HOÀNG ANH TUẤN ĐẲNG CẤP NHƯ THẾ NÀO TẠI OLYMPIC 2008?
Trong suốt lịch sử tham dự Olympic, có lẽ Bắc Kinh 2008 là giải đấu mà đoàn thể thao Việt Nam tự tin vào mục tiêu giành huy chương nhất. Năm ấy, chúng ta có một niềm hi vọng lớn, một VĐV liên tục giữ thành tích trong top 3 thế giới ở mọi giải đấu trước, đó chính là lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn.
Sau khi giành HCB Asiad 2006 với tổng cử 285 kg ở nội dung dưới 56 kg nam, Hoàng Anh Tuấn được đầu tư trọng điểm. Đến tháng 3/2008, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi ấy là ông Nguyễn Danh Thái cho biết sẽ cấp đầy đủ kinh phí để lực sĩ quê Bắc Ninh đi Bulgaria hoặc Trung Quốc tập huấn cho mục tiêu giành huy chương Olympic Bắc Kinh, với số tiền dự kiến lên đến 50.000 USD/năm (khoảng 800 triệu đồng thời điểm đó, quy đổi ra tỉ giá hiện tại là gần 1,26 tỷ đồng).
Đó thực sự là một con số lớn dành riêng cho một VĐV, nhưng rõ ràng các nhà quản lý đã có tầm nhìn đúng đắn. Từ khi dự Olympic vào năm 1980, ngoài thành tích vượt bậc của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân (HCB Olympic 2000), chưa khi nào thể thao Việt Nam có một VĐV sáng cửa giành huy chương Olympic tới vậy. Và đến tận bây giờ, vẫn hiếm VĐV Việt Nam nào đạt được đẳng cấp tốp đầu thế giới trước khi dự Olympic như Hoàng Anh Tuấn năm ấy.
Những đối thủ chính của Hoàng Anh Tuấn là Long Quingquan (Trung Quốc), Eko Yuli (Indonesia) và Cha Kum Chol (Triều Tiên). Và vào ngày 10/8/2008, cuộc thi chính thức diễn ra.
Ở phần thi cử giật, Hoàng Anh Tuấn khởi đầu tốt nhất khi nâng thành công mức tạ 126 kg ngay lần đầu tiên, trong khi hai đối thủ Trung Quốc và Indonesia chỉ nâng mức 125 kg. Cha Kum Chol đăng ký mức tại 128 kg nhưng thất bại trong 2 lần đầu, và phải đến lần cử thứ ba mới thành công.
Cả Hoàng Anh Tuấn và Eko Yuli đều thất bại trong lượt cử thứ hai với mức tạ 130 kg, phải đến lần thứ ba mới chinh phục được, trong khi Long Quingquan lại nâng thành công. Chưa dừng lại ở đó, VĐV 17 tuổi người Trung Quốc còn thành công tiếp ở mức 132 kg trong lần nâng cuối. Vậy là sau phần cử giật, Hoàng Anh Tuấn xếp thứ nhì, với 2 kg kém hơn Long Quingquan.
Đến phần thi cử đẩy, cả 3 VĐV Việt Nam, Trung Quốc (mức tạ 155 kg) và Indonesia (mức tạ 152 kg) đều thành công ngay lượt nâng đầu tiên.
Trong khi đó, đương kim vô địch thế giới Cha Kum Chol phải đến lượt thứ hai mới chinh phục được mức tạ 155 kg, sau đó thất bại ở mức 160 kg trong lượt cuối, qua đó chỉ đạt tổng cử 283 kg. Kết quả này giúp Hoàng Anh Tuấn có cơ hội lớn để giành huy chương, thậm chí là HCV.
Tiếc rằng Hoàng Anh Tuấn đã thất bại với mức 160 kg trong lần cử thứ hai, còn Long Quingquan lại thành công. Bởi vậy ở lượt cuối, lực sĩ của Việt Nam cần đảm bảo chinh phục được mức tạ này để chắc chắn có huy chương, thay vì mạo hiểm đăng ký mức cao hơn để tranh HCV.
Trước lượt nâng quyết định đó, Hoàng Anh Tuấn đã tụt xuống xếp thứ tư, tổng cử đạt 285 kg. Lực sĩ sinh năm 1985 có tổng cử kém VĐV Trung Quốc 7 kg, kém VĐV Indonesia 3 kg, bằng tổng cử với VĐV Yang Chin-yi (Đài Bắc Trung Hoa) nhưng xếp dưới vì cân nặng cơ thể lớn hơn (55,97 kg so với 55,43 kg).
Và rồi trong giây phút nghẹt thở của cả đoàn thể thao Việt Nam, Hoàng Anh Tuấn đã xuất sắc chinh phục được mức tạ 160 kg ở lượt cử cuối cùng, mang về tấm HCB Olympic Bắc Kinh với tổng cử 290 kg. Đây cũng là tấm huy chương duy nhất của Việt Nam tại kỳ Thế vận hội 2008 (môn Wushu chỉ là môn biểu diễn, không phải môn thi chính thức nên thành tích 1 HCB và 1 HCĐ ở môn võ này của Việt Nam không được tính vào bảng tổng sắp).
Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic 2008 sau phần tranh tài nghẹt thở.
NIỀM KỲ VỌNG VÀO TRỊNH VĂN VINH
Vào lúc 20h00 tối nay, lực sĩ Trịnh Văn Vinh sẽ tranh tài ở hạng cân 61 kg nam môn cử tạ. Đây sẽ là hi vọng cuối cho mục tiêu huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris.
Tuy nhiên mọi việc sẽ không dễ dàng. Các đối thủ của Trịnh Văn Vinh có Li Fabin (Trung Quốc) đang có thông số 314kg tổng cử; ngoài ra còn có Morris Hampton Miller (Mỹ, 303kg), Sergio Massidda (Italy, 302kg), Eko Yuli (Indonesia, 300kg), Ceniza John Febuar (Philippines, 300kg), Silachai Theerapong (Thái Lan, 299kg)...
Trịnh Văn Vinh hiện đang nằm trong top 6 thế giới ở hạng cân 61kg nam với thành tích tổng cử 294kg (cử giật 131kg, cử đẩy 163kg). So với Hoàng Anh Tuấn năm nào, hi vọng của Trịnh Văn Vinh thấp hơn, tuy nhiên người hâm mộ Việt Nam chắc chắn vẫn đang đặt sự trông chờ rất lớn vào sự bùng nổ của lực sĩ này.
Đáng chú ý, lực sỹ Eko Yuli Irawan của Indonesia, người từng đối đầu với Hoàng Anh Tuấn tại Olympic 2008, hiện vẫn là ứng viên cạnh tranh HCV tại Olympic Paris 2024. Eko liên tục giành huy chương tại Olympic 2008 (HCĐ, hạng 56 kg), 2012 (HCĐ, hạng 62 kg), 2016 (HCB, hạng 62 kg) và 2020 (HCB, hạng 61 kg), và tiếp tục cho thấy sự bền bỉ đáng kinh ngạc ở tuổi 35.
HẠNG CÂN 56 KG CỦA LỰC SĨ HOÀNG ANH TUẤN BỊ "KHAI TỬ" KHỎI OLYMPIC
Sau Hoàng Anh Tuấn, đến Olympic 2012, Việt Nam có lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn cũng tham dự nội dung 56 kg nam và đạt tổng cử 284 kg, thấp hơn tiền bối 6 kg. Thành tích này lúc đầu không giúp anh giành huy chương, tuy nhiên 9 năm sau, VĐV Việt Nam được đôn lên trao HCĐ do đối thủ xếp trên bị phát hiện doping trong mẫu thử thứ ba ở giải đấu năm đó.
Tới Olympic 2016, cả Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn đều không thể giành huy chương. Thạch Kim Tuấn không thành công ở phần cử đẩy nên không có tổng cử, trong khi Trần Lê Quốc Toàn chỉ đạt mức 275 kg.
Đây cũng là lần cuối hạng cân này được tranh tài ở Olympic. Kể từ Olympic 2020, hạng cân thấp nhất của nam được nâng lên mức 61 kg. Bởi vậy, tổng của của Hoàng Anh Tuấn năm 2008 chính là thành tích tốt nhất của các lực sĩ Việt Nam ở hạng cân 56 kg khi tranh tài tại Olympic.
Tuy nhiên xét rộng hơn, vào năm 2014, Thạch Kim Tuấn đã vượt qua đàn anh, đạt mức tổng cử 294 kg, giành HCB tại giải vô địch thế giới.