HLV và cầu thủ có quyền kiếm tiền chính đáng

HOÀNG TÚ |

Việc nhà đầu tư nợ tiền HLV và cầu thủ, thậm chí nợ dài lâu rồi trở thành nợ xấu dẫn đến phá sản, giải tán đội bóng đã trở thành chuyện bình thường trong môi trường bóng đá Việt Nam

Hiện nay, những người làm công - ở đây là HLV, cầu thủ - không còn nhẫn nhịn, cam chịu, im lặng trước việc bị nhà đầu tư đối xử bất công.

Đá bóng vì tiền?

Thua Hải Phòng 1-3 ở vòng 6 V-League 2023-2024 là trận thất bại thứ 3 liên tiếp của đội Khánh Hòa trong giai đoạn khủng hoảng nợ tiền các thành viên đội bóng.

Ngược lại, với trận thắng ở lượt thứ 6 V-League mùa này, đội chủ nhà Hải Phòng đã được thưởng "nóng" 300 triệu đồng. Trước đó, đội Hải Phòng cũng được thưởng 500 triệu đồng sau trận thắng Công an Hà Nội 3-1 ở lượt thứ 4.

Trong khi đó, sau khi giới chủ đầu tư trả một phần tiền nợ cả 3 mùa bóng cho ban huấn luyện và cầu thủ, CLB TP HCM đã kiếm được 5 điểm trước 3 đội mạnh là Thể Công Viettel, Hải Phòng (sân nhà) và Thanh Hóa (sân khách).

Phải chăng cầu thủ đá bóng vì tiền? Cần phải hiểu rằng khoản nợ mà giới chủ đầu tư các đội bóng ở V-League hay Giải Hạng nhất đã và đang gồng gánh đều là những khoản chi phí mà họ bắt buộc phải quyết toán.

HLV và cầu thủ có quyền kiếm tiền chính đáng- Ảnh 1.

Sau khi giới chủ đầu tư trả một phần tiền nợ cho ban huấn luyện và cầu thủ, CLB TP HCM đã kiếm được 5 điểm trước 3 đội mạnh là Thể Công Viettel, Hải Phòng và Thanh Hóa. Ảnh: QUANG LIÊM

Nói dễ hiểu hơn, bóng đá là nghề nghiệp, HLV và cầu thủ là người làm công kiếm tiền. Cũng như bao ngành nghề khác, thu nhập trong bóng đá tỉ lệ thuận với tài năng, hình ảnh, thương hiệu, uy tín của HLV và cầu thủ.

Về lý, thu nhập trong bóng đá cao hay thấp, thưởng ít hay nhiều hoặc không thưởng, có phí lót tay hay không… là tùy vào thỏa thuận khi ký hợp đồng giữa HLV, cầu thủ với giới chủ đầu tư đội bóng.

Để tránh rủi ro, HLV cũng như cầu thủ nên có người đại diện hoặc ít nhất là nhờ luật sư xem xét, tư vấn, thương lượng… trước khi đặt bút ký hợp đồng. Khi hiểu và nắm rõ luật, HLV và cầu thủ có quyền ra giá cũng như đặt các điều kiện hợp lý nhất, tránh tối đa khả năng bị lợi dụng hoặc thua thiệt, thậm chí mất trắng nếu xảy ra thưa kiện.

HLV và cầu thủ cố gắng để kiếm được nhiều tiền bằng công sức, năng lực là quyền chính đáng của họ, giúp môi trường bóng đá phát triển lành mạnh. Bởi lẽ, họ không kiếm tiền bằng cách bán rẻ nhân cách, danh dự.

Trách nhiệm của giới chủ đầu tư

Có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi: Chủ đầu tư của đội bóng là những người phải chịu trách nhiệm sau cùng. Họ mời người đến đội bóng làm việc thì phải có trách nhiệm đối với người mà họ đã ký hợp đồng, nếu như người làm công ấy không vi phạm bất kỳ quy định nào đã cam kết.

Thực tế hiện nay ở Việt Nam là bóng đá chưa thể tự nuôi mình. Ngay trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp, số lượng CLB sống được bằng nguồn thu từ bóng đá cũng ít hơn so với các đội thua lỗ.

Vậy giới chủ đầu tư khi đến với các đội bóng ở Việt Nam có thỏa thuận gì với địa phương không? Khi không có nguồn thu trực tiếp từ bóng đá, nhiều nhà đầu tư dự tính sẽ có nguồn thu qua một số cơ chế mà lãnh đạo địa phương cho phép họ thực hiện. Thế nhưng khi triển khai, nếu thu nhập không như mong muốn là họ sẽ viện lý do khó khăn tài chính, bắt đầu là nợ tiền đội bóng, trước khi đi đến quyết định dừng đầu tư.

Đây là vấn đề tế nhị và rất khó có thông tin đầy đủ. Song, việc giới chủ đầu tư tránh gặp gỡ trực tiếp rồi im lặng, cắt đứt liên lạc trong một khoảng thời gian với những người làm công đã đủ cho thấy sự thiếu trách nhiệm của họ.

Nếu giới chủ đầu tư cạn kiệt tài chính thì như thế nào? Tốt nhất họ nên dừng lại và công khai tuyên bố. Nếu "của cho không bằng cách cho" thì ở đây, "cách dừng" là rất quan trọng. Chủ đầu tư không nên níu kéo, đổ lỗi cho người làm công khi họ có quyền đòi hỏi được nhận những khoản tiền chính đáng.

Địa phương cũng không nên giữ lại đội bóng bằng mọi giá. Hơn nữa, địa phương đừng kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ vì khó có ai cho không bao giờ.

Cuối cùng, dù quá trễ, đã đến lúc đơn vị quản lý các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam - cụ thể là Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và cao hơn là LĐBĐ Việt Nam (VFF) - cần xây dựng quy chế, điều lệ kiểm tra đầu vào, kiểm tra cam kết đối với giới chủ đầu tư vào các đội bóng chuyên nghiệp. Việc này là bình thường, hoàn toàn không mới và đã được thực hiện ở các nền bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. 

Làm bóng đá chuyên nghiệp cần rất nhiều tiền. Nếu các chế độ như lương, thưởng không được bảo đảm thì tất cả thành viên đội bóng sẽ không thể toàn tâm toàn ý làm việc hiệu quả.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại