“Chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận và đặt năng lượng của cá nhân cầu thủ lên trên tập thể. Những màn trình diễn như vậy, chúng ta chỉ có thể đánh bại đối thủ yếu hơn hoặc ngang bằng ở Đông Nam Á, nhưng khi đối đầu với Iraq hoặc đối thủ khác tầm châu Á, chỉ dựa vào sự xuất thần của cá nhân cầu thủ là chưa đủ. Trình độ cá nhân của cầu thủ Việt Nam chưa cao vì nhiều lý do.
Hiện tại trong đội hình tuyển Việt Nam, không có ai thi đấu ở nước ngoài. Nếu muốn giành kết quả tốt, chúng ta phải đồng bộ về khâu tổ chức không bóng, tổ chức phòng ngự và tôi cho rằng Hoàng Đức chưa đáp ứng được điều này. Quả bóng vàng Việt Nam năm nay có thể thuộc về cậu ấy, nhưng tôi muốn cậu ấy đóng góp nhiều hơn nữa. Trong những đợt hội quân gần đây, tôi luôn luôn thúc đẩy cậu ấy tối đa và tôi mong cậu ấy hiểu”.
HLV Philippe Troussier và các học trò.
Đây là lời giải thích của HLV Philippe Troussier cho việc không sử dụng tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức ở trận đấu với Iraq hôm 21/11 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đây là đối thủ mạnh nhất của đội tuyển Việt Nam tại bảng F và gần như tất cả tin Hoàng Đức sẽ có tên trong đội hình xuất phát. Tiền vệ Viettel nổi lên ở nửa sau giai đoạn cầm quân của HLV Park Hang-seo, trở thành gương mặt gần như không thể thay ở trên hàng tiền vệ.
Nhưng trái với tất cả, ông Troussier để Hoàng Đức ngồi ngoài và đây là lần thứ 2 liên tiếp sau trận đấu trên sân khách trước Philippines. Đó là một bất ngờ, cả với giới mộ điệu cũng như dân chuyên môn bởi trong khi để một ngôi sao bên ngoài, HLV Troussier lại trao cơ hội cho rất nhiều gương mặt trẻ, như: Đình Bắc, Thái Sơn, Văn Khang, Thanh Nhàn…
Nội bộ đội tuyển Việt Nam đã xuất hiện những ồn ào, rằng Hoàng Đức không được lòng ông Troussier. Điều này rất khó tin, bởi bất kỳ HLV nào cũng muốn sở hữu trong tay những cầu thủ xuất sắc nhất, đặc biệt ông Troussier đang gánh sức nặng lớn từ bản hợp đồng 3,5 năm với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Lời giải thích nói trên của ông Troussier cho thấy góc nhìn rõ ràng hơn: ông chưa hài lòng với cách Hoàng Đức thể hiện.
Nhà cầm quân người Pháp cũng thể hiện quan điểm rất rõ, rằng ông muốn xây dựng một tập thể mạnh, đủ khả năng đương đầu với các đối thủ lớn ở châu lục, thay vì phụ thuộc vào 1 cá nhân. Nếu ai theo dõi quá trình cầm quân của HLV Troussier thì điều này không hề bất ngờ. Ở những đội bóng từng dẫn dắt, ông Troussier nổi tiếng với kỷ luật thép, sẵn sàng loại bất kỳ ngôi sao nào nếu không tuân thủ quy định. Phong cách này từng khiến ông Troussier xung đột với các cầu thủ khi làm cho Qatar hay châu Phi, thậm chí cả Nhật Bản. Nhưng chiều ngược lại, nó cũng giúp các đội bóng gặt hái được thành công và Nhật Bản là điển hình.
Với trường hợp Hoàng Đức, tín hiệu tích cực với anh là nhà cầm quân người Pháp vẫn đánh giá cao năng lực của tiền vệ Viettel. Phát biểu của ông Troussier thậm chí có thể xem như màn “lobby” cho cuộc đua Quả bóng vàng danh giá sắp tới. Câu chuyện kết thúc “có hậu” hay không phần nhiều sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Hoàng Đức. Anh có thể thất vọng với lựa chọn của nhà cầm quân người Pháp, hoặc nỗ lực hơn để chứng tỏ năng lực thực thụ của mình. Khi đó, những ghi nhận của số đông với đóng góp của Hoàng Đức cho đội tuyển Việt Nam thậm chí còn lớn hơn nhiều so với những gì anh từng thể hiện.
Suy cho cùng, ở cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia, ông Troussier có toàn quyền quyết định nhân sự, lối chơi của đội bóng bởi ông là người chịu trách nhiệm cao nhất với thành bại của đội.