img

òn hơn một tiếng nữa thì đến 5h chiều, giờ xuất phát của đội quân bán vé số. Các bà cụ hầu hết đã dậy, ngồi bó gối xem một bộ phim Việt Nam nhiều tập đang phát trên tivi, có thằng con rể nghèo xác lọt vào nhà đại gia xong lại phụ bạc cô tiểu thư tốt bụng để rửa hận.

Bà Hai Cụt không xem phim. Tại chỗ nằm sát rạt bàn thờ ông Địa, bà tỉ mẩn lấy một tấm khăn mặt cũ quấn mỏm cụt chân. Hai miếng nilon quấn thêm. Một túi nilon trắng bao lại. Một ống quần jean cũ đã may bịt một đầu thành cái túi tròng vào. Lại thêm bốn lớp bao nilon. Thỉnh thoảng bà thò tay vào gầm tấm ván nhỏ đặt sát tường, moi ra một mớ dây thun to bản màu vàng, loại lớn bằng cổ tay và dày khoảng ba ly. Cứ một lớp nilon là hai vòng dây thun quấn chằng. Bà Hai cụt mất một chân từ hồi chiến tranh, bây giờ lết đi bán vé số, cái mỏm cụt lết trên những lề đường thành phố trúng cát sỏi đau lắm. Nên bữa nào trước khi đi bán bà cũng mất khoảng nửa tiếng chuẩn bị thật kỹ lưỡng.

Từ cuối phòng, chị Lê ném qua một vốc thun nữa. "Giữ xài nha, hết rồi đó"-chị nói lớn.

Bà Hai lẳng lặng gom mớ thun cất vào một cái túi nhét kỹ. Xong đâu đó, bà cầm xấp vé số cung kính vái mấy vái trước bàn thờ ông địa.

Ngày nào cũng như ngày nào, cứ từ 4h chiều, bà Hai lại rị mọ chuẩn bị chừng đó việc.

82 tuổi, nhưng chỉ trừ những hôm quá mệt mỏi đau yếu hoặc trời mưa to, quán xá vắng khách ăn nhậu, bà mới nghỉ. Nhưng nghỉ ngày nào mất tiền ngày đó. Bà Hai còn hai đứa con trai ở quê Phú Yên, làm nghề biển hay đốt củi nấu than gì đó. Nhưng con bà không đủ tiền nuôi mẹ, bà nói vậy. "Hơn mười năm nay ai làm nấy ăn. Tết về tự nấu xoong cơm, một mình ăn dấy ăn dá vậy thôi. Con dâu nó nấu giùm thì nấu, không thì thôi". (Dấy dá là từ miền Trung, nghĩa là qua loa, sơ sài. Ăn dấy dá là ăn lấy có, qua bữa-NV).

Nghỉ một đêm bán vé số, với bà Hai, nghĩa là sẽ phải làm nhiều hơn vào những ngày tạnh ráo để bù lại.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 2.

Căn nhà lụp xụp của "đội quân" các bô lão đi bán vé số.

ách đó vài bước, bà Hai Bắc đang xoa dầu vào bắp chân cho đỡ nhức mỏi sau một đêm dài đi bán. Bà Hai Bắc tên thực là Hường, bằng tuổi bà Hai Cụt và bà Chín Lùn, là những người lớn tuổi nhất ngôi nhà này. Cả hai đã xa con cháu ở Phú Yên, vô Sài Gòn đi bán vé số được hơn mười năm nay.

Sài Gòn mùa mưa, thời tiết rất thất thường. Đang nắng chang chang bỗng một cơn mưa ầm ỹ trút xuống như người ta cầm chĩnh đổ. Nước phủ trắng trời đất, có lúc gió thổi xiêu cả xe máy.

Ngoài trời lạnh khiến mùi dầu gió trong ngôi nhà ẩm thấp càng sực lên, bớt đi phần nào bầu không khí tù đọng.

ơn mưa ầm ầm kéo dài khoảng một giờ rồi ngớt dần. Các bà cụ lần lại túi áo, buộc thêm dây thun vào ống quần để dễ kéo lên cao khi đi trên đường đọng nước. Trên gác gỗ, ông Sâu điếc tai đã chằng cái chân giả-đơn giản chỉ là một ống cao su màu đen vào mỏm đầu gối, chuẩn bị cho một đêm kiếm sống.

Như một bản nhạc nền phù hợp, một chấm phá đối nghịch rõ nét, hay cũng có thể là một luồng cảm hứng, từ cửa ngôi nhà đối diện, giọng người tường thuật chương trình xổ số trực tiếp trên đài Vĩnh Long vọng sang rõ mồn một.

Ngôi nhà ngột ngạt tối tăm trong một con hẻm nhỏ gần chân cầu Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM từ bảy năm nay, tùy lúc có thể cùng sinh sống đến ba bốn chục người như bà Hai Cụt. Nó là nhà thuê, một dạng ký túc xá mở cho những người già quê Phú Yên mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Sài Gòn có rất nhiều những ngôi nhà như vậy. Trong một con hẻm trên phường Nguyễn Cư Trinh quận 1 có cả chục ngôi nhà gần nhau, có nhà toàn người trẻ, có nhà nhiều người trung niên, có nhà nhiều người khuyết tật... nhưng đều chung một mô hình: người nhanh nhẹn, khấm khá nhất đứng ra làm quản lý, thuê nhà, lãnh vé số ở đại lý về chia cho từng người, nhận và trả tiền, trả vé thừa…Vợ anh ta nấu ăn và dọn dẹp chung. Những người đi bán vé số chỉ việc mang CMND trình tạm trú rồi tập trung bán phần vé số của mình và nhận hoa hồng khoảng 1.000 đ-1.200 đồng/ tờ. Hoa hồng còn lại dành cho người quản lý, vào khoảng 200 đ-300 đ/tờ.

Công việc này hầu như ai cũng làm được nên cứ hết ngày mùa, vào kỳ nghỉ hè khi học sinh bế giảng hoặc đến tuổi không còn làm ruộng được thì bà con lại vô Sài Gòn bán kiếm tiền. Được ít tháng, mệt mỏi, đau chân hoặc ở nhà có việc lại về quê nghỉ ngơi.

Đặc biệt, hầu hết những người bán vé số đều quê ở Phú Yên.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 7.

Căn nhà ảm đạm, ngột ngạt và tối tăm - một dạng ký túc xá mở cho những người già quê Phú Yên mưu sinh bằng nghề bán vé số.

5 giờ chiều. Đã có giấy dò số. Bà con lũ lượt ra khỏi nhà. Họ phải nhanh chân, vì người mua vé số cần xem giấy dò để so kết quả rồi mới tính đến việc mua tiếp hay không. Nếu họ đã mua của những người đến trước thì cơ hội cho người bán sau sẽ không còn nữa. Chỉ thoáng chốc, vài chục người đi hết. Ngôi nhà trở nên vắng lặng.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 9.

rên cây cầu dài Nguyễn Văn Cừ bắc từ quận 1 qua quận 8, ông Sâu mải miết gõ chiếc ống cao su bước đi như một cỗ máy kiên cường. Mỗi bước chân của ông chỉ dài bằng nửa bước người bình thường, nhưng ông không dừng lại. Ở quê, ông còn một người vợ bệnh tật. Cách đây tám năm, trong một đợt lũ lớn ở Phú Yên, con gái và cả hai đứa cháu của ông bị lũ cuốn chết hết. Vợ ông phát bệnh từ đó, tâm tính thất thường lúc mê lúc tỉnh.

Gởi vợ lại cho gia đình con trai, ông Sâu vô Sài Gòn bán vé số. Vài ba tháng một lần, chân đau nhức quá không đi bộ nổi để bán nữa thì ông về quê. Gạo, mì và số tiền dành dụm mang về để hai vợ chồng sống được một hai tháng, rồi ông lại rời quê vào bán tiếp.

Bà Hai Bắc quê ở Hà Tĩnh, có hai người con. Gái đã lấy chồng ở quê. Bà cùng con trai vào sống ở thôn Phú Liên xã An Phú TP Tuy Hòa. Tiếng là thuộc thành phố, nhưng xã này nằm ở hai bên quốc lộ, một bên là đồi núi, bên kia là biển. Dân sống bằng ruộng rẫy-những mảnh ruộng nhỏ tí xíu, bờ nhiều hơn đất, và đi biển.

Bà Hai Bắc cũng như bà Hai Cụt không đủ sức để tự đi bán. Họ được những người khỏe mạnh hơn chở bằng xe đạp hoặc xe máy, bán xong điểm nọ lại leo lên xe đến điểm kia, cứ thế cho mãi khi hết vé mới về. Thường xuyên là đến 12 giờ đêm, nhiều khi đến một, hai giờ sáng.

Những con đường ngoại thành gập ghềnh, những vỉa hè dốc và khấp khểnh. Trời mưa, những thềm dốc càng trơn. Nhiều hôm tôi chỉ sợ bà ngã. Bà mà ngã, cái cổ chân lỏng lẻo bé tẹo như cái xương chân gà dưới làn da gần như trong suốt ấy sẽ không thể đỡ bà dậy. Lưng còng, chống cây gậy trúc cũng nhỏ xíu, đứng mà chỉ cao hơn những thực khách đang ăn uống đúng cái mũ đội trên đầu, trông bà hết sức đáng thương giữa khung cảnh náo nhiệt của những quán nhậu đang đông đúc.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 11.

Nhìn cái dáng nhỏ xíu của bà Hai Bắc hết sức đáng thương, lọt thỏm giữa đường phố Sài Gòn, lẫn vào những dáng người cao lớn trong những quán nhậu đông đúc.

hoảng 300 tờ vé số bán được mỗi đêm, bà có được 300.000 đ, nhưng phải chia một nửa cho ông Tiếng. Tuy vậy, trừ tiền ăn ở và uống thuốc, mỗi tháng bà cũng còn một hai triệu. Còn nếu cứ ở quê, bà sẽ không làm ra được một đồng nào.

Ông Sáu Mù hơn 70 tuổi cũng ở xã An Chấn, huyện Tuy An. Ông bị mù từ hơn 50 năm nay và phải đi bán cùng một người khác. Để chòm râu dài lốm đốm bạc dưới cằm, ông Sáu tự nhận mình là "giang hài" chứ không phải "giang hồ" và dù cuộc sống khó nhọc, ông rất hay hò hát. Một trong những bài ưa thích của ông là về anh chàng có sáu cô vợ:

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 14.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 15.

Ông Sáu Mù, bị mù từ hơn 50 năm nay. Mỗi lần đi bán, ông phải đi cùng một người nữa.

ng Sáu Mù đi bán chung với một người phụ nữ tên là Thảo. Bà có năm đứa con trai gái, đều đã ra riêng. Sức khỏe yếu, nhiều bệnh nên bà không làm đồng được. Ở nhà có mấy con bò với mảnh ruộng nhỏ, hàng ngày ông cắt cỏ cho ăn, khi thu hoạch lúa thì bà về phụ. Bà đi bán vé số vì làm nông chỉ đủ gạo ăn chứ không dư tiền mua thuốc.

Ông Hồ Long, một người gần như mù khác của ngôi nhà này thì đi cặp với chị Hồ Thị Lựu. Họ sống cùng xã với ông Sáu Mù, chỉ khác thôn. Những người khác đều có ngôi nhà nho nhỏ nhưng ông Long thì không, ông sống trong ngôi nhà thuê 1 triệu đồng/năm, mái tôn rỉ sét lủng lỗ, nằm gần như sát mép sóng bãi biển Long Thủy.

Hai mắt ông Long bị kém bẩm sinh, chỉ nhìn thấy lòa nhòa trong khoảng một mét. Đôi chân ông cũng yếu, đi lại run rẩy loèo khoèo chỉ chực ngã. Thế nhưng ông đã đi bán vé số được hơn bốn năm rồi. Ở quê lấy gì ăn?

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 18.

Dù chân bị loèo khoèo và hai mắt thì mờ, nhưng ông Long cũng đã mưu sinh bằng cái nghề bán vé số này được 4 năm rồi.

ai đứa con trai ông làm biển, năm ngoái một đứa đi xe máy bị người ta lấn ngã chà lòng bàn chân xuống mặt đường bê tông nát thịt, mãi từ tết đến giờ chưa khỏi hẳn. Nghề biển khơi trả tiền theo lèo (mỗi lèo là một tháng, hết lèo mới về đất liền), nó nghỉ một hơi gần nửa năm, tiền cạn sạch. Mẹ nó đi gánh cá thuê hay tét cá mướn cho mấy lò cá cơm, tức là ngắt đầu con cá cơm khô rồi tét thân ra làm hai, làm cả ngày được độ 50.000 đ.

Ông Long ráng bán để kiếm tiền trả nợ thuốc thang cho con và lo miếng ăn cho cả nhà. Số tiền lãi chia hai cho bà Lựu. Nếu bán giỏi, hết 300 tờ vé số trong đêm thì ông được 150.000 đ.

"Tui ngồi nghỉ một chút. Đi vô trong quán quay quay quay chóng mặt quá, muốn té lận"-8h tối một đêm Sài Gòn mưa dầm, ông Long run run ngồi xuống bãi cỏ trồng ở dãy phân cách con đường bên khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh. Mặt ông tái mét, đầu rũ xuống như không đỡ nổi cái gánh lo toan. "Ổng không ăn uống gì hết á, đi suốt đêm như vậy cũng không ăn uống gì, sợ tốn tiền, chỉ đi bán xong là về, bao nhiêu tiền lo gởi về hết trả nợ"-chị Lựu nói.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 21.

ià cả, khuyết tật, nghèo khổ, lang thang suốt đêm trên đường phố Sài Gòn, trong khi người khác ăn nhậu thì mình lụm cụm đi bán từng tờ vé số, tưởng những người già bán vé số đã gợi nhiều lòng thương cảm nhất. Thế nhưng vẫn có những kẻ táng tận nỡ cướp hoặc lừa tiền của họ.

Gần trăm người bán vé số chúng tôi gặp, ai cũng từng bị lừa tráo vé giả (đã xổ) hoặc bị cướp hết tiền. Lợi dụng người già mắt mũi nhập nhèm, bọn chúng đòi chọn rồi tráo xấp vé đã xổ trả lại cho họ. Cứ mỗi xấp bị tráo, họ mất vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.

Thậm chí ngay cả "đồng nghiệp" cũng lừa nhau. Cách đây bốn năm, người quản lý ngôi nhà này là ông Ngô Văn Tiếng (53 tuổi) bị một đám trai trẻ lừa lấy vé số đi bán rồi ôm vé bỏ đi luôn, mất hết 19 triệu, làm trả nợ hơn một năm mới dứt. Từ lần ấy, ông rút kinh nghiệm, chỉ nhận về những người già, biết thôn, biết xóm và được người khác trong nhà giới thiệu.

Cũng vì nghèo mà ông Tiếng từ Phú Yên vào Sài Gòn kiếm sống cách đây gần chục năm. Ban đầu làm thợ hồ, sau rồi sự quen biết và tình cờ đưa ông đến nghề này. Ông cũng là người khuyết tật: một mắt đã mù hẳn, mắt còn lại thì tầm nhìn càng ngày càng hẹp, bây giờ chỉ còn độ 40%. Trước kia còn đi xe ôm những lúc rảnh rỗi chờ bà Hai Bắc bán trong quán, giờ mắt yếu nên ông chỉ dựng xe chờ bà chứ không chạy xe ôm nữa.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 24.

Ông Tiếng bây giờ chỉ dùng xe máy để chở bà, chứ không làm xe ôm nữa.

gôi nhà ông Tiếng thuê giá 5 triệu/tháng, cộng cả điện nước tổng cộng khoảng 7 triệu, phía trên là một gác gỗ có gác lửng. Dưới sàn nhà chừng mười mấy mét, hàng chục người già và khuyết tật ăn ở chen chúc. Mỗi người chỉ có đúng khoảng vài ô gạch đủ đặt cái lưng, đi làm về là chỗ ngủ, đến bữa thì là chỗ ăn. Phòng vệ sinh tối tăm ẩm thấp, cửa là một mảnh vải cũ kỹ phất phơ. Sàn gác ọp ẹp. Áo quần treo quanh những vách tường đen sì bẩn thỉu. Đồ đạc riêng tư cất kỹ trong những cái va li hay giỏ xách. Nhìn đâu cũng thấy sự tồi tàn, nhem nhuốc, ngột ngạt.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 26.

Đôi bàn chân to bè, nứt nẻ của các cụ ông, cụ bà trong "đội quân" vé số.

ừ nhiều năm nay, đã có rất nhiều bài báo ca ngợi sự đùm bọc của những người già trong ngôi nhà này, khiến nó trở thành một điểm từ thiện đắt khách. Nhất là mùa tháng bảy, dân Sài Gòn có thói quen làm từ thiện, những điểm phát quà từ thiện (thường có gạo, mì, dầu ăn, đôi khi có thêm ít tiền) rất nhiều.

Bà Lê vợ ông Tiếng thừa nhận có nhiều ngày những người đi bán vé số về "không kịp ăn cơm, nhảy ngay đi nhận quà từ thiện". Có người, trong tháng gom được đến 30 phiếu quà. Họ khệ nệ mang về quê hoặc bán lại cho chính ngôi nhà này để nấu ăn chung.

Phó chủ tịch phường Cầu Kho nói với chúng tôi, hôm trước tết chính phó chủ tịch quận 1 đã đến thăm và có ý định mua lại ngôi nhà này rồi cho các cụ tiếp tục ở và đi bán vé số, nhưng sau khi biết về cuộc sống thực tế của họ thì ý định đó dừng lại. Ông tặng mỗi người một triệu đồng. Ông Sử, 70 tuổi cũng thừa nhận ở nhà này xập xệ, chật chội, nóng nực nhưng bù lại "được nhiều trợ cấp".

Chính ông Tiếng cũng kể có một bác sĩ người Việt sống ở nước ngoài cách đây vài năm đã đến thăm nhà và ngỏ ý muốn bỏ tiền ra sơn sửa lại cho sạch sẽ tiện nghi hơn. Nhưng bà con không chịu. "Chớ nhà này thuê của nẫu mà, sửa đẹp quá nẫu lấy lại thì sao? Bà con nói có cho thì chia ra cho bà con mỗi người ít tiền"- ông nói.

Vậy là vị bác sĩ đành dừng lại ở việc tặng tủ thuốc thông dụng. Chiếc tivi thì do một bác sĩ khác tặng.

Và do vậy, mặc dù được rất nhiều sự giúp đỡ suốt nhiều năm qua, ngôi nhà của những người bán vé số già nua vẫn bẩn thỉu, tối tăm với rất nhiều xe đạp và xe lăn treo quanh vách và trên gác. Những chiếc xe lăn được rất nhiều tổ chức trao tặng, nhiều cái còn mới tinh trị giá vài triệu đồng, chỉ vì xì hơi cái bánh xe nhưng không ai bỏ tiền ra sửa nên rồi sẽ thành sắt vụn. Những hộp xốp ăn cơm vứt bừa trên ban công. Những chiếc quần áo còn tốt quăng ra làm giẻ lau, cái này chồng lên cái kia bừa bãi. Tất cả đều do người hảo tâm mang đến cho.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 28.

ôi có một người bạn cùng lớp, là luật sư. Vợ chồng anh có nhà vườn rộng rãi ở Đồng Nai, trồng rau, nuôi cá và đã đón vài người già không nơi nương tựa về chăm sóc. Các cụ được sống dưới mái nhà lành lặn, được ăn ngủ bình yên, người nào thích thì phụ trồng rau, tưới rau, cho cá ăn... với người giúp việc trong trại. Tôi hỏi các cụ có muốn vào nhà dưỡng lão như thế không, tôi có thể nhờ bạn tôi giúp.

- Không đâu con. Ở nhà với con cháu chớ. Biết là ở trong nhà dưỡng lão thì không phải lo ăn lo mặc nữa nhưng mà nó lùng tung lúng túng, muốn ăn ổ bánh mì hay uống ly nước mía cũng không có tiền mua, cũng giống như ở tù vậy. Không, không ở nhà dưỡng lão đâu.

Các cụ đồng tâm nhất trí trả lời.

Một ngày lang thang của đội quân bô lão bán vé số giữa Sài Gòn - Ảnh 30.

Hoàng Xuân
Hoàng Việt
KingPro
BiMaxx
Theo Trí Thức Trẻ11/8/2017