"Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á" Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng

Mai Hoàng |

“Chúng ta không nên chủ quan. Cái công sức bảo vệ rừng từ hồi xưa đến bây giờ ổn định mà mình bỏ lại thì không được. Vì nó thay đổi liên tục, mình đã duy trì được thì duy trì càng ngày càng tốt hơn nữa” – ông Trần Minh Tùng, hộ giữ rừng tiểu khu 6B, phân khu 3 nói.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 1.

Khu dự trữ sinh quyển Rừng Sác Cần Giờ nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn – Vàm Cỏ, là những dòng sông huyết mạch đối với Tp. HCM. Khả năng tích trữ khí cacbon của cây đước ở khu rừng lõi đặc biệt cao so với những loại cây khác |Ảnh: Mai Nguyễn Phương Anh

Hồi sinh từ chiến tranh

Ông Trần Minh Tùng, đại diện hộ giữ rừng ở phân khu 3, vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đẹp từ thời trai trẻ đi trồng rừng khi đất nước mới giành được hoà bình. "Mẹ tôi tham gia trồng rừng từ năm 1979. Khi ấy, tôi còn nhỏ và tham gia trồng rừng cùng mẹ. Hồi xưa đi trồng rừng rất cực, nhưng mà vui lắm. Mỗi năm gia đình tôi trồng 300-400 hecta", ông Tùng tự hào chia sẻ.

Mỗi đội trồng rừng gồm 60-80 người dân xung phong, nhiều người từ xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ và những khu vực lân cận. 

"Ngoài ra, nhiều khi có các anh kỹ thuật ở thành phố xuống cùng chung bà con ở lại trong rừng, sau khi lao động thì ăn uống, văn nghệ, hò đối đáp với nhau để qua cái mệt", ông Tùng kể. 

Lúc ấy trong rừng ngập mặn di chuyển còn khó khăn, phương tiện liên lạc không có, nguồn nước ngọt rất khan hiếm; tuy nhiên, gia đình ông Tùng cùng tổ trồng rừng vẫn giữ niềm tin để bám trụ lại nơi Rừng Sác.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 2.

Ông Trần Minh Tùng và vợ, bà Nguyễn Thị Lắng, hộ giữ rừng tiểu khu 6B, phân khu 3. Ông Tùng đã gắn bó với rừng từ năm 1979 | Ảnh: Mai Nguyễn Phương Anh

Bắt đầu từ tháng 8 năm 1978, 10 năm trước khi khái niệm biến đổi khí hậu được công nhận bởi giới khao học quốc tế và 37 năm trước khi thoả thuận Paris được ký kết, một trong những "lá phổi xanh" quan trọng nhất của Đông Nam Á bắt đầu được khôi phục tại Cần Giờ bởi chính bàn tay người dân địa phương. Trong bối cảnh sau chiến tranh với bao gánh nặng mưu sinh, những người như ông Tùng đã sớm nhận ra được một sự thật: rằng phát triển kinh tế muốn được lâu bền cần phải đi đôi với phục hồi, bảo vệ rừng phòng hộ.

Có lẽ một phần nhận thức này đến từ việc chứng kiến cánh rừng tự nhiên bạt ngàn bị bom đạn và vũ khí hoá học tàn phá. Với vị trí giao điểm của những dòng sông huyết mạch nối biển Đông với trung tâm thành phố Sài Gòn, Cần Giờ là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh ở miền Nam. Từ năm 1964-1970, Không quân Hoa Kỳ đã ra sức phun thuốc diệt cỏ lên khu vực này, bao gồm ít nhất 2,5 triệu lít chất độc da cam và 186,000 lít chất xanh, tiêu diệt 57% cá thể đước trong hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Từ một khu rừng tự nhiên với tổng diện tích hơn 66.000ha, đến đầu thập niên 70, Rừng Sác chỉ còn lại 5,600ha sử dụng được.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 3.

Ảnh chụp một góc Rừng Sác trước khi bị phun thuốc diệt cỏ | Ảnh: Chicago Tribune

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 4.

Ảnh chụp một góc Rừng Sác sau khi bị phun thuốc diệt cỏ | Ảnh: Chicago Tribune

Sau khi tận mắt chứng kiến những cảnh tượng đau thương ấy, đến năm 1978, khi TP. Hồ Chí Minh chính thức đưa ra chủ trương trồng lại rừng, người dân Cần Giờ đã tích cực hưởng ứng. Ông Tùng chia sẻ động lực của gia đình khi tham gia phong trào trồng rừng: "Trước hết, bảo vệ rừng cũng như là bảo vệ cuộc sống chung, để gia đình mình có cuộc sống ổn định hơn. Và tiếp đó là có những lợi ích xã hội…như chống sạc lở, xâm nhập mặn".

Nhờ những người dân tâm huyết như ông, từ năm 1978-2000 Cần Giờ đã phục hồi được hơn 27,000ha rừng trồng, đạt 135% chỉ tiêu 20,000ha do thành phố đề ra lúc đầu.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 5.

Diện tích rừng trồng luỹ kế mỗi năm tại Cần Giờ từ 1978-1999, theo số liệu của Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ

Chị Nguyễn Thị Hải, nghiên cứu sinh tại Đại học Murdoch, cho rằng yếu tố then tốt dẫn đến việc chương trình khôi phục Rừng Sác đạt được thành công đáng kể, là do người dân Cần Giờ từ đầu đã hiểu được những đồng lợi ích của việc trồng rừng. 

"Kết quả chương trình khôi phục và bảo vệ rừng (tại Cần Giờ) cho thấy yếu tố quyết định là mức độ hiểu biết và hợp tác của người dân địa phương", chị Hải nói. "Đây là một bài học quan trọng cho các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với nạn tàn phá rừng ngập mặn."

Từ trồng rừng đến giữ rừng

Khôi phục rừng đã khó, giữ được mảnh rừng đã khôi phục lại khó hơn.

Năm 1990, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chương trình giao khoán bảo vệ rừng. Nhiều hộ nhận khoán đầu tiên, như hộ của ông Tùng, trước đây đã trực tiếp tham gia công tác trồng rừng.

Trong 10 năm đầu, mối đe doạ lớn nhất các hộ giữ rừng phải đối diện là nạn lâm tặc. Từ năm 1997-2000, trung bình mỗi năm có 184 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng, theo số liệu của Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhưng lâm tặc càng hoành hành, các hộ giữ rừng càng quyết tâm bảo vệ thành quả của mình.

"Khi đi tuần rừng mà thấy có lâm tặc phá rừng, là thấy giống như vườn cây của mình mà người ta vào phá, chịu không nổi", ông Tùng chia sẻ. Nói cách khác, việc bảo vệ rừng "đã ăn sâu vào máu thịt" của bà con. Công cuộc bảo vệ Rừng Sác đã thành công nhờ đây—những người trực tiếp tham gia trồng rừng, sau đó tiếp tục gắn bó với rừng qua hai, ba thế hệ. Đến năm 2010, số lượng lâm tặc giảm hẳn, Rừng Sác chính thức bước vào giao đoạn phát triển ổn định.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 6.

Tất nhiên, ngoài việc đam mê, gắn bó với rừng, một yếu tố quan trọng khiến người dân Cần Giờ vẫn bám trụ nơi đây là chính sách quản lý và hỗ trợ cộng đồng hiệu quả. Mức khoán cho các hộ giữ rừng hiện nay là 1.156.000đ/ha/năm, cao hơn hẳn so với các mô hình khoán rừng ở những địa phương khác. 

Tuy mức sống ở TP Hồ Chí Minh cũng cao hơn so với những nơi khác, các hộ giữ rừng được phỏng vấn đều cho rằng mức khoán hiện nay là nguồn thu nhập tương đối đủ và ổn định. Trong bối cảnh dịch COVID-19, khi giá các sản phẩm lâm nghiệp đều tăng giảm thất thường, mức khoán của các hộ giữ rừng tại Cần Giờ vẫn được giữ nguyên.

Nhờ thu nhập từ khoán rừng, anh Nguyễn Anh Tú, hộ giữ rừng tiểu khu 7, phân khu 2, đã nuôi được con đi học đại học trong thành phố. Vì thế, anh tiếp tục "bám rừng bám chốt" và lấy việc tuyên truyền cho bà con cùng tham gia bảo vệ rừng làm niềm vui.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 7.

Anh Nguyễn Anh Tú, hộ giữ rừng tiểu khu 7, phân khu 2, nuôi con đi học đại học nhờ nghề giữ rừng. Hiện anh đảm nhiệm vai trò tổ phó ở tiểu khu 7. | Ảnh: Mai Nguyễn Phương Anh

Không những hỗ trợ bằng hợp đồng khoán rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cũng quan tâm đến những nhu cầu khác của người dân, thông qua các chương trình hỗ trợ xây nhà chốt, cung cấp pin năng lượng mặt trời, bồn chứa nước sinh hoạt, phương tiện di chuyển trong rừng v.v.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 8.

Nhà chốt của ông Trần Minh Tùng, được Ban quản lý giao vào năm 2014 | Ảnh: Mai Nguyễn Phương Anh

"Đảm bảo sức khoẻ rừng"

Sau ba thập kỷ tuần rừng của những hộ bảo vệ tâm huyết, hiện nay nạn lâm tặc không còn là mối đe doạ lớn đối với Rừng Sác nữa. Diện tích rừng trồng mới 20 năm gần đây cũng không nhiều, do gần như không có đất trống. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Đức Hoàn, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, bước sang thời đại mới, Rừng Sác lại phải đối diện một rủi ro khác: sức khoẻ suy yếu.

Theo ông Hoàn, như bất cứ khu rừng trồng nào khác, Rừng Sác đã quá tuổi thành thục , sẽ đến giai đoạn đi xuống về chất lượng. "Hiện nay đang cần có sự nghiên cứu sâu của các nhà khoa học cũng như nhà quản lý để điều chỉnh làm sao cho rừng luôn luôn được đánh giá là có giá trị cao", ông Hoàn nói.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 9.

Tiến sĩ Huỳnh Đức Hoàn, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, chia sẻ về những khó khăn trong công cuộc phát triển rừng ở giai đoạn mới | Ảnh: Mai Nguyễn Phương Anh

Các kết quả nghiên cứu đã xác định tuổi thành thục của Rừng Sác là 24 năm. Sau 24 năm, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rừng có chiều hướng giảm, khả năng cây chống chịu lại với các điều kiện môi trường bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hoặc sự tấn công của sâu bệnh không còn cao như trước, khả năng hấp thụ CO2 của cây rừng giảm… Tất cả những yếu tố này đều có thể dẫn đến thiệt hại tài nguyên rừng.

Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, thuộc bộ phận Kĩ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ giải thích thêm: "Rừng đước ở Cần Giờ là rừng trồng thuần loài, tập trung, do đó khi phát sinh dịch bệnh, khả năng lây lan là rất nhanh, dẫn đến diện tích ảnh hưởng thiệt hại không nhỏ, việc phòng chống và ngăn ngừa sâu bệnh hại cũng rất khó khăn"

Trong những năm đầu trồng rừng, do không có đa dạng giống nên chủ yếu cây trồng thuộc loài đước đôi. Nhờ nỗ lực của các nhà nghiên cứu và Ban quản lý, tình trạng này cũng đã được cải thiện phần nào, khi hiện nay Rừng Sác được coi là đa dạng nhất trong số các rừng ngập mặn được trồng ở Việt Nam với các giống cây từ Côn Đảo, Phú Quốc, v.v. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, việc "đảm bảo sức khoẻ rừng và tăng sức chống chịu của rừng" vẫn đang là ưu tiên hàng đầu. "Các nhà khoa học đã chứng minh rừng tự nhiên và rừng hỗn loài có giá trị cao về sức chống chịu những tác động gió, bão, sống triều cường, sâu bệnh hơn là rừng thuần loài," ông Hoàn nói.

Ngoài ra, ông Hoàn cũng lo lắng rằng trong tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, nghề rừng sẽ không còn hấp dẫn đối với thế hệ trẻ như thời trước. Năm 2019, tổng số hộ tham gia bảo vệ rừng giảm bảy hộ, do các hộ này đã quá tuổi lao động. "Với xu hướng này có nghĩa là lớp con của những người giữ rừng được đi học, đi làm việc, đến một thời gian nào đó số lượng giữ rừng sẽ giảm xuống, không được như trước đây", ông Hoàn trăn trở và nói thêm: "Làm sao thì làm, cái khó khăn nhất là đảm bảo cuộc sống của người dân giữ rừng."

Hiện nay, không có hộ giữ rừng nào là người trẻ đã công tác ở nơi khác nhưng sau đó quay lại rừng.

Lá phổi xanh quan trọng nhất của Đông Nam Á Cần Giờ trước mối lo thiếu người giữ rừng - Ảnh 10.

Sau khi tăng mạnh từ năm 1990-1996 và tương đối ổn định từ năm 1996-2018, từ năm 2019, số hộ nhận khoán bảo vệ rừng có dấu hiệu giảm do các hộ quá tuổi lao động

"Gửi cho lớp trẻ giữ gìn…"

Bản thân anh Tú là thế hệ thứ hai gắn bó với rừng, cũng băn khoăn không biết con cháu của mình có còn thiết tha với mảnh đất Cần Giờ hay không. Sau này khi con anh học xong đại học tại thành phố, anh hy vọng cháu sẽ cống hiến tri thức và sức trẻ để bảo vệ và phát triển rừng cùng ban quản lý. Tuy nhiên, quyết định này là tuỳ con, anh không can thiệp.

Ông Tùng cũng chia sẻ nỗi lo này, tuy ông đã phần nào hài lòng khi thế hệ con có hai người quyết định lập hộ bảo vệ rừng riêng. Theo ông, điều quan trọng nhất hiện nay với những người như ông là cần phải tích cực tuyên truyền để có một lớp kế thừa. Có thể bây giờ, động lực bảo vệ rừng không còn là để phủ xanh đất trống, cải thiện điều kiện kinh tế nữa, mà là câu chuyện giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu—mối đe doạ lớn nhất của thế kỷ 21.

"Chúng ta không nên chủ quan. Cái công sức bảo vệ rừng từ hồi xưa đến bây giờ ổn định mà mình bỏ lại thì không được. Vì nó thay đổi liên tục, mình đã duy trì được thì duy trì càng ngày càng tốt hơn nữa," ông Tùng kiên quyết. Dù ông biết rằng quyết định rời đô thị náo nhịp để về giữ rừng không phải là quyết định dễ dàng, nhưng chuyện khó khăn mà ai cũng tránh thì ai làm? Nghĩ về tương lai, ông chỉ muốn gửi lại thế hệ sau câu thơ được đúc kết từ trải nghiệm 43 năm gắn bó với rừng của mình —

"Rừng kia nay đã cao rồi

Gởi cho lớp trẻ giữ gìn mà thôi…".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại