Sau mùa giải bị Man City vượt mặt đầy kịch tính để vô địch Premier League (cùng 89 điểm, nhưng thua hiệu số bàn thắng bại), Sir Alex thể hiện quyết tâm đòi lại ngôi vương trước khi nghỉ hưu bằng bản hợp đồng bom tấn mang tên Van Persie.
Ngôi sao người Hà Lan đã tỏa sáng rực rỡ với 30 bàn thắng (26 tại Premier League). Trong ba mùa giải sau đó, không có chân sút nào của Man United ghi nổi 20 bàn/mùa.
Cho đến khi Ibrahimovic xuất hiện...
Mốc 30 bàn thắng? Chuyện nhỏ
Trong một clip quảng cáo của Nike năm 2006, Ibrahimovic đã được so sánh với Eric Cantona. Nếu ở lại mùa tới, và giúp Man United chấm dứt cơn khát tại Premier League, sự so sánh ấy chắc chắn lại càng rõ rệt hơn.
Còn bây giờ, dĩ nhiên, sự so sánh là khá sớm. Danh hiệu cao quý nhất mà Ibra có thể mang lại mùa này là chiếc cúp FA – một chiến tích chưa thể thỏa mãn các fan của đội bóng luôn đòi hỏi ít nhất phải giành vé dự Champions League.
Hãy nhớ, chỉ 6 tháng sau khi gia nhập, King Eric đã mang về danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên cho Man United sau 26 năm chờ đợi. Và 5 mùa anh ở Old Trafford là khoảng thời gian cực kỳ tươi đẹp.
Ibrahimovic gắn bó với Man United chưa đủ lâu để có thể sánh ngang tầm Cantona, dù giữa họ có một số điểm tương đồng về phẩm chất và phong cách. So sánh anh với Van Persie thì có lẽ sẽ phù hợp hơn.
Ngay trong mùa giải tuyệt vời nhất cùng Man United, Van Persie cũng trải qua một giai đoạn khó khăn khi tịt ngòi từ giữa tháng Hai đến giữa tháng Tư.
Ibra cũng chỉ ghi 1 bàn trong gần 2 tháng đầu mùa (9-11/2016), nhưng bây giờ thì anh không thể ngừng ghi bàn. Hiện Ibra đã ghi 24 bàn thắng, nhiều hơn Van Persie ở thời điểm tháng 2/2013 (23 bàn). Việc ghi 6 bàn nữa, để vượt qua cột mốc của chân sút người Hà Lan có lẽ là không quá khó với anh.
Một thống kê nữa minh chứng cho phong độ khủng khiếp của Ibra: Tính từ đầu mùa giải 2015-16, mùa cuối cùng Ibra khoác áo PSG, anh đã ghi đến 74 bàn thắng, nhiều thứ nhì tại châu Âu, chỉ kém 1 bàn so với Messi (75), và xếp trên cả Ronaldo (72), Lewandowski (67).
Xứng danh thủ lĩnh
Ibrahimoviclần đầu đến Premier League ở tuổi 35, trong khi Van Persie đã có 8 năm trui rèn và trưởng thành trong môi trường bóng đá Anh cùng Arsenal (2004-2012), chỉ 29 tuổi ở mùa giải đăng quang cùng Man United, và sau đó bị đẩy tới Istanbul khi mới 32 tuổi.
Pogba chuyền bóng cho Ibra ghi bàn ở trận gặp Blackburn Rovers
Trong sự nghiệp của mình, Ibrahimovickhoác áo hầu hết các CLB lớn của châu Âu (Ajax, Juve, Inter, AC Milan, Barcelona, PSG, Man United), và đều khẳng định vị thế chân sút hàng đầu.
Trong 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu, Van Persie mới trải nghiệm ở Premier League, trước khi dưỡng già tại Fenerbahce. Đẳng cấp của Ibra đã đến tầm Ronaldo, Messi, còn Van Persie mới dừng lại ở mức giỏi, chứ chưa phải siêu sao.
Và nếu phải tìm một thủ lĩnh đích thực cả trên sân cỏ và trong phòng thay đồ bây giờ thì không ai thích hợp hơn Ibra, dù anh mới đến Old Trafford. Wayne Rooney, đội trưởng hiện tại, chỉ còn là lựa chọn thứ... 4 trên hàng tiền đạo và có lẽ sẽ tới Trung Quốc ngay tháng này.
Đội phó Carrick khá trầm tính và thực ra cũng không được sử dụng thường xuyên. Tương tự là trường hợp của đội phó thứ hai Chris Smalling. De Gea là một ngôi sao, nhưng anh lại chơi thủ môn và khó lòng chỉ đạo toàn đội. Chỉ Ibra là thi đấu thường xuyên, dạn dày kinh nghiệm, có uy tin với tất cả "đàn em", và cực kỳ thân thiết với HLV Jose Mourinho.
Mourinho chưa trao băng đội trưởng cho Ibrahimovic, bởi có lẽ ông nghĩ rằng anh cần thời gian để thuyết phục tất cả bằng phong độ của mình, để thẩm thấu tinh thần Man United. Và cho tới thời điểm này, siêu sao người Thụy Điển đã làm quá tốt điều đó. Nếu Rooney phải ra đi, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Ibra được giao trọng trách mang tấm băng đội trưởng ấy.