Hãy bắt giam… hòn đá trên xe đội Indonesia

AQ |

Trên đường rời sân sau trận thắng Việt Nam, xe chở đội Indonesia bị vỡ kính vì một hòn đá không hiểu từ đâu bay tới. Cần phải nghiêm túc xử lý hòn đá này.

1. Cho đến thời điểm hiện tại, đa số nhân loại vẫn cho rằng đá không thể tự chuyển động. Một tư duy đúng là "cứng như đá", cần phải đập vỡ ngay. Tại Thung lũng Chết thuộc phía Đông sa mạc Mojave (California, Mỹ), có những hòn đá có thể di chuyển như được gắn động cơ. Không phải chỉ chuyển động vài xăng-ti-mét cho có, có hòn đá thậm chí đã xê dịch tới 182 mét. Không tin, cứ lên Google sẽ thấy.

Mặc dù khoa học đã phát triển vượt bậc so với thời kỳ đồ đá, con người vẫn chưa thể giải thích được tất cả các hiện tượng thiên nhiên xung quanh. Một trong những lý do khiến "bầu trời có hạn còn sự ngu dốt của loài người là vô hạn" như định nghĩa của Albert Einstein, đó chính là tính cách bảo thủ của loài động vật tự cho mình là thông minh nhất dải ngân hà.

Ngày xưa, vì cứ khăng khăng rằng trái đất hình tròn, Galileo Galilei cùng nhiều nhân vật có suy nghĩ cách tân khác đã phải lên giàn thiêu. Ngày nay, nếu ai đó nói rằng đá là một thực thể sống, anh ta hẳn cũng sẽ bị… ném đá đến chết. Nhưng xin hãy bình tĩnh và lại vào Google kiểm tra, mọi người sẽ thấy có loại đá cũng trưởng thành, lớn lên như ai.

Hãy bắt giam… hòn đá trên xe đội Indonesia - Ảnh 1.

Vì không có bộ nhai, loài đá có tên trovant - được tìm thấy tại nhiều nơi bên Romania - chỉ uống nước để sống. Chỉ dài vỏn vẹn từ 6 đến 8 mi-li-mét lúc ban đầu, đá trovant sẽ phát triển lên đến kích thước 6 hoặc 10 mét nếu được uống nước đầy đủ. Và cũng như các hòn đá tại Thung lũng Chết, đá trovant cũng có thể dịch chuyển.

Cho đến trước ngày 7/12/2016, thế giới mới chỉ tìm được hai loại đá đặc biệt như vừa nêu. Nhưng sau trận Việt Nam thua Indonesia và "bay" vé vào đá chung kết, thêm một loại đá "không cánh mà bay" nữa đã được phát hiện.

2. Dẫu giới chức năng vẫn thận trọng gọi "vật thể bay không xác định" vừa lao xuyên qua cửa kính của chiếc xe chở đội Indonesia là "một vật giống hòn đá", thì đông đảo dư luận đã khẳng định như đinh đóng cột về cấu trúc của thứ đã làm bị thương hai thành viên đội khách.

Đó chắc chắn là một hòn đá, chỉ chưa rõ là loại đá gì. Nó có thể là hòn đá từ Thung lũng Chết, cũng có thể là đá trovant. Và không loại trừ khả năng nó là một hòn đá bị ném bởi một người ngoài hành tinh cũng là fan hâm mộ của đội tuyển Việt Nam.

Nhưng có một giả thiết được nhiều người cảm thấy chuẩn nhất: Hòn đá được tìm thấy trong xe của đội Indonesia là loại đá bình thường vốn được tìm thấy ở bất kỳ chỗ nào tại Việt Nam.

Hãy bắt giam… hòn đá trên xe đội Indonesia - Ảnh 2.

Nạn nhân đây, thủ phạm đâu?

Trong khi cả thế giới chỉ có hiện tượng "ném đá" theo nghĩa bóng, thì ở ta, các toa xe lửa đã phải thay kính bằng lưới sắt từ rất lâu rồi. Tương tự các chuyến tàu hỏa, nạn ném đá cũng diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường dành cho xe hơi.

Trong phần lớn các trường hợp xảy ra "mưa đá", chúng ta không xác định được thủ phạm. Vậy nên mọi nghi ngờ đổ dồn vào… hòn đá. Rắc rối ở chỗ, bọn đá rất ngoan cố, không bao giờ chịu lên tiếng nhận tội.

Nhằm không cho tình trạng "ném đá giấu tay" hoành hành ngang ngược tại xứ sở ngàn năm văn hiến này, thiết nghĩ đã đến lúc phải mạnh tay, bắt giam hết những hòn đá ác ôn vào tù để trả khảo.

3. Nhiều người có thể nghĩ rằng "bắt giam hòn đá" là chuyện tiếu lâm. Tuy nhiên, đây là chuyện thật từng xảy ra tại Việt Nam. Tháng 3/2012, trong quá trình đào ao lấy nước tưới, một nông dân trồng hồ tiêu tại huyện Chư Sê (Gia Lai) là Trần Thị Sắc phát hiện một khối đá có màu sắc và hình dạng đẹp nên đem về nhà bày.

Khoảng 2 tuần sau, đoàn cán bộ liên ngành huyện đến nhà bà Sắc xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối hành vi "vận chuyển khoáng sản trái phép", đồng thời tịch thu hòn đá và làm lồng sắt "nhốt" hòn đá này lại.

Hãy bắt giam… hòn đá trên xe đội Indonesia - Ảnh 3.

Lồng sắt nhốt hòn đá ở Chư Sê.

"Mình thấy lạ hung! Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất? Buồn cười thiệt đó!", ông Ksor Hiền, một người dân cũng ở huyện Chư Sê, kể.

Vâng, đá quả thực không có chân. Nhưng nếu không biết chạy thì tại sao lại có viên đá nằm gọn trên xe của đội Indonesia?

Giá như BTC sân Mỹ Đình "nhốt" hòn đá đó lại ngay từ đầu, bóng đá Việt Nam đã không phải chịu một phen đỏ mặt với bạn bè năm châu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại