Maria Sharapova: ‘Để viết tự truyện, tôi đã phải vượt qua những tổn thương cuộc đời…’

Hà An |

Những suy nghĩ, tâm tư trong suốt quãng đường sự nghiệp vinh quang nhưng cũng đầy biến động đã được Sharapova thổ lộ hết sức chân thật trong cuốn tự truyện 'Unstoppable: My life so far'.

Kể từ khi gây sốc cho làng banh nỉ với chức vô địch Wimbledon 2004 ở tuổi 17 sau chiến thắng trước Serena Williams, Maria Sharapova không chỉ chứng tỏ mình là một trong những tay vợt tài năng và xuất sắc nhất thập kỷ qua, cô còn xây dựng hình ảnh bản thân trở thành thương hiệu hàng đầu với vẻ đẹp được ví như búp bê.

Nhưng cuộc đời Masha không chỉ trải toàn hoa hồng. Năm ngoái, tay vợt người Nga khiến thế giới thể thao choáng váng với thông báo dương tính doping, kèm theo án phạt 15 tháng treo vợt.

Maria Sharapova: ‘Để viết tự truyện, tôi đã phải vượt qua những tổn thương cuộc đời…’  - Ảnh 1.

Dù dính scandal doping nhưng Masha vẫn nhận được sự ủng hộ lớn của người hâm mộ

Trở lại thi đấu mùa giải này giữa những lời tranh cãi, Sharapova dù chưa thể lấy lại phong độ đỉnh cao nhưng đã mang lại cho khán giả không ít trận đấu giàu cảm xúc như tại US Open vừa qua. Gần đây nhất, Sharapova đã giành danh hiệu đầu tiên sau 2 năm với chức vô địch Thiên Tân Mở rộng.

Bên cạnh màn tái xuất trên sân đấu, Sharapova cũng đem đến cho người hâm mộ những góc nhìn mới chưa từng hé lộ về sự nghiệp, cuộc sống của mình trong cuốn tự truyện “Unstoppable: My life so far”.

Và ở buổi phỏng vấn với tờ New York Times, Sharapova đã có những chia sẻ rất thú vị về cuốn sách do cô chắp bút:

- Thời điểm nào cô bắt đầu có ý tưởng viết cuốn sách này?

Từ khoảnh khắc vô địch Wimbledon năm 17 tuổi, cuộc đời của tôi giống như đã bắt đầu những cảnh đầu tiên về một bộ phim tài liệu, tôi tưởng tượng bản thân như thể được đưa vào màn hình với hình ảnh cầm chiếc đĩa bạc Wimbledon. Cảm xúc lúc đó thật tuôn trào.

Maria Sharapova: ‘Để viết tự truyện, tôi đã phải vượt qua những tổn thương cuộc đời…’  - Ảnh 2.

Sharapova trải qua nhiều khó khăn khi tới Mỹ năm 6 tuổi

Nhưng rồi tôi cảm nhận không ai tin khi tôi bắt đầu kể câu chuyện chiến thắng của mình. Liệu ai tin mẹ bạn mang thai bạn khi thảm hoạ Chernobyl xảy ra cách nhà có 30km? Bạn được Martina Navratilova để ý khi mới 6 tuổi? Hay việc một ông bố tìm mọi cách thuyết phục cơ quan nhập cư Mỹ để họ cấp visa cho cô con gái 6 tuổi rưỡi sang đó với lý do trở thành tay vợt chuyên nghiệp?

Tôi đã kể với không ít phóng viên về những chuyện đó nhưng chẳng ai tin cả. Họ cho rằng đó là chuyện cổ tích quá điên rồ. Vì thế tôi quyết định phải tự tay viết về câu chuyện đời mình.

-Trong quá trình viết sách, khám phá nào khiến cô bất ngờ nhất?

Đầu tiên, tôi bị ấn tượng mạnh và cảm động bởi quyết định rất khó khăn với những trở ngại to lớn mà bố tôi, Yuri, phải đối mặt. Tôi đã hỏi ông rất lâu để viết lại vì tôi còn bé khi hai bố con tới Mỹ. Lúc đó tôi chưa hình dung được những cam go trong suy nghĩ của bố, khi phải rời quê hương, mẹ tôi (bà không được cấp visa trong nhiều năm) để tới một vùng đất xa lạ.

Maria Sharapova: ‘Để viết tự truyện, tôi đã phải vượt qua những tổn thương cuộc đời…’  - Ảnh 3.

Ông Yuri đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Masha

Chúng tôi hạ cánh ở Florida vào nửa đêm với một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Bố tôi mang theo người chỉ 700USD và gần như bị mất sạch sau đó. Bố con tôi đã tới rất rất nhiều trung tâm quần vợt tại Florida trước khi tìm được một nơi có thể tin cậy.

Vô vàn khó khăn, nhưng bố tôi luôn giữ vững niềm tin. Ông nhận những công việc chưa từng biết đến, làm mọi thứ có thể để giúp sự nghiệp của tôi được bắt đầu.

Tôi không nghĩ mình có thể thoải mái đến vậy khi viết cuốn sách này với sự chân thực cùng những tổn thương, sóng gió đã trải qua. Tôi cũng đã liên lạc với rất nhiều HLV từ trước đến nay của tôi cho cuốn sách, điều đó làm tôi rất hứng thú. Trên sân đấu chỉ có một mình bạn, nhưng sự thực bạn luôn là một phần của cả đội.

Maria Sharapova: ‘Để viết tự truyện, tôi đã phải vượt qua những tổn thương cuộc đời…’  - Ảnh 4.

Sharapova đánh bại Serena Williams để lên ngôi tại Wimbledon 2004

-Thành thực nhé, cuốn sách cô viết và cuốn sách được xuất bản có gì khác nhau?

Cuốn sách lược bớt nội dung về cuộc đời tôi cùng một số điều chỉnh để trở thành câu chuyện tạo cảm hứng hơn với độc giả và những ai đang mơ trở thành người giỏi nhất. Tôi không phải là đứa trẻ xuất sắc nhất, nhanh nhẹn nhất hay thông minh nhất, nhưng điều đó chưa bao giờ khiến tôi lo lắng.

Tôi luôn lựa chọn lối chơi tấn công vì nó sẽ khắc phục mọi vấn đề. Một HLV từng nói với tôi rằng “Hãy tấn công cho đến khi giành điểm”. Bạn hạ gục tôi? Tôi sẽ tiếp tục đứng dậy, lần này qua lần khác.

Bố tôi luôn nhắc nhở, dạy tôi không bao giờ được gục ngã.

Maria Sharapova: ‘Để viết tự truyện, tôi đã phải vượt qua những tổn thương cuộc đời…’  - Ảnh 5.

Sharapova rất thành công với việc xây dựng thương hiệu cá nhân

- Nghệ sĩ nào, không phải nhà văn nhé, ảnh hưởng đến cuộc sống của cô?

Một trong những nghệ sĩ yêu thích nhất của tôi là Yayoi Kusama. Người phụ nữ Nhật Bản đó thực sự truyền cảm hứng cho tôi với tư duy và phong cách làm việc phá cách, không ngừng sáng tạo, và rằng mọi thứ đôi khi không nhất thiết cần một lời giải thích.

Tôi cũng thích nhà thiết kế Sarah Burton của thương hiệu Alexander McQueen. Bà ấy thích những thử thách và luôn xử lý chúng tuyệt vời với hàng loạt bộ sưu tập nối tiếp. Tôi thích phong cách của bà ấy: tránh xa ánh đèn sân khấu nhưng sự sáng tạo thì luôn toả sáng.

Maria Sharapova: ‘Để viết tự truyện, tôi đã phải vượt qua những tổn thương cuộc đời…’  - Ảnh 6.

Sharapova muốn cuốn sách của mình truyền cảm hứng tới nhiều người

-Hãy thử thuyết phục một ai đó đọc cuốn “Unstoppable” trong 50 từ.

Đây không phải cuốn sách nói về tennis, mà về một cô gái nhỏ bé với giấc mơ lớn: trở thành tay vợt vĩ đại. Nó nói về yếu tố để đạt được mục tiêu: sự can đảm và kỷ luật. Hãy cứ tiến lên dù sẽ vô vàn thử thách. Bạn phải tin rằng bạn không thể bị ngăn chặn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại