Belo Horizonte, 18 tháng trước khi đăng quang lần đầu tiên trong lịch sử tại Copa America, Chile bị chủ nhà Brazil loại khỏi tứ kết World Cup 2014, sau loạt sút luân lưu căng thẳng, mà đội bóng áo vàng xanh là những ông chủ thật sự ở chấm đá phạt 11 mét, trước bất kì đối thủ nào.
Julior Cesar, lúc đó là người đã đánh bại Pinilla và Alexis Sanchez, để đưa Brazil vào bán kết với tỉ số 3-2. Và thật phi thường, thời khắc đó cũng đánh dấu luôn sự ra đời của một tập thể chỉ biết đến các danh hiệu vô địch trong hai mùa Hè tiếp theo.
Nỗi ám ảnh mới của Ronaldo
Mauricio Pinilla, người đã đá hỏng quả phạt đền tại World Cup 2014, lẽ ra đã phải kết thúc trận đấu của Chile ở phút 120, khi cú đệm bóng cận thành của anh chạm xà ngang, trong tình huống mà thủ thành Patricio đã hai lần phải bó tay, đầu tiên là bất lực nhìn bóng chạm cột dọc, sau đó là cảm ơn thần may mắn đã giúp anh một lần nữa.
Nhưng luôn có một cách nào đó, để Chile kết thúc cuộc chơi theo cách của mình, dù họ thường không được đánh giá cao bằng đối thủ trong các cuộc đối đầu có tính chất quan trọng như vậy.
"Khi nhìn thấy Alexis Sanchez sát cánh cùng Arturo Vidal, chúng ta dễ liên tưởng đến đội bóng của những chiến binh Mohican", Mario Cruz bình luận trên AFP, đó là những người đã đánh bại Argentina của Leo Messi đến hai lần ở hai mùa Hè trước đó, trên loạt sút luân lưu, và mang đến cảm giác họ không còn sợ hãi bất kì điều gì khác nữa.
Nhưng sự thật, ở Chile, những ngôi sao như Sanchez hay Vidal, không phải là những người khởi xướng của chiến thắng, mà đội bóng này luôn cần những thủ lĩnh thầm lặng trong một tập thể mà những cái tôi khác là quá nổi trội.
Bồ Đào Nha, ở Kazan đêm qua, không phải là đội bóng đã khiến Pháp 'chịu trói' ở EURO 2016 nữa, mà thay vào đó, là sự run rẩy trên chấm phạt đền, trước Claudio Bravo, 34 tuổi, và là một trong những thảm họa của Manchester City mùa bóng vừa rồi.
Bravo, không phải là kiểu thủ lĩnh có thể thu hút được các đồng đội như Ronaldo hay Leo Messi, nhưng anh mang đến sự cân bằng tuyệt đối mà Chile cần có.
Điều lạ thường là Chile đã kết liễu các đối thủ của mình (Argentina, Bồ Đào Nha) theo cùng một cách, khiến đối thủ bất lực đến cùng cực, để trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 0-0, trước khi thực hiện nghi lễ cuối cùng trên loạt sút luân lưu.
Đội bóng được gọi là La Roja vẫn chơi theo phong cách pressing counter quen thuộc từ thời Marcelo Bielsa, chấp nhận rủi ro và luôn tỏ ra là coi thường những thách thức mà họ sẽ phải đối mặt.
Chile thật sự là đội bóng khó nhằn, vì khi các đối thủ tưởng như đã đoán được ý định, thì họ lại thu mình vào lớp vỏ kiên cố, và cực kì bản lĩnh để đạt được mục tiêu của mình, và Chile sẽ còn như vậy trong thời gian dài nữa.
Kiến trúc sư Marcelo Bielsa
Tháng 8/2007, khi Marcelo Bielsa ra mắt Chile, không ai có thể tưởng tượng được rằng, đội bóng mà ông gây dựng từ con số 0 đó, đã hai lần vô địch Copa America, và rất có thể sẽ đăng quang ở Confed Cup 2017.
Một tháng trước khi HLV người Argentina thay đổi lịch sử, Chile trở về với nỗi nhục thua 1-6 trước Brazil ở Copa America 2007, và kinh khủng hơn là đội bóng này mới chỉ một lần vượt qua vòng bảng ở các kì World Cup gần nhất.
"Tôi chưa bao giờ nói đến việc vào đến chung kết Copa America hay vượt qua vòng đấu loại trực tiếp ở World Cup. Tôi chỉ muốn ông ấy mang đến sự nghiêm khắc và kỉ luật cho Chile", Mayne Nicholls, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Chile nói đến Bielsa với sự biết ơn.
Vài tuần trước khi HLV người Argentina bắt tay vào công việc của mình, Chile kết thúc giải vô địch World Cup U20 thế giới ở Canada với vị trí thứ 3, nòng cốt của đội bóng đó là Alexis Sanchez, Arturo Vidal, Carlos Carmona, Gary Medel và Mauricio Isla, những hạt nhân của La Roja sau này.
3 năm sau khi Marcelo Bielsa làm việc, cả 5 ngôi sao này đều là những người góp công lớn đưa Chile vào vòng đấu loại trực tiếp ở World Cup tại Nam Phi. 8 năm sau đó, là chức vô địch Copa America đầu tiên trong lịch sử.
Chile, trước khi Bielsa xuất hiện, luôn có những cầu thủ kĩ thuật, nhưng luôn chơi tự phát, và thiếu bản lĩnh trước các đối thủ mạnh hơn. Và những nguyên tắc làm việc của HLV 62 tuổi này, thật sự là món quà cho bóng đá nước này, khi Alexis Sanchez và Vidal vẫn sẽ còn đóng vai trò quan trọng với đội bóng trong nhiều năm nữa.
1 Đây mới là lần đầu tiên Chile lọt vào trận chung kết Confed Cup trong lần đầu tiên được tham dự giải đấu này.
3 Lần thứ 3 trong 3 mùa Hè liên tiếp, Chile đánh bại các đối thủ sau loạt sút luân lưu sau khi trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 0-0.
59 Ở trận đấu này, Chile là đội bóng có tỉ lệ kiểm soát bóng vượt trội, họ giữ 59% thời lượng cầm bóng so với 41% của Bồ Đào Nha.