Marcus Rashford: Sau chiếc áo số 10 là sự ruồng rẫy dành cho "kẻ lạc loài" ở Man United

Ngọc Huy |

Marcus Rashford đang thể hiện sự bất ổn về tâm lý, hệ quả tất yếu từ việc anh không trong môi trường Man United hiện tại.

Sự bất ổn của Rashford

Nhiều nhân chứng trong đường hầm sân Turf Moor kể lại, cánh cửa phòng thay đồ dành cho đội khách bị đá tung sau khi Rashford lầm lũi chia tay trận đấu giữa chủ nhà Burnley và Man United với chiếc thẻ đỏ trực tiếp.

Trước đó, Rashford bị Phil Bardsley khiêu khích khi hai người ngã trên sân, sau tình huống cản phá bóng của cầu thủ đội chủ nhà. Chàng trai trẻ của Man United đáp lại bằng cú "thiết đầu công" với đối thủ.

Chỉ là cú húc đầu nhẹ, nhưng hành vi là không thể chấp nhận, và Rashford có thể nhận án treo giò nhiều hơn con số quy định của một chiếc thẻ đỏ đơn thuần.

Marcus Rashford: Sau chiếc áo số 10 là sự ruồng rẫy dành cho kẻ lạc loài ở Man United - Ảnh 1.

Từ thời điểm thay Alexis Sanchez, cho đến khi trọng tài Andre Marriner rút ra chiếc thẻ đỏ trực tiếp, thời gian hiện diện trên sân của Rashford chỉ kéo dài vỏn vẹn 10 phút.

Trong 10 phút này, Rashford đã rất nỗ lực để thể hiện bản thân. Nhưng hiệu quả mà anh mang lại không cao, ngoại trừ tình huống kiếm được quả phạt đền mà Paul Pogba đá hỏng.

Rõ ràng, Rashford không có sự thoải mái khi thi đấu. Trận đấu trên sân Turf Moor không căng thẳng, khi Man United kiểm soát tốt cuộc chơi nhờ cú đúp của Romelu Lukaku trong hiệp 1, còn Burnley thì thiếu phản ứng cần thiết.

Trong cuộc chơi như vậy, thay vì tập trung để tìm bàn thắng đầu tiên cho riêng mình trong mùa giải mới, Rashford lại nổi nóng với đối thủ.

Marcus Rashford: Sau chiếc áo số 10 là sự ruồng rẫy dành cho kẻ lạc loài ở Man United - Ảnh 2.

Những gì Rashford thể hiện từ sân cỏ đến cửa phòng thay đồ phản ánh rõ một điều, anh đang muốn trút sự ức chế trong người. Ở đây, sự ức chế là bất ổn tâm lý kéo dài quá lâu.

Một sự nghiệp ngồi dự bị

Ở Turf Moor là trận thứ 3 liên tiếp Rashford phải ngồi ghế dự bị. Trận duy nhất mà cầu thủ 20 tuổi người Anh đá chính là chiến thắng 2-1 trước Leicester ở vòng khai mạc Premier League.

Sở dĩ Marcus được đá chính trước Leicester là vì Man United chưa được đội ngũ tốt nhất. Khi ấy, đội hình của Quỷ đỏ người thì chấn thương, kẻ còn đang nghỉ bù sau World Cup 2018.

Ngồi dự bị vốn là một thói quen bắt buộc của Rashford dưới thời Mourinho. Trong nhiệm kỳ của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha, anh chỉ được thi đấu 60% tổng số phút của Man United.

Marcus Rashford: Sau chiếc áo số 10 là sự ruồng rẫy dành cho kẻ lạc loài ở Man United - Ảnh 3.

Ở tuổi 18, Rashford là hiện tượng, một viên ngọc của bóng đá châu Âu mà nhiều CLB muốn sở hữu. Giờ đây, trước thời điểm đón sinh nhật thứ 21 (31/10), tài năng của anh đang có nguy cơ lụi tàn.

Mùa giải 2016/17, Rashford là người giải cứu Mourinho, khi góp công lớn giúp Man United giành danh hiệu Europa League, trong bối cảnh Zlatan Ibrahimovic chấn thương nặng.

Nhưng Rashford chưa bao giờ được Mourinho tin tưởng. Anh thường chỉ là giải pháp trong hiệp 2, khi mà Man United thi đấu bế tắc, hoặc lúc các trụ cột được cho nghỉ sớm.

Ai cho Rashford niềm tin?

Trận này qua trận khác, tài năng của Rashford bị lãng phí, trong khi tâm lý càng trở nên căng thẳng. Mọi thứ đi xa hơn nữa, khi đầu mùa này Mourinho trao cho Marcus chiếc áo số 10.

Đó có thể xem như một kiểu "khen cho chết". Mourinho trao áo số 10 không phải vì tin Rashford, sau kỳ chuyển nhượng mùa Hè ông thất bại với mục tiêu mua tiền vệ tổ chức, mà cố tạo thêm áp lực tâm lý cho chàng trai trẻ.

Marcus Rashford: Sau chiếc áo số 10 là sự ruồng rẫy dành cho kẻ lạc loài ở Man United - Ảnh 4.

Chưa kể, phòng thay đồ ở sân Old Trafford hình thành bè phái. David De Gea chỉ nghĩ đến tiền, làm mình làm mẩy trong quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng. Alexis Sanchez không có bạn vì gốc Chile, bên cạnh mức lương cao nhất đội, 350.000 bảng mỗi tuần.

Paul Pogba thì cầm đầu nhóm chống đối HLV Mourinho (chứ không hoàn toàn là anh muốn được trở lại Juventus), trong khi Matic dẫn đầu phe bảo vệ người thầy đã đưa anh từ Chelsea sang Man United…

Những phe cánh cũng tìm cách "dập" Rashford để anh không nổi bật hơn họ. Kết quả là tâm lý của cầu thủ sinh năm 1997 trở nên bất ổn, không còn hiệu quả khi vào sân, chỉ ghi 1 bàn cho Man United từ sau ngày 10/3 đến nay.

Rashford đang mất niềm tin vào chính mình, và không tìm thấy niềm tin nơi Mourinho lẫn các đồng đội xung quanh. Nếu tình trạng này tiếp tục, ra đi là liệu pháp tốt nhất để anh tìm lại bản thân, một thần đồng của bóng đá Anh và Man United.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại