Muốn vô địch AFF Cup, bóng đá Việt Nam phải học cách khiêm nhường

HỒNG NAM |

Chưa từng lọt vào chung kết từ sau chức vô địch năm 2008, lấy lý do gì để khẳng định tuyển Việt Nam sẽ dễ dàng chinh phục "ao làng" AFF Cup dù có trong tay lực lượng mạnh dưới thời HLV Park Hang Seo?

1. Giới hâm mộ bóng đá Việt Nam luôn có một câu cửa miệng khi cổ vũ đội tuyển, đó là "Việt Nam vô địch". Đó gần như một tuyên ngôn xuất hiện trong hầu hết các giải đấu lớn, từ AFF Cup, SEA Games, ASIAD đến các giải trẻ châu lục.

"Việt Nam vô địch" không chỉ là lời thúc giục. Đó còn là... lời nguyền, bởi mấy chục năm qua, tuyển Việt Nam mới một lần biến khẩu hiệu trên trở thành hiện thực. 

Ngoài AFF Cup 2008 là đỉnh cao duy nhất cách đây 10 năm, U23 Việt Nam hay ĐTQG chưa có thêm một danh hiệu "danh chính ngôn thuận" nào. Không chức vô địch, không huy chương vàng SEA Games. Tính riêng ở AFF Cup, tuyển Việt Nam không lọt vào chung kết trong bốn giải đấu gần nhất.

Muốn vô địch AFF Cup, bóng đá Việt Nam phải học cách khiêm nhường - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam lỡ hẹn chung kết AFF Cup trong tám năm qua.

Do đó, xét trên khía cạnh thành tích, thầy trò HLV Park Hang Seo hiển nhiên không phải đội bóng giàu truyền thống, ngay ở địa hạt... ao làng. Chúng ta chỉ giàu tham vọng và ở mức ứng cử viên tiềm năng. Mà đã dừng ở mức tiềm năng, đừng bao giờ đặt mục tiêu vô địch lên tầm... đương nhiên phải thế.

2. Bóng đá Việt Nam đang "được mùa" cầu thủ trẻ, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của lứa U19 năm 2013-2014 (Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn) và lứa U19 năm 2016 (Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh).

Danh hiệu Á quân U23 châu Á và hạng Tư ASIAD 2018 cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của đội tuyển dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, song phải nói lại ý kiến đã được các chuyên gia nhấn mạnh trong nhiều ngày qua: thước đo chính xác nhất của một nền bóng đá nằm ở sức mạnh của ĐTQG.

Muốn vô địch AFF Cup, bóng đá Việt Nam phải học cách khiêm nhường - Ảnh 2.

Thành công tạo ra động lực, chứ không phải căn cứ để mộng tưởng.

Thất bại liên tiếp của U16 và U19 Việt Nam cho thấy: thành tựu hôm nay của bóng đá trẻ chỉ mang tính "mùa vụ", nhất thời. Tình cảnh khó khăn của V-League với số ít trung tâm đào tạo chất lượng chưa tạo động lực đủ lớn để đội tuyển chuyển mình. 

Tám tháng qua, bóng đá Việt Nam "sống" dựa trên một bộ khung duy nhất. Các tài năng trẻ tiến bộ nhanh chóng để trở thành trụ cột đội tuyển, song phải thừa nhận, thầy Park đang không có nhiều lựa chọn.

Chuyện cả đội tuyển lo "sốt vó" khi Văn Thanh chấn thương hay U19 viện cầu Văn Hậu đá giải U19 châu Á cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa có lực lượng đủ dày dặn. Mà dày dặn, lại là yếu tố đầu tiên để duy trì sự ổn định.

Rất khó đoán định sức mạnh hiện tại của tuyển Việt Nam, khi HLV Park Hang Seo không có bất cứ trận giao hữu tử tế nào sau một năm làm việc. Hành trang của chiến lược gia người Hàn Quốc là hai trận hòa với Afghanistan và Jordan. 

Trong khi Myanmar, Malaysia, Thái Lan,... tích cực giao hữu quốc tế để kiểm định lực lượng, tuyển Việt Nam chỉ đá kín bốn trận trên đất Hàn Quốc, với đội hình chưa chắc đã là tốt nhất của các đội bóng K-League.

Muốn vô địch AFF Cup, bóng đá Việt Nam phải học cách khiêm nhường - Ảnh 3.

HLV Park Hang Seo sẽ đối diện với thử thách nặng nề.

Khó khăn trong khâu chuẩn bị được thầy Park chính thức thừa nhận trong buổi họp báo, nhưng ông hiểu, chông gai với các học trò không chỉ đến từ số trận giao hữu đếm trên đốt ngón tay trong một năm qua. Sức ép lớn nhất đến từ kỳ vọng của người hâm mộ, từ khẩu hiệu "Việt Nam vô địch" với tình yêu nồng cháy chỉ được đáp lễ duy nhất một lần.

Áp lực vô địch AFF Cup 2018 được tạo nên từ thành công của các đội trẻ, dẫu điều ấy... chẳng liên quan đến sức mạnh của ĐTQG. Suy cho cùng, giải trẻ và giải chính vẫn luôn tồn tại độ chênh nhất định. 

Nếu áp lực ấy được tạo nên từ sức mạnh thật của ĐTQG, đấy mới là áp lực... có lý. Còn hiện tại, ai biết được đội tuyển của thầy Park nhuần nhuyễn, nguy hiểm cỡ nào để tạo nên sức mạnh cạnh tranh, khi các đối thủ trong khu vực đang tiến bộ từng ngày?

3. Sức mạnh của tuyển Việt Nam là sức mạnh trên lý thuyết, với những mảnh ghép chất lượng ở các vị trí, song "mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi". Bóng đá là cuộc chơi của những biến số khó lường, chứ không phải mạnh được, yếu thua.

Muốn vô địch AFF Cup, bóng đá Việt Nam phải học cách khiêm nhường - Ảnh 4.

AFF Cup luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ.

Ngoại trừ Thái Lan, cả Indonesia, Malaysia đều từng lọt vào chung kết AFF Cup, dù không sở hữu những cầu thủ hay những trận đấu thật sự chất lượng. Indonesia của HLV Alfred Riedl năm 2016 chiến đấu bằng sức mạnh tinh thần, còn Malaysia năm 2014 loại Việt Nam vì mắc ít sai lầm hơn. 

Nói vậy để thấy, từ lý thuyết về những quân bài chất lượng đến mục tiêu vô địch còn rất xa vời. Bóng đá hấp dẫn chính bởi sự khó lường đó.

Quan trọng nhất, tuyển Việt Nam phải biết chính xác chỗ đứng của mình. Nhìn lại bốn kỳ tích lớn của bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua để thấy, các cầu thủ thường làm nên điều kỳ diệu khi nhận được tín nhiệm của người hâm mộ ở mức thấp nhất. 

Năm 2008, tuyển Việt Nam của HLV Henrique Calisto lên đỉnh Đông Nam Á sau... chục trận giao hữu không thắng trước đó. Năm 2016, U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn vào bán kết châu Á sau khi bị chỉ trích tơi tả vì thất bại ở giải Đông Nam Á.

U23 Việt Nam hay Olympic Việt Nam cũng vậy. Chúng ta có được vinh quang nhờ nhận thức rất rõ vị thế của mình. Ngược lại, khi chịu sức ép phải vô địch, các đội tuyển thường buồn nhiều hơn vui.

Quang Hải cùng các đồng đội đã đủ "chín" để coi vô địch là nhiệm vụ sống còn, như cách Real Madrid, Barcelona hay Bayern Munich nghĩ đến Champions League hay chưa? Hỏi cũng là trả lời. Sự khiêm nhường, trầm tĩnh và biết mình biết người sẽ giúp đội tuyển đi được xa nhất trên hành trình đầy cạm bẫy phía trước.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại