"Quân cờ" bị sắp đặt
Trước trận bán kết 2 với Viettel, HAGL đã bị đối thủ cùng bảng B PVF đẩy vào thế khó bởi đội bóng trẻ đến từ phố Núi phải quyết đấu với SHB Đà Nẵng để định đoạt số phận của mình.
Trong khi với trận thắng HAGL ngày ra quân, PVF đã có cho riêng mình rất nhiều toan tính về chọn đối thủ nhẹ cân ở bán kết. Cuối cùng, mọi thứ đều diễn ra đúng kịch bản PVF đã soạn sẵn. Đó là họ sẽ chỉ gặp đội bóng đáng ngại nhất tại VCK năm nay là U17 Viettel ở trận đấu cuối cùng.
HAGL trở thành "quân cờ" để các đối thủ sắp đặt là điều khó ai ngờ trước VCK. Người trong cuộc cho hay, HAGL khá tự tin khi đến TP.HCM dự giải dù tài chính có phần hạn chế. Để có đủ quân số đảm bảo có thể cạnh tranh, HLV Huỳnh Văn Ảnh và Nguyễn Văn Đàn quyết định bổ sung vài cầu thủ Học viện HAGL - Arsenal JMG cùng với lứa năng khiếu do CLB đào tạo.
Nhưng chỉ sau trận thua PVF, người ta đã mường tượng ra kịch bản không hay cho đội bóng trẻ phố Núi từ ngày mở màn. Và càng khó ngờ hơn là cách họ để thua toàn diện đối thủ Viettel với tỷ số 0-3 cùng một thế trận không thấy lối ra.
Các CĐV đông đảo của HAGL trên khán đài cũng cảm thấy ngao ngán cho đội bóng họ yêu mến. Bởi lẽ so với thế hệ những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh – những sản phẩm tinh tú nhất mà bầu Đức tự hào cung cấp cho bóng đá Việt Nam, lứa đàn em của họ có lẽ không "hay hơn lứa trước" như lãnh đạo CLB tuyên bố.
Trong số các học trò của HLV Nguyễn Văn Đàn dự giải này, chỉ nổi lên vài ba cái tên khá tốt có thể đứng ở hàng ngũ 2 đội mạnh nhất giải PVF, Viettel là đội trưởng Bảo Toàn, tiền đạo Tiến Đạt và tiền vệ Quang Nho.
Bộ ba cầu thủ chơi trên hàng công của HAGL gần như "gánh" cả đội và chỉ riêng Tiến Đạt đã có gần nửa số bàn thắng cho HAGL trong cả giải (7 bàn, kém 1 bàn so với cầu thủ dẫn đầu danh sách ghi bàn Mạnh Dũng của Viettel).
Tìm đâu truyền nhân của Công Phượng?
Giới chuyên môn nhận định sau thế hệ Học viện HAGL Arsenal JMG từng "làm mưa làm gió" ở làng bóng đá Việt Nam cách đây vài năm, lò đào tạo này đã không còn duy trì được như trước. Sau việc nhiều nhà tài trợ quay lưng, gần nhất khi CLB danh tiếng nước Anh quyết định ngừng hợp tác với đội bóng Việt Nam, đó có thể là hồi kết.
Cần nhớ rằng, để được gắn mác Arsenal, bầu Đức đã tốn không ít công lẫn của thuyết phục đối tác. Nhưng khi tài chính là gánh nặng và không thể đào tạo cầu thủ tốt cung cấp cho CLB nước Anh, chuyện đường ai nấy đi là đương nhiên.
Những vấn đề đó ảnh hưởng đến công tác đào tạo của "lò" HAGL. Nhưng cũng không hẳn là nguyên nhân sau cùng bởi sau HAGL, rất nhiều lò đào tạo khác đã biết làm bóng đá trẻ một cách bài bản. Điển hình là bài học thành công của PVF, Viettel hay Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC hiện tại).
Bộ ba này mới chính là thế lực đáng nể nhất ở mọi giải đấu trẻ từ U21 trở xuống của bóng đá Việt Nam hiện tại. Điểm chung giữa họ là sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, HLV – cựu tuyển thủ giàu kinh nghiệm, tiếp thu giáo án khoa học của những nền bóng đá tiên tiến… để áp dụng cho đội bóng trẻ của mình.
Những PVF hay Viettel giờ cạnh tranh mạnh hơn cả HAGL trong việc săn đầu người, đến mọi miền đất nước tìm tài năng trẻ thay vì gói gọn ở một địa phương nào đó. Nguồn lực tốt được sàng lọc từ khắp nơi, và không ngạc nhiên khi những cầu thủ có căn bản tốt lọt vào môi trường chuẩn mực thì như cá gặp nước. Chuyện PVF, Viettel đều đều thống trị các giải trẻ là đương nhiên như nhận định của cả người trong cuộc.
Thất bại của HAGL ở VCK U17 QG năm nay không hẳn là điều gì to tát sau sự lớn mạnh không ngừng của những trung tâm đào tạo có tiếng như PVF, Viettel. Bị loại bởi những cái tên này thậm chí là điều đã được dự đoán từ trước. Nó phản ánh sự khắc nghiệt của bóng đá hiện đại, không có chỗ cho tâm lý tự mãn hay ngủ quên trên chiến thắng.
Ngay cả khi HAGL đăng quang giải U15 QG năm ngoái, nhiều người cũng không khỏi bất ngờ khi HAGL như "từ cõi chết trở về" sau khi suýt bị loại từ vòng bảng. Nhưng nhờ vào khả năng thần sầu của thủ thành Eli Niê mà họ mượn từ Đắk Lắk năm đó, HAGL đăng quang trong nước mắt của các cầu thủ PVF.
Năm nay, khi chất lượng đội hình khập khiễng, lối chơi không rõ ràng như các đàn anh từng làm nên thương hiệu cho đội bóng này. Và điểm yếu cố hữu từ đội 1 đó là hàng thủ và thủ môn thảm họa, HAGL phải chấp nhận làm rầu lòng CĐV.
Có điều như đã đề cập, thành tích ở một giải đấu trẻ không mang tính chất quyết định với một trung tâm đào tạo, chỉ không biết bao giờ HAGL mới tìm được truyền nhân của Công Phượng.