Hoàn thành năm 2018, The Landmark 81 với độ cao 461,2m lọt top 15 tòa nhà cao nhất thế giới và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Cao ốc mang dáng hình bụi tre hướng thẳng ra sông Sài Gòn được xem như biểu tượng mới của TP.HCM.
Điều bất ngờ ít người biết là những công nhân, kỹ sư thực thi dự án này đều là người Việt và trước đó họ còn chưa từng xây tòa tháp nào vượt quá 50 tầng.
Để hiểu hơn về hậu trường làm nên The Landmark 81, chúng tôi có cuộc trò chuyện với hai đại diện của nhà thầu chính Coteccons là anh Nguyễn Phúc Thành (Giám đốc Dự án, trước đó đảm nhiệm vai trò Chỉ huy phó) và anh Lê Duy Tuấn (Chỉ huy trưởng, trước đó làm Giám sát thi công và trưởng Bộ phận quản lý chất lượng dự án).
Nguyễn Phúc Thành: Đúng là thiết kế của dự án có nhiều chi tiết phức tạp và cấu tạo thách thức cho biện pháp thi công, điển hình như: sàn cao hơn 28m, lõi cốt cứng và vật liệu cường độ cao.
Trong quá trình làm dự án, chủ đầu tư luôn cải thiện thiết kế nên có nhiều thay đổi liên tục.
Những thay đổi này mặc dù rất nhỏ so với tổng thể dự án nhưng lại ảnh hưởng lớn đến các chi tiết cấu tạo hệ ván khuôn. Ở các dự án thông thường, để đáp ứng thay đổi, chúng tôi sẽ cần hai tuần chỉnh sửa và lắp ráp. Tuy nhiên, công trình Landmark 81 rất đặc thù nên đây cũng là lần đầu tiên công ty tôi bố trí một khu vực gia công ván khuôn nhôm ngay tại dự án, mỗi lần có sự thay đổi trong thiết kế, chúng tôi đáp ứng xong trong vòng 24 tiếng.
Cụ thể, chiều nay phát hành một chi tiết thiết kế mới để hiệu chỉnh, buổi tối chúng tôi cần chọn đủ vật liệu, sáng mai làm xong bộ khung mới, tới chiều ráp và tối đổ bê tông. Sự linh động là một ưu điểm lớn và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng để chủ đầu tư chọn chúng tôi thay vì một nhà thầu nước ngoài.
Mặc dù chuyện thay đổi thiết kế đem đến nhiều vất vả nhưng lời hứa về tiến độ và chất lượng giữa người đứng đầu nhà thầu và Chủ tịch Vingroup lúc đó rất giá trị, không thể thay đổi.
Nguyễn Phúc Thành: Xung đột trong ngành xây dựng “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng thực sự đó không phải rào cản. Vingroup hỗ trợ chúng tôi về mọi mặt. Trên công trường, mọi người coi nhau như cộng sự, luôn hướng về phía trước và không có tự ái vặt hay cái tôi quá lớn. Đó cũng là điểm thú vị của dự án rất thuần về kỹ thuật, công nghệ.
Để đạt được hiệu quả tối ưu cho dự án, cả chủ đầu tư và nhà thầu luôn luân chuyển người phù hợp theo từng giai đoạn: cọc, hầm, thân, hoàn thiện… Mỗi giai đoạn, ban lãnh đạo đều chọn người giỏi nhất trong ngành. Ví dụ, phía nhà thầu chúng tôi đã có tới 4 lần thay đổi Chỉ huy trưởng.
Cũng có thể nhìn theo một hướng khác là làm việc ở The Landmark 81 quá áp lực, cứ 9 tháng đã cạn sạch năng lượng và muốn làm lâu hơn nữa e cũng khó! Hết 9 tháng, phải “đẻ” nhân tố mới thôi (cười).
Nguyễn Phúc Thành: Chính tôi cũng không hiểu sao mình “trụ” được lâu thế, có lẽ do may mắn, hoặc cũng có thể vì các anh Chỉ huy trưởng đã gánh bớt áp lực (cười). Dù vậy, khi kinh qua được, mái tóc tôi cũng đã hoa râm dần.
Ví dụ một ngày mình làm việc liên tục từ 7h sáng tới 5h chiều, tăng ca tới 8-9h tối là thấy đầu ong ong rồi, đúng không? Vậy mà chúng tôi, suốt gần 3 năm, ngày nào cũng làm 12 tiếng như thế, chỉ có một tiếng nghỉ trưa nhưng nhiều anh em thậm chí còn chẳng nghỉ.
Công nhân chia 2 ca làm việc liên tục. 24 tiếng ở công trường chỉ có đúng 15 phút nghỉ lúc 12h đêm. Đó là khoảng thời gian duy nhất nơi đây yên lặng, đơn giản bởi cái máy cẩu bê tông cốt thép quá nóng, không thể chịu nổi nữa và nó cần khoảng thời gian mát mẻ nhất trong ngày để điều hòa lại nhiệt độ. Tranh thủ lúc đó, mọi người đi ăn khuya.
Anh em làm việc quần quật xuyên ngày đêm không chỉ vì đấy là công việc, kế sinh nhai mà còn vì niềm tin và lòng tự hào rằng người Việt cũng có thể xây được những tòa cao ốc top đầu thế giới.
Lứa kỹ sư trải qua công trình đó kiên trì, không hề than vãn và rất “lì đòn”. Sau khoảng gần 3 năm, tính cách đó đã thành cá tính điển hình. Họ được tôi luyện cả về kỹ năng lẫn phẩm chất kiên định, đầy chất thép. Danh sách từng người đến nay vẫn là những “bàn tay vàng” mà thị trường xây dựng rất săn đón.
Nguyễn Phúc Thành: Nói về sức ép thì có kỷ niệm này, nhưng không phải tranh luận hay mâu thuẫn mà là một quyết định lịch sử của nhà thầu.
Khi thi công khối móng lớn với 18.000 m3 bê tông, tư vấn thiết kế về kết cấu đã chỉ ra một chi tiết cần phải làm, để biện pháp của nhà thầu sẽ khớp với yêu cầu của thiết kế đưa ra.
Với chi tiết “nhỏ” này, chúng tôi cần bổ sung 50.000 cây thép. Thông thường, số thép đó phải làm mất khoảng 5 ngày, trong khi tiến độ tối hôm đó đổ bê tông.
Các chuyên gia nước ngoài cương quyết bảo vệ quan điểm. Nếu chủ đầu tư vẫn muốn thay đổi, họ sẽ không đồng ý cho đổ bê tông. Lúc đó không ai dám vượt quyền, kể cả chủ đầu tư vì trách nhiệm giám sát chính thuộc về tư vấn nước ngoài.
Để giữ đúng cam kết về tiến độ, Phó tổng giám đốc của chúng tôi đã hiệu triệu gấp toàn bộ Chỉ huy trưởng của tất cả công trình lân cận đến họp bàn và cùng tìm giải pháp. Câu hỏi đặt ra: 50.000 cây thép phải lắp mất bao lâu? Tất cả đều khẳng định, đơn vị thời gian chắc chắn phải tính theo ngày. Nhưng cuối cùng, anh Phó tổng chốt luôn: toàn bộ số thép đó chỉ lắp trong vòng 12 tiếng.
Hơn 200 công nhân ở 12 tòa cao ốc gần đó được huy động ngay trong đêm. Tất cả máy móc thiết bị, từ máy chặt sắt, thép, đến xe tải, cẩu tháp… đều dồn về Landmark 81. Chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cùng thức, cùng làm, cùng kiểm tra. Cứ xuyên đêm như vậy tới 10h sáng hôm sau đã hoàn thành, nghiệm thu lần cuối và bắt đầu đổ bê tông.
Phần móng của tòa nhà đến nay vẫn có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Con số 18.000m3 bê tông này tương đương tổng khối lượng bê tông của 500 ngôi nhà mặt phố.
Khi mới vào Việt Nam, tư vấn nước ngoài luôn nghĩ sẽ chỉ bảo, giúp chúng tôi làm tốt hơn. Nhưng cuối cùng về biện pháp thi công cũng như tính quyết liệt của người Việt, đặc biệt là từ sau sự kiện này thì họ phải kiêng nể nhiều lắm. Từ tâm thế chỉ bảo, họ trở thành những người bạn đồng hành và thể hiện thái độ khâm phục.
Lê Duy Tuấn: Dự án the Landmark 81 tuy rất lớn, nhưng tiến độ tính từng ngày, từng giờ. Áp lực đặt lên vai nhà thầu rất nặng nề, nhiều quyết định phải đưa ra nhanh chóng. Dù chưa có kinh nghiệm nhưng quyết tâm thực thi của chúng tôi không ít lần khiến các chuyên gia nước ngoài bị “sốc”. Ví dụ, có lúc họ khẳng định đêm nay không thể đổ bê tông nhưng chúng tôi vẫn làm, nghiệm thu trong đêm và sáng hôm sau sạch sẽ luôn rồi. Họ rất nể người Việt vì những chuyện như vậy.
Tôi còn nhớ lúc đó ông chuyên gia từng làm tòa tháp Burj Khalifa cao hơn 800m ở Dubai đã nói: mặc dù người Việt chưa từng xây công trình nào cao hơn 400m, nhưng khi bắt tay vào công việc thì từ vấn đề tổ chức tới thi công đều làm tốt, không thua kém tòa tháp cao nhất thế giới vì bất cứ điều gì.
Nguyễn Phúc Thành: Nhìn chung các nước phát triển có biện pháp gì hay thì anh em kỹ sư đều được điều qua để học hỏi. Tùy theo chuyên môn mà có người được cử đi Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, người lại sang Đức, Pháp, Thụy Sỹ…
Mặc dù kỹ thuật đều rất mới và khó, nhưng tất cả kỹ sư chỉ có đúng 7 ngày để thao luyện.
Những bạn giỏi ngoại ngữ dễ tiếp nhận, bạn nào không thạo lắm thì dùng công cụ phần mềm thông dịch. Nếu dịch không rõ thì họ vẽ, thậm chí xé giấy để xếp hình. Tinh thần học hỏi là vậy vì sứ mệnh mỗi người cho mỗi nhiệm vụ rất rõ ràng.
Tòa tháp chọc trời cao hơn 400m lúc đó vẫn còn là điều quá mới tại Việt Nam mà chưa một công nhân, kỹ sư nào có kinh nghiệm. Những kỹ thuật, biện pháp, máy móc đều hiện đại tân tiến nhất. Khi những người đi học về chuyển giao kỹ thuật mới cho công nhân phía dưới hoặc các nhà thầu phụ thì tất cả đều tuân thủ. Khi đã rõ những gì mình cần làm, mọi người rất chuyên tâm. Chúng tôi hay nói vui đó là sự “tuân thủ mù quáng”.
Cái mù quáng không phải họ biết sai vẫn làm, mà là bởi mọi người tuân thủ và tin tưởng tuyệt đối. Có lẽ cũng nhờ vậy mà công trình này áp dụng rất chuẩn kỹ thuật từ nước ngoài và suốt 9.000.000 giờ thi công chẳng mảy may có vụ tai nạn nào.
Nguyễn Phúc Thành: Sai lầm tôi chưa thấy hoặc ít nhất thời điểm đó không sai, còn bây giờ mà đưa ra quyết định chắc chắn sẽ còn tốt hơn nữa.
Lê Duy Tuấn: Có một số biện pháp thi công hoặc những tính toán ở thời điểm đó chưa tối ưu chứ không phải sai lầm.
Ví dụ, khi làm đến sàn 34, chúng tôi tạo ra kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam: Thi công sàn kết cấu chỉ trong vòng 35 tiếng. Lúc đó, mục tiêu của CĐT là đổ 4 ngày/ sàn, nhưng anh em làm hoài tiến độ vẫn 4,5 ngày. Cuối cùng, ban chỉ huy quyết định dồn toàn lực để làm một sàn chỉ trong vòng 2 ngày. Tiến độ như vậy là điều không tưởng, nhưng ở tập đoàn chúng tôi văn hóa tuân thủ rất mạnh mẽ, không anh em nào dám bàn lùi mà luôn nỗ lực tìm giải pháp thực hiện. Cuối cùng thay vì làm trong 2 ngày tức 48 tiếng, anh em chỉ cần 35 tiếng đã xong việc.
Câu chuyện ở đây không phải năng lực của mọi người yếu kém mà nằm ở thiết bị. Cái cẩu phương đứng dùng để vận chuyển vật liệu đang đảm đương quá nhiều hạng mục, không đáp ứng nổi. Sau khi quyết định bố trí lại, chuyên biệt hóa, mọi thứ đều được giải quyết. Từ đó về sau, chúng tôi đưa ra điều chỉnh trong công tác thi công để đạt được tiến độ 3 ngày/sàn, nhanh hơn cả mức kỳ vọng của CĐT.
Nguyễn Phúc Thành: Một điển hình của độ phức tạp là khi đổ sàn dày 2m ở độ cao 400m. Để đưa được bê tông lên, chúng tôi phải dùng loại bơm đặc chủng ở dự án tương đương ở trên thế giới.
Mặc dù đã có thiết bị tối tân, nhưng với vật liệu ở thị trường lúc đó, máy bơm cũng chỉ đưa lên cao được 300m, quá mức ấy sẽ dễ nổ. Chúng tôi cần loại bê tông có hệ số ma sát rất thấp và phải chế ra một loại cấp phối đặc chủng để bơm lên cao hơn 400m mà thiết bị vẫn an toàn và đảm bảo chất lượng bê tông.
Lê Duy Tuấn: Tôi nhớ nhất kỉ niệm lắp tháp thép ở trên nóc tòa nhà. Tháp này cao khoảng 61m, tương đương tòa nhà 20 tầng, chia làm 8 đốt, mỗi đốt nặng từ 8-10 tấn và phải cẩu từng đốt lên tầng 81 để gắn vào làm thành tháp hoàn chỉnh.
Rủi ro lớn nhất giai đoạn đó là nếu chẳng may gặp gió khi đang vận chuyển, cẩu tháp sẽ bị xoắn cáp, xoay mòng mòng và không thể dừng lại được. Hậu quả người điều khiển xe cẩu, người ở trên lẫn ở dưới đều sẽ rất nguy hiểm.
Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, khi cẩu đốt đầu tiên lên được vài mét thì gặp gió và xoắn cáp. Chúng tôi phải thả xuống ngay, xả hết bộ cáp ra để lắp lại. Đó là tình huống thót tim nhất mà anh em từng trải qua. Đương nhiên vì đã có tính toán trước nên không ai bị làm sao.
Làm việc ở trên nóc tòa nhà, có lúc anh em cũng cảm giác khó thở vì không khí quá loãng và rất mệt vì đa phần công việc phải triển khai thủ công.
Đặc biệt nhất là trên cái tháp thép cao chênh vênh như vậy, chúng tôi còn phải lắp thêm một ăng ten truyền hình cao 10m. Việc đó cũng là thử thách rất khó vì lúc ấy không còn con cẩu lớn để vận chuyển thép nữa mà anh em phải lắp bằng tay. Vô cùng nguy hiểm trong tình huống có sấm chớp thì không ai tưởng tượng nổi điều gì sẽ xảy ra bởi cái tháp đó cũng chính là thiết bị có chức năng thu lôi. Vì vậy, việc triển khai chỉ được phép làm trong những ngày thời tiết đẹp, đảm bảo an toàn.
Tôi còn nhớ, có một bạn giám sát chuyên về kết cấu thép hầu như phải “ăn ngủ” ở trên nóc nhà The Landmark 81. Mỗi ngày bạn đều dùng tay không leo cao hơn 60m, tương đương chiều cao tòa nhà 20 tầng. Đó là người được tuyển chọn rất kỹ, sức khỏe tốt, chuyên môn giỏi. Nhưng nói thật mỗi lần nhìn bạn ấy leo lên tháp, dù đã đeo đầy đủ đồ bảo hộ, tôi vẫn thấy thót tim. Vậy mà bạn ấy leo thoăn thoắt, đến nỗi hai tay còn lớn hơn cả đùi. Khó khăn kinh khủng như thế chúng tôi cũng vượt qua được và không xảy ra tai nạn nào là một điều rất đáng tự hào.
Lê Duy Tuấn: Lần đầu rất sợ mặc dù đeo đai, dây bảo hộ kín người. Lúc đó tôi vừa chụp hình vừa run. Nhưng khi mình chứng kiến anh em làm xong tháp thép, phất cờ Việt Nam thì chỉ thấy tự hào vì mọi người đã hoàn thành công trình một cách rất xuất sắc.
Nguyễn Phúc Thành: Trường giang sóng sau xô sóng trước là chuyện rất bình thường.
Cái chúng tôi tự hào không phải vì độ cao của công trình hay bất cứ kỷ lục nào đo đếm được mà là hành trình chúng tôi đã đi. Công trình ấy đại diện cho sự đoàn kết, tính nhất quán, lòng kiên định của người xây dựng Việt Nam.
Lê Duy Tuấn: Kỳ tích với chúng tôi là nhà thầu trước đó chỉ làm tòa nhà 50 tầng nhưng lại dám nhận dự án cao gấp đôi và đã hoàn thành rất xuất sắc, khiến ngay cả chuyên gia nước ngoài cũng nể phục vì sự quyết tâm, nhiệt huyết của người Việt.
Trải qua những dự án như vậy, chúng tôi không chỉ tự tin khẳng định năng lực của chính mình, mà còn tin tưởng vào tài trí của người Việt. Chắc chắn chỉ cần có niềm tin, sự quyết tâm và dũng cảm vượt lên những kỷ lục của chính mình, người Việt Nam có thể làm được mọi công trình, bất kể nó có khó tới đâu/.