Công bằng mà nói, bầu Đức và HAGL đã có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Từ chuyện bỏ tiền đầu tư cho bóng đá, tới hợp tác với Arsenal mở học viện đào tạo trẻ. Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… đã khiến cho đời sống bóng đá Việt Nam trở nên sôi động, cuốn hút hơn.
Thành công về mặt hình ảnh của lứa 1 Học viện HAGL cũng khiến cho công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam được chú trọng hơn, thay vì hời hợt như trước. Hay như mới đây, U23 Việt Nam đã giành vị trí Á quân giải châu Á với nhiều nòng cốt là cầu thủ HAGL trong đội.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có lý do để tin rằng, bóng đá đem lại nhiều thứ cho bầu Đức và HAGL. Từ một doanh nghiệp nhỏ trên phố núi, HAGL đã vươn lên thành một tập đoàn lớn, cá nhân bầu Đức và đội bóng được hàng triệu người yêu mến, ủng hộ. Bóng đá song hành với quá trình phát triển của HAGL.
Bầu Đức được yêu mến, vừa vì gắn với bóng đá, cũng vừa vì cá tính gần gũi, thân thiện ngoài đời. Đây là lý do trên cương vị Phó chủ tịch VFF, ông Đức không phải lúc nào cũng nói đúng, nhưng vẫn được nhiều người yêu mến. Đã có người nói, và rất chí lý, rằng bóng đá Việt Nam nếu thiếu những cá tính hấp dẫn như bầu Đức thì chắc chắn sẽ kem vui.
Nhắc lại những điều trên để thấy, nếu bầu Đức và HAGL thực sự "nghỉ chơi", đó sẽ là một tổn thất với bóng đá Việt Nam. Nhìn từ lợi ích chung, không ai muốn điều đó xảy ra.
Thực tế trước bầu Đức, đã có rất nhiều ông bầu rút khỏi bóng đá vì nhiều lý do khác nhau, như bầu Long (Hòa Phát) hay bầu Thụy (Sài Gòn Xuân Thành) rồi bầu Trường (Ninh Bình)… Ở đây còn có thể kể tới một loạt doanh nhân, nhà tài trợ khác như bầu Lý (Thanh Hoá), bầu Thọ (Navibank Sài Gòn).
Bóng đá suy cho cùng, là cuộc chơi và đầu tư của các ông bầu, mà kẻ thắng sẽ tiếp tục còn người thua hoàn toàn có quyền rút lui. Người đang thành công nhất hiện nay có lẽ phải kể tới ông bầu Đỗ Quang Hiển, với tầm ảnh hưởng lên nhiều đội bóng, gặt hái vô số thành tích và dĩ nhiên, gắn với đó là những thành công ở góc độ kinh doanh bên ngoài.
Nhìn từ góc độ đầu tư, cái cốt lõi khiến các ông bầu quyết định tiếp tục hay dừng bỏ tiền vào bóng đá chắc chắn là lợi ích thu về: là thương hiệu, là dự án…đều có thể quy ra tiền.
Một thực trạng xấu với bóng đá Việt Nam là hầu hết các ông bầu khi bỏ tiền ra, đều nhắm tới những món lợi ích ngoài bóng đá. Thay vì nghĩ tới nguồn thu từ tiền vé, quảng cáo, tài trợ hay cao hơn như bản quyền truyền hình, thứ các ông bầu nhắm tới là dự án hoặc ưu đãi từ địa phương có đội bóng.
Điều này dẫn tới hệ quả, khi cảm thấy bóng đá không còn là công cụ đem lại những lợi ích trên, các ông bầu hoàn toàn có thể rũ bỏ để "thoát nợ".
Trước khi rời VPF và thôi gắn tên doanh nghiệp với Long An, bầu Thắng từng chia sẻ rằng đầu tư vào bóng đá toàn lỗ. Tài trợ không có, vé không bán được bao nhiêu. Tuy nhiên, ít ai hỏi ngược lại ông Thắng và cũng là với các ông bầu khác, mục tiêu của họ có phải là những khoản thu trên hay không khi quyết định đầu tư vào bóng đá?
Rốt cuộc, HAGL đã không vì cuộc đấu đá ở VFF mà bị rút khỏi V-League. Công chúng lại tiếp tục được tận hưởng niềm vui của trái bóng với đôi chân của những Công Phượng, Xuân Trường… mỗi chiều cuối tuần.
Đội bóng phố núi tới lúc này cũng là số ít những CLB trang trải được 1 phần chi phí từ tiền tài trợ, bán vé. Bóng đá vẫn nuôi được những đội bóng như HAGL, lý gì nó lại bị rút khỏi cuộc chơi?