Tôi rời khỏi Sài Gòn vào một buổi sáng oi nồng trên chuyến bay kéo dài gần một tiếng rưỡi để đến sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Chuyến đi này tôi thật sự háo hức vì sẽ quay lại để khám phá hang động thạch nhũ san hô duy nhất ở Việt Nam vừa được phát hiện chỉ vài tháng trước.
Tôi không dừng lại ở Đồng Hới, mà di chuyển thẳng về Phong Nha rồi từ đây tiếp tục chuyến xe xuyên rừng lên Tân Hóa gần giáp biên giới Việt – Lào, nơi có hệ thống hang động Tú Làn nằm sâu trong rừng. Hang động thạch nhũ san hô duy nhất ở Việt Nam nằm trong hệ thống hang động Tú Làn, mới mở cửa cho các nhà nghiên cứu và chưa được đưa vào khai thác du lịch.
Chúng tôi 6 người bạn hữu duyên hội ngộ, cùng với Hồ Trung Hiếu - Trưởng đoàn và 2 anh em hỗ trợ. 9 con người bắt đầu đồng hành cùng nhau. Sau những lời dặn dò kỹ càng của Hiếu về hành trang và điều kiện an toàn, chúng tôi bắt đầu bước chân đầu tiên khi mặt trời gần đứng bóng.
2,5km đầu tiên khá nhẹ nhàng khi chúng tôi chỉ phải đi bộ xuyên qua cánh đồng ngô, lội qua một con sông nhỏ, và leo thêm chừng 500 mét để đến với hang Bí Mật. Gọi là hang Bí Mật vì khi phát hiện hang có thạch nhũ quá đẹp mà lại gần khu dân cư nên chuyên gia đề nghị giữ kín. Đến khi các công đoạn bảo tồn được hoàn tất, hang mới công bố rộng rãi và khai thác du lịch.
Hang có vòm cao tầm 10 mét, nhưng lối vào và ra rất hẹp, chỉ đủ một người lách qua. Chúng tôi cứ nối bước nhau trong bóng tối cho đến khi những chiếc đèn công suất lớn bật sáng, và hoàn toàn bị choáng ngợp trước vẻ lung linh kỳ vĩ hiện ra trước mắt. Những cột thạch nhũ triệu năm phản chiếu trên mặt nước tạo ra thế giới không gian ba chiều huyền ảo. Trăm thạch nhũ cắm ngược trần hang giao thoa cùng muôn vàn măng đá vươn lên từ đặt đất tạo nên một cung điện nguy nga lộng lẫy
Chúng tôi cứ lang thang ngơ ngẩn, Hiếu luôn nhắc nhở phải bước khẽ khàng, cẩn trọng để không gây nên chấn động mạnh làm tổn hại kiến tạo của hang. Ra khỏi hang, chúng tôi bắt đầu băng qua thung lũng Hung Ton được vây quanh bởi những dãy núi đá vôi cao tầm 100 đến 200 mét. Hung có nghĩa là Thung lũng, Ton có nghĩa là nhím, nên đây còn được gọi là Thung lũng Nhím
Vào mùa lũ dâng, toàn thung lũng biến thành một hồ nước với độ sâu lên đến 15 mét. Đi hết chừng 10 phút qua thung lũng là đến hang Hung Ton. Nền và vách hang tạo bởi muôn vàn thạch nhũ có pha tinh thể silic, vì vậy khi có ánh sáng chiếu vào thì phản chiếu lấp lánh như có hàng trăm nghìn viên kim cương xếp cạnh nhau.
Mỗi bước chân chúng tôi đều phải hết sức thận trọng, đi theo sự hướng dẫn của trưởng đoàn. Chỉ cần lệch một chút, triệu năm kiến tạo có thể tiêu tan dưới gót giày. Cứ 100 năm thạch nhũ mới "mọc" thêm được một cm. Để có hệ thống hang động với thạch nhũ đồ sộ như hiện tại, mẹ thiên nhiên đã trải qua hàng triệu năm bồi đắp.
Mải mê khám phá, đến khi ra khỏi hang, trời đã về chiều. Chúng tôi tiếp tục vượt qua thử thách cuối cùng của ngày với bơi 100 mét qua hang tối để đến với thung lũng Tổ Mộ hạ trại nghỉ ngơi. Khu trại nằm ẩn mình bên bờ suối, kê vài bộ bàn ghế gỗ làm nơi nghỉ chân ăn uống, hai nhà vệ sinh di động thân thiện với môi trường được dựng cách đó không xa. Tất cả đều rất sạch sẽ và ngăn nắp.
Giờ là lúc riêng tư, có người chọn thả mình trong dòng nước mát để vẫy vùng thỏa thích, nhưng cũng có người tìm sự tĩnh lặng giữa núi rừng hoang sơ tuyệt đẹp. Ăn tối xong, chúng tôi trải bạt, nằm dài trên cát nghe suối reo, ngửa mặt ngắm sao trời, tận hưởng không gian thuần khiết của núi rừng. Những câu chuyện liên tu bất tận xóa tan đi mọi khoảng cách, khi vầng trăng lên cao cũng là lúc tất cả chìm sâu vào giấc ngủ nồng.
Điểm đến mong đợi nhất của lần này là hang Sơng – Hang động thạch nhũ san hô duy nhất ở Việt Nam vừa được phát hiện cuối năm 2017. Hang Sơng là một trong mười hai hang thuộc hệ thống hang động Tú Làn, có chiều dài 639 mét, và đang được các chuyên gia nghiên cứu chứ chưa có báo cáo chính xác.
Lần trước tôi có dịp đến đây cùng với đội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh và nhiếp ảnh gia hang động nổi tiếng thế giới Ryan Debooht. Thế nhưng, do gấp gáp, không có nhiều thời gian để khám phá nên lần này tôi quyết quay lại để hiểu rõ hơn về hang động tuyệt diệu này.
Trong hơn 300 hang ở Quảng Bình, và 200 hang động khắp Việt Nam, thạch nhũ san hô ở đây là duy nhất, bà Deb Limbert - vợ ông Howard Limbert (Trưởng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh) ) chia sẻ. Cặp vợ chồng này đã có 26 năm gắn bó với hang động Việt Nam.
Bà Deb cho biết thêm, hang Sơng được khám phá bởi một người địa phương tên Trung. Trong một lần đi săn ong, thấy ong cứ bay vờn lên đỉnh núi cao nên Trung leo theo, tới đỉnh thì phát hiện ra hang động. Khi thấy có luồng gió thốc mạnh qua lỗ nhỏ, Trung lấy đá ném xuống thử thì không nghe thấy tiếng động, biết hang rất sâu nên không dám xuống mà vội quay về báo. Sau đó, Trung dẫn các chuyên gia hang động quay lại với đầy đủ trang thiết bị để vào, và từ đây hang động san hô kỳ diệu bậc nhất Việt Nam đã được phát hiện.
Hang nằm trên đỉnh một ngọn núi cao khoảng 200 mét cạnh thung lũng Tổ Mộ. Để đến được đây, chúng tôi phải mất gần 40 phút leo lên một sườn núi với độ dốc đến 70 độ. Đây là hang hiếm hoi hình thành trên đỉnh núi, đó cũng là lý do tại sao mãi đến gần đây hang Sơng mới được tìm thấy.
Chúng tôi mệt bở hơi tai mới chạm tới đỉnh núi, và rồi khe đá nhỏ cửa hang cũng xuất hiện. Khi vào trong hang, tôi thật sự ngẩn ngơ với những rèm thạch nhũ rộng cả trăm mét, cao hơn 20 m óng ánh muôn sắc màu, Không phải là những trụ thạch nhũ đơn lẻ mà xếp lớp nối nhau như chiếc đàn kéo Accordion quyến rũ.
Cả đoàn ai cũng ngơ ngác sững sờ trước sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa. Càng vào sâu, trần hang bắt đầu thấp dần, những cột nhũ bắt đầu tách rời nhau thành trăm nghìn cột nhỏ trạm trổ tinh xảo. Triệu viên ngọc động nằm "chen chúc" tràn trên mặt đất, rồi lấp đầy trong những vân đá uốn lượn mà thành hình. Nếu như ở những nơi khác ngọc động chỉ bằng viên bi thì ngọc động tại đây to bằng trái banh golf.
Chúng tôi chui qua một dĩa đá khổng lồ rộng chừng 50m2 để tiến vào khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, nơi những thảm san hô triệu năm trước dưới lòng biển sâu vẫn đang "sống" mỗi ngày. Nằm trên những thềm đá như ruộng bậc thang là cả thế giới "thủy cung" hóa thạch kỳ ảo.
Có san hô nhọn hoắt như những bãi chông, có san hô hình khối như não người, nhưng quý hiếm nhất có lẽ là san hô như những mầm non mới nhú vừa xòe ra 2 búp lá nhỏ. Có những khu vực vẫn chìm dưới những hố nước thu nhỏ, do trong hang không có gió nên mặt nước phẳng lặng tuyệt đối, nhũ san hô phản chiếu tinh xảo vô cùng.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói về các sinh vật đặc hữu phát triển trong bóng tối tại đây. Những loài dế trong hang vì phát triển trong điều kiện bóng tối không thấy đường nên râu dài gấp 4,5 lần so với cơ thể để tìm kiếm thức ăn cũng như phát hiện nguy hiểm, chân sau phát triển lớn hơn bình thường để có những cú bật nhảy cực kỳ nhanh và mạnh. Nhện xuất hiện khá nhiều, trong khoảng không gian chúng tôi đứng chừng 10m2 có khoảng 3,4 con. Một loài giáp xác khác toàn thân có màu vàng bao bọc bởi vảy cứng xuất hiện hang trăm con trên mặt đất…
Khi Hiếu yêu cầu rời hang vì năng lượng đèn sắp cạn (sau một ngày ở đây) chúng tôi mới rời đi trong muôn vàn luyến tiếc.
Trở về thung lũng Tổ Mộ, chúng tôi gói ghém đồ đạc rồi tiếp tục vượt qua thử thách cuối cùng là bơi 200m ngược dòng trở về thung lũng Ton. Những dòng nước xiết khiến tất cả mất sức rất nhiều và phải di chuyển từng chút một dưới làn nước…
Đây là một hành trình thú vị. Tuy nhiên, vì đặc thù phải leo dốc nhiều, chui trong hang, bơi, di chuyển qua nhiều dạng địa hình với nhiệt độ thay đổi liên tục, chênh lệch nhiệt độ trong hang và ngoài trời cao, chuyến đi yêu cầu du khách phải có sức khỏe dẻo dai và không mắc các bệnh như tim mạch, hen suyễn… và không sợ bóng tối. Vượt qua tất cả những điều trên, hệ thống hang động Tú Làn thật sự là điểm đến lý tưởng cho tất cả những ai yêu thiên nhiên, ưa thích khám phá và vượt qua chính bản thân mình.