2010 là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở châu Phi. Cụ thể, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được diễn ra trên 10 sân vận động thuộc 9 thành phố của Nam Phi từ ngày 11/6 đến 11/7.
World Cup 2010 đánh dấu lần đầu tiên Tây Ban Nha lên ngôi vô địch. Đồng thời, “La Roja” là đội vô địch ghi ít bàn nhất (8 bàn) và họ cũng trở thành đội tuyển châu Âu đầu tiên đăng quang ở ngoài lục địa già.
Trong khi đó, Italia lần thứ 2 bị loại ngay từ vòng bảng với tư cách là đương kim vô địch. Lần đầu tiên của “Azzurri” vào năm 1950. Ngoài Italia, lịch sử các kỳ World Cup cũng chứng kiến 2 nhà vô địch bị loại từ vòng bảng gồm Brazil (1966) và Pháp (2002).
Đội hình toàn sao
Tại World Cup 2010, HLV Vicente del Bosque mang đến Nam Phi đội hình gồm rất nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới và đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ. Trong khung thành, Iker Casillas là sự lựa chọn số một. Dự bị cho anh là Victor Valdes và Pepe Reina.
Nơi hàng thủ, Sergio Ramos đảm nhiệm vai trò hậu vệ cánh phải. Bộ đôi trung vệ là 2 cái tên đến từ Barcelona gồm Carles Puyol và Gerard Pique. Joan Capdevila đá chính trong vai trò hậu vệ trái. Những cái tên như Raul Albiol, Alvaro Arbeloa, Carlos Marchena ngồi dự bị.
Nơi hàng tiền vệ, Xabi Alonso, Sergio Busquets và Xavi Hernandez thường xuyên có tên trong đội hình xuất phát. Những hảo thủ khác như Cesc Fabregas, Javier Martinez Jesus Navas, Juan Mata hay David Villa phải chấp nhận ngồi ghế dự bị.
Trên hàng công Andres Iniesta, Fernando Torres và David Villa sát cánh cùng nhau. Pedro Rodriguez cùng Fernando Llorente ngồi dự bị.
Thời điểm bấy giờ, lối chơi tiqui-taca đang ở thời kỳ hưng thịnh và thường xuyên giúp Barcelona thống trị La Liga cũng như Champions League. Đội hình Tây Ban Nha gồm nhiều cầu thủ Barca. Bên cạnh đó, những ngôi sao khác cũng sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện, khả năng ban bật cực tốt. Điều đó giúp HLV Del Bosque dễ dàng áp dụng lối đá này cho “La Roja”.
Hành trình vô địch gian nan
Tại World Cup 2010, Tây Ban Nha nằm ở bảng H cùng Thuỵ Sĩ, Chile và Honduras. Tuy được đánh giá cao nhất bảng nhưng các học trò HLV Del Bosque đã khởi đầu giải đấu khá tệ hại. Mặc dù chơi lấn lướt trước Thuỵ Sĩ trong trận ra quân, song đội bóng xứ sở bò tót vẫn phải nhận thất bại 0-1 sau pha làm bàn của tiền vệ Gelson Fernandes vào phút 52.
Bước vào trận đấu thứ 2 vòng bảng với Honduras, Tây Ban Nha dễ dàng tạo ra thế trận áp đảo và vượt qua đối thủ với tỷ số 2-0 nhờ cú đúp của tiền đạo David Villa vào các phút thứ 17 và 51.
Trong trận đấu cuối bảng H với Chile, David Villa (24') và Andres Iniesta (37')cùng nhau toả sáng mang về chiến thắng 2-1 cho Tây Ban Nha. Pha lập công duy nhất của đại diện Nam Mỹ ở trận này đến từ Rodrigo Millar ở phút 47.
Có được 6 điểm sau 3 trận giống Chile nhưng Tây Ban Nha đứng đầu bảng H nhờ hơn hiệu số bàn thắng (+2 so với +1). Đối thủ của họ tại vòng 1/8 là Bồ Đào Nha, đội đứng nhì bảng G.
Tuy gặp rất nhiều khó khăn trước lối chơi phòng ngự, phản công của Bồ Đào Nha nhưng Tây Ban Nha vẫn xuất sắc giành thắng lợi tối thiểu 1-0 nhờ pha lập công của tiền đạo David Villa ở phút 62. Đến vòng tứ kết, Villa tiếp tục toả sáng với pha làm bàn duy nhất ở phút 83 giúp La "Furia Roja" lọt vào bán kết.
Chạm trán ĐT Đức ở vòng bán kết, Tây Ban Nha gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, khi đội nhà bế tắc trong tấn công, trung vệ đã toả sáng pha lập công duy nhất ở phút 73 giúp đội bóng xứ sở đấu bò tiến vào chung kết.
Ở trận chung kết, Hà Lan chủ động chơi phòng ngự với số đông bên phần sân nhà để chờ đợi thời cơ phản công. Đồng thời, họ không ngần ngại va chạm nhằm phá lối chơi tiqui-taca của Tây Ban Nha. Kết quả hoà 0-0 sau 90 phút khiến đôi bên phải bước vào 2 hiệp phụ.
Phút 109, trung vệ John Heitinga của Hà Lan nhận thẻ vàng thứ hai. Tuy được chơi hơn người nhưng Tây Ban Nha gặp vô vàn khó khăn trước lối chơi tử thủ của “Cơn lốc màu da cam”. Phút 116, Cesc Fabregas chuyền bóng vào trong vòng cấm để Andres Iniesta khống chế rồi bắt volley làm tung lưới thủ thành Maarten Stekelenburg, ấn định chiến thắng 1-0 cho Tây Ban Nha, qua đó mang về chức vô địch thế giới đầu tiên cho “La Roja”.
World Cup 2010:
Nơi tổ chức: Nam Phi
Vô địch: Tây Ban Nha
Á quân: Hà Lan
Hạng ba: Đức
Hạng tư: Uruguay
Vua phá lưới: Diego Forlan (Uruguay), Thomas Muller (Đức), Wesley Sneijder (Hà Lan), David Villa (Tây Ban Nha), mỗi người 5 bàn
Cầu thủ xuất sắc nhất: Diego Forlan (Uruguay)
Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Thomas Muller (Đức)
Thủ môn xuất sắc nhất: Iker Casillas (Tây Ban Nha)
Đội tuyển giành giải Fair play: Tây Ban Nha