Lại thêm mùa Hè nữa, Premier League tự hạ gục mình bằng "bom tấn"

Quế Nam |

Các CLB Anh mua cầu thủ với giá trên trời, và sau hai năm phá vô số kỷ lục chuyển nhượng, họ xiết lại thì đã muộn.

1. Tháng Giêng 2011, Chelsea chi 50 triệu bảng Anh chiêu mộ Fernando Torres - bản hợp đồng cao giá thứ tư qua mọi thời đại ở thời điểm ấy. "Đây là một ngày trọng đại của Chelsea, khi chúng tôi mang về một trong những cầu thủ hay nhất thế giới, lại đang ở đỉnh cao phong độ", chủ tịch Chelsea Bruce Buck tuyên bố.

Chỉ có điều Buck đã sai. Torres ngày ấy mới bước sang tuổi 27, nhưng đấy đã là tuổi "quá lứa" của một trung phong trong thế giới bóng đá hiện đại. Đấy là ghi chú của Omar Chaudhuri từ công ty tư vấn bóng đá 21st Club.

Thống kê từ công ty này chỉ ra: đấy là lúc Torres bắt đầu đi xuống. Dấu hiệu quá rõ ràng: nửa đầu mùa bóng 2010/11, Torres chỉ còn ghi được có 9 bàn sau 26 trận đấu. Kết quả sau đó lại càng chứng minh điều đó, khi Torres chỉ ghi được 20 bàn sau 110 trận Premier League cho Chelsea.

Lại thêm mùa Hè nữa, Premier League tự hạ gục mình bằng bom tấn - Ảnh 1.

Mùa hè thứ năm liên tiếp, các CLB Premier League chi hơn một tỷ bảng Anh để mua cầu thủ. Nền kinh tế châu Âu có thể lao đao, chứ tiền đổ vào Premier League vẫn nhiều. Và họ có quyền chi xài nhiều. Chỉ có điều, việc cấp tập chi tiền để mua những cầu thủ đã thành danh có vẻ như sẽ không đem lại kết quả mong muốn. Vì bóng đá hiện đại đã thay đổi rất nhiều, trong khi có vẻ các CLB vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc đánh giá lại thị trường.

Nghiên cứu từ công ty tư vấn 21st Club chỉ ra: các tiền đạo sẽ lên đỉnh cao ở tuổi 25, hậu vệ ở tuổi 27 và tiền vệ ở tuổi 25-27. Mua cầu thủ sau lứa tuổi này, khả năng ôm hận là rất lớn, mà Torres đã trở thành một ví dụ tiêu biểu.

Đấy là điều đã từng xảy ra với Wayne Rooney. Ở tuổi 28, Rooney đã chơi như một lão tướng. Đấy là vì Torres và Rooney đã tỏa sáng từ những năm tuổi teen. Đến 27, họ đã chơi cả chục mùa bóng đỉnh cao liên tục, phong độ đi xuống là điều dễ hiểu. Khi các cầu thủ thành danh ngày một sớm hơn, đỉnh cao của họ cũng cần phải dời lại. Trong thập niên 1990, tuổi 30 là đẹp nhất của một tiền đạo, trung vệ thì ngoài 30 mới thực sự chín muồi. Nhưng thời thế đã thay đổi.

Lại thêm mùa Hè nữa, Premier League tự hạ gục mình bằng bom tấn - Ảnh 2.

Cũng như Fernando Torres, Wayne Rooney "tụt dốc" sớm vì tỏa sáng quá sớm.

2. Năm ngoái, Everton phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB khi chi 45 triệu bảng để chiêu mộ Gylfi Sigurdsson của Swansea, ở tuổi 28. Giá chính xác của Sigurdsson chỉ tầm nửa con số đó, theo TransferMarkt - trang web chuyên phân tích thể hiện của các cầu thủ từ đó đưa ra một giá trị chuyển nhượng tương đối. Kết quả là Sigurdsson gây thất vọng lớn, khi anh chưa từng thể hiện được tài hoa như khi còn ở CLB cũ, chủ yếu vì "đã qua tuổi đỉnh cao".

Ngược lại, số ít những CLB tỉnh táo, tránh lao vào cuộc chạy đua vũ trang, như Tottenham, thì lại đang phát triển tốt, và chơi hay dần qua từng năm. Các CLB Anh vẫn hay đề cao vấn đề kinh nghiệm. Họ luôn muốn ký với một cầu thủ đang chơi tại Premier League, vì tin giải đấu của họ rất khó khăn, và những cầu thủ từ nơi khác tới có thể sẽ phải mất thời gian thích nghi.

Mà những CLB ở Anh thì lại không thiếu tiền, nên để chiêu một tân binh, một CLB phải bỏ ra rất nhiều tiền để thuyết phục đối tác. Hai mùa hè trước, kỷ lục chuyển nhượng cấp CLB được phá vỡ hàng tuần.

Lại thêm mùa Hè nữa, Premier League tự hạ gục mình bằng bom tấn - Ảnh 3.

"Bom tấn" Gylfi Sigurdsson gây thất vọng não nề ở Everton.

Đấy rõ ràng là một sự mặc định rất tâm lý, giống như chúng ta vẫn có xu hướng ăn những chỗ quen thuộc, thay vì chọn một hàng quán mới. Chaudhuri chỉ ra: không có bất cứ một luận cứ nào cho thấy cầu thủ nước ngoài sẽ khó thành công hơn cầu thủ đã có kinh nghiệm đá bóng tại Anh. Hoàn toàn ngược lại, những cầu thủ hay nhất Anh quốc đều là người nước ngoài. Tức là có lúc họ cũng là… tân binh tại Premier League.

Everton mua Sigurdsson không như kỳ vọng, nhưng não trạng chuộng kinh nghiệm vẫn thúc ép họ mua Richarlison của Watford với giá 35 triệu bảng, có thể tăng lên thành 50 triệu bảng tùy vào thành tích thi đấu. Mới trước đó một năm, Watford chỉ bỏ ra 11 triệu bảng để mua cầu thủ người Brazil từ Fluminense. Everton là một trong rất nhiều CLB Premier League đã góp phần phá giá cầu thủ, tạo ra một thị trường hỗn loạn.

Lại thêm mùa Hè nữa, Premier League tự hạ gục mình bằng bom tấn - Ảnh 4.

Đi lên bằng đôi chân của chính mình, Tottenham đang sống khỏe và vững mạnh.

Trong khi đó nếu chịu khó quan sát, các CLB sẽ thấy những bài học tuyệt vời. Mùa trước, Brighton âm thầm ký với nhiều cầu thủ bên ngoài biên giới Anh, trong đó có cặp tiền vệ trung tâm Davy Pröpper và Pascal Groß, với giá vỏn vẹn 3 triệu bảng Anh từ FC Ingolstadt 04 . Họ đóng góp 7 bàn và 8 pha kiến tạo.

Nếu chịu khó để ý, ta sẽ thấy có một CLB của Thụy Sĩ những năm qua luôn ươm mầm rất tốt cho những ngôi sao. Đó là FC Basel, CLB đã trình làng Mo Salah, Xherdan Shaqiri, Granit Xhaka, và Ivan Rakitić.

Nhưng bây giờ, mua cầu thủ giá rẻ đã trở thành điều quá xa xỉ với các CLB Anh. Phàm cái gì lên đến đỉnh cao thì cũng đi xuống. Giải đấu chi tiền khủng khiếp nhất châu Âu liệu sẽ rơi vào bi kịch của Serie A trong những năm chuyển giao thế kỷ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại