Leo núi thể thao được kỳ vọng tỏa sáng tại Olympic Paris 2024

HỮU THÀNH |

Môn leo núi thể thao trong lần ra mắt Thế vận hội Olympic ở Tokyo vào năm 2021 đã tạo ra “làn sóng” tranh cãi. Song, theo thời gian, với lượng người chơi lẫn khán giả đến với bộ môn này ngày càng tăng, cộng hưởng việc được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thêm một lần đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic tại Paris 2024, những người đứng đầu hy vọng “sẽ có một chặng đường leo núi suôn sẻ hơn trong tương lai”.

Leo núi thể thao được kỳ vọng tỏa sáng tại Olympic Paris 2024- Ảnh 1.

Môn leo núi thể thao phát triển mạnh ở Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Kỳ Olympic diễn ra ở thủ đô Tokyo ba năm về trước, những vận động viên (VĐV) leo núi thuộc tất cả nội dung bouldering (leo núi tự do), lead (leo núi dẫn đầu) và speed (leo núi tốc độ) đã phải cạnh tranh đầy gắt gao để giành một tấm HCV dành cho nam và một tấm HCV thuộc phái nữ. Đây chính là khởi nguồn của sự tranh cãi. Bởi các nội dung của môn leo núi có sự phân biệt khá rõ rệt về chuyên môn, nhưng chỉ có hai nội dung huy chương được trao bất chấp sự phản đối từ chính những người yêu bộ môn này lẫn người hâm mộ.

Song, đó cũng chính là kinh nghiệm để Liên đoàn Leo núi Thể thao quốc tế (IFSC) thuyết phục thành công IOC nâng đôi số lượng bộ huy chương được trao. Trong đó, ban tổ chức tách nội dung boulder-and-lead khỏi nội dung speed. Đồng thời, Olympic Paris 2024 còn chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng VĐV tham dự, từ 40 lên 68 người. Chủ tịch IFSC, ông Marco Scolaris, tin rằng những vấn đề gây khó khăn cho môn thể thao này tại Olympic Tokyo hiện đã phần lớn được giải quyết.

Môn leo núi thể thao tại Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 5 đến 10-8 tại Trung tâm Leo núi thể thao Le Bourget thuộc vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis của thủ đô Paris.


Ông Scolaris nói với Hãng thông tấn Reuters (Anh): “Chúng tôi từng chấp nhận thỏa hiệp này, vì tin rằng khi các quan chức IOC đến xem ở Olympic Tokyo, họ đã thấy sự khác biệt giữa các nội dung thi đấu. Từ đó, việc chia các nội dung thi đấu thành nhiều huy chương khác nhau là điều tự nhiên. IFSC không bỏ sót bất kỳ nội dung nào trong quá trình phát triển lâu dài của leo núi thể thao, tất cả sẽ có sự công nhận xứng đáng. Có lẽ điểm yếu của chúng tôi là không giải thích điều này với cộng đồng của mình”.

Leo núi thể thao được kỳ vọng tỏa sáng tại Olympic Paris 2024- Ảnh 3.

Môn leo núi thể thao lần đầu đưa vào chương trình thi đấu Olympic tại Tokyo năm 2021.

Việc môn leo núi thể thao trong lần đầu được ra mắt tại Olympic Tokyo 2020 đã thúc đẩy sự phát triển của môn thể thao này và hiện có gần 100 quốc gia đã thành lập hiệp hội liên kết với IFSC. IFSC còn chứng kiến sự tăng trưởng tài chính ổn định. Kể từ thời điểm thành lập vào năm 2007, tổ chức này chỉ có ngân sách hoạt động là 150.000 euro, còn năm nay đạt con số gần 6 triệu euro.

“IFSC thấy rằng nhiều Ủy ban Olympic quốc gia nhận thức được môn thể thao này và sức hấp dẫn của nó đối với thế hệ trẻ. Có thể họ chưa sẵn sàng đầu tư ngay bây giờ, nhưng điều này đã mở ra cho tất cả nhìn thấy cơ hội đầu tư trong tương lai. Số lượng phòng tập leo núi chắc chắn đã tăng lên, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nhưng chúng ta không thể nói liệu điều này nhờ vào Olympic Tokyo 2020 hay đây là xu hướng tự nhiên”, ông Scolaris cho biết.

IOC đang giúp IFSC về mặt tài chính, nhưng không giống như các liên đoàn có môn thể thao chuẩn Olympic khác. Bởi ban tổ chức Olympic Paris 2024 không chia sẻ doanh thu bản quyền truyền hình với chúng tôi. Điều này không công bằng vì môn leo núi thể thao cũng tham gia sản xuất chương trình, nhưng đây là một trong những điều kiện được đưa ra ngay từ đầu.

Môn leo núi thể thao thịnh hành ở châu Âu và phát triển nhanh chóng tại hai cường quốc về kinh tế là Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng theo báo cáo từ IFSC, bộ môn này đang kém người chơi ở các nước đang phát triển. Ông Scolaris cho biết: “Leo núi thể thao đang khó có sự phát triển tại châu Phi, với những quốc gia có những địa hình thuận lợi cho bộ môn này. Bởi đặc thù của leo núi thể thao cần rất nhiều vốn đầu tư và chúng ta không có đủ vốn. Nhưng suy nghĩ đó chỉ là vấn đề thời gian, IFSC đang tạo ra sự quan tâm và nền tảng, và chúng tôi sẽ đầu tư vào châu lục này ngay khi có thể”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại