1. Gần 2 tháng trước, VFF đã ra quyết định đình chỉ thi đấu và phạt tiền với thủ môn Y Êli Niê của U19 Đắk Lắk do "thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng". Ngoài ra, VFF cũng quyết định 1 HLV và 4 cầu thủ U19 Bình Định. Đáng nói, Y Êli Niê chính là thủ môn góp mặt trong danh sách chính thức dự VCK U23 châu Á 2020, cũng như từng được HLV Park Hang-seo triệu tập chuẩn bị cho SEA Games 30.
Hôm qua (11/5), Liên đoàn bóng đá Việt Nam thêm lần nữa ra án phạt, lần này là phạt tiền và cấm thi đấu đến 11 cầu thủ do tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc của các cầu thủ U21 Đồng Tháp. Lần này, có đến 4 cầu thủ từng khoác áo đội tuyển U19 Quốc gia "nhúng chàm", đáng nói có Trần Công Minh - Vua phá lưới và Nguyễn Nhật Trường - thủ môn xuất sắc nhất giải U19 quốc gia năm 2018.
Trần Công Minh - tuyển thủ U21 Việt Nam dính án bán độ.
Những ai còn nghi hoặc lời phát biểu của HLV Hoàng Anh Tuấn về "tư cách đạo đức kém" của cầu thủ trẻ Việt Nam, hay của nguyên GĐKT VFF - Jurgen Gede về "ý thức kém" của các cầu thủ U18 Việt Nam - đến mức độ lén mua thuốc lá về hút trong giải đấu ở Indonesia, chắc hẳn sẽ chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa, bởi việc 9 cầu thủ lén dùng điện thoại, hay lén hút thuốc rõ ràng chẳng là gì nếu đem so với việc bán độ.
Với những thành công mà HLV Park Hang-seo cùng các học trò đem về cho bóng đá Việt Nam suốt hơn 2 năm qua, chưa bao giờ nghề cầu thủ lại được đặt ở vị trí "trang trọng" trong xã hội như hiện tại. Nhìn vào danh tiếng, vinh quang, cũng như mức thu nhập của những cầu thủ dưới trướng thầy Park, chắc hẳn không ít cầu thủ trẻ có thêm động lực để bước tiếp trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Nhưng đó chỉ mới là bề nổi, khi con số 133 triệu đồng mà các cầu thủ U21 Đồng Tháp thắng được từ việc cá độ chính trận đấu mà mình tham gia là quá nhỏ so với thu nhập của những Quang Hải, Công Phượng hay Văn Hậu, nhưng không hề nhỏ so với mức thu nhập của họ - những cầu thủ trẻ chưa hoặc chỉ mới chớm thành danh.
HLV Hoàng Tuấn Anh "bó tay" với "tư cách đạo đức kém" của các học trò.
2. Trách các cầu thủ trẻ không thể giữ được mình trước những cám dỗ là điều rất dễ, nhưng để giải quyết, tìm "con đường sáng" cho họ, như cách mà bầu Đức hay CLB Hà Nội đang làm lại là điều quá khó. Như nguyên GĐKT Jurgen Gede nói: "Trách nhiệm thuộc về cấp địa phương, nơi đào tạo, dung dưỡng cầu thủ hàng ngày".
Cây nào thì quả nấy, các cầu thủ trẻ phải làm thế nào khi đến các HLV của các em còn khiến ông Jurgen Gede phải thốt lên cay đắng: "Tôi từng đề xuất một buổi hội thảo với các HLV khắp cả nước. Không có gì to tát, không phải là tôi lên lớp, còn họ là học trò ngồi nghe. Tôi biết mình là ai, hoàn cảnh vị thế ra sao, và tôi vẫn luôn nói với lãnh đạo VFF rằng tôi muốn giúp, muốn hỗ trợ mọi người.
Đó chỉ là một cuộc trò chuyện như những người đồng nghiệp, tôi kể lại các trải nghiệm và đúc kết của bản thân, còn ứng dụng ra sao là tùy mỗi người. Nhưng trong suốt lúc tôi nói, không mấy ai tương tác thảo luận lại. Thế đã đành, hơn một nửa thành viên tham gia hội thảo còn chẳng thèm quan tâm tôi nói gì, cứ ngồi bấm điện thoại. Thử hỏi tôi làm thế nào nữa?".
HAGL của bầu Đức là điểm sáng le lói trong việc đào tạo ý thức, nhân cách cho các cầu thủ trẻ.
Đến thầy còn như thế, thì liệu có nên đổ hết "tiếng xấu" cho các học trò?
Ông Jurgen Gede là người cực kỳ tâm huyết với bóng đá trẻ Việt Nam, bầu Đức là người thành công nhất trong việc đào tạo nhân cách cho các cầu thủ trẻ của mình, còn HLV Park Hang-seo chưa lúc nào thôi canh cánh về nỗi lo thế hệ kế cận và sau đó nữa của bóng đá Việt Nam.
Ấy vậy mà theo lời tâm sự của vị cựu GĐKT người Đức, bầu Đức thậm chí còn không thèm nhìn mặt ông, còn ông Park thì: "Trong công việc, quả thực tôi gần như chưa từng làm việc, hay tham gia vào ê kíp của ông Park. Tôi không làm việc cùng ông ấy, thì làm sao có chuyện bất đồng như người ta đồn thổi".
Có thể ông Gede, bầu Đức và HLV Park Hang-seo chẳng hề có bất đồng với nhau. Nhưng chẳng phải là quá đáng tiếc khi cả ba người cực kỳ tâm huyết với bóng đá trẻ Việt Nam, lại có tiếng nói lại không thể cùng ngồi với nhau để chung tay lo cho các cầu thủ trẻ. Các cụ chẳng nói: "Một câu làm chẳng nên non..." là gì?
Bóng đá Việt Nam vẫn đang thành công, thậm chí là thành công rực rỡ trên cả đấu trường khu vực lẫn châu lục, nhưng phía sau "tấm huy chương" rực rỡ ấy, là lỗ hổng khổng lồ nơi lực lượng kế cận. Chẳng xa đâu, khi các cầu thủ "dính chàm" vừa qua, chính là lứa cầu thủ sẽ đại diện cho bóng đá Việt Nam ở SEA Games năm sau, được tổ chức ngay trên sân nhà.
Ở đội tuyển quốc gia hiện tại, chúng ta đang không thiếu những "cây cao" đại diện cho khát vọng vươn lên, cho ý chí Việt Nam trong bóng đá. Nhưng dưới "bóng mát" của những tán cây là Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Tuấn Anh... đấy, là những cây con đang dần còi cọc, bị xâm lấn bởi "cỏ dại". Đã đến lúc phải "cúi xuống" để "nhổ cỏ" chưa, những nhà hoạch định có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam?