“Sát nhân vô ảnh”
Thoạt trông kỳ thủ Trần Quốc Việt già hơn tuổi 61 rất nhiều với mái tóc bạc sớm, cặp kính dày cộm ngang mắt. Tuy nhiên, kỳ thủ này vẫn giữ được nụ cười rất hóm và sự minh mẫn của tư duy như minh chứng chống lại sự lão hóa theo thời gian.
Ông bảo rằng, cuộc đời dẫn ông đến với cờ tướng, rồi từ cờ tướng ông hiểu thêm chính mình. Những tháng ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời luôn gắn bó với quân cờ tướng, ngày nào không chơi là ông cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Sinh ra tại đất Vũng Liêm, Vĩnh Long, từ năm 9 tuổi ông đã học chơi cờ từ người cha vốn là kỳ thủ nổi danh. Dù sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng trong thời kỳ gian khó chung của đất nước, ông cũng sớm phải quen với sóng gió mưu sinh.
Trong thời gian đạp xích lô ngót 20 năm trời tại Sài Gòn, ông đem vốn liếng chơi cờ từ cha ra những bàn cờ vỉa hè thi thố và phát triển. Đả bại hầu hết các đối thủ, Trần Quốc Việt hay “Việt xích lô” nổi tiếng từ đó.
Kỳ thủ Trần Quốc Việt khoác áo Bình Dương trong giải đấu Tăng Giai Nguyên - ảnh nhân vật cung cấp.
Cứ nghe ở đâu có cao thủ là ông Việt lân la tìm đến đọ tài, thử sức. Các cuộc đấu khép lại, thắng nhiều, bại cũng không ít. Tuy nhiên lần nào ông cũng học hỏi thêm được kiến thức về chơi cờ bởi những nước đi cứ ám ảnh ông đến từng giấc ngủ.
Cờ tướng phát triển, cờ độ vỉa hè theo đó mà lên cao, đem lại vinh quang cho nhiều người nhưng cũng lấy đi không ít gia sản của kỳ thủ. Mải mê với những ván cờ, nhiều lần ông Việt quên cả việc đạp xích lô.
Vào năm 1979, ông thua độ mất chiếc xe đạp Cửu Long có giá 180 đồng mà thời đó là tài sản rất giá trị, bằng gần 5 tháng lương y tá của vợ ông. Ông phải bịa ra lý do bị mất trộm để vợ khỏi trách, sau này thắng độ lại ông mới dám nói thật.
Tuy nhiên, bước ngoặt chỉ đến khi ông giành thứ hạng cao và được phong kiện tướng vào năm 1999 trong giải cờ tướng đồng đội toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Năm 2000, 2008, 2009… ông tiếp tục được phong kiện tướng.
Với 6 lần ở ngôi kiện tướng, ông đạp xích lô trở thành thần tượng của giới chơi cờ vỉa hè thời đó. Cũng dịp này, ông Việt gặp được “Võ lâm nhất sát” Lê Thiên Vị, người được coi là cao thủ trong giới cờ độ Sài Gòn.
Khi đó, ông Lê Thiên Vị đang là HLV trưởng đội cờ tướng TP.HCM. Chính ông Vị là người đưa ông Trần Quốc Việt ra biển lớn thi thố.
Biệt hiệu “Sát nhân vô ảnh” (Giết người không thấy hình bóng) cũng được ông Vị đặt cho ông trong thời gian này bởi ông Việt dùng nước Phản cung mã rất điêu luyện.
Biệt hiệu này ý nói sức cờ của ông vừa mạnh mẽ vừa linh hoạt, biến ảo khó lường, đặc biệt là tàn cuộc hay nghĩ ra những sát chiêu rất tuyệt diệu, bất ngờ. Ông Vị cũng là người đặt tên cho rất nhiều danh thủ Sài Gòn với những biệt danh như “Bạch mi ưng vương”, “Diệt tuyệt sư thái”…
Sau gần 10 năm khoác áo đội tuyển TP.HCM, Trần Quốc Việt chuyển sang đầu quân cho đội Bình Dương. Từ khi về khoác áo cho đội Bình Dương, kỳ thủ Trần Quốc Việt quyết định “treo” xe xích lô sau gần 20 năm trời nhọc nhằn mưu sinh.
Phần vì chế độ đãi ngộ ở Bình Dương đủ để ông yên tâm chuyên chú vào cờ tướng, phần vì ông muốn dành thời gian đi đây đi đó giao lưu với các cao thủ cờ.
Suốt một năm chuyên tâm mài giũa, khả năng chơi cờ của “Sát nhân vô ảnh” điêu luyện hơn nhiều và ông cũng rèn cho mình được sự chủ động trong tâm lý, tránh được “tâm lý chiến” của đối thủ.
Chính nhờ vậy, trong giải đấu Phương Trang IV, ông đã bức hòa “tam vương” của cờ tướng Trung Hoa.
Hòa với tam kỳ vương thế giới
Năm 2010, ông Trần Quốc Việt tham dự giải các danh thủ cờ tướng mở rộng - Cup Phương Trang lần IV được tổ chức tại TP.HCM với tư cách kiện tướng quốc gia.
Theo giới chuyên môn nhận đinh, cúp Phương Trang năm 2010 là một giải đấu chất lượng, quy tụ 26 kỳ thủ, trong đó có 6 danh thủ nước ngoài đến từ các nước mạnh nhất thế giới về cờ tướng. Tất cả đều đạt đẳng cấp Quốc tế Đại sư (tương đương kiện tướng quốc tế).
“Lúc đó, việc được so tài với những cao thủ cờ tướng đẳng cấp thế giới khiến tôi phấn chấn hẳn. Tiếng là thi đấu nhưng qua những ván cờ, mỗi kỳ thủ đều tích lũy được cho mình thêm nhiều kinh nghiệm quý báu và có sự quý trọng tài nghệ của nhau. Thi đấu cờ tướng không có chỗ cho sự háo thắng, cay cú hơn thua”, ông Việt chia sẻ.
Bước vào cuộc thi với tâm thế thoải mái, bình tĩnh, ngay vòng một, ông Việt chạm trán Vu Ấu Hoa – Kỳ vương Trung Hoa. Kỳ thủ này vô địch toàn Trung Hoa năm 2002, được giới phân tích đánh giá mạnh nhất giải.
Bắt đầu trận đấu, ông Việt đi trước, dùng trận “Phi tượng cục” (đây là cách chơi ngay ở nước đầu, bên đi trước lên tượng).
Theo ông Việt, ngày xưa người ta cho rằng điều này rất vô lý, vì người ta chưa công đã thủ. Tuy nhiên thời thế thay đổi, nhiều huyền cơ hé mở và các thế cờ cũng biến hóa đa dạng, khôn lường. Đối lại với “Phi tượng cục”, Vu Ấu Hoa dùng trận “Quá cung pháo”.
Ông Việt cũng cho hay, mỗi thế trận đều có thế đối tương ứng. “Quá Cung Pháo” là trận thức khởi đầu bằng việc di chuyển pháo sang ngang, dừng ở đầu Sĩ 6.
Trận thế này mang tính chính nhu, thủ trước công sau rất được các kỳ thủ ưa dùng. Tuy ngày nay có nhiều biến tấu nhưng công dụng không vì thế mà giảm đi.
Giải đấu Vô địch cờ tướng đấu thủ mạnh toàn quốc năm 2015 với sự góp mặt của kỳ thủ Trần Quốc Việt (bên phải) - ảnh nhân vật cung cấp.
Cứ như thế, hai kỳ thủ đắn đo từng nước đi, dàn trận, đưa nhau vào thế với nhiều biến hóa của chiến thuật, ứng biến lanh trí với sự đổi chiêu của đối phương.
Ông Việt công nhận sức cờ của Vu Ấu Hoa có phần nhỉnh hơn, luôn chiếm thế thượng phong so với mình. Tuy nhiên, để đánh bại thế cờ của ông Việt cũng không phải dễ. Vu Ấu Hoa tung đủ chiêu, đến tàn cuộc mà đối thủ vẫn giằng co với mình thì biết chiến thắng không dễ.
Bước vào tàn cuộc, bên Vu Ấu Hoa còn một Pháo, hai Tốt, bên ông Việt còn một Mã, một Tốt. Vu Ấu Hoa hơn hẳn một con Tốt nên tấn công dồn dập mong kết thúc trận đấu.
Thế nhưng, đến nước thứ 80, nhờ dùng quái chiêu độc đáo, ông Việt ăn được một con Tốt của Vu Ấu Hoa, không hổ danh “Sát nhân vô ảnh”.
Thế cờ hai bên thu về cân bằng và cuộc chơi khó khăn hơn rất nhiều. Suy nghĩ mãi không ra được nước đánh, Vu Ấu Hoa giơ hai ngón tay lên đan chéo vào nhau xin hòa.
Lúc này, Vu Ấu Hoa chỉ còn 2 phút, trong khi ông Việt còn 10 phút, nếu cứ đánh, ông Việt có thể sẽ thắng vì lợi thế thời gian. Tuy nhiên, ông Việt đã bằng lòng cho Vu Ấu Hoa hòa vì cho rằng thủ thắng nhờ hơn thời gian là không đẹp.
Ván cờ kết lại sau 82 nước đi, Kỳ vương Vu Ấu Hoa phải chia điểm trong thế thua trước Trần Quốc Việt.
Ván thứ hai, ông Việt đối đầu với Kỳ vương Đài Loan Ngô Quý Lâm. Đây là danh thủ 4 lần đoạt Quý quân thế giới, 1 lần Á quân. Vì lẽ đó, ông ta thống trị làng cờ Đài Loan mấy chục năm nay.
Đối đầu Trần Quốc Việt, một kỳ thủ thua kém về tầm vóc, lại được đi trước, Ngô Quý Lâm tự tin sử dụng thế pháo đầu rồi nhanh chóng biến thành trận “Ngũ lục pháo”.
Đáp lại, Trần Quốc Việt dùng “Khởi mã cục” (mã nhị tiến tam - Mã 2 tấn 3 ) rồi biến trận thành “Tả sĩ giác pháo”.
Hai bên ăn miếng trả miếng hơn 60 nước với sự ngang bằng. Đến tàn cuộc, Ngô Quý Lâm còn Xe - Pháo - Sĩ Tượng bền, Trần Quốc Việt còn Xe - Pháo - đơn Sĩ.
Lợi hơn đối tượng nhưng kỳ thủ xứ Đài không thể nào chiếu hết được Trần Quốc Việt. Như vậy, sau 74 nước đi, hai kỳ thủ hòa nhau trong sự bất ngờ của danh thủ tầm cỡ thế giới này.
Ván thứ ba, Trần Quốc Việt so cờ cùng Triệu Nhữ Quyền, Kỳ vương Hồng Kông. Triệu Nhữ Quyền là nhà vô địch giải Hồng Kông mở rộng năm 2006 và đạt đẳng cấp Đặc cấp Quốc tế Đại sư, ngồi chiếu trên trong làng cờ thế giới.
Lần đối đầu này, Triệu Nhữ Quyền sử dụng đòn “Tiên nhân chỉ lộ” (binh thất tiến nhất – Tốt 7 tấn 1 ) khai cuộc để thăm dò, tiếp đó mới sử dụng pháo đầu để công kích đối phương.
Về phần mình, Trần Quốc Việt cũng sử dụng “Tiên nhân chỉ lộ” như một hư chiêu, một phép thử rồi dùng phi tượng để lập thế. Ở cuộc đấu này, hai bên đấu ngang ngửa nhau,Trần Quốc Việt cũng không hề núng thế hay bị động.
Tàn cục, Triệu Nhữ Quyền còn một Xe, một Mã, một Tốt, bền Sĩ Tượng, Trần Quốc Việt còn một Xe, một Pháo, song Sĩ khuyết Tượng. Lại một lần nữa, Triệu Nhữ Quyền chia điểm với Trần Quốc Việt sau 76 nước đi.
Sau giải này, việc Trần Quốc Việt khiến cho 3 đối thủ sừng sỏ thế giới không thể chiến thắng đã khiến tên tuổi ông càng thêm lừng lẫy trong làng cờ. Tin này chấn động đối với làng cờ Việt Nam thời điểm đó cũng như gây sửng sốt cho 3 kỳ vương thế giới.
Kỳ Thủ Trần Quốc Việt giao lưu cờ tướng tại hội quán của mình.
Chắc chắn rằng, nếu biết ông Việt xuất thân là một ông xích lô, mải mê với nghiệp mưu sinh mà không thể có điều kiện đào tạo và rèn luyện bài bản như mình, các danh thủ cờ thế giới còn khiếp hơn nữa.
Giải đó, ông Việt xếp thứ 4 và với việc thủ hòa trước các kỳ vương, ông Việt đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các đồng đội của mình xếp hạng cao hơn trong giải đấu.
“Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Một vài ván cờ thủ hòa cũng không nói lên được điều gì. So sánh thì trình độ cờ của chúng ta chưa thể ngang hàng với những kỳ thủ ở đẳng cấp thế giới được.
Hy vọng trong tương lai, cờ tướng Việt Nam có thể nổi danh, giành được vị trí cao trong làng cờ thế giới”, ông Việt cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, HLV trưởng đội cờ tướng Bình Dương, nhận xét ông Trần Quốc Việt là người già nhất đội khi nói về tuổi tác, thế nhưng ông Việt vẫn rất mực minh mẫn và liên tục thi đấu.
Ông Việt phát huy được sở trường trong những ván cờ tàn, không nóng vội, không nhanh chóng hơn thua. Do đó, những cao thủ muốn thắng được ông Trần Quốc Việt trong những cuộc chơi này rất khó.
Ngoài ra, ông Việt còn là người rất thẳng thắn, vui tính trong đời thường. Quán cà phê cờ tướng của ông là địa chỉ quen thuộc của giới chơi cờ đến giao lưu.