"Messi thứ hai" đã xuất hiện trên thế giới, nhưng trong hình hài một thủ môn

Kessie |

Nếu một thủ thành nào có thể khiến cả thế giới "tròn mắt" như Messi vẫn thường làm, thì đó chính là Jan Oblak.

1. Vào tháng 3 năm 2017, Atletico Madrid chạm trán với Bayer Leverkusen tại vòng knock-out của đấu trường UEFA Champions League. Đó là một trong những trận đấu cuối cùng thuộc cúp châu Âu của Atletico diễn ra tại Vicente Calderon, và họ đã bảo vệ thành công lợi thế mà mình giành được sau trận thắng 4-2 ở trận lượt đi tại Đức.

Giữa hiệp hai – khi cả hai đội vẫn chưa ghi được bàn thắng nào – trung vệ của Atletico Madrid, Jose Maria Gimenez, đã khiến đội mất quyền kiểm soát bóng sau một đường chuyền đầy bất cẩn. Julian Brandt ngay lập tức vồ lấy “món quà” này và lao về phía khung thành. Khi đã xâm nhập được vào vòng cấm, anh “bóp cò”, nhưng cú dứt điểm đã bị cản phá bởi Jan Oblak.

Messi thứ hai đã xuất hiện trên thế giới, nhưng trong hình hài một thủ môn - Ảnh 1.

Pha cản phá siêu đẳng của Oblak

Quả bóng rơi xuống chân trái người đồng đội của Brandt, Kevin Volland, nhưng pha lao ra quyết đoán của Oblak đã tiếp tục ngăn cản cơ hội ghi bàn của Leverkusen. 

Bóng lại nảy đến chỗ Volland một lần nữa. Anh không chế nó bằng hai chạm và tung ra một cú sút về phía góc xa khung thành, nhưng một lần nữa – một cách đầy kì diệu – Oblak đã tiếp tục cứu thua thành công.

Ba cú dứt điểm được thực hiện trong khoảng 3 giây, và ba pha cứu thua. Toàn bộ Calderon như muốn nổ tung. 

Mặc dù vậy, đối với Oblak, anh chỉ quan tâm đến chuyện cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, như khi thực hiện pha cản phá nổi tiếng với quả penalty của Thomas Muller trong trận bán kết Champions League 2016 và hàng loạt tình huống cứu thua xuất sắc trước Liverpool tại Anfield vào ngày 12/3 vừa qua.

“Oblak nghĩ rằng ngăn chặn những cú sút chỉ đơn giản là công việc của cậu ấy,” Ladislao J. Monino, một nhà báo của El País, chia sẻ. “Bất cứ khi nào cậu ấy có những màn trình diễn tốt, cậu ấy luôn nói rằng mình có mặt trên sân là để làm điều đó. 

Tính cách của cậu ấy là như vậy đấy. Cậu ấy không bao giờ tự tạo áp lực cho bản thân. Sự điềm tĩnh của cậu ấy thực sự rất đáng nể. Cái phẩm chất đó đã giúp ích rất nhiều cho khả năng chọn vị trí của cậu ấy.”

“Trong số những thủ môn xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại – Ter Stegen, Oblak, Courtois, Alisson – Oblak chính là người giỏi nhất về khả năng chọn vị trí. 

Nếu Oblak có thể làm chủ khu vực của mình và thực hiện một pha cứu thua, cậu ấy sẽ làm điều đó, nhưng cậu ấy cũng thường xuyên tóm chặt lấy quả bóng. Tại Atletico, mọi người gọi cậu ấy là “chiếc kìm”, vì cậu ấy đã rất nhiều lần bắt gọn bóng. Bất cứ khi nào có thể, cậu ấy đều ôm chặt lấy quả bóng. Đó là một thế mạnh cực kì nổi bật.”

“Chúng ta đang nói về một chàng trai đến từ vùng Balkan. Họ luôn được biết đến bởi tiêu chuẩn cực kì cao dành cho các vận động viên thể thao của mình – cho dù là bóng đá, hay những môn thể thao khác như bóng rổ hoặc bóng ném. 

Sức mạnh tinh thần của họ phù hợp một cách hoàn hảo với những đấu trường cạnh tranh đỉnh cao. Họ lúc nào cũng trông già dặn hơn so với tuổi thật cả.”

“Nếu bạn còn nhớ, thì Oblak đã gia nhập Benfica khi chỉ mới 17 tuổi vào năm 2010. Trước đó, đã có rất nhiều đội bóng để mắt đến cậu ấy thời vẫn còn đang chơi bóng ở Slovenia. 

Khi cậu ấy đặt chân đến Bồ Đào Nha, Benfica đã đưa cậu ấy đến Beira- Mar để thi đấu dưới dạng cho mượn, nhưng về sau cũng đã được đưa thẳng vào đội hình chính của họ. Cậu ấy là một chàng trai rất cá tính.”

Messi thứ hai đã xuất hiện trên thế giới, nhưng trong hình hài một thủ môn - Ảnh 2.

Jan Oblak đang củng cố vững chắc vị trí hàng đầu trong hàng ngũ những thủ môn xuất sắc nhất thế giới.

2. Oblak kết thúc cuộc hành trình của mình trên đất Bồ Đào Nha vào năm 2014 với một cú ăn ba quốc nội cùng Benfica, mặc dù Benfica của anh – một đội hình bao gồm Andre Gomes và cặp đôi của Valencia sau này, Ezequiel Garay và Rodrigo – gục ngã trước Sevilla ở loạt sút luân lưu trong trận chung kết UEFA Europa League mùa giải năm đó.

Atletico trả một khoản phí chuyển nhượng được đưa tin là 16 triệu Euro để có được sự phục vụ của Oblak, con số biến anh trở thành thủ môn đắt giá nhất lịch sử La Liga. 

Mặc dù vậy, anh đã phải mất một khoản thời gian không ngắn mới có thể khẳng định được khả năng của bản thân. Oblak đặt chân đến bến đỗ mới với một chấn thương lưng và không thể ngay lập tức giành được suất bắt chính của đội bóng.

“Sự khởi đầu của Oblak tại Madrid rất phức tạp,” Fran Guillen, một nhà báo và nhà văn bóng đá tại Madrid, cho biết. “Trong suốt nhiều tháng, cậu ấy chỉ là phương án dự phòng cho Miguel Angel Moya ở mùa giải đầu tiên của mình tại Atletico. Cậu ấy chỉ ra sân vỏn vẹn 11 trận tại La Liga vào mùa giải đó, và khi có được màn ra mắt của mình ở đấu trường Champions League trên đất Hy Lạp, đối đầu với Olympiacos (Atletico để thua 3-2), cậu ấy đã chơi rất tệ. Có lẽ đó là trận đấu kém cỏi nhất của cậu ấy trong màu áo Atletico.”

“Oblak cập bến đội bóng thủ đô Tây Ban Nha như một sự đánh cược của Andrea Berta, giám đốc thể thao của Atletico Madrid. Tôi nhớ là mình đã được quan sát cậu ấy thi đấu cho Benfica trong trận chung kết Europa League 2014, đối đầu với Sevilla, và tôi phải thừa nhận rằng cậu ấy có vẻ là một thủ môn giỏi, nhưng chẳng có gì đặc biệt xuất sắc cả. 

Nhiệm vụ của cậu ấy là giúp chúng ta có thể quên đi Thibaut Courtois, người đã đặt ra một tiêu chuẩn rất cao cho vị trí người gác đền tại Atleti. Đó vẻ là một yêu cầu quá lớn đối với cậu ấy, nhưng rốt cuộc, cậu ấy thậm chí còn tiến xa hơn cả thế.”

Tính đến nay, Oblak đã giúp Atletico giành được ba danh hiệu, bao gồm một chức vô địch UEFA Europa League vào năm 2018, Siêu Cúp châu Âu và Siêu Cúp Tây Ban Nha.

Ở Tây Ban Nha, đẳng cấp của Oblak đã được thừa nhận, với minh chứng rõ ràng nhất chính là 4 mùa giải liên tiếp giành được danh hiệu Zamora – giải thưởng được trao cho thủ môn xuất sắc nhất của La Liga trong một mùa giải. 

Vào tháng 11 năm 2018, anh đã trở thành thủ môn chạm đến cột mốc 100 trận giữ sạch lưới nhanh nhất lịch sử giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha (sau 178 trận ra sân). Nên nhớ, đến cả Iker Casillas cũng đã phải mất đến 306 trận mới có thể đạt được cột mốc đó.

“Tại giải thưởng Quả Bóng Vàng của France Football, họ đã lần đầu tiên bổ sung thêm một hạng mục dành cho các thủ môn vào năm ngoái,” Alfredo Relano, chủ tịch danh dự của Diario AS, cho biết. “Tôi đã bầu chọn Alisson đứng nhất, còn đứng thứ hai chính là Oblak.”

“Họ đã yêu cầu chúng tôi cân nhắc đến những danh hiệu mà các cầu thủ đã giành được, cũng như màn trình diễn trong những trận đấu lớn. Alisson đã đăng quang tại Champions League cùng Liverpool (và Copa America với đội tuyển quốc gia Brazil). Năm nay, tôi có lẽ sẽ sắp xếp họ ở những thứ bậc khác nhau.”

“Ví dụ, màn trình diễn của Oblak trước Liverpool sẽ giúp cậu ấy ghi được rất nhiều điểm khi bạn cân nhắc đến các điều kiện trên. Đó là một trận đấu vô cùng khó nhằn đối với cậu ấy, có những đòi hỏi cực kì cao. Cậu ấy đã phải gồng gánh rất nhiều áp lực, nhưng không bao giờ đánh mất đi sự bình tĩnh. Cậu ấy thật tuyệt vời. Cậu ấy là một thủ môn thực sự phi thường.”

Messi thứ hai đã xuất hiện trên thế giới, nhưng trong hình hài một thủ môn - Ảnh 3.

Jan Oblak đã có 4 mùa giải liên tiếp được công nhận là thủ môn xuất sắc nhất La Liga (từ mùa giải 2015/2016 đến 2018/2019). (Chú thích: Goals conceded per game – trung bình số bàn thua phải nhận mỗi trận)

3. Atletico đương nhiên là nhận thức được giá trị của Oblak. Một trong những yêu cầu mà Diego Simeone đã đưa ra trong cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng mới nhất giữa ông và đội bóng thủ đô Tây Ban Nha chính là một cam kết từ câu lạc bộ này về việc giữ chân Oblak. 

Sau các cuộc đàm phán gia hạn kéo dài, Atletico đã trói chân thành công Oblak vào năm 2019 bằng cách biến anh thành cầu thủ được hưởng lương cao nhất đội trên sổ sách (bởi vì vẫn còn một số bí ẩn về mức lương chính xác của Joao Felix) và đặt ra điều khoản giải phóng hợp đồng lên đến 120 triệu Euro.

“Khi cậu ấy ký vào bảng hợp đồng gia hạn cực khủng đó vào năm ngoái, nó còn bao gồm một lời hứa từ Atletico rằng họ sẽ duy trì khả năng cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất,” Guillen cho biết. 

“Ngoài ra, câu lạc bộ này còn nhấn mạnh đến trách nhiệm giữ cho cậu ấy luôn được hạnh phúc, giữ chân những người đồng đội mà cậu ấy cảm thấy ‘hợp cạ’, và thậm chí là phải bảo đảm cho người đại diện của cậu ấy, Miha Mlakar – người đồng thời cũng đang đại diện cho tiền đạo trẻ người Serbia của Atletico, Ivan Saponjic – được hài lòng.”

Oblak, ở tuổi 27, đã trở thành một trong các thủ lĩnh của đội. Theo Monino, chỉ có một Koke mang tính biểu tượng, với xuất thân từ chính lò đào tạo của Atletico, và đồng thời cũng là một người Madrid chính gốc, mới có thể cản đường Oblak trong việc trở thành đội trưởng của câu lạc bộ. Oblak đã thể hiện phẩm chất thủ lĩnh bẩm sinh. Anh rất ít nói, nhưng các đồng đội đều sẽ lắng nghe mỗi khi anh lên tiếng.

Cái vị trí chốt chặn hàng đầu của một đội bóng được xây dựng dựa trên nền tảng là công tác phòng ngự đã càng nâng cao thêm tầm quan trọng của anh đối với dự án của Atletico, như Simeone đã khẳng định sau chiến thắng oanh liệt của câu lạc bộ này tại Anfield: “Barcelona có Messi mang đến cho họ những chiến thắng, còn chúng tôi có Oblak, thủ môn xuất sắc nhất thế giới, làm điều đó.”

Messi thứ hai đã xuất hiện trên thế giới, nhưng trong hình hài một thủ môn - Ảnh 4.

Đối với Diego Simeone, Jan Oblak chính là Lionel Messi phiên bản thủ môn.

“Đã có những lúc cứ như thể Oblak sẽ rời khỏi Atletico,” Euan McTear, tác giả của cuốn sách về sự trỗi dậy của Atletico Madrid, nhận định. “Vấn đề đối với cậu ấy là Atletico thực sự cần phải giành được các danh hiệu lớn. Đó cũng chính là vấn đề mà họ đã gặp phải trong trường hợp của Griezmann.”

“Oblak cảm nhận được rằng việc vươn đến những vinh quang cùng Atletico Madrid sẽ đặc biệt hơn rất nhiều so với quyết định ra đi và làm điều đó trong màu áo Manchester City hoặc Bayern Munich. 

Cậu ấy hiểu rằng việc ở lại và đăng quang Champions League hoặc giành được một chức vô địch quốc gia cùng Atleti sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều, nhưng sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc cậu ấy nghĩ rằng đó chỉ là một ước mơ bất khả thi mà thôi.”

“Sau một vài trận đấu ở mùa giải này, cậu ấy đã nhấn mạnh rằng: ‘Chúng tôi cần phải giành được các danh hiệu; chúng tôi cần một dự án chất lượng.’ 

Lý do mà cậu ấy quyết định ở lại vào mùa hè năm ngoái là không chỉ bởi vì được đề nghị một bảng hợp đồng béo bở, mà còn bởi Atletico đã hứa hẹn rằng họ sẽ mang về những cầu thủ hàng đầu để nâng cấp đội bóng. Họ đã cố gắng hiện thực hóa cái lời hứa đó, nhưng đến tận lúc này, chúng ta vẫn chưa thể biết được rõ liệu những cái tên mà họ mang về đã đủ tốt hay chưa.”

“Tôi chắc chắn Oblak đã cảm thấy thất vọng khi mà mùa giải càng đi sâu hơn, thì lại càng nhiều thứ sụp đổ hơn. (Sau những chiến thắng liên tiếp trong 3 trận mở màn La Liga mùa giải 2019/2020, Atletico chỉ giành được vỏn vẹn 3 chiến thắng trong 12 trận tiếp theo).

Cậu ấy đã nhìn quanh đội, bắt gặp những cá nhân như Renan Lodi và ngẫm nghĩ: Liệu cậu ta có phải là một bản hợp đồng thực sự chất lượng? Liệu tay Mario Hermoso có thể trở thành một trung vệ hữu ích cho Atletico? Liệu thằng bé Joao Felix có khỏa lấp được khoảng trống mà Griezmann đã bỏ lại?

Messi thứ hai đã xuất hiện trên thế giới, nhưng trong hình hài một thủ môn - Ảnh 5.

Màn trình diễn siêu đẳng của Oblak giúp Atletico Madrid đánh bại Liverpool

 “Tôi chắc rằng những suy nghĩ đó cũng đã xuất hiện trong đầu cậu ấy ở Anfield. Cậu ấy hẳn đã nghĩ rằng: Mình đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể, nhưng ai là người sẽ xông lên và ghi bàn đây? Tuy nhiên, tại Anfield, họ đúng là đã xông lên và ghi bàn. Khi Marcos Llorente ghi bàn thắng thứ hai, bạn có thể nhìn thấy Oblak đã phấn khích đến mức lao lên từ vị trí của cậu ấy đến tận góc sân mà các đồng đội đang ăn mừng.”

“Có một đoạn video đã được một cổ động viên quay lại từ trên khán đài, và chỉ cần nhìn chàng trai mặc áo vàng kia chạy qua cả một số tiền vệ của Atletico để đến đó chung vui trước, bạn có thể thấy bàn thắng ấy có ý nghĩa lớn đến thế nào đối với cậu ta.”


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại