Nội dung chính
- "Kiếp nạn" của HLV Shin Tae-yong
- Cảnh báo cho HLV Kim Sang-sik
KIẾP NẠN CỦA HLV SHIN TAE-YONG
Vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á, Thái Lan đá 4 trận đầu tiên đều thua, trước các đối thủ Saudi Arabia, Nhật Bản, UAE và Iraq.
Tới vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam lặp lại kết quả đáng buồn ấy, thua toàn bộ 4 trận đầu trước các đối thủ Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc và Oman.
Còn hiện tại ở vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á, Indonesia đang tạo nên kỳ tích cho bóng đá Đông Nam Á. Thầy trò HLV Shin Tea-yong hòa Saudi Arabia, hòa Australia, hòa Bahrain (trong thế có thể chiến thắng 2-1), tới trận thứ tư mới phải nhận thất bại đầu tiên, 1-2 trước Trung Quốc.
Những ngày trước đó, HLV Shin Tea-yong nhận được rất nhiều lời tung hô, vì đưa Indonesia lần đầu tiên vào Vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á. Rồi 3 trận hòa kế tiếp của Indonesia đều gây “chấn động” bóng đá châu Á. Cả châu Á đều phải khen ngợi tuyển Indonesia thì dĩ nhiên, fans xứ Vạn đảo rất vừa lòng.
Ấy thế nhưng chỉ sau một thất bại trước tuyển Trung Quốc, HLV Shin Tae-yong lập tức nhận rất nhiều sự chỉ trích. Thậm chí, có không ít ý kiến ở xứ Vạn đảo đòi sa thải chiến lược gia người Hàn Quốc. Tại sao lại có sự thay đổi chóng mặt tới như vậy ở bóng đá Indonesia?
Thực ra, không có sự thay đổi nào cả. Một bộ phận không nhỏ NHM bóng đá Indonesia đòi sa thải HLV Shin Tae-yong chỉ sau một trận thua trước Trung Quốc là bởi, dù ĐT Indonesia đang thành công nhưng suốt thời gian dài đã qua lại gây nhiều tranh cãi.
Tranh cãi đó là về vấn đề tuyển Indonesia hiện tại sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch con lai. HLV Shin Tea-yong bây giờ đủ khả năng xếp một đội hình 11 người đá chính toàn là cầu thủ con lai nhập tịch, không có cầu thủ bản địa nào.
Thực tế thì các cầu thủ con lai nhập tịch của Indonesia cũng đều có chất lượng cao, thậm chí vượt trội trình độ Đông Nam Á. Họ cũng đang nhận được sự ưu ái lớn của HLV Shin Tae-yong. Thành tích hòa Saudi Arabia, Australia và Bahrain của ĐT Indonesia đến là nhờ dàn cầu thủ nhập tịch này. Chứ với lứa cầu thủ bản địa của Indonesia, dù họ tài năng thì cũng khó vào tới Vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á, chứ nói gì chuyện đoạt điểm số liên tiếp từ các đại gia châu lục!
Nhưng thành tích không phải là thứ mọi NHM bóng đá Indonesia đều đặt lên trên hết, bất chấp tất cả. Vẫn có không ít NHM bóng đá Indonesia muốn đòi hỏi quyền lợi cho các cầu thủ bản địa trên ĐTQG dù có thể nếu sử dụng các cầu thủ này, ĐT xứ Vạn đảo sẽ không mạnh như hiện tại.
Cũng có những ý kiến nghi ngờ tính bền vững của chính sách dùng cầu thủ con lai nhập tịch quá ồ ạt. Thế nên dễ hiểu ngay khi ĐT Indonesia thất bại, tranh cãi nổ ra.
HLV Shin Tae-yong đang tạo ra cuộc cách mạng ở ĐT Indonesia (cùng với ông Chủ tịch Erick Thohir), chiến lược gia người Hàn Quốc đang đi trên dây giữa những tranh luận. Chính bởi vì đi trên dây mong manh như vậy, dù nhìn chung thành tích sau 4 trận của ĐT Indonesia là rất xuất sắc, ông Shin vẫn bị nhiều NHM tẩy chay, đòi sa thải.
CẢNH BÁO CHO HLV KIM SANG-SIK
Ở ĐT Việt Nam hiện tại, thời gian qua có không ít ý kiến bàn luận về việc sử dụng cầu thủ nhập tịch như Nguyễn Xuân Son. Đáng chú ý, Nguyễn Xuân Son là cầu thủ nhập tịch không mang dòng máu Việt Nam.
Người ta đang chờ đợi, tới tháng Một năm 2025 khi Nguyễn Xuân Son đủ điều kiện của FIFA để chơi cho ĐTVN ở các giải chính thức, liệu anh có được triệu tập hay không.
Rộng hơn, nếu Nguyễn Xuân Son được triệu tập và có thể tạo ra ảnh hưởng tốt, ĐTVN liệu có mở rộng, dùng nhiều hơn nữa các cầu thủ nhập tịch không mang dòng máu Việt Nam?
Về cơ bản thì đấy cũng là một cách đáng để bóng đá Việt Nam thử nghiệm và không sai trái gì khi làm đúng luật. Tuy nhiên, có lẽ phương án này sẽ còn tạo ra nhiều tranh luận hơn cả con đường mà bóng đá Indonesia đang đi. Vì dù sao các cầu thủ nhập tịch hiện tại của Indonesia cũng có gốc gác xứ Vạn đảo, không giống trường hợp Nguyễn Xuân Son.
Nói như vậy để hiểu rằng, nếu HLV Kim Sang-sik thật sự nghĩ đến chuyện triệu tập Nguyễn Xuân Son, ông sẽ cần vô cùng thận trọng, cả trong mặt chuyên môn lẫn các yếu tố bên lề, tránh đưa mình vào mũi dùi công kích như kiểu HLV Kim Sang-sik. Nếu không, mỗi khi ĐTVN gặp kết quả chưa tốt, ông Kim Sang-sik có thể nhận áp lực tăng gấp bội.
Với NHM bóng đá Việt Nam, nếu HLV Kim Sang-sik có những thử nghiệm táo bạo, có lẽ chúng ta nên dành nhiều sự kiên nhẫn cho vị chiến lược gia này. Bởi lẽ thật sự thì ĐTVN đang trong giai đoạn thoái trào, chất lượng các trụ cột cũ đi xuống, trong khi lớp cầu thủ trẻ chưa thật sự nổi bật.
Người xưa vẫn có câu “có thực mới vực được đạo”, “có bột mới gột nên hồ”, trong tay ông Kim Sang-sik lúc này không có lực lượng thật sự chất lượng nên câu chuyện thành tích sẽ khó với ĐT Việt Nam. Còn khi đã thử nghiệm thì sẽ cần thời gian.