụ cười vinh quang

Ước mơ của Osaka đã thành hiện thực theo kịch bản đẹp nhất vào năm 2018 khi cô chạm mặt Serena tới 2 lần. Trong 2 trận đấu đó, người giành chiến thắng đều là tay vợt 21 tuổi.

Ở trận đấu hồi đầu năm 2018 tại Miami mở rộng, Osaka dễ dàng vượt qua Serena bởi lúc đó, tay vợt số 1 thế giới mới sinh em bé xong. Chiến thắng trong mơ ấy của cô gái trẻ người Nhật bị phủ nhận hoàn toàn bởi người hâm mộ Mỹ. Trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội, lý do thất bại của Serena do sinh nở được nhắc tới gần như tuyệt đối, hơn là chuyện Osaka chơi hay.

Và khi thẳng tiến đến vũ đài cuối cùng tại Mỹ mở rộng, Osaka vẫn được nhắc tới như một tay vợt vô danh khi đứng trước Serena Williams huyền thoại. Nên nhớ khi đó, "Bà hoàng" 36 tuổi đang đạt phong độ rất cao và đã có hẳn chiến lược rèn thể lực trước khi bước vào giải. Mọi kịch bản tươi đẹp nhất đều hướng về Serena, điều trái ngược dành cho Osaka.

Naomi Osaka: Tượng đài 21 tuổi đi lên từ đắng cay và nước mắt - Ảnh 4.

Osaka chơi một trận hay nhất sự nghiệp trước thần tượng. Ảnh: Getty.

Nhưng rồi khoảnh khắc Serena nổi điên đập vợt và buông lời khiếm nhã với trọng tài đã khiến thế giới quần vợt phải tròn mắt. Trong một trận đấu hay như các vòng trước, Osaka đè bẹp Serena với tỉ số 2-0 (6-2, 6-4).

Đáng buồn thay, khi bước lên bục nhận giải, thay vì lời tán dương, cô gái trẻ người Nhật Bản phải chịu các tiếng huýt sáo và la ó từ trên khán đài. Người Mỹ không chấp nhận sự thật đáng buồn đó, họ muốn Serena phải nâng cúp ngay trên sân nhà chứ không phải ai khác. 

Trong khoảnh khắc buồn bã đến tột cùng, Osaka nói lời xin lỗi trong nước mắt. Cô xin lỗi người hâm mộ Mỹ vì lỡ tước đi đêm ăn mừng chiến thắng của họ. Trong lịch sử quần vợt, chưa khi nào người vô địch phải nói lời xin lỗi thay vì cảm ơn.

Naomi Osaka: Tượng đài 21 tuổi đi lên từ đắng cay và nước mắt - Ảnh 5.

Osaka khóc trong giây phút chiến thắng. Ảnh: FOX.

21 tuổi, tài năng nhưng chưa đủ rèn bản lĩnh, Osaka đã bật khóc trong giây phút vinh quang nhất sự nghiệp. Nhưng rồi cô gái trẻ chợt nhận ra, những tiếng la ó hay huýt sáo đó chỉ là chướng ngại vật nhỏ trên con đường chinh phục vinh quang.

Miệt mài tập luyện để thêm một lần chứng minh tài năng với thế giới, Osaka tiến một mạch đến Australia mở rộng và vô địch theo kịch bản chóng vánh nhất. 2 giải Grand Slam liên tiếp, Osaka đều lên ngôi theo phong cách tốc hành. Lần này, cô gái trẻ không khóc nữa. Nụ cười tươi và lời cảm ơn liên tục xuất hiện, Osaka không kéo sụp mũ xuống quá mắt để che đi giọt lệ mà hất nó lên rồi hôn chiếc cúp danh giá thuộc về mình.

4 tháng là quãng thời gian quá ngắn để ai đó trưởng thành nhưng nó lại đủ để Osaka vươn mình. Từ nhà vô địch nhút nhát và không hiểu vì sao mình làm được, Osaka giờ đây đã sánh ngang với các đàn chị nổi tiếng của thế giới quần vợt.

Naomi Osaka: Tượng đài 21 tuổi đi lên từ đắng cay và nước mắt - Ảnh 6.

Tượng đài mới của làng quần vợt. Ảnh: Getty.

Serena đã 37 tuổi và gần hơn ngày giải nghệ. Nếu để ước mơ thêm một lần nữa, Osaka hãy tự tin ước mình trở thành "Bà hoàng" thật sự, như những gì thần tượng làm được để đem lại vinh quang cho quê hương Nhật Bản. Chỉ cần luôn cố gắng và nhẫn nại, mọi thứ đều không quá tầm với của Naomi Osaka.

Naomi Osaka là tay vợt đầu tiên của Nhật Bản vô địch Grand Slam, san bằng kỉ lục 2 lần vô địch Grand Slam của tay vợt Li Na (Trung Quốc).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại