Để đến với PSG, Neymar đã tự mình mang tiền đến gặp Barcelona để "chuộc thân". Sau khi khoản tiền 222 triệu euro được thanh toán cũng là lúc chân sút người Brazil chính thức thành cầu thủ tự do. Hoàn thành việc ký hợp đồng, anh sẽ thuộc về PSG.
Nhận xét về thương vụ đình đám trên, Mourinho nói: "Khi mua Paul Pogba tôi đã nói rằng cậu ấy không đắt. Những gì cậu ấy mang lại xứng với cái giá đó. Tôi nghĩ rằng điều tương tự cũng đúng với Neymar. Cậu ấy không hề đắt với mức giá gần 222 triệu euro.
Tuy nhiên, rắc rối là ở hậu quả của vụ chuyển nhượng này. Sau đây sẽ ngày càng xuất hiện thêm nhiều những thương vụ 50, 100 triệu euro".
Tổng số tiền PSG dự kiến tiêu tốn vào Neymar là 528 triệu euro, bao gồm 222 triệu phá vỡ hợp đồng với Barca, 150 triệu lương và 156 triệu tiền thuế.
Lo lắng của Mourinho là rất thực tế. Các bản hợp đồng "bom tấn" đồng thời cũng kéo giá của những thương vụ khác lên theo. Nhiều cầu thủ chỉ ở mức trung bình khá nhưng bị "nói thách" rất cao.
Cách đây 6 năm, trong một vụ mua bán có phần vội vàng được thực hiện vào tháng Một, Chelsea đã dùng 55 triệu euro để thuyết phục Liverpool nhả Torres. Mức giá khi ấy của tiền đạo người TBN bị chê là quá cao, mặc dù anh đang đạt phong độ tốt và là "sát thủ" hàng đầu Premier League.
Vậy nhưng bây giờ với 55 triệu euro, bạn còn không thể động vào các chân sút như Belotti, Aubameyang hay Harry Kane.
Thủ môn Pickford - mới bắt 31 trận tại Premier League - được Everton mua với giá 33 triệu euro, hơn rất nhiều so với De Gea thời điểm về Man United (khoảng gần 20 triệu euro).
Nhưng còn những hiểm họa mà Mourinho không muốn (hoặc không tiện) nhắc đến liên quan.
Đầu tiên là tương lại của các CLB châu Âu. Với thị trường lạm phát, những đội bóng nhỏ càng khó cạnh tranh trong việc chuyển nhượng. Về dài hạn, họ sẽ cần tập trung vào đào tạo trẻ hơn, điều này là tốt. Tuy nhiên, về ngắn hạn, những CLB sở hữu ngân sách eo hẹp hoàn toàn có thể sa sút về thành tích, thậm chí rớt hạng.
Còn những đội bóng mua sắm rầm rộ cũng cần phải lưu ý. Rất nhiều vụ phá sản đã từng diễn ra trong quá khứ chỉ vì thói vung tay quá trán.
Điều thứ hai, đáng lo ngại hơn rất nhiều, là tương lai của Luật công bằng tài chính. Được đặt ra nhằm hạn chế các CLB giàu có chi tiêu quá mức, song luật này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế.
Những năm trước, một số đội bóng như Man City sẵn sàng nộp phạt để mua cầu thủ. Tới kỳ chuyển nhượng Hè năm nay, PSG còn "cao chiêu" hơn khi tác động để Neymar tự phá vỡ hợp đồng.
Như vậy, trên danh nghĩa, họ sẽ không mất xu nào để chiêu mộ chân sút người Brazil. Điều khoản "phá vỡ hợp đồng", vốn là lá chắn giúp các CLB giữ chân cầu thủ, bỗng nhiên trở nên phản tác dụng.
Năm 1995, sự ra đời của luật Bosman làm thay đổi căn bản thị trường chuyển nhượng. Các cầu thủ từ lúc ấy được tự do đàm phán để tìm bến đỗ mới sau khi hết hạn hợp đồng với CLB cũ.
22 năm sau, tới lượt PSG - Neymar làm Luật công bằng tài chính lung lay dữ dội. Tin rằng, không ít người sẽ bắt chước anh, tự bỏ tiền giải phỏng bản thân và đến với đội bóng khác. Chỉ cần đủ tiền và tìm ra một con đường để hợp pháp hóa, hạn mức chi tiêu do UEFA đặt ra coi như vô nghĩa.
Vậy nên, khi một số ý kiến cho rằng vụ Neymar chỉ là quân cờ domico đầu tiên, khởi đầu cho "cơn bão" lớn, có nhiều cơ sở để tin vào những nhận định đó.