Những năm 20 của thế kỉ trước, thế giới thể thao bị thống trị bởi những cái tên lừng danh. Babe Ruth của môn bóng chày, Red Grange ở môn bóng bầu dục, Bobby Jones và Walter Hagen của golf... và người đàn ông "cai trị" sàn quyền Anh Jack Dempsey.
Jack là một huyền thoại của quyền Anh thế giới. Cho đến hiện tại, nhiều tay đấm chuyên nghiệp vẫn sùng bái ông như một biểu tượng quyền lực nhất trên sàn đấm bốc.
Jack Dempsey là huyền thoại của làng quyền Anh thế giới.
Tuổi thơ khốn khó
Jack Dempsey sinh ra tại Manassa, Colorado trong một gia đình nghèo mang dòng máu Do Thái. Cha của cậu khá khó khăn để kiếm việc do gốc gác của mình bởi thế cuộc sống của cậu bé Jack hồi đấy cực kì khốn khó.
Cả nhà phải lang thang, chuyển chỗ ở liên tục. Từ hồi tiểu học, Dempsey đã xác định mình sẽ không có được kết quả tốt đẹp gì nếu cứ tiếp tục ngồi trên ghế nhà trưởng. Bởi thế, cậu thường xuyên trốn học để đi kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Đến năm 16 tuổi, Dempsey chính thức rời khỏi nhà, tìm cho mình cơ hội khác để kiếm được nhiều hơn vài dollar.
Chân dung Jack Dempsey.
Hồi đó, do chưa có được công việc phù hợp, lại nhỏ tuổi, Jack thường xuyên thiếu tiền và phải ngủ lại ở bến tàu với cái bụng rỗng tuếch. Sau đó, cậu lên vùng mỏ để tham gia khai thác.
Chính trong khoảng thời gian này, Jack đã học được những kĩ thuật chiến đấu bởi thực tại cuộc sống quá khốc liệt khi đó. Ở những vùng mỏ, chỉ có kẻ mạnh mới sống sót.
Vậy nhưng, vũ khí lợi hại nhất của chàng thanh niên này hồi đấy là sự liều lĩnh. Để có tiền, đôi khi cậu ghé vào các quán rượu và ra lời thách thức với nhiều võ sĩ đang ở đấy.
Đánh kiểu gì cũng được, miễn sao có người chiến thắng. Theo tự truyện sau này của Jack Dempsey, mặc dù như thế nhưng rất hiếm khi, cậu phải rời cuộc ẩu đả bằng cáng.
Hành trình của nhà vô địch
Năm 1914, Jack Dempsey bắt đầu thượng đài lần đầu tiên với cái tên "Kid Blackie". Hồi mới bắt đầu bước chân vào con đường "đẫm máu" này, Jack luôn chiến thắng, nhưng những kỉ lục đó không được ai biết đến.
Sau này, cậu đổi tên, lấy đúng tên thật Jack Dempsey và khi đó, người ta mới bắt đầu có ấn tượng về chàng trai ấy. Sau này, khi có tên tuổi và đứng vững trên đôi chân cùng nắm đấm của mình, cậu trở nên "vô đối"ở khu vực các thị trấn trong dãy núi Wasatch.
Những năm 1918 và 1919 nhiều đối thủ không dám đấu với Jack bởi sự liều lĩnh trong cách xung trận cũng như việc có quá nhiều cú knock-out rất đỗi ấn tượng. Người ta nói rằng, Jack có phong cách thi đấu cực kì hoang dã, như một con hổ luôn gầm gào lao về phía trước.
Những cú knock-out thường diễn ra trong khoảng 14 đến 18 giây.
Jack là nhà vô địch quyền Anh hạng nặng.
Chỉ chưa đầy 2 tuần sau sinh nhật lần thứ 24, Dempsey đã trải qua hơn 80 cuộc chiến chuyên nghiệp. Một trong những cuộc so găng "khủng khiếp" nhất là vào năm 1919, với nhà vô địch hạng nặng Jess Willard.
Cuộc chiến nổ ra bởi lời thách thức ngông cuồng từ Dempsey và được tổ chức ở một đấu trường ngoài trời tại Toledo Ohio. Nhiều người kể lại rằng, sức nóng của cuộc chiến bị đẩy lên cao đến nỗi, các khán giả cũng phải sục sôi, gào thét khản cổ.
Kết quả, Willard đã bị đánh tan nát. Không hề có chút nghệ thuật nào ở cách đánh của Dempsey. Nó chỉ là một sự mạnh mẽ, "cơn giận dữ tinh khiết" và các pha ra đòn chính xác. Cuộc chiến kết thúc khi Willard không thể ngẩng lên nổi sau lần đếm ở hiệp thứ 4 của trọng tài.
Từ ấy, cũng với danh tiếng và sự mến mộ cuồng nhiệt, rất nhiều người yêu mến Dempsey. Trước đó, anh bị lên án và ghét bỏ bởi người ta nghi ngờ Jack lười biếng, trốn chạy, không tham gia vào quân đội Mỹ cho Thế chiến lần 1 vào năm 1917.
Tuy nhiên, sau trận đánh lịch sử cùng với nhiều chứng cứ được công bố vào năm 1920 rằng Jack đã cố gắng vào quân đội nhưng bị loại, danh tiếng mới không bị bôi đen nữa.
Jack Dempsey sở hữu phản xạ nhanh như điện.
Ngày 14/9/1923, một chương mới đã được thêm vào trong cuộc đời huyền thoại của Jack Dempsey. Anh phải đối đầu với Luis Angel Firpo của Argentina tại Căn cứ Polo ở New York.
Firpo cũng không phải "tay mơ", anh được người hâm mộ quyền Anh biết đến với biệt danh "chú bò hoang dã của vùng Pampas".
Với sự mạnh mẽ, hiếu chiến của cả hai, một trận đấu "không tưởng" diễn ra. Các pha ra đòn từ hai bên đều quyết liệt, là các cú đấm "ngàn cân". Hiệp 1, "bò hoang" Firpo đã bị đánh ngã tới 7 lần còn Dempsey thậm chí bị đấm văng khỏi võ đài.
Tuy nhiên, chỉ sau 57 giây của hiệp 2, Dempsey hạ gục Firpo bằng một cú móc trái như búa bổ. Chính pha đòn quyết định mang lại chiến thắng này đã đưa Jack vào danh sách những huyền thoại bất tử trên sàn quyền Anh sở hữu cú knock-out khủng khiếp nhất mọi thời đại.
Không chỉ đánh hay, Jack còn lập kỉ lục bán vé ở những lần thượng đài. Người ta nói rằng, các trận đấu có mặt Dempsey, khoản tiền thu về sẽ được tính bằng mức triệu dollar.
Năm 1926, Dempsey đã thất bại trong cuộc chiến với Gene Tunney ở Philadelphia. Kết quả này cực kì bất ngờ bởi khi đó, Jack gần như "bất khả chiến bại". Đây là trận đấu có lượng khán giả xem cực kì đông, 120.557 người. Tuy nhiên, cuối cùng kẻ được đánh giá cao hơn đã thua.
Những năm 1950, hãng thông tấn AP đã tổ chức bình chọn và công nhận Dempsey là võ sĩ vĩ đại nhất 50 năm qua.
Cuộc so găng của Dempsey và Firpo.
Cuộc sống riêng tư
Jack có vợ khi còn rất trẻ. Trong những tháng đầu tiên ở hầm mỏ, cậu đã kết hôn cùng Maxine Gates, một người chơi đàn piano nhưng cuộc hôn nhân này không kéo dài.
Sau đó, Estelle Taylor - một ngôi sao kịch câm, chính là bà vợ thứ 2. Tuy nhiên, cũng như thế, chẳng có sự bền vững nào hết.
Jack và cô vợ thứ 2.
Hannah Williams chính là người kề vai sát cánh bên Jack Dempsey sau Taylor. Họ có với nhau 2 con gái Joan vào năm 1934 và Barbara vào năm 1936 trước khi đường ai nấy đi vào năm 1943.
Năm 1958, Jack kết hôn lần thứ 4 với Deanna Piattelli và sống cùng người phụ nữ này đến cuối đời. Năm 1977, con gái Barbara Dempsey đã giúp cha viết tự truyện với tên gọi "Dempsey".
Không chỉ thượng đài, hồi còn trẻ, Jack cũng tham gia vào lĩnh vực điện ảnh, sân khấu.
Trong vòng từ 1920 đến 1958, Dempsey đã góp mặt trong gần 20 bộ phim, đáng kể nhất là vai diễn cùng người vợ thứ 2- ngôi sao kịch câm Estelle Taylor – trong vở kịch The Big Fight và bộ phim Manhattan Madness (1925).
Gia đình Jack cùng cô vợ thứ 3 và 2 người con gái.
Sau này, khi đã giải nghệ và mở một nhà hàng thì đối với nhiều người Dempsey vẫn là một nhà vô địch. Ông được miêu tả là ấm áp, hào phóng. Gần như lúc nào, ông cũng ra để chào đón bạn bè và cả người lạ bằng lời chào thân mật: "Hiya, pal".
Ông thân thiện, chụp hàng ngàn bức ảnh với kiểu ôm vai cực kì thân mật với những ai mến mộ mình khi được yêu cầu.
Jack Dempsey qua đời năm 1983 (thọ 88 tuổi) tại New York với cô vợ thứ tư Deanna ở bên. Câu cuối cùng ông nói với vợ: "Đừng lo lắng, em yêu. Rồi đến anh cũng sẽ phải chết".
Những pha knock-out ấn tượng của Jack Dempsey.