1. 22 tháng Sáu năm 1986, 31 năm trước, Maradona đã khỉến người Anh phải kinh hoàng. Phút 51, sân Estadio Azteca, Maradona ghi bàn thắng được nhắc đến nhiều thứ nhì (không có bàn được nhắc tới nhiều nhất) trong sự nghiệp của mình. Bằng tay, giả như một cú đánh đầu. Argentina dẫn Anh 1-0 ở tứ kết World Cup. Và sau này, người ta gọi nó là bàn thắng được mang lại bởi "Bàn tay của Chúa".
4 phút sau, lại là Maradona, với một bàn thắng cũng được nhắc đến nhiều thứ nhì (không có bàn được nhắc tới nhiều nhất) trong sự nghiệp của mình và được coi là bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử World Cup. Cú solo từ giữa sân của ông, vượt qua 4 cầu thủ Anh bằng một cú nước rút khoảng 55m trong vòng 10 giây đã thổi bùng cơn cuồng Maradona trên khắp toàn cầu.
2 bàn thắng lịch sử của Maradona vào lưới ĐT Anh
22 tháng Sáu năm 2017, Oliver Kay, tay bút của The Times viết trên twitter một dòng ngắn ngủi rằng "Ngày này năm 1986, đây là video bàn thắng diệu kỳ của Maradona vào lưới Anh quốc, ở góc máy có thể bạn chưa được thấy. (Và đúng là bàn thắng đầu tiên của ông ta là một cú chơi gian đầy báng bổ nhưng dù gì đi nữa, ông vẫn là một cầu thủ số dzách)’.
Sự ghi nhận, nhưng vẫn còn chút ấm ức về bàn tay của Chúa, mà Oliver Kay thể hiện, có thể cho chúng ta gọi ngày 22/06 ấy là ngày của cả Qủy dữ lẫn Thiên thần trong lịch sử túc cầu.
Điều gì sẽ xảy ra nếu 31 năm trước Maradona không có cú solo thần sầu của mình và kết quả trận tứ kết là 1-0 nghiêng về Argentina?
Rất có thể, nhiều người Anh, với sự nuối tiếc vô cùng cho một cơ hội đẹp nhất sau lần đăng quang năm 1966, sẽ nhìn vào Maradona như một "kẻ lừa đảo", một "kịch sỹ", một đối thủ đáng ghét nhất thế kỷ. Đơn giản, nhờ có cú solo Maradona đã khuất phục tất cả, đè bẹp mọi dèm pha và khẳng định mình là Cậu bé vàng của bóng đá.
Maradona vẫn luôn là nhân vật gây tranh cãi bậc nhất trong giới bóng đá.
Nếu bàn thắng đầu là hiện thân của thói lừa đảo, sự ranh ma, thái độ chống lại nguyên tắc thượng võ và sòng phẳng của thể thao thì bàn thắng từ pha solo lại là hiện thân của thứ bóng đá duy mỹ với vẻ đẹp trên những điểm nhấn kỹ thuật, sức mạnh, tốc độ, sự quyết đoán và khéo léo.
Có thể nói, nó chính là Chúa, để cứu rỗi bàn thắng trước đó. Gọi tên "Bàn thắng của Chúa" thật phù hợp trong ngữ cảnh ấy và điều đó khiến ta nhìn thấy những thứ rất đời trong màn trình diễn của Maradona. Đó là trong mỗi qủy dữ luôn có một thiên thần và ngược lại.
2. 1 năm sau sự kiện lịch sử ở Estadio Azteca, đúng ngày 24 tháng Sáu, Lionel Messi ra đời. Hôm nay, Messi bước vào tuổi 30 và Argentina vẫn chưa vô địch World Cup thêm được lần nào.
Messi đã vào đến tận trận chung kết cách đây 3 năm, ở tuổi 27, cũng tương đương với độ tuổi Maradona đưa Argentina lên ngôi ở Mexico 1986. Messi còn một cơ hội cuối, ở Nga, năm sau (nếu như họ vượt khó được ở vòng sơ loại). Nếu chinh phục được cơ hội cuối ấy, đó sẽ là kết cục trọn vẹn nhất cho sự nghiệp của Messi, một sự nghiệp vĩ đại.
Giả sử, trong trận chung kết trước Đức 3 năm trước, Messi có một cơ hội để đưa bóng vào lưới bằng tay như Maradona anh có làm không?
Với thuộc tính của những cầu thủ Argentina, thuộc tính mà tay bút Jonathan Wilson đã định danh trong cuốn sách của mình là "Những thiên thần với gương mặt bẩn thỉu" (Angels with dirty Faces – như tên của bộ phim tội phạm năm 1938 của đạo diễn Michael Curtiz), chắc chắn Messi sẽ lựa chọn đưa bàn tay ra. Không phải vì anh thèm khát danh hiệu vô địch World Cup cho cá nhân mình mà vì cả Argentina đã quá khát khao điều đó từ bao nhiêu lâu nay rồi.
Và nếu Messi chìa bàn tay ra, để tạo nên một bàn thắng mà như Oliver Kay nhận xét là "cú chơi gian đầy báng bổ", người đời sẽ nhìn nhận Messi như thế nào?
Tranh cãi sẽ nổ ra, rất lớn, vì Messi không có một bàn solo đi kèm sau đó (theo kịch bản giả định kể trên) đủ để làm Chúa cứu rỗi cho cú lừa của mình. Một nửa yêu mến Messi sẽ bảo vệ anh bằng mọi lý lẽ, kiểu như chiến thắng là tất cả. Một nửa vốn định kiến và ghét Messi sẽ dè bỉu anh theo mọi cách, mọi ngôn từ.
Và thực sự, Messi đã luôn sống giữa hai làn sóng mạnh mẽ kia suốt 11 năm qua, kể từ ngày đầu tiên anh xuất hiện ở đội 1 Barca với gương mặt trẻ măng. 11 năm dựa lưng vào những người coi Messi là thánh, là thiên thần để đối diện những kẻ coi anh là ác qủy.
Ai yêu thì yêu tận cùng, ai ghét thì cũng ghét tận cùng. Tất cả đều quên mất rằng chẳng có ai trọn vẹn cả. Con người không tròn trịa như viên bi, không vuông vức như khối rubik. Con người luôn có hai nửa: thiên thần và ác qủy.
Nếu không có Maradona, cũng như không có Messi thì sao, như một bài báo trên ESPN đã đặt ra vấn đề ấy với cái tựa "Thế giới không có Messi: chúng ta sẽ không còn được thụ hưởng niềm hứng khởi từ những số 10 biểu tượng nữa"?
Đơn giản, thế giới vẫn thế; trái đất vẫn nghiêng 23 độ 5, vẫn quay quanh trục của nó và quay quanh mặt trời; bánh xe lịch sử vẫn quay; chúng ta vẫn có internet, có tất cả những gì đang có hôm nay.
Dù điều gì xảy ra, Messi cũng đã bước chân vào "ngôi đền của các huyền thoại".
Song nếu không có Messi, đúng là có thể sẽ có một ngôi sao khác chiếm vị trí truyền thông của anh như một vai trò lịch sử nhưng chắc chắn chúng ta sẽ mất đi rất nhiều xúc cảm trong từng thắng – bại cầu trường; mất đi một tượng đài để kính phục về tài năng và để chờ đợi hồi hộp một người chinh phục các kỷ lục của Messi trong tương lai lâu dài; mất đi một ác quỷ (hoặc thiên thần) với nụ cười thiên thần (hay ác qủy).
Và nếu chưa bao giờ có Maradona, có thể sẽ không có được Messi hôm nay. Đơn giản, tượng đài đi trước luôn là cảm hứng cho những người đi sau lựa chọn con đường và khẳng định mình.
Điều đó cũng giống như hôm nay, có những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi, ở đó đây, đang khoác chiếc áo số 10 ghi tên Messi, và tưởng tượng rằng mình đang bay trên từng bước chạy kiểu Messi, như Messi, giống Messi và là Messi…