Hà Nội “nhượng” đội bóng cho Hà Tĩnh: Cái tình, cái lý, và hệ luỵ

HOÀI ĐAN |

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã “tuýt còi” cuộc chuyển giao đội bóng hạng Nhất của Hà Nội cho Hà Tĩnh vì vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Nhìn vào mục đích thì đây là điều rất đáng ghi nhận khi nhân rộng hơn nữa bóng đá chuyên nghiệp, trong bối cảnh các đội hạng thấp nhiều năm qua teo tóp. Nhưng nhìn xa ra, nếu cuộc chuyển đội này thành công cũng không tránh được nhiều hệ luỵ trong tương lai.

Cái khó của Hà Nội

VFF đã không đồng ý về việc chuyển đội hạng Nhất, CLB bóng đá Hà Nội từ Công ty CP Thể thao T&T sang Công ty TNHH Phát triển Thể thao Thịnh Phát để đăng ký thi đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia 2018 với tên CLB Hà Tĩnh.

Trước đó, căn cứ vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2015 (QCBĐCN), trong tờ trình gửi Ban bóng đá chuyên nghiệp, VFF khẳng định việc chuyển đổi sở hữu giữa 2 doanh nghiệp này là không đúng quy định, do CLB này chưa tham dự giải hạng Nhất 2018 do VPF tổ chức.

Ông Phạm Ngọc Viễn - Trưởng ban Bóng đá chuyên nghiệp VFF và ông Cao Văn Chóng - thành viên - cùng đưa ra ý kiến không đồng ý về việc chuyển đổi này. 

Theo ông Chóng, “ngoài các lý do nêu tại tờ trình, đây không phải là việc chuyển đổi chủ sở hữu để đăng ký thi đấu trong cùng một địa giới hành chính của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương theo QCBĐCN nên tôi không đồng ý”.

Như vậy, trong việc chỉ ra các điều vi phạm QCBĐCN của CLB Hà Nội, VFF vẫn còn sót một điều chưa được ghi vào đó là điểm a khoản 2, điều 14.

Ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch CLB Hà Nội đã chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng việc các địa phương phát triển bóng đá có lợi cho bóng đá Việt Nam nên cần ủng hộ. Điều này sẽ tốt cho bóng đá chuyên nghiệp và cả nền bóng đá sau này. 

Điều này cũng xuất phát từ nguyện vọng của tỉnh Hà Tĩnh mong muốn có đội bóng chuyên nghiệp để gây dựng lại. Đây là cuộc chuyển giao chứ không phải cho tặng và phía Hà Nội sẽ giúp đỡ Hà Tĩnh từ kinh nghiệm làm bóng đá, xây dựng và phát triển...”.

Chủ tịch của CLB Hà Nội cũng cho rằng, quy chế cũng hoàn toàn có thể sửa đổi để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể để hướng đến cái chung: 

“Hà Nội có tuyến trẻ tốt nên mỗi khi lên hạng có cái khó là phải chuyển giao, vì theo quy chế không cho phép 2 đội bóng cùng một giải. Việc chuyển đổi xét về lý thì không đúng nhưng về tình cần xem xét để tạo cơ hội cho các cầu thủ thi đấu và giúp bóng đá Hà Tĩnh.

Tất nhiên, chúng tôi hiểu việc cần phải đầu tư căn cơ, bài bản từ đầu. Nhưng hãy thử đặt một vấn đề là với một nơi không có đội bóng chuyên nghiệp cũng sẽ khó tạo ra sức hút cho những tài năng trẻ muốn có cơ hội theo bóng đá. 

Điển hình nhất là trường hợp của cậu bé được mệnh danh là “Messi Hà Tĩnh”, vì địa phương không có đội bóng nên đã đầu quân cho trung tâm khác, đó là điều rất đáng suy nghĩ. 

Chính vì vậy, để xây dựng từng bước thì trước mắt cần có đội bóng để các cầu thủ trẻ được thi đấu và cũng tạo ra sức hút để phong trào bóng đá phát triển. Do đó chúng ta có thể sửa đổi QCBĐCN. Chúng tôi rất mong muốn xây dựng vì cái chung với mục đích vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam”.

Những hệ luỵ khó tránh

Nếu căn cứ vào những chia sẻ “vì sự phát triển BĐVN”, đấy là điều đáng ghi nhận. Nhưng thực tế, chuyện một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng vẫn là vấn đề khiến dư luận bức xúc chưa hồi kết tại V.League. Một câu hỏi được đặt ra, nếu mùa giải sau Hà Tĩnh thăng hạng lên chơi V.League, khi gặp lại CLB Hà Nội thì tình huống sẽ ra sao?

Một thành viên nguyên là lãnh đạo VPF đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề này, khi cho biết: 

“Không phải tự nhiên mà QCBĐCN quy định như thế, địa phương muốn có phong trào bóng đá phát triển phải làm căn cơ, từ gốc chứ không phải đi tắt phần ngọn như vậy. Đây là quy chế sửa đổi mới nhất, mục đích của điều khoản này là để khắc phục hiện tượng chuyển giao ồ ạt như giai đoạn trước đây. Thực tế đã có những trường hợp mang đến hệ luỵ xấu như CLB Sài Gòn Xuân Thành hay Navibank Sài Gòn.

Tất nhiên không phải tất cả đều giống nhau, có thể trường hợp này nếu chuyển giao thì sẽ giúp Hà Tĩnh có đội bóng để phục vụ người hâm mộ địa phương, tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ thi đấu... 

Nên nếu xét thấy lý do việc chuyển giao này là chính đáng thì không ai khác, chính những người trong cuộc phải làm việc với VFF để các bên nắm rõ. Nếu áp dụng quy chế thì sai nhưng vì lý do nào đó, nếu giải quyết linh động thì cấp nào phê duyệt?

Bên cạnh đó phải làm sao phải thực hiện việc chuyển đổi thật sự thuyết phục, hơn nữa là phải thuyết phục người hâm mộ và dư luận. 

Bóng đá có luật chơi riêng, đừng để người ta nghi ngờ vì động cơ nào đó mà chuyển giao sẽ không hay. Đặc biệt lại là trường hợp liên quan đến đội bóng của bầu Hiển, người ta lại càng dị ứng việc nhiều đội bóng liên quan một ông chủ. Nếu không tôn trọng quy chế, tự xé luật, không thuyết phục dư luận được sẽ dẫn đến nhiều phản ứng xấu”.

Vấn đề tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ và phát triển bóng đá địa phương như quan điểm của CLB Hà Nội, nguyên lãnh đạo VPF cũng chia sẻ: 

“Nếu muốn đóng góp cho địa phương thì hỗ trợ bằng cách nào đó để địa phương phát triển phong trào, đi lên từng bước bằng thực chất. Thực tế, từ hạng Nhất lên V.League rất khó chứ các hạng dưới muốn lên hạng thì dễ dàng hơn. 

Bởi xu hướng các đội ở hạng Nhất đang trong lộ trình tăng dần để hạn chế mô hình chóp ngược như hiện tại, tức là cần nhiều các đội bóng ở hạng dưới để có chân đế. Hà Tĩnh hoàn toàn có khả năng lên hạng nếu có đầu tư nghiêm túc.

Buộc phải dẹp ngay việc một ông chủ liên quan nhiều đội bóng. Chúng ta nên nhìn ra các nước trong khu vực và quốc tế để làm. Một CLB đầu tư đội 1 thật tốt, nếu mạnh rồi thì vươn ra đấu trường khu vực, châu lục. 

Còn tuyến 2 là tuyến trẻ, đá giải trẻ. Nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển, họ có luôn cả League cho giải trẻ. Bóng đá Việt Nam chưa áp dụng ngay được nhưng phải hướng tới mục tiêu như thế...”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại