1. Trong khi không phải ai cũng biết quán cháo chửi vừa được đưa lên truyền hình nước ngoài nằm ở đâu giữa những con phố ồn ào của Hà Nội, tất cả đều biết phải tìm "cầu thủ chửi" ở chỗ nào giữa một làng cầu nổi tiếng với tinh thần Hiệp sỹ và lối đá fair-play.
Mà không chỉ chửi rủa, cằn nhằn vô tội vạ như bậc tiền bối người Bulgaria là Hristo Stoichkov, Costa còn giẫm chân, giật tóc, ghìm đầu đối thủ với mục tiêu duy nhất là khiến cho đối thủ trở nên mất tập trung vào việc đá bóng, hoặc xa hơn nữa là mất kiểm soát về hành vi.
Muốn hiểu rõ hơn về sự xấu xí của một Costa trưởng thành tại Lagarto, một thành phố nhỏ và không có một trung tâm huấn luyện bóng đá hay một sân cỏ tự nhiên nào của Brazil, hãy hỏi Gabriel Paulista.
Diego Costa vô cùng tinh quái.
Tháng 9 năm ngoái, vì quá ức chế sau một serie những hành vi khiêu khích của tiền đạo Chelsea, hậu vệ bên phía Arsenal đã vung chân đá nguội. Hệ quả là Arsenal sớm phải chơi thiếu người trong trận đấu mà Chelsea đã giành thắng lợi chung cuộc.
Từ thời còn là chân sút dự bị cho Radamel Falcao tại Atletico Madrid, Costa đã được biết đến với tư cách một kẻ gây rối vừa đáng khinh lại vừa đáng sợ. Đừng nói là anh chàng Gabriel non nớt, ngay cả một "gã đồ tể" cỡ Pepe (Real Madrid) hay một "tay ăn vạ" thượng thừa là Sergio Busquets (Barcelona) cũng luôn ngao ngán mỗi khi phải nhận nhiệm vụ chăm sóc Costa.
Trong lần trả lời phỏng vấn trên kênh Sky Sports hồi tháng 5 vừa qua, Pepe thú nhận: "Đối thủ khó chịu nhất của tôi à? Diego Costa, không nghi ngờ gì cả. Anh ta, ngược lại với đa số các tiền đạo, rất thích gây chiến với hậu vệ kèm mình. Tôi rất ghét khi phải nói rằng, Costa thường là kẻ chiến thắng ở các cuộc đấu tiểu xảo".
Pepe cũng ngán Costa.
Về phần mình, Costa không có điều gì để phản bác ý kiến của Pepe. Thậm chí, giống như vị cố Chủ tịch của Atletico là Jesus Gil, người từng đạp cửa phòng thay đồ sau một trận thua và quát lớn với các cầu thủ: "Ta mà có khẩu tiểu liên ở đây thì tụi bay chết không sót một mống", Costa cũng thản nhiên tuyên bố: "Nếu không bị luật pháp ngăn cản, tôi đã giết sạch các hậu vệ đứng cạnh mình".
2. Tất nhiên là đến lúc này Costa vẫn chưa giết ai bằng đôi cánh tay lấm chấm sẹo của mình. "Sát thủ" quốc tịch Tây Ban Nha chỉ tiêu diệt các hàng phòng ngự tại Premier League bằng cặp chân mang giày cỡ 45. Và anh làm điều đó với tần suất ít ai bì kịp.
Cú cứa bóng điệu nghệ vào góc xa cầu môn Southampton mới đây là bàn thắng thứ 40 mà Costa ghi tại hạng đấu cao nhất nước Anh kể từ khi gia nhập Chelsea vào hè 2014 với mức phí 32 triệu bảng. Đáng chú ý, Costa chỉ cần 64 trận để có ngần ấy pha lập công.
Để so sánh, Sergio Aguero cần 71 trận. Harry Kane cần 74. Một huyền thoại của mọi thời đại là Thierry Henry cũng phải chơi nhiều hơn Costa tới 9 trận để có được 40 bàn thắng.
Nhìn lại toàn bộ lịch sử Premier League, chỉ có 5 người gồm Alan Shearer, Andy Cole (cùng 45 trận), Kevin Phillips (57), Fernando Torres và Ruud van Nistelrooy (cùng 60) là có tốc độ nhả đạn trúng đích cao hơn Costa. Nhưng vào thời của các tiền đạo kể trên, Premier League không có mức độ cạnh tranh khốc liệt như hiện tại.
Từ chỗ bị Sir Alex Ferguson gạch tên khỏi danh sách 5 ứng viên cho chức vô địch Anh mùa này, Chelsea đã áp sát vị trí dẫn đầu - do bộ ba Man City, Arsenal, Liverpool chia nhau nắm giữ - với khoảng cách vỏn vẹn 1 điểm nhờ lá cờ đầu mang tên Diego Costa. Bốn vòng đấu gần nhất, Chelsea toàn thắng, giữ sạch lưới, ghi 11 bàn, trong đó có gần một nửa in dấu giày của Costa (3 bàn, 1 kiến tạo).
Sir Alex tiên đoán mà chưa suy nghĩ kỹ?
Từ một kẻ gây hấn chuyên nghiệp, sẵn sàng "bật" cả HLV Antonio Conte sau khi không được cho ra nghỉ sớm nhằm tránh lĩnh thẻ vàng ở trận gặp Leicester và lỡ cuộc đại chiến với Man United sau đó, Costa bỗng trở nên "thuần tính" một cách đáng ngạc nhiên trong những tuần lễ vừa qua.
Không chửi, không vung chân hay gạt tay, tất cả những gì Costa đang làm là chạy khắp sân để nhận bóng tổ chức tấn công đồng thời cướp bóng hỗ trợ phòng ngự. Chứng kiến tiền đạo 28 tuổi tả xung hữu đột trong trận thắng 2-0 trước Southampton, người xem có cảm giác như đang thấy cả Jamie Vardy lẫn Roberto Firmino cùng được gói trong chiếc áo số 19 của Chelsea.
Tương tự nhân vật "Người vô hình" trong cuốn sách cùng tên của nhà văn G. H. Wells, Costa đang hiện diện khắp nơi mà lại như không tồn tại. Đối thủ bắt đầu không còn kịp nhận ra Costa trước khi ngôi sao của Chelsea tung chân tạo ra một siêu phẩm.
Ở một chiều không gian khác, khi Costa thôi chửi, khán giả lại nghe thấy anh nhiều hơn. Với 8 pha lập công, Costa đang dẫn đầu danh mục phá lưới tại Premier League 2016/17. Với việc phối hợp cùng Eden Hazard để tạo ra 7 trong tổng số 13 cơ hội mà Chelsea có được trước Southampton, Costa chứng tỏ anh làm việc theo nhóm cũng giỏi như khi hành động độc lập.
Chứng kiến cái ôm đầy âu yếm của Conte dành cho Costa sau vòng đấu thứ 10, càng hiểu Chelsea đang phụ thuộc ra sao vào "cầu thủ chửi".