Nhiều năm trở lại, một trào lưu xuất hiện tại dải đất xứ sương mù: Các ông chủ nước ngoài tới Anh, và đầu tư vào bóng đá. Liverpool và Man Utd có chủ Mỹ, Leicester có chủ Thái, Watford quản lý bởi người Italia, người Ả-rập nắm quyền Man City.
Nhưng có lẽ, không một phi vụ thâu tóm nào để lại nhiều ấn tượng trong trí óc khán giả như câu chuyện diễn ra 14 năm về trước. Đó là khi Abramovich, tỷ phú giàu lên nhanh chóng nhờ trục lợi từ quá trình tư hữu hóa tài sản tại Liên Xô đầu thập niên 90, quyết định mua lại Chelsea – đội bóng đang đối diện nguy cơ phá sản.
Số tiền 140 triệu bảng chìa ra và linh hồn của The Blues được cứu rỗi. Tham vọng của Abramovich là giúp Tây London đón Cúp bạc – điều họ không thể làm nổi trong nửa thế kỷ.
14 năm trôi qua như cái chớp mắt. Trong khoảng thời gian ấy, rất nhiều tài phiệt nước ngoài tới Anh và đầu tư vào bóng đá. Có thể mô tả những gì diễn ra ở cấp thượng tần Premier League bằng cụm từ "Quân đội của các tỷ phú" như cách ví von của báo giới Anh.
Tuy nhiên, phần lớn các vụ đầu tư đều tạo ra hiệu ứng tiêu cực. Nhiều đội bóng đứng ngã ba đường trước thực tế, họ phải đánh đổi tất cả để quy ra lợi nhuận. Cardiff City thậm chí phải đổi cả màu áo truyền thống theo sở thích của ông chủ Malaysia Vincent Tan, vốn là người mê tín dị đoan.
Thậm chí, có đội biến thành công cụ rửa tiền, trốn thuế, gánh nợ của nhà đầu tư, tiêu biểu là Birmingham City, Aston Villa, Man Utd hay Arsenal.
Ở Chelsea là một câu chuyện hoàn toàn khác. Abramovich không thiếu tiền. Và ông không có nhu cầu kiếm tiền từ bóng đá. Mua Chelsea là điều khoản nằm trong thỏa thuận giúp Abramovich chạy trốn khỏi đợt truy quét của Kremlin nhắm vào những đầu sỏ tích trữ dầu thô tại Nga. Chính phủ Anh sẽ bảo hộ chính trị vô thời hạn với Abramovich và đổi lại, ông phải đầu tư vào một CLB bóng đá thủ đô.
Tottenham là lựa chọn ban đầu. Abramovich tỏ ra hứng thú. Nhưng Daniel Levy – chủ tịch Tottenham và là doanh nhân nổi tiếng trong ngành thương mại thể thao – không quen làm việc qua trung gian. Abramovich cử tay cò khét tiếng Zahavi đi đàm phán và với Levy, đó là hành động thiếu thiện chí.
Vì thế, Chelsea mới lọt vào tầm ngắm.
Trước khi Abramovich ký tấm séc mua lại Chelsea, Premier League là sân chơi riêng của những giá trị xưa cũ. 10/11 mùa giải trước đó là cuộc đua riêng của Arsenal và Man Utd, mỗi đội lần lượt vô địch 2 và 8 lần. Gương mặt duy nhất chen chân được vào thế song mã là Blackburn.
Abramovich tới và thay đổi toàn bộ lối tư duy quản trị xưa cũ. Ông yêu cầu đưa các HLV ngoại quốc xuất sắc nhất tới Chelsea và khởi tạo định nghĩa "Phòng hỗ trợ". Tại đây, các cá nhân ưu tú nhất của từng phân việc cụ thể sẽ hợp sức, tối đa hóa khối công việc của HLV trưởng.
Chủ ngoại, HLV ngoại và cầu thủ ngoại – đó là những yếu tố làm nên sức mạnh của Chelsea, và cũng là lý do trực tiếp biến Premier League thành giải đấu hấp dẫn nhất thế giới. Mùa giải 1992/93, toàn bộ HLV làm việc tại Anh mang quốc tịch bản địa. 93% cầu thủ đăng ký với BTC giải là người thuộc khối thịnh vượng chung. Bây giờ, 13/20 HLV của Premier League là người nước ngoài. 66,2% cầu thủ là lính lê dương. Chelsea nói riêng và Ngoại hạng Anh nói chung, mang đậm yếu tố toàn cầu hóa trong nó.
Abramovich đã thay đổi số phận Chelsea. Từ chỗ là đội bóng thấp cổ bé họng, họ là chủ nhân của 5 Premier League, 4 FA Cup, 3 League Cup, 1 Europa League và 1 Champions League. Tóm lại, là không thiếu đỉnh cao.
Trên tất cả, Abramovich góp phần thúc đẩy sự phát triển của Premier League, thổi làn gió mới và đặt nền móng cho những thay đổi mang tính lịch sử tại giải đấu cao nhất xứ sương mù ở cấp độ CLB.