Mảng tối lộ diện mùa Covid: Có một nền bóng đá Hàn Quốc ích kỷ, không lung linh như phim ảnh

Hiếu Lương |

Bóng đá Hàn Quốc hai năm qua rúng động với những cáo buộc lạm dụng tình dục và mới đây nhất, khoảng tối về đóng góp xã hội của giới cầu thủ cũng trở nên rõ nét hơn trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.

Những cầu thủ thi đấu ở K.League Classic – hạng đấu cao nhất của xứ sở kim chi, nhận mức lương đủ để họ gia nhập tầng lớp trung lưu. Thế nhưng, tờ Sports Seoul mới đây cho rằng mức lương cao không đồng nghĩa các cầu thủ hiểu được giá trị họ cần tạo ra cho xã hội.

Trong cuộc trao đổi với giám đốc marketing một CLB ở K.League Classic, vị này phàn nàn rằng có một cầu thủ nhận được mức lương cao trong đội nhưng bất hợp tác trong việc tham gia công tác xã hội và hoạt động tiếp thị do CLB tổ chức. Một cầu thủ khác thì tham gia hai lần nhưng thể hiện thái độ khó chịu, sau đó tuyên bố ngừng tham gia với lý do "muốn tập trung hoàn toàn vào bóng đá".

Mảng tối lộ diện mùa Covid: Có một nền bóng đá Hàn Quốc ích kỷ, không lung linh như phim ảnh - Ảnh 1.

Các CLB Hàn Quốc gặp khó khăn khi tổ chức các hoạt động từ nhiện do một số cầu thủ bất đồng quan điểm. Ảnh: KFA.

Phóng viên Kim Yong-il nhận định đây không phải trường hợp duy nhất ở bóng đá Hàn Quốc. "Văn hoá ở K.League, nhận thức của các cầu thủ đã có tiến bộ và trưởng thành hơn trước nhưng nhận thức về giá trị bản thân có thể tạo ra đã không thay đổi nhiều", Kim chia sẻ.

Khi đề cập đến các giá trị ngoài chuyên môn, không chỉ cầu thủ mà chính lãnh đạo đội bóng cũng có có người thờ ơ. Lý giải luôn quanh quẩn với nội dung "một cầu thủ bóng đá chỉ cần đá bóng tốt". Điều này không sai nhưng khi đã được gắn danh "professional" (chuyên nghiệp) thì cư xử như vậy biến họ trở về với trạng thái nghiệp dư.

"Cầu thủ không thể không có sự liên kết với CĐV", Kim nói tiếp. "Bóng đá chỉ chơi từ từ 1-2 trận trong tuần. Ngoài lúc tập luyện, khoảng thời gian còn lại còn có tiếp xúc xã hội, như một phần của việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi những người quản lý CLB không thấy hứng thú với các hoạt động truyền thông, giao tiếp với người hâm mộ hay đóng góp xã hội thì thật khó".

Một lãnh đạo CLB khác ở K.League Classic thì cho rằng cầu thủ Hàn Quốc đã quen với văn hoá khép kín từ nhỏ nên họ cảm thấy "tham gia sự kiện mà CLB coi trọng thay vì tập luyện khiến họ mất thời gian vô bổ mà không cải thiện được bản thân".

Mảng tối lộ diện mùa Covid: Có một nền bóng đá Hàn Quốc ích kỷ, không lung linh như phim ảnh - Ảnh 2.

Thành công của bóng đá Hàn Quốc thời gian qua trên đấu trường quốc tế khiến họ trở thành quốc gia thành công bậc nhất châu Á. Ảnh: Hiếu Lương.

Một mảng tối của bóng đá Hàn Quốc được phô bày. Cầu thủ thì được cho là ích kỷ hơn nhiều. Sự so sánh với những đối tượng tương tự như ca sĩ, diễn viên - nhóm người tích cực làm các hoạt động xã hội và trở thành hình mẫu được hướng tới ở xứ sở kim chi.

Chính từ đây, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành ở Hàn Quốc, nhiều cầu thủ đứng ngoài cuộc trong việc vận động tài trợ, gây quỹ quyên góp tiền ủng hộ. Để dễ hình dung, những việc làm này giống với Văn Toàn (HAGL), Văn Quyết (Hà Nội FC),… đã thực hiện vừa qua. Ngay kể cả việc giảm lương, các CLB ở K.League chưa tiến hành đàm phán nhưng việc được cho là sẽ khó khăn.

Thậm chí, việc làm này còn khiến K.League bị so sánh với J.League. Yokohama FC vừa gia hạn hợp đồng với Kazuyoshi Miura, huyền thoại năm nay đã 53 tuổi, được gọi với biệt danh "King Kazu". Điều khiến Yokohama FC quyết định ký hợp đồng với Miura nằm ở việc ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội và tạo dấu ấn đậm nét với người dân ở Yokohama.

Mảng tối lộ diện mùa Covid: Có một nền bóng đá Hàn Quốc ích kỷ, không lung linh như phim ảnh - Ảnh 3.
Mảng tối lộ diện mùa Covid: Có một nền bóng đá Hàn Quốc ích kỷ, không lung linh như phim ảnh - Ảnh 4.
Mảng tối lộ diện mùa Covid: Có một nền bóng đá Hàn Quốc ích kỷ, không lung linh như phim ảnh - Ảnh 5.

Nhiều cá nhân Hàn Quốc giúp nền bóng đá rạng danh châu lục và thế giới nhưng sâu bên trong nền bóng đá vẫn còn điểm nhức nhối. Ảnh: EPA - Chosun.

Từ những câu chuyện này, một số CLB ở Hàn Quốc đưa ra giải pháp nằm ở các bản hợp đồng. Ngoài đàm phán về tiền lương, việc tham gia các hoạt động xã hội cũng được đính kèm. Việc làm này sẽ giúp cầu thủ có thể nhận được khoản lương cao hơn một chút, hoặc nếu giúp hoạt động xã hội thành công, uy tín CLB tăng cao, họ cũng sẽ được trọng thưởng.

"Trong tương lai, đây có thể là một tiêu chí trong tiêu chuẩn tính lương hàng năm của các CLB", tờ Sports Seoul nhận định.

Bóng đá Hàn Quốc đóng góp không ít cho việc quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới. Không chỉ có các đội tuyển quốc gia, những cái tên như Cha Bum-Kun, Park Ji-sung, Son Heung-min, Park Hang-seo,… đang góp phần vào công cuộc như "Hàn lưu - hallyu" ở lĩnh vực nghệ thuật. Thế nhưng, trái với hào nhoáng bên ngoài, dường như bóng đá Hàn Quốc cũng có không ít vấn đề cần giải quyết. Không phải vấn đề tài chính mà là tính nhân văn đối với cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại