MV Đừng hỏi em của Mỹ Tâm đã gây sốt với mối tình giữa cô gái và anh chiến sỹ. Mối tình thật đẹp nhưng cuối cùng kết thúc không có hậu, khi cô gái (Mỹ Tâm) đã chết do lấy thân mình che đạn cho người yêu.
Một MV khác đang được nhiều người đón nhận cũng có kịch bản yêu và chết cho tình yêu: Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh. Sau khi tông xe vào cột điện, nhân vật nam đã cố gắng bế người yêu rời khỏi xe. Bi kịch được đẩy lên cao trào khi anh chợt nhớ chiếc nhẫn cầu hôn còn trên xe nên quay lại lấy thì chiếc xe nổ tung. Cô gái đau đớn nhìn người yêu chết một cách đầy bất lực.
Yêu và chết cho tình yêu không phải là chủ đề lạ với khán giả Việt. Đó từng là kịch bản chung cho các bộ phim Hàn Quốc, với những chuyện tình lãng mạn, cuối cùng kịch tính đẩy lên cao trào với hình ảnh nam diễn viên chính, hay nữ chính phải chết.
Có thể thấy các ca sỹ Việt cũng đang đánh vào cảm xúc của khán giả bằng những câu chuyện tình đẹp nhưng kết thúc không có hậu. Đáng nói là điều ấy đang bắt đầu trở thành xu thế của âm nhạc Việt Nam.
Ở một mức độ vừa phải thì nhiều người sẽ thích thú khi chưa nhận ra chiêu trò tạo tính kịch. Nhưng nhiều MV đồng loạt xuất hiện cùng kịch bản yêu và chết vì yêu sẽ gây nhàm chán với khán giả, và phản tác dụng là điều sớm muộn cũng xảy đến.
Tấm gương cho âm nhạc Việt là sân chơi V.League - giải đấu được xem là vô cùng hấp dẫn với ca khúc “Đường đến vinh quang” đầy quyết liệt, thậm chí phải chờ đến tận phút cuối cùng mới ngã ngũ theo kiểu “bom tấn” Hollywood.
Năm ngoái, vòng cuối V.League 2016 có đến 3 đội đua vô địch là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Cuối cùng, đội bóng của bầu Hiển đăng quang để đón sinh nhật 10 năm nhờ hơn hiệu số bàn thắng - bại so với đội bóng đất Cảng.
Hình ảnh đầy bi hài là CĐV Đà Nẵng mang hình bầu Hiển đến sân Cao Lãnh ở vòng cuối V.League 2016. Ảnh: Webthethao.vn
Kịch bản hạ màn ấy đã lấy đi rất nhiều nước mắt của CĐV đất Cảng. Dù dư luận đã sớm đoán trước kịch bản Hà Nội vô địch sẽ diễn ra ở vòng cuối cùng.
Trong khi đó, BTC giải thừa thắng xông lên với tuyên bố giải đấu thành công, khi cuộc đua vô địch diễn ra kịch tính. Dù xuyên suốt giải đấu nhan nhản tiếng chửi trọng tài, CĐV Bình Dương và Quảng Ninh có lúc “tẩy chay” bằng cách bịt khẩu trang xem bóng đá…
CĐV Quảng Ninh bịt khẩu trang xem bóng đá. Ảnh: vietnamnet
Mùa này, cuộc đua vô địch khốc liệt hơn mùa trước khi 7 đội đang có cơ hội đăng quang. Nhưng khổ nổi là không nhiều khán giả quan tâm đến giải đấu. Một số ý kiến nhận định chức vô địch sẽ về tay đội bóng của bầu Hiển.
Không phải ngẫu nhiên mà khán giả Việt ngó lơ V.League ở giai đoạn cuối. Bởi họ đã quen với sự kịch tính như “tính kịch” của giải đấu số 1 Việt Nam. Điều ấy có từ V.League 2012, khi Hà Nội bị dư luận nhận định là cố tình “dìu” Đà Nẵng lên đỉnh bằng cách cầm chân Sài Gòn Xuân Thành ở vòng cuối.
Tất cả là câu chuyện buồn cho khán giả Việt và V.League, khi chuyện cũ cứ tái lặp trong sự bất lực của nhà tổ chức. Ngẫm mà bi hài cho sự kịch tính của giải đấu từng được gọi hấp dẫn nhất Đông Nam Á nhưng đầy “tính kịch”, “chết mòn” trong mắt người hâm mộ.