img
Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 1.

Cuốn sách Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản của tác giả Brice M. Clagett, Văn phòng Luật sư Covington & Burling Washington D.C., công ty được chính phủ Việt Nam thuê để nghiên cứu về cơ sở pháp lý vụ việc, đã nêu lại bối cảnh của sự việc.

Theo đó, ngày 8/5/1992, Chính phủ Trung Quốc đã ký một hợp đồng thăm dò dầu khí với công ty Năng lượng Crestone của Mỹ.

Các điều khoản của hợp đồng này dường như rõ ràng cho phép Crestone thăm dò một khu vực rộng 10.000 hải lý vuông trên bãi Tư Chính. Lô này nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý và cách đảo Hải Nam, lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc trên 600 hải lý. Chính phủ Trung Quốc khi ấy thông báo họ sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ lô này.

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 2.

Luật sư Brice M. Clagett thuộc Văn phòng Luật sư Covington & Burling Washington D.C. Ảnh tư liệu

Thời điểm đó, bản hợp đồng Crestone khiến một số nước trong khu vực lo lắng về yêu sách lãnh thổ quá khích này của Trung Quốc. Tháng 7/1992, Tổng thống Philippines, ông Fidel Ramos đã phát biểu tại một hội nghị ASEAN rằng “chúng ta không thể trì hoãn các biện pháp khẩn cấp để thật sự tìm kiếm một giải pháp… e rằng tình trạng chưa được giải quyết này sẽ tạo ra những diễn biến nguy hiểm”.

Một hội nghị của phong trào không liên kết tháng 9/1992 cũng bày tỏ mối quan tâm đối với những diễn biến tại Biển Đông.

Ngày 7/7/1994, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng, Trung Quốc mong muốn giải quyết bất đồng của mình với Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa nhằm hỗ trợ cho việc phát triển chung, nhưng vẫn đưa ra đòi hỏi chủ quyền phi lý đối với toàn bộ khu vực này. 

Trung Quốc chưa bao giờ định hướng vào một khu vực nào đó để hợp tác phát triển chung hoặc có một dàn xếp nào đó cho việc phát triển này để có thể thỏa thuận. Hơn nữa việc phát triển chung do Trung Quốc đưa ra rõ ràng với điều kiện phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc - tác giả Brice M. Clagett nhận định trong cuốn sách.

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 3.

Khoảng từ năm 1991, ông Bùi Kiến Thành, nhà tài chính người Mỹ gốc Việt trở về Việt Nam và liên tục đi lại giữa Hà Nội - TP.HCM.

Một lần, khi ông Thành về Hà Nội thì thông qua ông Nguyễn Ngọc Trân, Trưởng ban Việt kiều Trung ương (nay là Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài), nhận được thông báo Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn trao đổi. Buổi nói chuyện hôm ấy giữa ông Thành và Thủ tướng Võ Văn Kiệt diễn ra suốt cả một buổi tối ở ngôi nhà nhỏ gần cổng ra vào Phủ Chủ tịch ở Hoàng Hoa Thám.

Trong cuộc trao đổi này, ông Thành được thông báo về việc công ty Crestone của Mỹ ký hợp đồng với Trung Quốc để khai thác lô dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.

“Tôi nêu ý kiến thuê một công ty luật quốc tế để nghiên cứu cơ sở luật pháp về chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa và ông Kiệt rất nhất trí về vấn đề này”, ông Thành kể lại.

“Nhưng đến đây, câu hỏi đặt ra là vậy Việt Nam nên thuê công ty nào? Tôi nói với ông Kiệt, mình nên thuê một công ty hàng đầu về luật pháp biển và đồng thời phải là công ty Mỹ, được uy tín với thế giới và uy tín với chính phủ Mỹ. Sau đó, mình dựa vào đó đi vận động Mỹ để có thêm lợi thế hơn”, ông Thành nói thêm.

Nhưng thời điểm đó, Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ và không thể nào thuê được một công ty Mỹ. Phái bộ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York nhưng cũng chỉ được phép đi lại trong bán kính 25 dặm tính từ đảo Manhattan.

Vì có quốc tịch Mỹ, ông Thành đề xuất, nếu Thủ tướng đồng ý, ông sẽ đi vận động Chính phủ Mỹ dỡ một phần cấm vận để Việt Nam có thể thuê một công ty luật của Mỹ. Và để làm được điều này, ông Thành cần có sự ủy quyền của nhà nước Việt Nam.

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 4.

Những năm 1991 - 1993, vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam trở thành vấn đề rất được dư luận Mỹ quan tâm.

Phái đoàn Mỹ đi tìm kiếm người Mỹ mất tích cũng rất mong muốn được Việt Nam giúp đỡ. Từ đó, ông Thành gợi ý, nếu mình có thể giải quyết được vấn này thì vừa tác động được đến giới chính trị, lẫn dư luận xã hội Mỹ và sẽ là “chìa khóa” để mở cửa.

Theo lời ông Bùi Kiến Thành, Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau đó giao Bộ Ngoại giao soạn thảo tài liệu nói về quan điểm của Việt Nam trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ Mỹ tìm người Mỹ mất tích ở Việt Nam trên cơ sở nhân đạo. Vì ở thời điểm đó, Mỹ và Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao, ông Bùi Kiến Thành là có quốc tịch Mỹ nên được trao thông điệp này cầm về Washington làm việc với Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao, người từng tham gia vào công tác tìm kiếm người Mỹ mất tích kể lại, đề nghị của phía Mỹ là tìm đựơc thông tin đầy đủ về những người lính Mỹ đã mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam cho phép Mỹ tiếp cận những thông tin ở Bảo tàng quân đội, thông tin ở nhà tù Hỏa Lò. Thậm chí ở các địa phương ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên - những nơi mà trong bản đồ của họ cho là có máy bay rơi và phi công không trở về, phía Việt Nam đều cho tiếp cận và cùng khai quật.

Sau đó, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích gồm 3 Bộ là Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ trao trả cho phía Mỹ tại sân bay.

“Việt Nam luôn coi tìm kiếm người mất tích của Mỹ trong chiến tranh là một vấn đề nhân đạo, luôn luôn hợp tác với tinh thần nhân đạo và đồng thời chúng ta cũng có những vấn đề hậu quả chiến tranh để lại do Mỹ gây ra như là người mất tích, bom mìn, chất độc hóa học… Do đó trong quá trình hợp tác với phía Mỹ để giải quyết vấn đề của Mỹ, Mỹ cũng hợp tác với chúng ta giải quyết các vấn đề nhân đạo của Việt Nam”, ông Phong nói thêm.

Quá trình này diễn ra trong nhiều năm và góp một phần rất tích cực vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và tiến đến bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước. Những năm sau này chúng ta vẫn hợp tác tiếp tục tìm kiếm hài cốt còn sót lại của lính Mỹ đã chết trong chiến tranh Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phong cho hay.

Sau đó, việc tìm kiếm người Mỹ mất tích tiến triển rất nhanh. Qua đó Mỹ thấy được thiện chí của Việt Nam. Những tài liệu được scan trong chiếc hộp trao cho phía Mỹ đó đã tháo gỡ được nhều vấn đề hệ trọng.

Động thái này của Việt Nam tháo gỡ được rất nhiều vấn đề. Việc Việt Nam thuê công ty luật của Mỹ để nghiên cứu về chủ quyền ở thềm lục địa cũng được “bật đèn xanh”.

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 5.

Một tuần sau cuộc gặp với Bộ Ngoại giao Mỹ, phía Mỹ báo lại là Tổng thống Mỹ đồng ý, giải tỏa một phần cấm vận để Việt Nam thuê một công ty luật của Mỹ.

Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ngày 19/8/1992, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Laurence S. Eagleburger tuyên bố: "Chính phủ Mỹ không biết về, hay không dính dáng đến các cuộc đàm phán giữa Crestone, một công ty tư nhân và chính phủ Trung Quốc và không có trách nhiệm về hợp đồng này. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như một vấn đề pháp lý đối với Crestone".

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 6.

Lúc này, có khoảng 5 - 6 công ty được đưa ra. Cuối cùng, công ty Covington & Burling được chọn.

Covington & Burling là công ty luật đa quốc gia của Mỹ, thành lập năm 1919, có trụ sở chính tại Washington, D.C. Họ cũng được mô tả là một hãng luật "giày trắng" - thuật ngữ thường dùng để chỉ các công ty luật tồn tại lâu đời hay các tổ chức tài chính hàng đầu ở Phố Wall, đại diện cho nhiều công ty ưu tú và có liên hệ với tầng lớp tinh anh tốt nghiệp từ các trường Ivy League của Mỹ.

Chính phủ Việt Nam đã cử 2 cán bộ chuyên môn cao cấp nhất của Ủy ban Biên giới chính phủ qua Mỹ để cùng làm việc với Covington & Burling trong công trình nghiên cứu này. 

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 7.

Vị luật sư được chính phủ Việt Nam cử làm việc với văn phòng luật Covington & Burling để nghiên cứu hồ sơ về bãi Tư Chính kể lại, về sự việc Trung Quốc mời thầu các lô dầu khí thuộc bãi Tư Chính, Việt Nam chủ trương giải quyết tất cả các tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình.

Việt Nam đã trao đổi với phía Trung Quốc để nêu rõ quan điểm và nói rõ hành vi đó (ký hợp đồng với Crestone - PV) là vi phạm pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bắt tay vào tham khảo, tư vấn thêm ý kiến của các chuyên gia, của các luật sư nước ngoài, ông cho hay.

Lúc đó, Việt Nam tham khảo ý kiến từ rất nhiều chuyên gia, luật sư của cả Canada, Pháp, Bỉ, Anh và Mỹ và sau đó quyết định chọn làm việc với văn phòng luật của Mỹ.

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 8.

Đại diện được chính phủ Việt Nam cử ra làm việc với Covington & Burling suốt 3 năm và đến năm 1995 thì hoàn thành nghiên cứu.

Về quá trình hợp tác với văn phòng luật Covington & Burling, vị luật sư Việt Nam cho rằng trong quá trình làm việc cũng cần có cái “duyên”.

“Họ làm việc một cách rất là vô tư, chỉ căn cứ vào luật pháp, họ tư vấn cho mình những lập luận rất tốt”, ông nói.

“Trong trường hợp với văn phòng Covington & Burling, phải nói rằng ông luật sư Brice M. Clagett là con người rất tuyệt vời. Rất tiếc là bây giờ ông đã mất. Ông M. Clagett không những giúp chúng ta trong việc xây dựng, đưa ra những ý kiến tư vấn pháp lý mà còn hỗ trợ chúng ta phát biểu tại các diễn đàn quốc tế”, ông nói thêm.

Năm 1994 Mỹ có tổ chức một hội thảo về Biển Đông tại Washington D.C. Đây là hội thảo về vấn đề Biển Đông đầu tiên do nước Mỹ tổ chức. Luật sư M. Clagett lên tiếng rằng nếu tổ chức một cái hội thảo về Biển Đông mà không có Việt Nam thì coi như không có hội thảo.

Thời điểm đó, mặc dù Việt Nam và Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao nhưng ban tổ chức sau khi nghe ý kiến của ông M. Clagett đã đề nghị với Bộ Ngoại giao Mỹ cấp thị thực cho cán bộ Việt Nam sang để trình bày quan điểm của Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện của Việt Nam đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với Biển Đông, đối với hai quần đảo và đối với cái gọi là “Đường lưỡi bò”.

Hội thảo đã đánh giá rất cao phát biểu của Việt Nam và họ chỉ dùng một từ để nói về bài trình bày của Việt Nam: “Splendid” – Tuyệt vời! - đại diện Việt Nam nhớ lại.

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 9.

Qua hội thảo này, chúng ta đã nêu được quan điểm của mình và có thể nói là cùng với các bước sau đó, chúng ta đã khiến cho các học giả trên thế giới nói chung và Mỹ nói riêng chú ý hơn đến vấn đề Biển Đông.

Tháng 5/1995 bản nghiên cứu hoàn thành. Tháng 7/1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Tháng 9/1995, Covington đăng công trình nghiên cứu về cơ sở luật pháp, chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa trên tạp chí Luật pháp quốc tế về luật biển. Lập luận này cũng được trình bày tại Hội nghị Luật biển quốc tế tại Oklahoma, Mỹ.

Sau các diễn biến này, hợp đồng khai thác giữa Trung Quốc và Crestone không thành. Crestone quyết định rút khỏi hợp đồng với Trung Quốc.

Mối duyên với luật sư Mỹ và hành trình pháp lý của Việt Nam làm thất bại hợp đồng xâm phạm bãi Tư Chính- Ảnh 10.


Lan Hương
Bạch Quả
Minh Nhật, Thanh Phạm, Báo ảnh Việt Nam, TTXVN
15/07/2024 07:00