Kẻ thù của người Pháp chính là người Pháp

Hà Quang Minh |

Chỉ vài giờ đồng hồ nữa thôi, trái bóng EURO sẽ lăn, trên sân Stade de France, với lá cờ khai cuộc thuộc về chủ nhà Pháp và những người Romania.

Và câu hỏi muôn thuở cho một đội chủ nhà vẫn luôn là "Họ sẽ đi tới đâu trong một giải đấu mà họ được coi là ứng cử viên hàng đầu ở cả hai tư cách: chủ nhà và một đội bóng mạnh?".

Trần trụi giữa sân khấu

Trước ngày khai mạc một hôm, trên tờ L’Equipe có một bài tổng hợp khá thú vị, với 4 câu hỏi được đặt ra cho cựu tuyển thủ của 24 đội bóng góp mặt tại EURO kỳ này.

Đó là những câu hỏi lần lượt: 1) Ai là ứng viên nặng ký? 2) Đội bóng quê hương của ông sẽ đi tới đâu? 3) Đội Pháp sẽ đi tới đâu? Và 4) Ai sẽ là ngôi sao sáng nhất giải đấu?

Trong số 24 đáp án, Pháp đứng đầu với 18 lượt được lựa chọn cho câu hỏi 1; họ cũng đứng đầu ở đáp án cho câu hỏi 3 với 10 lựa chọn họ sẽ vô địch, 5 lựa chọn họ vào chung kết, 5 lựa chọn họ vào bán kết.

Nhưng có một đáp án cho câu hỏi số 3 rất đáng lưu ý. Đó là đáp án của Chris Waddle, cựu danh thủ người Anh từng khoác áo Marseilles trước đây. Waddle đưa ra một câu trả lời kỳ lạ rằng "Hoặc là Pháp sẽ tiến rất xa, hoặc là họ sẽ bị loại ngay từ vòng bảng".

Nhiều người sẽ tin vào phương án thứ nhất của Waddle hơn, bởi chẳng ai nghĩ một tuyển Pháp với lực lượng hùng hậu như thế lại có thể bị loại từ vòng bảng, nhất là ở mùa EURO đầu tiên có đến 4 suất đứng thứ 3 bảng xuất sắc nhất vẫn được vào vòng loại trực tiếp.

Kẻ thù của người Pháp chính là người Pháp - Ảnh 1.

Chỉ có một khởi đầu như ý mới giúp Pháp tự tin ở những vòng đấu tiếp theo.

Và hơn hết, ai cũng mong được nhìn thấy những Pogba, Griezmann, Martial, Payet thi thố trổ tài đến tận những giây phút cuối cùng của giải đấu chứ không phải ê chề trở thành khách thưởng lãm EURO ngay tại quê nhà mình.

Song, chẳng có điều gì là không thể xảy ra cả, nhất là ở giai đoạn trình độ bóng đá giữa các ĐTQG châu Âu đã xích lại gần nhau như hôm nay. Pháp hoàn toàn có khả năng đứng thứ 4 ở bảng đấu có những cái tên không quá nổi trội như Thụy Sỹ, Romania và Albania.

Đơn giản, khi Pháp được xem là ứng viên số 1 của bảng đấu, họ chính là người "lộ sáng" duy nhất, trong khi các đối thủ cùng bảng đều có thể là những chiến binh ẩn mình tìm cơ hội.

Dự đoán của cựu tuyển thủ Romania Popescu cho rằng đội bóng quê nhà của ông sẽ bị loại ngay từ vòng bảng. Đó không phải là một dự đoán bi quan, mà nó thể hiện một đánh giá biết mình biết người.

Albania đã chơi rất xuất sắc ở vòng sơ loại, với khả năng phòng ngự kín kẽ đáng kinh ngạc. Thụy Sỹ vẫn luôn là đội bóng khó nhằn trong những năm gần đây và Pháp thì rõ ràng rồi, ai cũng cho họ là đội quân có lợi thế hàng đầu.

Vì thế, việc Popescu đánh giá Romania bị loại cũng có lý của nó. Trong khi đó, cựu tuyển thủ Albania, Bogdani, cho rằng Albania sẽ cố gắng vào đến vòng 1/8 và Chapuisat đánh giá khả năng Thụy Sỹ đủ sức vào tứ kết. Và cả 3 cựu danh thủ đó đều cho rằng Pháp sẽ lên ngôi vô địch giải đấu.

Với họ, lựa chọn Pháp vô địch là một đáp án dễ dàng, và an toàn cho người trả lời. Song, nó không hề an toàn đối với Les Bleus và Deschamps một chút nào. Thậm chí, nó có thể dẫn đến một thảm họa như dự đoán của Waddle.

Chắc chắn, ở tâm thức của kẻ yếu hơn, cả Romania, Albania, Thụy Sỹ sẽ bước vào những trận đấu với Pháp với sự thận trọng nhất. Họ sẽ cố gắng chặt chẽ đến mức tối đa chỉ vì một mục tiêu duy nhất: 1 điểm trước Pháp cũng đủ là một thắng lợi rồi.

Mang tâm thức đó, chơi thứ bóng đá thận trọng đến chặt chẽ như thế, chính họ có thể đẩy người Pháp vào bế tắc, đặc biệt là khi trận mở màn không mang lại kết quả như ý, Pháp sẽ nôn nóng hơn khi nhập cuộc ở hai trận kế tiếp.

Pháp giống như kẻ duy nhất đứng trên một sân khấu 360 độ, với đèn follow tập trung vào một mình họ và 3 đối thủ ẩn trong bóng tối, quan sát và rình rập.

Không chỉ đơn thuần là bóng đá

Đó chính là thứ mà Waddle đã hình dung ra và nếu điều đó xảy ra, EURO 2016 với Deschamps sẽ là một thảm hoạ, khi ông đã gạt bỏ những cái tên như Benzema, Lacazette, Ben Arfa…

Tuy nhiên, suy luận nghe có lý đó cuối cùng cũng chỉ là suy luận. Thứ mà Deschamps đang làm cho Les Bleus không phải ai cũng có thể hình dung ra một cách dễ dàng.

Deschamps không chỉ muốn xây dựng một đội bóng chiến thắng, mà ông còn muốn xây dựng cả một đội bóng biểu tượng của xã hội. Sau tất cả những scandal ê chề mà Pháp đã có ở World Cup 2010 và EURO 2012, Les Bleus đã không còn là hình ảnh đẹp trong mắt người Pháp nữa.

Việc Giroud bị la ó khi anh xuất quân trong trận giao hữu với Cameroon đã nói lên tất cả. Vẫn còn những phản ứng tiêu cực của chính người Pháp đối với tuyển Pháp, đặc biệt là khi các đứt gãy xã hội trong lòng nước Pháp đã ngày một lớn đến mức không thể hàn gắn nổi.

Và chỉ khi Giroud ghi bàn, ở cả trận gặp Cameroon lẫn trận gặp Scotland sau đó, tiếng la ó mới không còn. Nhưng chỉ cần anh không chứng minh được mình ở những trận đấu ganh đua chính thức của EURO này, tiếng la ó kia chắc chắn sẽ trở lại.

Trong tình cảnh ấy, Deschamps hiểu rõ việc tạo nên một đội bóng mang tính biểu tượng xã hội quan trọng đến mức nào.

Hồi 2012, trong lần phỏng vấn Deschamps tại trụ sở FFF ở Paris, tôi nhận được câu trả lời cho thắc mắc về trường hợp Nasri một cách rất rõ ràng rằng "Vâng, tôi muốn tạo một đội tuyển mở rộng cơ hội với tất cả. Nhưng nên nhớ, tuyển thủ Pháp không chỉ là một vận động viên giỏi, tài năng, mà họ còn mang cả một trách nhiệm xã hội. Họ phải nhận thức rằng mình đang là một tấm gương cho thanh niên Pháp".

Kẻ thù của người Pháp chính là người Pháp - Ảnh 2.

Người hâm mộ Pháp mong đợi ở ĐTQG nhiều hơn là một chiến thắng đơn thuần.

Trường hợp Nasri đã tái hiện với Valbuena và Benzema. Phải thừa nhận, Deschamps đã rất cứng rắn, nhưng cũng vô cùng công bằng trong trường hợp này.

Valbuena là học trò cưng của ông, từ thời ở Marseilles. Thế nhưng, vì gạt bỏ Benzema, ông cũng gạt bỏ luôn Valbuena bởi ít ra, dù là nạn nhân trong vụ tống tiền, lối sinh hoạt của Valbuena là không thể chấp nhận được đối với một đại diện khoác màu áo Les Bleus.

Deschamps tất nhiên không thể nhận được toàn bộ sự ủng hộ cho những quyết sách như thế. Chính Eric Cantona đã cáo buộc Deschamps là kẻ "kỳ thị chủng tộc, đặc biệt với người Bắc Phi" để nhằm bênh vực cho Benzema và Ben Arfa.

Deschamps không trả lời lại Cantona, người vốn dĩ đã không ưa ông từ hồi thập niên 90 của thế kỷ trước. Ông làm theo cách chuyên nghiệp nhất: Để luật sư của mình bắt tay vào khởi kiện.

Một phần của nước Pháp ủng hộ Deschamps, nhất là khi họ đọc được bài phỏng vấn Cantona trên tờ Guardian, với tuyên bố "shock" rằng "Tôi là người Pháp nhưng tôi thích đội tuyển Anh, dòng máu của tôi là dòng máu Anh - Bleus". Nhưng cũng có một phần khác mượn Cantona để chống lại Deschamps.

Sự chối từ chính nguồn gốc của mình chính là phản ứng thường có của một bộ phận người Pháp hôm nay, những người Pháp bản xứ, có tiền. Dễ hiểu, họ bắt đầu căm ghét chính tổ quốc mình, nơi thuế thu nhập thì cao ngất ngưởng và người nhập cư thì quá đông. Và họ chọn phương án ly hương…

Và những người nhập cư, giống như Benzema, Ben Arfa thì sao? Họ sẽ sẵn sàng chống lại cái đội tuyển với cái ông Deschamps, người bị Cantona miệt thị rằng "tên hắn là Deschamps, một cái tên Pháp thuần chủng. Cả bên nội và bên ngoại hắn đều không hề lai tạp với chủng tộc khác".

Dường như, chính Deschamps mới là người đang bị kỳ thị lúc này.

EURO sẽ bắt đầu và kết thúc thế nào với Les Bleus đây? Với những khó khăn tiềm tàng từ đối thủ và từ chính xã hội nội tại của họ? Có lẽ, phương án tốt nhất là Deschamps và học trò nên vào cuộc với sự thanh thản nhất, tự tại nhất vì dù sao, bóng đá cũng chỉ là vui thôi mà.

Khoác lên càng thêm lắm giá trị vào nó, người ta sẽ chỉ nhận lại được căng thẳng thường trực. Kẻ thù của người Pháp cuối cùng cũng đã lộ diện rồi, chỉ là chính họ mà thôi, nếu trong mỗi con người tuyển thủ kia vẫn còn đeo mang những ưu tư về một xã hội lục lăng đậm đầy đứt gãy…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại