1. Quay lại đầu những năm 2000, không hề có một chiếc điện thoại di động nào trong những chuyến di chuyển bằng xe buýt của Porto.
Ngoài ra, cũng không ai đeo trên tai một chiếc headphone cỡ lớn. Thay vì chìm đắm trong những thiết bị điện tử, các cầu thủ đã thật sự trò chuyện, đùa giỡn với nhau một cách vui vẻ bên trong chiếc xe buýt hai tầng của câu lạc bộ, trên các chuyến hành quân đến sân khách.
Và những tiếng cười to nhất thường đến từ dãy ghế phía sau của tầng trên.
Đó là nơi đã khiến các tân binh của đội bóng phải tự hỏi rằng chuyện gì đang diễn ra ở đó. Họ không thể nhìn thấy nó từ hàng ghế trước – một tấm màn màu xanh đậm đã ngăn cách nó với phần còn lại của chiếc xe buýt.
Đó là "thánh địa" giành cho những ngôi sao lớn nhất của đội, như Vitor Baia, Deco, Paulinho Santos, Carlos Secretario và Jorge Costa.
Deco và thủ môn Baia từng thường có mặt ở khu vực "the U".
Họ gọi khu vực đó bằng cái tên "the U", dựa vào cấu trúc của chỗ ngồi được thiết kế thành hình chữ U, với một chiếc bàn ở giữa. Đội trưởng của Porto, Costa, là người phụ trách việc quyết định xem ai mới là người xứng đáng được ngồi ở khu vực này.
Đây là một vài bật mí của tất cả những gì đã diễn ra đằng sau tấm màn màu xanh đó.
"Nếu chúng tôi nói với mọi người về những gì mà cả bọn đã làm, chắc chắn họ sẽ không thể tin nổi. Đó là những việc mà không một cầu thủ chuyên nghiệp nào nên làm," cựu tiền vệ Ricardo Fernandes hồi tưởng trong một cuộc phỏng vấn với tờ Expresso vào tháng 10.
Họ đã tiêu khiển bằng những thú vui bị xếp vào dạng "nguy hại", bao gồm: Chơi bài, uống bia và hút thuốc trên đường trở về từ các trận đấu. Đó luôn là một khu vực mà đến cả các huấn luyện viên của đội cũng bị cấm vào.
Thế rồi cho đến một đêm, đã có người nói với Costa rằng, "boss" muốn vào "khu thánh địa". Vị "boss" đó chính là Jose Mourinho, người được bổ nhiệm vào chiếc ghế huấn luyện viên của Porto ngay trước sinh nhật lần thứ 40 vào năm 2002.
Mourinho cũng là người đã trở thành "ông sếp" đầu tiên đặt chân đến và gia nhập vào "the U", mặc dù ngay từ khi mới nhậm chức, ông đã kêu gọi mọi người hãy cứ xem ông giống như một cầu thủ trong đội, một phần trong số bọn họ.
Mourinho đã đến "the U" thêm vài lần nữa, đặc biệt là sau những chiến thắng của đội, và đã trở thành một "khách quen" trong mùa giải 2003-2004, năm mà Porto giành được chức vô địch UEFA Champions League một cách đầy ngoạn mục.
Mourinho và chức vô địch Champions League đầu tiên.
Bên trong đội bóng, Jose Mourinho còn được các học trò gọi bằng cái tên "Ze das Medalhas" ("Ze" là cách nói ngắn gọn của "Jose", còn "Medalhas" có nghĩa là "medal" – huy chương).
Chính các cầu thủ tại đây đã giúp ông xây dựng nên ánh hào quang "Người Đặc Biệt", hình ảnh đã gắn liền với vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha trong suốt phần lớn sự nghiệp, với việc dẫn dắt họ đạt đến 6 danh hiệu chỉ trong hai mùa rưỡi cầm quân.
Sự thành công trong triết lý của Mourinho đã được chứng minh một cách rõ nét qua những cầu thủ đã từng trải nghiệm chúng, ví dụ như Machine, người đã làm việc cùng vị huấn luyện viên 55 tuổi ở ba câu lạc bộ Benfica, Porto và Chelsea.
"Khi bạn đứng về phía Mourinho, bạn sẽ tận hiến 100% khả năng cho ông ấy; Tuy nhiên, khi bạn chống lại Mourinho, bạn sẽ làm điều đó với … 200% khả năng. Có thể nói tóm tắt như thế," Maniche nhận xét, vào tháng 12, khi anh chuẩn bị ra mắt cuốn tự truyện của mình, một cuốn sách do chính ông thầy người Bồ Đào Nha giúp anh viết lời tựa.
"Đối với tôi, ông ấy vẫn là vị huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới."
2. Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận được một sự thật rằng, cái nhận thức về việc Mourinho là vị huấn luyện viên đỉnh nhất thế giới đã không còn được chia sẻ trong phòng thay đồ của Manchester United vào thời điểm ông bị sa thải hồi tháng 12.
Đâu đó trên chặng đường sự nghiệp đầy vinh quang, nhưng cũng vô cùng trắc trở của mình, đã có những lúc ông đánh mất đi mối liên kết với các cầu thủ.
Ví dụ gần đây nhất chính là sự đổ vỡ trong mối quan hệ của ông với Paul Pogba và nhiều ngôi sao khác trong đội hình Manchester United, và kết thúc bằng việc khiến câu lạc bộ này bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng tưởng như không lối thoát. Đó là lần đầu tiên Jose Mourinho phải rời một câu lạc bộ trước khi có thể mang về cho họ một chức vô địch quốc gia.
Việc Mourinho liên tục nhắc về những vinh quang trong cái quá khứ hào hùng của mình ở các cuộc họp báo chỉ làm nổi bật hơn cái vũng lầy mà Qủy Đỏ đang ngày càng bị kéo sâu vào dưới sự dẫn dắt của ông.
Mâu thuẫn với Pogba được coi là nguyên nhân khiến Mourinho mất ghế ở Man United.
Mặc dù đã chi ra hơn 400 triệu Euro cho những gương mặt mới kể từ mùa hè năm 2016, nhưng Mourinho vẫn không thể nâng cao tinh thần của các học trò giống như cái cách mà ông đã từng làm được với Machine và những cầu thủ khác trong quá khứ.
Tại Porto, ông nổi tiếng vì sự tận tâm với các cầu thủ, qua những hành động như đích thân đến bệnh viện để theo dõi ca phẫu thuật của các học trò – cụ thể là Derlei và Cesar Peixoto – nếu họ bị dính phải những chấn thương nặng.
Tuy nhiên, vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha hiện đã bị sa thải khỏi Manchester United vào giai đoạn gần giáng sinh, qua đó tiếp tục lặp lại cái bi kịch "mùa giải thứ ba" của ông.
Lần bị sa thải trước đó đã gây ra một nỗi đau rất thấm thía với chính bản thân Jose Mourinho.
Ông đã từng chứng kiến cha của mình, Felix Mourinho – một cựu thủ môn và huấn luyện viên bóng đá, đã qua đời vào năm 2017 – nhận tin mình bị sa thải khỏi một câu lạc bộ qua điện thoại, trong một buổi tiệc vào đêm giáng sinh. Đó là khoảnh khắc mà ông chưa bao giờ quên được trong cuộc đời.
Kể từ đó, ông đã sử dụng câu chuyện bi kịch của người bố để làm tấm gương, động lực cho chính bản thân trong sự nghiệp của riêng mình.
Tuy nhiên, giờ đây, sự nghiệp của Mourinho đang phải đối mặt với một thách thức mà ông chưa bao giờ gặp phải: Tạo dựng lại cái danh tiếng là một trong những vị huấn luyện viên đỉnh nhất thế giới.
Ngay cả ở quê nhà Bồ Đào Nha, người ta cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc liệu giờ đây ông có phải đã trở thành một gã thất bại, một huấn luyện viên hết thời, không còn theo kịp những bước tiến của thời đại?
"Tôi cho rằng Mourinho đã mất đi "cú chạm Midas" của ông ấy," Sergio Pires, một reporter của trang web Mais Futebol, trả lời phỏng vấn với tờ Bleacher Report.
"Chỉ có những tờ báo bảo thủ và cứng đầu nhất của Bồ Đào Nha mới vẫn còn đánh giá ông ấy là một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới. Dù cho đã tạo nên những thành tích tốt nhất tại Manchester United kể từ khi Sir Alex Ferguson ra đi, nhưng chỉ nhiêu đó là hoàn toàn không xứng đáng với những khoản đầu tư khủng lồ mà ông ấy nhận được."
Mourinho không thể tạo dựng một đế chế lâu năm và bền vững như Sir Alex
Ít nhất một lần trong năm, Mourinho rời sân tập để quay về công tác giảng dạy tại một khóa đào tạo hậu tốt nghiệp giành cho các huấn luyện viên mới ra trường, tổ chức ở Lisbon. Và cho đến nay, những lớp học này của ông vẫn thu hút các huấn luyện viên cũng như các chuyên gia trên khắp thế giới tham dự.
Và một trong những chủ đề thường được giảng dạy tại lớp học của ông chính là: "HLV và phản-HLV"
Mourinho giải thích rằng, "HLV" là những người có thể cải thiện khả năng của các cầu thủ và đội bóng, trong khi các "phản-HLV" chỉ có thể làm hại tiềm năng của họ; mặc dù sở hữu lượng kiến thức bóng đá vô cùng tuyệt vời, nhưng các "phản-HLV" hoàn toàn không thể tìm ra cách thức đúng đắn để sử dụng những kiến thức đó.
3. Vậy, liệu có phải Mourinho đã từ một "HLV" trở thành một "phản-HLV"?
Rui Malheiro, người đã quen biết vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha từ những ngày ông còn chơi bóng ở Rio Ave vào những năm 80, vẫn đánh giá Mourinho là một huấn luyện viên thuộc hàng đẳng cấp thế giới, nhưng ông đã đưa ra lời cảnh báo rằng, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đang ngày càng xa rời với cái phong cách "bóng đá biểu diễn" mà ông từng sử dụng ngày trước.
"Tôi tin rằng Mourinho chính là huấn luyện viên giỏi nhất thế giới, cho đến khi Pep Guardiola xuất hiện; điều đó có nghĩa là ông ấy – với tài năng của mình- đã thống trị thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Nhưng từ khi Pep xuất hiện, ông ấy đã trở thành kiểu huấn luyện viên ‘xem trọng kết quả hơn tất cả mọi thứ’.
Sự đối địch với Pep làm Mourinho thay đổi.
Mourinho khao khát chiến thắng bằng mọi giá, và hoàn toàn vứt bỏ tính chất ‘biểu diễn’ trong thứ bóng đá của ông ấy về phía sau, đặt chúng vào trong những bảng ‘kế hoạch hai’, ba, hay thậm chí là thứ tư của mình." Malheiro, người đang làm việc trong vai trò một chuyên gia bóng đá của đài truyền hình RTP và tờ báo Record, nhận xét.
"Rốt cuộc, tôi nghĩ ông ấy muốn trở thành một HLV xây dựng lối chơi phản bóng đá, đối lập với lối chơi chủ động cầm bóng, tấn công – vốn là cốt lõi trong triết lý của Pep."
"Đối với tôi, ông ấy chính là vị chiến lược gia giỏi nhất mà chúng ta từng được thấy trong lịch sử của môn thể thao này, nhưng bóng đá không chỉ là một trận chiến về chiến thuật hoặc giống môn cờ vua, nơi mà nhà vua nghiễm nhiên đánh bại những con tốt."
"Kể cả ở những trận đấu mà kết quả định đoạt cả tương lai, lịch sử bóng đá đã cho thấy rằng những đội bóng chơi thứ bóng đá tốt hơn, có kế hoạch tốt hơn và tạo nên một bản sắc gắn liền với tư duy tấn công, sẽ luôn đến gần với thành công hơn. Đương nhiên là vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng chúng rất ít."
Chính tại Porto, Mourinho đã xây dựng tên tuổi của mình như một "nhà chinh phục các danh hiệu", ngay cả khi quãng thời gian cuối cùng của ông ở Manchester United là một đống hỗn loạn, chìm sâu trong khủng hoảng. Vị chiến lược gia người Bồ chính là huấn luyện viên thành công nhất của thế kỷ này.
Quyết định chia tay với bóng đá Bồ Đào Nha được ông đưa ra sau một bữa ăn trưa bí mật cùng chủ sở hữu của Chelsea, Roman Abramovich và cựu giám đốc điều hành Peter Kenyon, tại nhà hàng Camelo, nằm ở Vigo, Tây Ban Nha; diễn ra cách vài tuần trước khi ông ăn mừng chức vô địch Champions League năm 2004 cùng Porto.
Ngày trước, Mourinho phải tự mình phải theo đuổi mọi lời đề nghị và trông cậy vào sự giúp đỡ của các trung gian. Ngoài siêu cò Jorge Mendes, ông còn nhờ đến cựu Hậu vệ Jorge Baidek giúp mình tiếp cận Liverpool.
Giờ đây, Mourinho không cần phải làm điều đó nữa, nhưng rất khó để tránh khỏi cái suy nghĩ rằng, ông sẽ không còn được gọi là "Người đặc biệt" ở bất cứ đội bóng nào khác mà mình đặt chân đến trong tương lai.
4. "Mourinho hiện tại đã không còn thuộc về ‘thế giới đỉnh cao’ nữa," Tomas da Cunha, chuyên gia bóng đá của đài truyền hình Eleven Sports, đưa ra nhận xét của mình với tờ B/R.
"Không phải chỉ vì những kết quả tệ hại của ông ấy trong thời gian gần đây, mà nghiêm trọng hơn, là cái cách mà ông ấy bị thụt lùi trong mọi khía cạnh quan trọng để tạo nên một huấn luyện viên: Phương pháp huấn luyện, khả năng quản lý một tập thể và kỹ năng giao tiếp."
Mourinho ngày càng dính vào nhiều sự vụ rắc rối ngoài chuyên môn hơn.
"Mourinho đã từng là một bậc thầy trong các cuộc đấu trí, nhưng giờ đây, ông ấy chỉ còn là một kẻ phản diện trong các cuộc họp báo – cả bên trong lẫn bên ngoài câu lạc bộ.
Với một tiềm năng khổng lồ, United đáng lẽ ra đã có thể đạt được nhiều hơn những gì mà họ hiện đang có, và Jose Mourinho là một trong những người phải chịu trách nhiệm chính cho những kết quả tồi tệ mà họ đã phải nhận."
"Giờ đây, ‘Jose Mourinho phiên bản 2004’ đã biến mất khỏi thế giới bóng đá."
Da Cunha lập luận rằng, trong quá khứ, Mourinho chính là một tấm gương, một hình mẫu để các huấn luyện viên mới vào nghề học hỏi. Từ phương pháp huấn luyện cho đến những mối quan hệ mà ông tạo dựng được với các cầu thủ, ngoài ra, nhà cầm quân người Bồ còn được tất cả mọi người kính trọng, với kỹ năng giao tiếp đặc biệt xuất sắc.
"Mourinho có khả năng xử lý các kỳ vọng từ cấp trên và bảo vệ các cầu thủ của mình giỏi hơn bất kỳ ai khác. Còn hiện tại, ông ấy chỉ là một kẻ thua cuộc và luôn xa cách với các cầu thủ," Da Cunha nói.
Chỉ vài ngày sau khi bị Manchester United sa thải, vào một ngày cuối tuần, Mourinho đã trở về quê nhà Setubal và đến theo dõi một trận đấu giữa câu lạc bộ địa phương Vitoria và đội khách Santa Clara, từ khán đài của sân vận động Bonfim.
Đó có thể chỉ đơn giản là trải nghiệm mà Mourinho đang cần để tái sinh lại con người cũ của ông, hoặc, đối với những người vẫn còn có thể nhìn thấy được ánh hào quang của "Mourinho ngày xưa cũ", chính là thứ để nhắc nhở ông về những việc mà ông đã từng làm tốt hơn bất kì ai khác: Tập trung vào các cầu thủ trên sân và không lo lắng hay phàn nàn gì về việc đội bóng thiếu đi nguồn lực tài chính cần thiết để có thể cạnh tranh với các đối thủ.
Những bản hợp đồng của Mourinho ở Porto, Chelsea và Inter Milan bao gồm các cuộc nổi loạn, đàm phán, hoặc những cầu thủ được nâng tầm lên một đẳng cấp mới sau khi được ông phát hiện ra ở những nơi như Bonfim.
Ngược lại, quãng thời gian của ông ở Man United, lại đầy rẫy những bản hợp đồng đắt giá nhưng chỉ mang đến sự thất vọng dưới sự dẫn dắt của ông, như Paul Pogba, Victor Lindelof và Alexis Sanchez.
Mắt nhìn người của Mourinho không còn như xưa.
"Như chúng ta đã biết, Jose Mourinho, người đã dẫn dắt Porto đoạt được các danh hiệu UEFA Cup và Champions League, là vị huấn luyện viên có thể tạo ra một cầu thủ bóng đá chỉ từ một cây chổi," Pires khẳng định.
"Trước đây, ông ấy đã mang về những cầu thủ Bồ Đào Nha vô danh từ những nguồn cung cấp không chút tiếng tăm, để rồi sau đó tạo nên một đội bóng tuyệt vời từ họ. Ông ấy đã ký hợp đồng với những cầu thủ đến từ Uniao de Leiria, Vitoria de Setubal, Boavista, Vitoria de Guimaraes, Belenenses và các đội bóng nhỏ khác."
"Tuy nhiên, những đội bóng mà ông ấy dẫn dắt gần đây lại là các tập thể sở hữu những cá nhân có tên tuổi đình đám và cái tôi rất lớn. Chính vì vậy, Mourinho hiện tại là một con người hoàn toàn trái ngược với vị huấn luyện viên đã từng khiến cả châu Âu phải kinh ngạc với một đội bóng như Porto."
"Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không nên đánh giá thấp một vị huấn luyện viên thông minh và hiểu biết tất cả mọi thứ về bóng đá như Mourinho. Tương lai của ông ấy sẽ diễn ra như thế nào?
Vào năm 2011, khi còn dẫn dắt Real Madrid, ông ấy đã tuyên bố mình sẽ không bao giờ chuyển từ Madrid đến một đội bóng như Malaga – giống người tiền nhiệm của ông tại Los Blancos, Manuel Pellegrini, đã từng làm.
Chính vì vậy, dù cho hiện tại Mourinho đang có rất ít sự lựa chọn, nhưng ông ấy vẫn có thể chờ đợi và nắm bắt một dự án mà bản thân cảm thấy có sức thu hút."
Tuy nhiên, sẽ là một bất ngờ rất lớn nếu điểm đến tiếp theo của Mourinho lại tiếp tục là một đội bóng ở Anh.
Real Madrid và Inter Milan được cho là đã liên hệ với ông. Bayern Munich, đội bóng đang trải qua một quãng thời gian khó khăn dưới thời HLV Niko Kovac ở mùa giải này, cũng là một diểm đến tiềm năng của vị huấn luyện viên người Bồ.
"Việc quan trọng nhất mà Mourinho cần làm lúc này là dừng lại một chút và suy nghĩ. Có vẻ như sau bao nhiêu vấn đề và rắc rối đã qua, ông ấy sẽ rất khó để tiếp tục trở lại làm việc ở môi trường bóng đá đỉnh cao.
Bên cạnh đó, từ trước đến nay, những nơi mà ông ấy có thể phát huy hết khả năng và làm việc một cách tốt nhất luôn là ở các đội bóng đang trong tình trạng ‘cần một sự thúc đẩy mới’, như Chelsea và Inter Milan," De Cunha nhận định.
Bao giờ thì Mourinho thực sự thích nghi và sẵn sàng trở lại với nhịp sống bóng đá thế giới.
Còn Malheiro thì lại tin rằng, Mourinho nên nhìn lại những danh hiệu đầu tiên mà mình đạt được trong sự nghiệp huấn luyện để tìm lại cảm hứng.
"Ông ấy cần nhận ra rằng, đã đến lúc phải nhìn lại quá khứ, nhìn lại thứ bóng đá của mình ngày trước, một thứ bóng đá ngoạn mục và đầy sức hút. Đó đã từng là thứ đã giúp ông ấy trở thành một trong những vị huấn luyện viên được hâm mộ và nhắc tên nhiều nhất thế giới."