Giải đấu đầu tiên của những năm 1990 chứng kiến cú sốc lớn nhất trong lịch sử Euro cho đến nay, khi Đan Mạch từ vai trò của một ‘kẻ ngoài cuộc” đã đánh bại cả hai nhà đương kim vô địch châu Âu là Hà Lan ở bán kết, tiếp theo là đương kim vô địch World Cup (Đức) trong trận chung kết. Người Đan Mạch thậm chí không đủ điều kiện tham dự giải đấu mà chỉ được triệu tập để thay thế Nam Tư bị loại sau khi quốc gia liên bang này không còn tồn tại như một thực thể cũ ở vòng loại.
Một vòng bảng không mấy nổi bật, khi Đan Mạch chỉ thắng một trong ba trận - thành tích thấp nhất của một đội vô địch giải đấu kể từ khi vòng đấu bảng ra mắt vào năm 1980, cho đến năm 2004 thì Hy Lạp lặp lại thành tích này. Trên thực tế, suýt nữa Đan Mạch đã bị loại ngay vòng bảng nếu không có bàn thắng ở phút 78 của Lars Elstrup vào lưới Pháp, qua đó giúp họ thắng 1-0 để đi tiếp.
Nhìn chung, chỉ có 21 bàn thắng được ghi trong 12 trận vòng bảng năm 1992 (trung bình 1,75 bàn mỗi trận) và đây là vòng bảng có số bàn thắng thấp nhất trong lịch sử Giải vô địch châu Âu. Rất may cho người hâm mộ, điều này đã không tiếp tục diễn ra ở vòng knock-out khi hai trận bán kết và trận chung kết chứng kiến tổng cộng 11 bàn thắng (3,67 bàn/trận).
Có một điều chắc chắn, dù là bất ngờ lớn nhất nhưng Đan Mạch sẽ không được nhớ đến như một nhà vô địch thú vị nhất của giải đấu này. Trong 5 trận đấu vào năm 1992, họ thực hiện ít cú sút nhất (10,3 lần/trận) và số cú sút trúng đích cũng ít nhất (2,4), chỉ tích lũy được 5,4 xG (số bàn thắng kỳ vọng) trong 480 phút toàn bộ chiến dịch. Tức là mỗi trận họ chỉ có xG kỳ vọng là 1,01.
Tuy nhiên, Đan Mạch đã chứng minh rằng một đội được tổ chức tốt có thể chiếm ưu thế trong một giải đấu cúp. Họ chỉ bị dẫn trước có 32 phút trong suốt giải đấu và chỉ trong một trận đấu – thất bại 0-1 trước chủ nhà Thụy Điển trong lượt thứ hai vòng bảng. Trên thực tế, họ đã có 44% thời gian thi đấu trong giải đấu năm 1992 ở vị trí ghi bàn trước, tức là nhiều hơn bất kỳ đội nào khác.
Như đã đề cập trước đó, năm 1992 là kỳ Euro cuối cùng mà các thủ môn có thể bắt bóng ở những đường trả về. Trên đường giành chiến thắng, Đan Mạch sử dụng phương pháp này nhiều hơn bất kỳ đội nào khác. Thủ môn của họ nhận được trung bình 26 đường chuyền mỗi 90 phút.
Đến Euro 1996, có sự sụt giảm nghiêm trọng về số đường chuyền trung bình mà thủ môn nhận được trong 90 phút, xuống còn 1/3 so với mức trung bình năm 1992. Chỉ 6,9 đường chuyền mỗi 90 phút cho các thủ môn. Ở thời điểm đó, khái niệm thủ môn dùng chân chơi bóng vẫn còn xa lạ. Nhưng các thủ môn đã tìm ra cách khác để bận rộn ở Euro 96 – thông qua loạt sút luân lưu.
Giải đấu năm 1996 mang đến một cảm giác mới khi nâng lên 16 đội tham gia, có thêm một vòng đấu loại trực tiếp và luật bàn thắng vàng được áp dụng. Với việc thêm một vòng đấu loại trực tiếp, khả năng xảy ra loạt sút luân lưu đã tăng lên và giải đã chứng kiến kỷ lục 4 lần diễn ra tại Euro 96, trong đó 2 trận có sự tham gia của Anh.
Đội chủ nhà đã phải chịu đựng nỗi đau trong loạt sút luân lưu duy nhất trước đó – trận bán kết World Cup 1990 bị Tây Đức loại. Họ đã tìm mọi cách để xua đuổi bóng ma đó bằng chiến thắng 4-2 trong loạt luân lưu ở tứ kết với Tây Ban Nha, nhưng mọi thứ đã quay trở lại chỉ bốn ngày sau đó khi họ một lần nữa bị loại ở bán kết một giải đấu lớn bởi người Đức.
Anh tiếp tục thua luân lưu tiếp theo ở các giải đấu lớn sau Euro 96 – World Cup 1998, Euro 2004, World Cup 2006 và Euro 2012 – trước khi kết thúc chuỗi trận khủng khiếp của họ bằng chiến thắng loạt luân lưu ở World Cup trước Colombia vào World Cup 2018. Không may cho Tam Sư, họ sẽ đau lòng hơn trong trận chung kết Euro 2020 với Italy tại Wembley, khi thua 2-3 trên chấm luân lưu sau trận hòa 1-1 sau hiệp phụ.
Nhìn chung, tại Euro 1996 có 42 quả phạt đền được thực hiện trong các loạt luân lưu (37 quả thành công). Đội tuyển Đức đã giành được danh hiệu lớn đầu tiên với tư cách là một quốc gia thống nhất, thêm vào hai danh hiệu Eure mà Tây Đức đã giành được trước đó để trở thành đội bóng giàu thành tích nhất châu Âu. Chiến thắng 2-1 của họ trong trận chung kết trước CH Séc đến từ bàn thắng vàng của Oliver Bierhoff, ở phút thứ 5 của hiệp phụ. Điều thú vị là Bierhoff chỉ chơi 92 phút ở toàn bộ các trận trước chung kết và chỉ bước vào trận đấu với CH Séc ở phút 69. Thế nhưng, 2 bàn thắng để giúp đội nhà giành danh hiệu chính là hai cú sút trúng đích duy nhất của anh trong toàn bộ giải đấu.
Trong khi Đức là đội nâng cao cúp vô địch thì chủ nhà Anh có thể nói là đội đã rời giải để lại ấn tượng lớn nhất. Đất nước này tưởng đã hết yêu đội tuyển bóng đá quốc gia của họ sau màn thể hiện tệ hại tại Euro 92 và thậm chí không đủ điều kiện tham dự World Cup 1994. Nhưng Alan Shearer kết thúc giải đấu với tư cách vua phá lưới với 5 bàn thắng và vẫn là cầu thủ Anh duy nhất giành được danh hiệu vua phá lưới tại một vòng chung kết Euro.
Trước trận mở màn Euro 1996 tại Wembley gặp Thụy Sĩ, Shearer đã có 12 lần ra sân cho đội tuyển Anh và 640 ngày không ghi được bàn thắng nào cho Tam sư mặc dù là tay săn bàn hàng đầu Premier League với 31 bàn sau 35 lần ra sân cho Blackburn Rovers. Chiến dịch Euro 96 của Anh phần lớn được nhớ đến với những chiến thắng xuất sắc trước đối thủ Scotland và Hà Lan, tiếp theo là chiến thắng trong loạt sút luân lưu trước Tây Ban Nha ở tứ kết.