Với việc không chỉ ký hợp đồng tài trợ thông thường, mà đối tác tài trợ ngày càng có vẻ "nhúng sâu" vào việc điều hành đội bóng, HAGL giờ đây đã qua thời kỳ đẹp nhất khi bầu Đức với học viện HAGL Arsenal JMG tạo ra được một lứa cầu thủ trẻ làm say lòng người, tiếp đó nhấc cả lứa U19 đình đám lên đá V.League với ý định khiến cả giải đấu phải ngước nhìn ngưỡng mộ. Dù không đạt được thành tích nào đáng kể, nhưng lứa cầu thủ "đời đầu" của học viện bóng đá này đã để lại không ít dấu ấn ở cả giải quốc nội lẫn các đội tuyển Việt Nam.
Trên lý thuyết, việc đặt ông Vũ Tiến Thành vào chiếc ghế giám đốc học viện bóng đá LPBank HAGL là điều hợp lý, bởi dù sao cũng đã từng đảm nhiệm vị trí tương tự tại lò đào tạo trẻ số 1 Việt Nam - PVF. Song bên cạnh đó, ông Thành còn được đánh giá cực cao ở V.League với khả năng giúp các đội bóng trụ hạng thành công, tiêu biểu là những ca tưởng chừng như vô vọng như CLB TP.HCM mùa giải 2022.
Có thể hiểu việc HAGL bổ nhiệm ông Vũ Tiến Thành sau cuộc họp giữa bầu Đức và bầu Thụy vào chiều 20/12 vừa qua là động thái chuẩn bị sẵn sàng để đối tác tài trợ tiếp quản CLB HAGL trong trường hợp bầu Đức "mất kiểm soát". Hiện tại, chiếc ghế HLV trưởng của Kiatisuk vẫn vững vàng, song nếu đội bóng phố Núi tiếp tục mạch thua như vừa qua, việc nhà cầm quân người Thái mất chức "rõ như ban ngày".
Trong trường hợp này, HAGL sẽ không rơi vào tình trạng "quân hồ vô phèng" khi đã có HLV Vũ Tiến Thành ở đó, sẵn sàng "bung sức" để thực hiện điều mà mình từng làm tốt nhất ở V.League - đua trụ hạng.
Có thể hiểu nôm na là khi đầu tư lớn vào HAGL, nhà tài trợ đang chơi một "canh bạc" lớn. Nếu thắng - tức là đưa đội bóng phố Núi "trở lại đường đua" để khôi phục vị thế ông lớn ở V.League, họ sẽ thu được thành quả không hề nhỏ. So với khoản đầu tư từ đầu cho các đội bóng khác, đây sẽ là chiến thắng lớn.
Song nếu thua - tức là khiến HAGL tiếp tục bết bát, thậm chí xuống hạng, họ sẽ mất rất nhiều khi trở thành "tội đồ" dìm chết một trong những tình yêu lớn trong lòng không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Mất tiền là chuyện không nhỏ, nhưng mất thanh danh, hình ảnh mới là chuyện lớn nhất.
Bởi cái giá của "canh bạc" này là không nhỏ, nên hoàn toàn có thể hiểu được khi đối tác tài trợ của HAGL muốn đưa sự chi phối của mình vào việc "điều tiết" đội bóng, thay vì để mọi việc phụ thuộc vào cảm hứng của bầu Đức. Với phát biểu "đá cho vui", hay "cứ đá đẹp, có xuống hạng cũng được", ông bầu phố Núi đang vẽ ra hình ảnh đội bóng của cá nhân mình, buồn vui đưa vào tâm trạng của ông. Có lẽ đấy cũng là lý do hầu hết các trụ cột do chính HAGL đào tạo đều dứt áo ra đi.
Việc đội bóng phố Núi "thay máu" để hướng tới mục tiêu cao hơn đua trụ hạng trong tương lai là điều hoàn toàn có thể dự đoán được, song một khi bầu Đức còn nắm quyền quyết định chiến lược, Kiatisuk nắm quyền quyết định chuyên môn, với cách làm kiểu như luân chuyển băng đội trưởng giữa hàng loạt cầu thủ, thì việc thu hút được những ngôi sao lớn về đây đã khó, từ đó tạo nên một đội bóng mạnh thực sự còn khó hơn gấp bội.
HAGL không còn là của một mình bầu Đức, đấy cũng là tin tốt với đội bóng phố Núi khi những động thái giúp đội bóng chuyển biến theo hướng tích cực hơn đã được khởi động. Song với HLV Kiatisuk, đó là tiếng chuông báo động cho tương lai của nhà cầm quân người Thái Lan. Nếu HAGL tiếp tục bết bát, viễn cảnh bầu Đức phải để ê kíp của nhà tài trợ nhảy vào "cứu", để bầu Đức trở thành "người ngoài cuộc" là điều không thể tránh khỏi.