Công Phượng hiện đang ở Nhật Bản, thi đấu cho CLB J.League Yokohama FC. Tuy nhiên, sau 6 trận đã qua của Yokohama FC trên mọi mặt trận, Công Phượng mới chỉ được đăng ký… 1 lần và không hề ra sân.
Vì sao Công Phượng gặp khó ở Yokohama?
Lý giải cho việc Công Phượng đang gặp khó khăn ở Yokohama FC, nhà báo Nhật Bản, Jun Usami nêu quan điểm trước truyền thông:
"Trước hết, tôi cho rằng việc Công Phượng trở lại Nhật Bản sau khi thi đấu cho Mito Hollyhock năm 2016 một phần đến từ mục đích thương mại. Nhà tài trợ của Yokohama FC là Tập đoàn Onodera. LEOC, công ty cung cấp thực phẩm cho thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc sở hữu một cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể nằm ở chuyện tài trợ. Hơn nữa, đây là thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản".
CLB Yokohama sử dụng hình ảnh Công Phượng để bán... cơm gà.
Thực tế thì hồi năm 2016, khi Công Phượng được HAGL cho mượn tới CLB J.League 2, Mito HollyHock, cũng đã có những nghi ngờ tương tự. Rằng thương vụ có mang những dấu hiệu về mặt thương mại chứ không thuần túy vì chuyên môn. Thời điểm ấy, dù ở J.League 2 nhưng Công Phượng cũng đã thể hiện không thành công tại Mito HollyHock.
Tính về mặt chuyên môn, rõ ràng lần này Công Phượng gặp thách thức lớn hơn nhiều. Nhà báo Jun Usami tiếp:
"Hiện tại, Yokohama FC đang sở hữu Koki Ogawa, chân sút hàng đầu của J.League 2 năm ngoái. Bên cạnh đó, đội bóng này vẫn có nhiều tiền đạo dự bị. Vậy nên, Công Phượng buộc phải chơi ở vị trí tiền vệ. Công Phượng cũng vì thế mà phải tham gia phòng ngự nhiều hơn. Nếu không thể thích ứng với yêu cầu đó, Công Phượng sẽ khó có cơ hội chen chân vào đội hình của Yokohama FC".
Công Phượng vẫn chưa được ra sân thi đấu cho Yokohama FC.
Có nên trở về V-League?
Thực tế về mặt trình độ, dù có để Công Phượng tập trung hoàn toàn vào mặt tấn công thì anh cũng rất khó thích nghi với trình độ J.League. Nếu Công Phượng còn phải lo thêm khâu phòng ngự như nhà báo Jun Usami phân tích, đúng là đã khó càng thêm khó.
Việc Công Phượng chưa hòa nhập được ở Yokohama FC cũng sẽ là mối lo cho HLV Troussier. Bởi dù vài năm qua, Công Phượng không còn là chủ lực trên hàng công tuyển Việt Nam nhưng vẫn là tiền đạo cần thiết với tuyển. Nếu anh sa sút phong độ do ít được thi đấu, dĩ nhiên HLV Troussier sẽ ít đi một phương án nhân sự, chiến thuật.
Năm nay Công Phượng 28 tuổi, vẫn còn thời gian để thử sức ở J.League 1. Nhưng nếu thấy tình hình không ổn, có lẽ Phượng nên sớm tính phương án khác như trở về V.League để được thi đấu nhiều hơn chẳng hạn. Với khả năng và tên tuổi của Công Phượng, chắc chắn khi trở lại V.League, anh sẽ được săn đón gắt gao.