Đã có Xuân Trường, thì thôi Công Phượng
Một trận vào thay người, một trận đá chính, trận 16, trận hơn 20 phút, ấn tượng để lại ở AFF Cup năm nay tính đến thời điểm này của Công Phượng chỉ là một con số không tròn trĩnh. Phượng vẫn thế, là "miếng mồi ngon" cho hậu vệ đối phương và nỗi lo canh cánh của đồng đội mỗi khi có bóng.
Ngót 1 năm chơi bóng ở Nhật, thể lực của Công Phượng được nâng lên, hình ảnh cũng mang hơi hướm chỉnh chu hơn, nhưng tư duy chơi bóng thì tuyệt đối không thay đổi. Dù có ra sân ở Nhật, hay trở về thi đấu cho tuyển, việc đầu tiên khi có bóng vẫn là cúi gằm mặt, xộc thẳng vào cầu thủ phòng ngự đối phương và... mất bóng.
Thậm chí, bản năng "sát thủ" của tiền đạo từng một thời khuynh đảo mọi hàng thủ giờ cũng đang cùn mòn đi trông thấy. Ngoài bàn thắng được Thành Lương "dọn cỗ" vào lưới Indonesia trên sân Mỹ Đình, tất cả các cơ hội đồng đội tạo ra đều bị Phượng phá hỏng, rõ nhất là pha đối mặt với thủ thành Avispa Fukuoka. Đấy là pha bóng mà một tiền đạo không được phép bỏ lỡ, chứ đừng nói đến Công Phượng.
Công Phượng bỏ lỡ cơ hội ghi bàn khi đối mặt với thủ thành đối phương trong trận gặp Avispa Fukuoka.
Vẫn biết rằng Công Phượng không may mắn khi bị rút ra ở ngay phút thứ 16 trong trận đấu tối qua gặp Campuchia, nhưng cũng phải khẳng định ngay rằng kể cả có ở lại trên sân, thì đấy cũng sẽ là cơ hội cuối cùng của tiền đạo người Nghệ An này ở AFF Cup 2016.
Vì sao ư? Hiện tại, Công Phượng đang là điểm yếu nhất của đội tuyển Việt Nam. Cũng sắm vai tiền đạo, trong khi Công Phượng chỉ có thể nguy hiểm trong những pha cầm bóng, thì Công Vinh lại là mối nguy lớn cho đối thủ ngay cả khi không cầm bóng.
Những trận gần đây, Phượng chạy nhiều, nhưng là chạy nháo nhào đuổi bóng, rồi xin bóng khi đồng đội tấn công, thay vì di chuyển khôn ngoan và bài bản như Công Vinh.
Từ đây trở đi, mọi trận đấu của tuyển Việt Nam ở AFF Cup lần này đều cực kỳ quan trọng, mang tính chất sinh tử, sống còn, và trừ trường hợp bất đắc dĩ, Xuân Trường luôn là lựa chọn đương nhiên. Vấn đề nằm ở chỗ sự kết hợp Xuân Trường - Công Phượng tạo ra nguy cơ cực lớn cho đại cục.
Không như hồi còn U19, giờ đây cơ hội để cả Xuân Trường và Công Phượng ra sân là rất khó xảy ra.
Bởi Xuân Trường cực kỳ xuất sắc trong những đường chuyền kiến tạo, nhưng lại cực kỳ kém trong phòng ngự. Để Trường phát huy tốt khả năng của mình, phải kể đến công lao của các vệ tinh xung quanh, xưa là Tuấn Anh, nay là Hoàng Thịnh, Trọng Hoàng, Văn Thanh, Thành Lương vừa "hộ vệ", vừa phải kéo giãn đội hình đối phương cho tiền vệ người Tuyên Quang này có đất diễn.
"Phục vụ" Xuân Trường đã đủ khiến các tiền vệ, thậm chí là hậu vệ mệt đứt cả hơi, nay còn phải "cõng" thêm nhiệm vụ triển khai phòng ngự ngay trên phần sân đối phương mỗi khi bóng đến chân Công Phượng, rõ ràng là nhiệm vụ quá sức với bất cứ đội bóng nào.
Đừng quay lưng về phía mặt trời
HLV Hữu Thắng rõ ràng là có lý khi đưa Công Phượng lên tuyển, tuy rằng phần lớn những lý do lại nằm ngoài chuyên môn. Người hâm mộ chưa thể quên được những gì lứa U19 năm nào thể hiện, mà ngôi sao sáng nhất trong số đó hẳn nhiên là Công Phượng. Không gọi Công Phượng lên tuyển, liệu Hữu Thắng có chịu nổi sức ép của dư luận?
Hơn thế, Công Phượng cũng là cái tên cực kỳ hot với... nhà tài trợ. Trong khi truyền thông quốc tế chỉ biết đến Công Vinh, chẳng hề đoái hoài đến cái tên Công Phượng, thì trên website, fanpage của nhà tài trợ ĐTQG Việt Nam, Phượng nằm chễm chệ, trang trọng ở trang đầu. Trước mỗi trận đấu trên sân Mỹ Đình, clip quảng cáo của Công Phượng luôn được phát đi phát lại trên bảng điện tử.
HLV Miura có lý khi không gọi Công Phượng lên tuyển. HLV Hữu Thắng, như đã nói, cũng có lý khi gọi Công Phượng tập trung. Vấn đề còn lại là bản thân tiền đạo này phải biết rằng mình đang ở đâu, để còn bước tiếp.
Hãy nhìn vào tấm gương Công Vinh mà soi lại mình, Phượng ạ!
Hai mươi mốt tuổi, bằng tuổi Công Phượng, Công Vinh vẫn còn lận đận ở vị trí dự bị cho Văn Quyến. Nói sự cố của Văn Quyến đã mở ra con đường cho Công Vinh cũng không sai, nhưng quan trọng nhất, sự phấn đấu, nỗ lực, cố gắng của bản thân mới là thứ giúp CV9 có được vị thế hôm nay trong màu áo ĐTQG.
Phượng còn quá trẻ, còn có thể góp mặt thêm ở 5 kì AFF Cup phía trước, nếu lấy hệ quy chiếu là Công Vinh. Nhưng sau cú ra mắt đình đám ở U19, Công Phượng bắt đầu đi xuống, từ HAGL, đến Nhật Bản. Có cảm giác rằng, những ngày tháng tươi đẹp nhất của Phượng đã nằm lại cả ở 2 năm trước, chứ chẳng phải ở chặng đường sẽ bước tiếp.
HAGL đã không còn là một khối sức mạnh, ăn ý với nhau như những ngày đầu U19 "làm mưa làm gió", Tuấn Anh đang phải vật lộn với chấn thương nặng, là di chứng của những ngày phải cày ải điên cuồng ở đấu trường V-League. Ở lại Nhật để mãi sắm vai dự bị, phát tờ rơi, hay về V-League để nếm trải sự khắc nghiệt, có lẽ lựa chọn nào cũng là khó khăn với Phượng lúc này.
Đừng quay lưng về phía mặt trời, Phượng ạ! Bởi lúc đấy, những gì em lầm lũi bước theo chỉ là cái bóng của chính mình, cái bóng của ngày cũ vinh quang, nhưng sẽ là thất bại nếu không để được nó lại sau lưng. Đối diện với mặt trời, với bản thân, chỉ có tự thay đổi, hoàn thiện mình, đổ mồ hôi trên sân cỏ, thay vì trên sân khấu hay dưới ánh đèn follow thì mới trưởng thành được, Phượng ạ!