1. DFB - Liên đoàn bóng đá Đức đã có một cuộc cải cách bóng đá vào cuối năm 2000. Đến 14 năm sau, người Đức mới trở lại đỉnh danh vọng bóng đá thế giới khi lần thứ 4 vô địch World Cup trên đất Brazil, một chiến công được xem là vô tiền khoáng hậu bởi họ đánh bại Brazil đến 7-1.
Sự khác biệt được thay đổi là người Đức không tập trung đào tạo theo cách của người Anh. Họ đi tham khảo nhiều Học viện ở Anh, Pháp, qua đó muốn mọi đứa trẻ đều có cơ hội chơi bóng nếu đam mê. Tức người Đức đào tạo bóng đá theo diện rộng và mỗi CLB đều làm đào tạo trẻ, một sự chung tay để không bỏ sót nhân tài.
Thành công của bóng đá Đức khởi đầu từ chuyện ươm mầm tài năng hơn 1 thập kỷ.
Một nền bóng đá hàng đầu thế giới như Đức khi cải cách phải chờ đến 14 năm mới hai được quả ngọt. Điều đó cho thấy việc trồng người trong bóng đá là cả một kỳ công, không phải có thể đưa tay là có được ngay thành tích như mong đợi.
2. Đến người Đức còn hướng ngoại để tiếp thu tinh hoa của các nền bóng đá khác. Điều này cho thấy rằng, những nền bóng đá thấp hơn thì chuyện hướng ngoại để học hỏi là rất quan trọng. Còn muốn có được thành công phải trải qua một quá trình gian nan.
Bầu Đức tốn rất nhiều tâm huyết và tiền bạc cho Học viện Bóng đá HAGL.
U23 Việt Nam liên tiếp gặt được thành tích tốt ở sân chơi châu lục là ví dụ. Bầu Đức mở đường với Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG, sau đó một số nơi bắt đầu làm trẻ. Sự cộng hưởng đã tạo nên sức bật cho bóng đá Việt Nam.
Tư tưởng của người mở đường, dám làm để mang đến sự khác biệt luôn rất quan trọng. Và đó là cơ hội để bóng đá Việt Nam tiếp thu thêm tinh hoa khi có lứa cầu thủ được ăn tập theo giáo án chuẩn Arsenal. Nhờ vậy, lứa Công Phượng mới có thể chơi thứ bóng đá khác biệt. Có thể họ chưa thành công về thành tích nhưng hiệu ứng, giá trị mang lại là điều không thể phủ nhận.
3. Tôi từng trò chuyện với HLV Lê Thụy Hải về chuyện bóng đá Việt Nam phát triển bóng đá trẻ trong thời gian qua. Ông Hải “lơ” cho rằng con đường thành công của bóng đá cần phải làm tốt đào tạo trẻ, nhất là chuyện các Học viện Bóng đá ra đời sẽ mang đến một luồng sinh khí mới. Bóng đá Việt Nam cũng được hưởng lợi khi học hỏi nhiều điều mới lạ từ các nền bóng đá hàng đầu thế giới.
Học viện Bóng đá Juventus Việt Nam được xây tại Vũng Tàu.
HLV Lê Thụy Hải là người trực tiếp tham gia tuyển sinh ở Học viện Bóng đá Juventus Việt Nam. Đây là Học viện thứ 2 ở Việt Nam và đầu tiên ở Đông Nam Á, nếu nói riêng về việc CLB Juventus đào tạo trẻ ở Đông Nam Á.
Sự khác biệt của công tác đào tạo cầu thủ ở Học viện là họ đề ra một mục tiêu dài sau một quá trình sàng lọc rất kỹ lưỡng. Các cầu thủ không chỉ đá bóng mà còn được học văn hóa, theo một định hướng rõ ràng để đến ngày trình làng người hâm mộ.
Với Học viện Bóng đá Juventus, bóng đá Việt Nam có thêm một nơi đào tạo cầu thủ bài bản, theo quy chuẩn châu Âu. Đó là quá trình đào tạo sẽ rất dài và rất cần được ủng hộ để những người làm bóng đá có thể hết mình cống hiến trong hành trình “trồng người”. Bởi bóng đá Việt Nam cần có những người dám nghĩ dám làm để mang sự khác biệt, chứ không phải đầu tư ở phần ngọn để lấy thành tích ở V.League. Làm như thế bóng đá Việt Nam không thể ra biển lớn mà càng bị thụt lùi vì “bệnh thành tích”.
Với việc cho ra đời Học viện Bóng đá Juventus Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn Bình Minh kỳ vọng mang đến một lứa cầu thủ giỏi cho bóng đá Việt Nam.
HLV Park Hang Seo đã nói bóng đá Việt Nam có thể dự World Cup trong 10 năm 20 năm tới. Hy vọng đó chỉ có thể bắt đầu từ những người làm bóng đá bài bản, khác biệt, tức đến từ Học viện Bóng đá Juventus, Học viện Bóng đá HAGL… cùng sự chung tay làm trẻ của các CLB ở V.League.
Có thêm Học viện bóng đá thì càng tăng hy vọng cho bóng đá Việt Nam. Hãy chờ xem nhận xét của ông Park có thành hiện thực trong tương lai.