Dễ dàng hình dung ra tại Wembley đêm thứ Bảy , giai điệu “không phải trong đời tôi” sẽ cất lên bởi những người hâm mộ Man City. Họ nhại lại câu nói của Sir Alex Ferguson vào năm 2009, trước câu hỏi bao giờ kình địch cùng thành phố của MU sẽ lên ngôi vô địch.
Cuộc sống đã thay đổi quá nhanh. The Citizens tới Wembley với tư cách nhà tân vô địch Premier League, danh hiệu thứ 9 kể từ sau tuyên bố của cựu HLV người Scotland. Và nửa xanh thành Manchester đang có tham vọng tái lập cú ăn 3 vĩ đại, kỳ tích mà chỉ MU của Sir Alex từng tạo ra năm 1999.
Ở cái năm huy hoàng ấy, trong lúc MU đắm chìm trong những lời tán dương, Man City đang cố gắng trèo lên từ giải hạng 3 (Division One). Đó là giai đoạn đáng quên trong lịch sử The Citizens khi thường xuyên di chuyển qua lại giữa các hạng đấu. Dĩ nhiên, danh hiệu là thứ không bao giờ được đề cập đến.
Nỗi buồn Man City khi rớt xuống hạng 3 năm 1998. (Ảnh: Getty Images)
Thế mới có chuyện vào năm 2001, một bữa tiệc ăn mừng đã được người hâm mộ MU tổ chức. Và nó… dành cho Man City, kỷ niệm 25 năm CLB này tay trắng (kể từ năm 1976). Họ đặt tiệc ở Silver Suite tại chính sân vận động Main Road của The Citizens, thuê cả DJ cùng một diễn viên hài để khuấy động bầu không khí.
Bằng cách nào đó Man City biết được và hủy đặt phòng. Nhưng những người MU không từ bỏ. Họ chuyển sang địa điểm khác, quán bar Henry’s ở trung tâm thành phố. Vào nửa đêm, hàng trăm người đổ về đó, tiện tay dán các biểu ngữ “25 năm” lên khắp các tuyến đường. Khi bữa tiệc tàn, người ta bắt đầu lên kế hoạch cho lễ kỷ niệm vào năm 2026, đánh dấu 50 năm không danh hiệu của Man City.
Chúng ta đang sống trong năm 2023, tức chỉ còn 3 năm là đến mốc 2026. Nhưng sẽ không có bữa tiệc nào được tổ chức. Đơn giản vì thời gian chờ đợi để nâng Cúp của The Citizens đã kết thúc từ lâu.
Man City vô địch Anh năm 2011, bắt đầu kỷ nguyên huy hoàng kéo dài đến tận ngày nay. (Ảnh: Getty Images)
Sau năm 2001, những người hâm mộ Man City trung thành phải chờ thêm 10 năm nữa để (2011) để chứng kiến đội bóng của họ giành Cúp (FA Cup). Những năm tiếp theo, nửa xanh thành Manchester vụt trở thành cỗ máy sản xuất danh hiệu. Dưới thời ông chủ mới Sheikh Mansour, họ đã có 18 danh hiệu các loại, bao gồm 7 chức vô địch Anh.
Còn MU, lụn bại dần kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu. Họ luôn kết thúc với vị trí thấp hơn Man City trong BXH Premier League 10 mùa qua. Và trước khi giành Cúp Liên đoàn (League Cup) hồi tháng 3 vừa rồi, Quỷ đỏ đã trải qua 6 năm không danh hiệu.
Thật mỉa mai, Cúp Liên đoàn là loại danh hiệu không bao giờ được coi trọng khi Sir Alex còn tại vị. Thời trước nó còn được gọi là Worthington Cup theo tên hãng bia tài trợ, và người MU đọc trại đi thành Worth Nothing Cup - Chiếc Cup vô giá trị. Cùng với FA Cup, League Cup là sân chơi của các cầu thủ trẻ, giúp những trụ cột có thời gian nghỉ ngơi, dành sức cho Premier League và Champions League.
MU giành cú ăn 3 năm 1999. (Ảnh: Getty Images)
Sau 24 năm, Man City đang đứng trước cơ hội tái hiện thành tích vĩ đại của MU. (Ảnh: Getty Images)
Vậy mà bây giờ nó trở thành cứu cánh của MU. Tương tự là FA Cup. Dù sao đây vẫn là chiếc Cúp, có thể bổ sung vào phòng truyền thống đã lâu không đón chào danh hiệu mới. Hơn nữa, như chính HLV Erik Ten Hag cùng các cầu thủ tuyên bố, họ có nhiệm vụ cao cả ngăn Man City hoàn tất cú ăn 3. Khi những chương mới vĩ đại chưa được viết ra, MU vẫn dựa vào lịch sử cũ kỹ. Họ phải bảo tồn tính toàn vẹn của nó.
Thật ra ngay thời điểm Ole Gunnar Solskjaer đưa bóng vào lưới Bayern, đưa MU lên đỉnh châu Âu và gom đủ 3 chiếc Cúp, nhiều người biết rằng kỳ tích nào cũng có thể bị xô đổ. Chỉ có điều không ai ngờ đó lại là Man City.
Trong phần lớn triều đại của mình ở Old Trafford, Sir Alex không khi nào coi trọng Man City. Gary James, chuyên gia bóng đá ở Manchester, đồng thời là người hâm mộ The Citizens cũng xác nhận điều này. “Ông ta phớt lờ Man City và luôn nói với các học trò, trận đấu với Man City không được tính là derby, và trận derby thực sự phải là với Liverpool”, tờ The Athletic trích lời James.
Vào năm 1999, trận derby Manchester của Man City là với Macclesfield Town. (Ảnh: Getty Images)
Ý tứ của Sir Alex rất rõ ràng. Như người ta thường nói, đỉnh cao của sự khinh bỉ là không coi kình địch là đối thủ. Ông khiến Man City hiểu rằng họ thua kém về mọi mặt để không phải đối địch xứng tầm của MU. Trong một tuyên bố khác, Sir Alex gọi sân nhà của Man City là “ngôi đền của sự diệt vong”.
Trở lại năm 1999, trận derby Manchester mà The Citizens chơi là với Macclesfield Town, trong trận đấu ở giải hạng 3 trước 3 ngàn khán giả ở Main Road. Vào những lúc không có kết quả tốt trên sân nhà, các cầu thủ sẽ trốn trong phòng thay đồ và chờ đến khi người hâm mộ ra về hết. “Họ đi cả rồi”, một người hét lên sau đó tất cả ùa ra bãi đỗ xe, lên ô tô để về nhà. Đội trưởng Andy Morrison của Man City hồi ấy xác nhận, MU không có trong câu chuyện của anh và đồng đội. “Họ là đội bóng hay nhất thế giới, còn chúng tôi lặn ngụp ở hạng 3”, Morrison cho biết.
Bây giờ sân nhà của Man City là Etihad, nơi chứng kiến quá nhiều lần nâng danh hiệu Premier League. Thậm chí Wembley cũng trở thành thánh địa của The Citizens. 13 năm qua họ tới đây 24 lần để chơi các trận bán kết, chung kết (FA Cup, League Cup) hoặc tranh Siêu Cúp Anh. 11 trong số đó Man City ra về với Cúp trên tay. Lúc còn tại vị Sir Alex cũng không ngăn nổi sự trỗi dậy của kẻ mà ông gọi là “người hàng xóm ồn ào”. Sau đó David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, Solskjaer lại càng không.
HÌnh ảnh hai cuộc chạm trán ở Premier League mùa này giữa Mu và Man City. (Ảnh: Getty Images)
Ten Hag thì sao? HLV người Hà Lan nhận thất bại tan nát 3-6 trước Man City vào tháng 10 năm ngoái nhưng đã trở lại, đánh bại đối thủ 2-1 ở trận tái đấu hồi tháng 1. Ngày Premier League hạ màn, trong bài phát biểu đầy cảm hứng ở Old Trafford, Ten Hag cam kết “ sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Man City đoạt Cúp FA ”.
Nếu Ten Hag thành công, đây sẽ là cú hích lớn cho MU sau những năm tháng khốn khổ dưới cái bóng của Man City. Người hàng xóm khó ưa đã lấy đi của họ mọi thứ, từ những chiếc Cúp, vị thế số một, triều đại rực rỡ được tạo ra bởi HLV hàng đầu. MU chưa trở thành đối trọng ngay lập tức, song ít nhất cũng trở thành kẻ phá bĩnh, đập tan giấc mộng ăn 3 của đối thủ. Sau một thời gian, cuối cùng họ cũng có thể ăn mừng thất bại của đối thủ.
Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự khốc liệt trong bóng đá hiện đại, với sự cạnh tranh không khoan nhượng và niềm vui của một đội được tạo ra từ nỗi đau của đội khác. Đi xa về quá khứ, tất thảy sẽ kinh ngạc về mối quan hệ hữu hảo của MU và Man City.
Trận đấu giữa MU và Man City đã trở thành trận derby lớn nhất thế giới. (Ảnh: Getty Images)
Man City từng cho phép MU chơi tại Main Road suốt 8 năm do Old Trafford bị hư hại nặng nề vì những trận ném bom của phát xít Đức trong Thế chiến 2. Họ cũng đề nghị cung cấp cầu thủ để MU có thể hoàn thành lịch trình mùa giải sau thảm họa rơi máy bay ở Munich khiến 8 cầu thủ thiệt mạng. Chưa hết, The Citizens còn hỗ trợ tiền bạc giúp Newton Heath, tiền thân của MU, đang gặp khó khăn tài chính tồn tại.
MU cũng đáp lễ bằng cách mời Giám đốc Man City, Albert Alexander, dẫn đầu cuộc diễu hành ăn mừng chiếc Cúp FA 1909. Những ngày ấy, chiến thắng không thuộc về một CLB cụ thể, mà dành cho cả thành phố Manchester.
Sự biến đổi của ngành công nghiệp bóng đá, với tiền bạc, ảnh hưởng, làn sóng cầu thủ quốc tế và những ông chủ đến từ ngoài nước Anh, khiến tất cả biến dạng. Tính địa phương suy giảm và mối quan hệ hữu hảo tiêu biến. Hiện tại ở Manchester không còn khái niệm đồng hành. Không có chúng ta. Tất cả chia hai, với xanh và đỏ, thắng và thua, sung sướng và đau khổ, vinh quang và thất bại, thiên đường hạnh phúc và địa ngục đẫm máu.