Lại là chỉ tiêu chung kết SEA Games

Công Tuấn |

Năm 2017 đội tuyển U-22 Việt Nam đặt chỉ tiêu vào chơi trận chung kết SEA Games mà không phải vô địch, vì ngọn núi Thái Lan cao quá.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam - ông Trần Đức Phấn trong cuộc họp tổng kết ngành và đề ra nhiệm vụ năm 2017 đã giao cho đội tuyển U22 Việt Nam vào chung kết SEA Games. Ông Phấn không chút e dè đã nói luôn đó là một chỉ tiêu không nặng cũng không nhẹ, đơn giản là vượt qua Thái Lan để đăng quang thì khó khăn quá.

Bóng chưa lăn đã thấy sự yếm thế của một đội tuyển trẻ quốc gia chưa gì đã thừa nhận đối thủ mạnh hơn và ngại ngùng đặt mình vào thế thua từ trong trứng nước.

Cách giao chỉ tiêu của ông Phấn có thể dựa vào sự cứng cáp của lứa cầu thủ trẻ Thái Lan đương kim vô địch SEA Games. Mới đây, họ còn thắng cả hai đội U-21 Việt Nam và U-21 HA Gia Lai có lực lượng mạnh ở giải U-21 quốc tế. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Thái Lan sẽ thắng dễ Việt Nam ở đấu trường SEA Games sắp tới. Và cái cách thừa nhận Thái Lan quá mạnh của đại diện Tổng cục TDTT không rõ hữu ý hay vô tình đã phủ quyết nghị quyết của VFF trong năm 2017 là đội tuyển U-22 phải vô địch SEA Games 29.

Chính Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức đã nhắc đi nhắc lại rằng nếu không lên ngôi số một Đông Nam Á với lứa U-22, HLV Hữu Thắng phải từ chức và ít nhất 80% ghế trong Thường trực VFF hãy nhường cho người khác.

Lại là chỉ tiêu chung kết SEA Games - Ảnh 1.

Vì ngại Thái Lan sau AFF Cup và giải U-21 quốc tế, bóng đá Việt Nam đổi chỉ tiêu SEA Games từ vô địch xuống còn vào chung kết. Ảnh: QUANG THẮNG

Từ năm 1959 giành ngôi vô địch đầu tiên đến nay, bóng đá Việt Nam chưa có thêm lần nữa lên đỉnh Đông Nam Á. Nếu chỉ tính ngày hội nhập trở lại SEA Games 1995, đội tuyển Việt Nam đã vào đến chung kết rồi. Trải qua thêm 10 kỳ tham gia SEA Games nữa, bóng đá Việt Nam có ba lần vào chung kết, nghĩa là suốt 21 năm trôi qua vẫn là một chỉ tiêu rất cũ.

Trong bốn trận chung kết SEA Games (ba lần thua Thái Lan), các đội tuyển Việt Nam cho thấy không chỉ kém đối thủ này trong một trận đấu. Ai cũng thấy rõ chúng ta thua toàn diện mà nói như các chuyên gia là thua cả một nền bóng đá.

Vậy trong suốt hơn hai thập niên qua, các nhà quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam đã làm gì để tiếp cận trình độ rồi qua mặt người Thái?

Gần nhất hồi cuối năm 2015, chính ông Tổng Cục phó Trần Đức Phấn đề nghị VFF tổ chức một "hội nghị Diên Hồng" sau trận thua Thái Lan 0-3 ở vòng loại World Cup 2018 nhưng có ai chịu nghe?

Bản tổng kết năm 2016 của VFF rất rổn rảng với thành tích của các đội bóng trẻ, từ tuyển U-16 đến U-19 đều gây tiếng vang như một cách chứng minh bóng đá Việt Nam không đi thụt lùi. Đề án tầm nhìn chiến lược của làng bóng quốc nội cho các đội tuyển phấn đấu đến năm 2020 phải vô địch các giải Đông Nam Á ít nhất hai lần.

Thế mà chỉ tiêu của bóng đá Việt Nam năm 2017 vẫn chỉ là "lối cũ ta về" cách đây đã hơn 21 năm.

HLV Hữu Thắng không lo thiếu quân?

Những cầu thủ dưới 22 tuổi chơi V-League năm 2017 có phong độ ổn định sẽ được HLV Hữu Thắng ghi tên vào danh sách đội dự tuyển cho SEA Games 29. Bên cạnh đó, lứa cầu thủ trẻ sắp đá vòng chung kết U-20 World Cup cũng là nguồn tài năng dồi dào cho đội tuyển U-22 Việt Nam.

Tuy nhiên, HLV Hữu Thắng trong thực tế không có nhiều chọn lựa, ngoài lứa cầu thủ HA Gia Lai hầu hết có suất chơi V-League thì còn lại các đội khác rất hiếm hoi sử dụng vì phải bảo đảm thành tích cho CLB.

Đấy là chưa kể đến những vị trí chủ chốt kiểu Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn,… chẳng may vắng mặt thì việc thầy Hữu Thắng tìm ra gương mặt thay thế cũng là một bài toán quá khó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại