Lợi thế của U22 Việt Nam so với Thái Lan
Giống như trước giải U20 châu Á thì trước thềm SEA Games 32, các giải quốc nội trong đó có V.League cũng phải tạm nghỉ để nhường cho kế hoạch hội quân và chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á của U22 Việt Nam.
Việc được tạo điều kiện tối đa giúp HLV Troussier dễ dàng triệu tập một đội hình mạnh nhất ở thời điểm hiện tại mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía các CLB. Nhà cầm quân người Pháp có thể thoải mái chọn lựa những nhân tố phù hợp với chiến thuật của mình trong bản danh sách được sàng lọc từ giải V.League đến hạng Nhất, từ đó xây dựng bộ khung trước khi hành quân sang Campuchia.
Khác với U22 Việt Nam thì U22 Thái Lan đang gặp nguy cơ sứt mẻ về lực lượng, bắt nguồn từ sự xung đột lợi ích giữa U22 với các CLB ở Thai League 1 và Thai League 2. Do SEA Games không phải giải đấu thuộc hệ thống của FIFA nên các CLB ở Thái Lan tất nhiên không có nghĩa vụ nhả quân và điều đó đang tạo ra những khó khăn riêng cho HLV Issara Sritaro.
Thái Lan gặp bất lợi so với U22 Việt Nam xuất phát từ xung đột lợi ích giữa đội U22 và các CLB.
Ngoài trường hợp vắng tiền đạo hàng đầu Suphanat do phía Buriram giữ chân sút này để chuẩn bị đưa sang Anh tu nghiệp thì HLV Sritaro còn có thể tiếp tục mất quân do tác động từ phía CLB. Trong ngày tập trung hôm qua (20/4), HLV Sritaro vẫn chưa có lực lượng mạnh nhất vì một số cầu thủ còn bận thi đấu ở cấp CLB, khi mà giải quốc nội ở xứ Chùa Vàng hoàn toàn không tạm nghỉ để nhường chỗ cho SEA Games.
Việc xung đột lợi ích giữa CLB và đội U22 có thể gây ra ảnh hưởng tới tham vọng giành HCV SEA Games của "Voi chiến". Bản thân HLV Sritaro thừa nhận không phải cầu thủ nào trong danh sách triệu tập sơ bộ cũng sẽ góp mặt tại SEA Games 32. Trong trường hợp xấu nhất, U22 Thái Lan sẽ không có được sự phục vụ của một số vị trí do phía CLB từ chối nhả quân, chưa kể tới nguy cơ chấn thương với các cầu thủ Thái Lan cũng cao hơn so với cầu thủ U22 Việt Nam, do họ phải phục vụ ở CLB sát thời điểm diễn ra SEA Games.
Rõ ràng nếu so với U22 Việt Nam, Thái Lan gặp bất lợi rõ rệt về điều kiện và quỹ thời gian chuẩn bị trước khi cùng hành quân sang Campuchia tham dự SEA Games 32.
Mối lo lớn với thầy trò HLV Troussier
Dù nắm lợi thế nhất định song điều đó không có nghĩa là U22 Việt Nam được đánh giá cao hơn so với Thái Lan trước khi hai đội phải sớm đối đầu từ vòng bảng tại SEA Games.
Vừa qua khi trả lời truyền thông sau buổi tập, trung vệ Quang Thịnh tiết lộ về ý đồ chiến thuật của HLV Troussier. Theo đó, nhà cầm quân người Pháp đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, chiến thuật và muốn U22 Việt Nam chơi kiểm soát bóng một cách tối đa. Thậm chí, HLV Troussier đã từng nổi nóng, yêu cầu một học trò dừng buổi tập vì lý do cầu thủ này không thực hiện đúng giáo án kỹ chiến thuật.
Với HLV Troussier, việc cải thiện kỹ năng xử lý bóng có vẻ đang là ưu tiên hàng đầu. Điều này không phải quá khó hiểu bởi ở giải giao hữu tại Doha Cup, toàn đội đã mắc nhiều sai lầm, đặc biệt là việc xảy ra tình trạng cầu thủ chuyền hỏng quá nhiều.
U22 Việt Nam còn bộc lộ nhiều vấn đề trong đó có khả năng phòng ngự.
Tuy nhiên, kỹ chiến thuật, khả năng xử lý bóng lại phải đi kèm với yếu tố thể lực. Ở Doha Cup, sự hụt hơi, xuống sức từ khoảng nửa sau hiệp hai khiến các cầu thủ không thể thi đấu tốt và phải nhận những bàn thua. Trong một khoảng thời gian ngắn chỉ tầm 1 tháng, việc HLV Troussier phải cải thiện từ kỹ chiến thuật, khả năng xử lý bóng đến cả nâng cao thể lực quả thực là điều rất khó. Nguy cơ "bội thực" trong giáo án tập luyện với các cầu thủ trẻ không phải là không thể xảy ra.
Ở trận giao hữu mới nhất gặp CLB TP.HCM, việc để thủng lưới 3 bàn cũng phần nào cho thấy U22 Việt Nam còn bộc lộ những vấn đề ở khâu phòng ngự, điểm yếu từng bị phơi bày rõ nét tại Doha Cup. Nếu không cải thiện được điều này, sẽ là rất khó khăn nếu U22 Việt Nam phải đối mặt với Thái Lan luôn mạnh về hàng công tại SEA Games sắp tới.
Vừa qua ở Doha Cup, U22 Thái Lan thi đấu rất hay dù các cầu thủ không có nhiều thời gian để tập luyện và đá cặp cùng nhau. "Voi chiến" vẫn thể hiện được sự nhuần nhuyễn trong lối chơi và khả năng triển khai tấn công đa dạng. Tại SEA Games sắp tới, rất có thể cả Thái Lan lẫn U22 Việt Nam đều sẽ dùng lối đá thiên về tấn công hòng giành kết quả như ý. Khi đó, đội bóng nào tấn công tốt hơn, mắc ít sai lầm hơn ở hệ thống phòng ngự rất có thể sẽ là đội giành chiến thắng.
Thầy trò HLV Troussier có thể phải trả giá trước Thái Lan nếu không khắc phục những điểm yếu.
Về cơ bản, U22 Việt Nam vẫn nắm lợi thế về điều kiện chuẩn bị, song nếu không khắc phục được những điểm yếu, thầy trò HLV Troussier hoàn toàn có thể sẽ phải trả giá khi đối đầu "Voi chiến" ở kỳ SEA Games tới.