James Corden đã rất mong chờ tới ngày The Constituent, vở kịch anh đóng vai chính, được công diễn ở nhà hát Old Vic, London vào tối thứ Bảy (6/7). Cùng thời điểm, tại Dusseldorf (Đức), trận đấu giữa tuyển Anh và Thụy Sĩ đang căng như dây đàn. Vào lúc hai đội sút luân lưu, giờ diễn cũng tới. Không làm sao được, Corden đành phải bước ra.
Ồ, nhìn xuống dưới, Corden thấy các khán giả của mình cũng đang chăm chú nhìn vào điện thoại, thay vì vỗ tay chào đón nhân vật chính. Vậy là diễn viên 45 tuổi đề nghị lùi giờ, sau đó cùng ngồi xuống để theo dõi loạt luân lưu qua iPad. Khoảnh khắc Trent Alexander-Arnold sút thành công quả 11m cuối và Anh giành chiến thắng, Old Vic như nổ tung. Trên sân khấu, Corden hét lên đầy phấn khích, đồng thời mô tả đây là trải nghiệm đáng nhớ nhất sự nghiệp.
Chiến thắng của tuyển Anh cũng ảnh hưởng đến nhiều nơi khác. Tại Wimbledon, trận quần vợt thuộc vòng 3 giữa Novak Djokovic và Alexei Popyrin đã bị gián đoạn khi tin tức truyền tới sân Centre Court. Ở Silverstone, George Russell và Lewis Hamilton, hai người về nhất, nhì vòng phân hạng Giải đua ô tô Công thức 1 Anh, ngồi bệt xuống sân khấu, căng thẳng xem màn đấu súng trước khi nhảy lên ăn mừng cùng người hâm mộ. Tại BoxPark Wembley, đám đông cũng tái hiện màn nhảy múa, ném cốc bia như hồi World Cup 2018, khi tuyển Anh vào bán kết.
Cảnh tượng cả nước Anh quay cuồng với chiến thắng khiến tôi nghĩ tới bình luận của một độc giả của tờ The Guardian trước thềm trận Anh và Thụy Sĩ, rằng “tôi muốn Anh đi tiếp bằng những màn trình diễn xấu xí, bởi những gì xảy ra sau đó sẽ rất buồn cười - theo cả hai nghĩa của từ này - buồn và cười”.
Quả thực mọi thứ thực sự rất buồn-cười. Chỉ tuần trước, nước Anh tràn ngập những lời chế giễu, miệt thị Tam sư, trong khi HLV Gareth Southgate hứng chịu cơn mưa cốc nhựa vì các trận đấu tẻ nhạt, vô hồn và quá sức tầm thường. Đến bây giờ, tình hình vẫn không thay đổi. Họ luôn bị áp đảo dù đối thủ chỉ là Đan Mạch, Slovakia hay Thụy Sĩ, đẩy người hâm mộ vào sâu của sự lo lắng và cung cấp rất ít dấu hiệu về việc sẽ giành chiến thắng.
Sự khác biệt là Anh đã vào bán kết để cạnh tranh tấm vé vào chung kết. Tam sư chưa bao giờ vào tới chung kết EURO trước thời Southgate, vậy mà bây giờ có đứng trước cơ hội làm điều đó lần thứ hai liên tiếp. Người bị la ó và mỗi trận đấu đều có cảm giác đó là trận cuối cùng, lại là người đầu tiên giúp tuyển Anh ít nhất vào tứ kết ở 4 giải đấu lớn liên tiếp.
Chúng ta thường hiểu rằng đội vô địch (hoặc tiến xa) ở các giải lớn thường là đội tốt nhất. Pháp năm 2000, Tây Ban Nha 2008 và 2012 là những đội như vậy. Hy Lạp 2004, Bồ Đào Nha 2016 hay Italia 2020 đi theo khuôn mẫu khác, nhưng họ vẫn có điểm hơn người. Còn Anh hiện tại có gì?
Thật khó để giải thích chính xác. Nếu bắt buộc để chỉ ra, may mắn là yếu tố bao trùm. Như ở trận tứ kết với Thụy Sĩ, Tam sư đã quá may khi pha đá phạt góc của Shaqiri tìm đến khung gỗ, và Pickford rất xuất sắc khi cản phá cú sút của Amdouni cuối hiệp phụ hai. Các quyết định thay người của Southgate đôi khi đi ngược với lẽ thường. Nhưng bằng cách nào đó nó lại hiệu quả. Cho đến lúc này, có cảm giác khá rõ ràng, HLV vừa tròn 100 trận dẫn dắt Tam sư vẫn chưa biết chính xác đâu là đội hình tốt nhất. Và các bàn thắng đã có không đến từ sự ưu việt của chiến thuật, chỉ là phút giây lóe sáng của các ngôi sao.
Sự hiện diện của tuyển Anh ở bán kết hoàn toàn phi logic. Và điều này nhấn mạnh bản chất của ham muốn trong bóng đá. Cuối cùng, cách thức không quan trọng, chỉ chiến thắng mới quan trọng. Không chỉ người hâm mộ Việt Nam thích bóng đá thắng, như HLV Park Hang-seo từng chỉ ra, những nơi khác cũng vậy. Trở lại với độc giả của Guardian, điều buồn-cười nhất đang diễn ra tại Anh, khi những lời chế giễu đang chuyển thành tràng pháo tay yêu nước. Nó sẽ càng nhiều hơn nếu tuyển Anh tiếp tục thắng, bất kể theo cách nào.
Tại EURO 2024 , Anh chỉ tung ra 51 cú sút và số bàn dự kiến (xG) là 4,4, ít nhất trong số 4 đội vào bán kết, đồng thời đứng thứ 10 và 12 giải đấu. Số bàn dự kiến của họ nhỏ hơn 1 trong số 4/5 trận đã chơi, nhưng lại có 5 bàn thực tế và chỉ không ghi bàn duy nhất 1 trận.