img
GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 1.
GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 2.

Khi nhận tài trợ từ Vingroup, anh có dự định mang dự án bước đầu thành công từ Mỹ về Việt Nam để khởi nghiệp?

GS Vũ Ngọc Tâm: Sứ mệnh của Earable là nâng cao và cải thiện trí lực của con người  trên toàn thế giới bằng những thiết bị đeo tai thông minh. Thị trường đầu tiên mà Earable nhắm tới khá lớn khi toàn cầu đang có 2,1 tỷ người (27% dân số) gặp vấn đề về giấc ngủ.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 3.

Earable với công nghệ tai nghe không dây thông minh có thể theo dõi được sóng não, cơ mặt, sự di chuyển của mắt theo thời gian thực được ứng dụng vào việc theo dõi và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Điểm đặc biệt là sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn, đeo tai thuận tiện, giá thành hợp lý.

Hiện tại, trụ sở chính của công ty ở Mỹ, chuyên về phát triển phần cứng, đội ngũ nghiên cứu phát triển phần mềm ở Việt Nam, dự kiến sản xuất ở Nhật Bản, thị trường bán ở Mỹ và châu Âu, còn phòng nghiên cứu về AI và thuật toán học máy thì lại ở Anh.

Mặc dù trước mắt, Việt Nam chưa phải thị trường chúng tôi hướng tới nhưng trước hay sau, lợi ích mà Earable đem lại cũng sẽ lan tới Việt Nam và sản phẩm này rồi sẽ có mặt ở đây. Sắp tới, đội ngũ tại Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường trên phạm vi toàn cầu và thử nghiệm lâm sàng cho sản phẩm.

Tôi nghĩ, việc startup ở đâu và cá nhân tôi ở đâu không quan trọng bằng mục tiêu và giá trị mà công ty cũng như cá nhân tôi tạo ra. Thời điểm khởi đầu này, nếu chỉ nghĩ đến việc phục vụ nhu cầu trong nước hoặc dịch chuyển toàn bộ công ty về đây khởi nghiệp thì sẽ bị giới hạn sự phát triển.

Dự án cũng mới nhận được tài trợ 10 tỷ đồng từ Vingroup. Đây là số tiền khá lớn, thể hiện sự hào phóng của Tập đoàn và là tín hiệu tốt cho nghiên cứu khoa học trong nước. Rất có thể, tôi sẽ mang công nghệ của Earable và những công nghệ khác của chúng tôi về nước sớm hơn.

Vì sao, anh lại cho rằng, môi trường trong nước sẽ giới hạn sự phát triển của startup mà anh đang xây dựng?

GS Vũ Ngọc Tâm: Một trong nhiều lý do khiến không ít công ty công nghệ thất bại hoặc không đạt tới giá trị tương xứng với tiềm năng vì khi bắt đầu, họ thường chỉ chú trọng vào thị trường trong nước. Trong khi đó, khi có dịp trò chuyện cùng Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình tại San Francisco, California tôi nhận thấy, họ đều khuyến khích các công ty công nghệ vươn mình ra thế giới, giải quyết vấn đề toàn cầu. Có như vậy, thị trường của startup mới rộng lớn, có nhiều cơ hội bứt phá.

Ví dụ, nếu Earable chỉ nhìn trong thị trường Việt Nam thì sẽ không thể thấy hết được tiềm năng khi thương mại hoá của công nghệ lõi mà công ty sở hữu.

Quan điểm của tôi, nghiên cứu công nghệ nên hướng tới phục vụ con người nói chung, chứ không nên bị giới hạn bởi tính địa phương.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 4.
GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 5.

Anh vừa nói Vingroup rất hào phóng? Vậy cá nhân anh có đánh giá như thế nào về quỹ VinTech Fund và Tập đoàn Vingroup khi thời gian gần đây, họ đang bỏ bớt một số lĩnh vực để tập trung vào phát triển công nghệ?

GS Vũ Ngọc Tâm: Giá trị của Vingroup hiện nay khoảng 20 tỷ USD. Đây là con số khiêm tốn nếu so sánh với nhiều Tập đoàn trẻ hơn ở Mỹ. Chẳng hạn như Tesla (thành lập năm 2003 – sau Vingroup 10 năm) đã đạt giá trị khoảng 145 tỷ đô - theo số liệu Nasdaq cung cấp hồi tháng 2/2020 (gấp hơn 7 lần so với Vingroup).

Nhưng ngay cả ở Mỹ, tôi cũng không dễ dàng xin được tài trợ lớn từ các công ty như Vingroup đã làm. Tập đoàn này sẵn sàng bỏ ra 86 tỷ đồng (gần 4 triệu USD) cho 12 dự án triển vọng chứ không chọn rót vốn để trở thành nhà đầu tư. Điều này tạo ra tiền lệ chưa từng có. Nó sẽ giúp Chính phủ có những chính sách mới để các doanh nghiệp có thể sử dụng một phần số tiền mà đáng lẽ có thể phải nộp thuế vào các hoạt động R&D (research & development - nghiên cứu và phát triển).

Ngoài vấn đề tài chính, Vingroup còn là một hệ sinh thái hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có thể hỗ trợ startup rất nhiều, đặc biệt là việc bán hàng – một mảng yếu của các startup – nhờ vào kênh phân phối, đội ngũ sale, marketing và tệp khách hàng lớn.

Tôi rất thích Vingroup vì đội ngũ lãnh đạo của họ có năng lực, tầm nhìn và rất cởi mở. Đây cũng là những con người "làm thật", khác với hiện trạng "chém gió" tại Việt Nam, khi vẫn có nhiều người thích ngồi nghĩ và chém về những gì họ tưởng tượng ra hơn là hiện thực hoá nó.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 6.

Ví dụ, khi nói về công nghệ, nhiều công ty tuyên bố cùng một lúc cả AI, robotics hay năng lượng tái tạo...  đều là trọng tâm. Việc không xác định được mũi nhọn khiến khoa học công nghệ của tổ chức đó giống như một quả sầu riêng với rất nhiều mũi nhọn nhưng không tập trung vào cái gì cả. Vingroup thì không như vậy. Họ làm thử nhiều thứ nhưng cái gì không hiệu quả sẽ nhanh chóng loại bỏ hoặc thay đổi để tập trung vào thứ quan trọng, có tiềm năng.

Sự chuyển hướng từ lĩnh vực dịch vụ sang công nghệ của Vingroup có thể do họ nhận ra, các công ty lớn nhất trên toàn cầu hiện nay, đạt tới giá trị hàng trăm tỷ đô (Google, Microsoft, Apple…) đều là công ty công nghệ.

Tuy nhiên, tất cả các công ty công nghệ khi đạt tới giá trị tỷ đô hoặc lớn hơn đều sở hữu công nghệ lõi vượt trội. Trong khi đó, Vingroup chưa có công nghệ lõi và phần deep-tech (công nghệ nền tảng) vẫn chưa đủ mạnh. Muốn có công nghệ lõi, họ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào phát triển nhân lực công nghệ cao vì cuối cùng, khi trình độ công nghệ của con người yếu thì không thể làm ra công nghệ lõi đột phá được.

Cũng theo xu hướng đó, tôi cho rằng, hướng đi của VinTech Fund rất phù hợp khi có tầm nhìn dài hơi hơn. Ví dụ, người Việt đang làm tốt về phần mềm nhưng cực yếu về phần cứng và thiếu kỹ năng vận hành trong lĩnh vực công nghệ. Nếu nhìn sang nước láng giềng, Trung Quốc lại rất mạnh về những điểm này. Làm sao để thay đổi? Chắc chắn phải chú trọng vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cho nên, song song với việc tài trợ các dự án triển vọng, VinTech đã hợp tác với hơn 50 trường ĐH, đầu tư tiền bạc để họ phát triển nghiên cứu, từng bước nâng cao hệ sinh thái nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 8.

Anh từng nói, anh thường được hỏi: Điều kiện gì sẽ khiến anh trở về Việt Nam làm việc? Câu trả lời của anh là, trong tương lai gần, không có điều kiện hoặc lý do nào có thể thuyết phục anh. Lý do vì sao vậy?

GS Vũ Ngọc Tâm: Đam mê của tôi là tạo ra tri trức mới cho con người – đó chính là làm nghiên cứu. Nhưng để làm nghiên cứu tốt cần 3 yếu tố: Nguồn tiền, có những người cộng sự rất giỏi và có động lực mạnh mẽ.

Muốn trở thành người nghiên cứu giỏi, bạn phải đam mê và dành rất nhiều thời gian cho nó, thậm chí là nhiều hơn cả fulltime. Ở Việt Nam, để làm được điều đó còn tương đối khó khi điều kiện chung cho việc làm nghiên cứu còn khá hạn chế, khiến phần lớn những người có đam mê nghiên cứu khoa học chỉ coi nghiên cứu như một nghề tay trái hay một sở thích cá nhân.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 9.

Nguồn tiền dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ ở trong nước còn rất hạn hẹp. Khi tham gia vào Hội đồng của các Quỹ lớn của Mỹ như National Science Foundation (NSF); National Institutes of Health (NIH), tôi mới hiểu được rằng họ đầu tư cho nghiên cứu khoa học với tầm nhìn rất xa từ 20-30 năm và với nguồn kinh phí rất lớn. Hàng năm, NIH rót tới 38 tỷ đô và NSF là khoảng 8 tỷ đô để đầu tư khoa học công nghệ.

Họ không chỉ quan tâm đến kết quả khoa học công nghệ của mỗi dự án mà còn đặc biệt trú trọng đến việc có bao nhiêu nhân lực công nghệ cao sẽ được hưởng lợi từ dự án này. Điều này đặc biệt quan trọng vì ở bất kỳ tổ chức nào, giá trị lõi đều là con người. Kết quả của tổ chức đó chỉ mang tính tạm thời, các nghiên cứu rồi cũng sẽ lỗi thời, một sản phẩm làm ra cũng sẽ cũ đi nhưng cái còn lại là con người. Con người giỏi mới là yếu tố chính thúc đẩy khoa học phát triển.

Cái mà chúng ta đầu tư không phải là một vài dự án nghiên cứu mà tập trung tạo điều kiện cho người giỏi phát triển. Ví dụ những bạn sinh viên mà chúng tôi đào tạo ra, khi các bạn ấy trở thành GS sẽ giúp đào tạo ra những GS khác, những GS ấy lại đào tạo ra nhiều GS khác nữa.

Ở Mỹ, trung bình một sinh viên của tôi tiêu tốn khoảng 75.000USD/ năm. Để giúp họ phát triển, trong khoảng 6 năm trở lại đây, tôi đã xin khoảng 7 triệu USD tiền tài trợ. Trong khi đó, nếu ở Việt Nam, tôi rất khó làm được điều này.

Tại sao anh lại luôn tuyển sinh viên Việt Nam vào phòng lab của mình để làm việc, nghiên cứu?

GS Vũ Ngọc Tâm: Trước đây, tôi từng tuyển những bạn có thành tích cực tốt sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam sang phòng lab của mình. Nhưng họ thường chỉ có 2 câu trả lời cho bất cứ vấn đề gì tôi đưa ra: hoặc là dễ quá, hoặc khó quá. Họ không có tư duy rằng, mọi thứ đều rất cần sự nỗ lực.

Hiện nay, 100% sinh viên Việt Nam mà tôi tuyển đều phải từng tốt nghiệp từ Hàn Quốc bởi đất nước ấy có văn hóa chăm chỉ và rất khiêm nhường.

Sau nhiều năm theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu, tôi nhận thấy, cái mà mình biết rất ít, cái mình không biết nhiều hơn rất nhiều nhưng vấn đề lớn nhất là thường mình không biết rằng mình không biết. Một người cởi mở và khiêm nhường sẽ luôn nghĩ rằng, khả năng mình sai sẽ nhiều hơn đúng. Đối với người làm nghiên cứu, nếu luôn giữ được tinh thần ấy thì chỉ sau 5-6 năm sau, họ sẽ trở thành người rất giỏi vì liên tục học hỏi, tích lũy kiến thức mới.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 10.

Cho dù phải tốt nghiệp từ Hàn Quốc thì đó vẫn là người Việt Nam. Vậy chắc chắn, họ phải có thế mạnh nổi trội hoặc anh có một mục tiêu gì trong việc chọn sinh viên là người Việt?

GS Vũ Ngọc Tâm: Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam thông minh và được đào tạo bài bản. Nếu có đủ động lực, sẽ trở thành người rất chăm chỉ và có sức bật tốt.

Tôi chọn sinh viên là người Việt Nam vì muốn tạo ra một thế hệ học giả Việt Nam ngang tầm với thế giới. Đó là lý do vì sao, tôi chỉ tuyển những ai có nguyện vọng trở thành GS chứ không chọn người có ước mơ mai sau ra làm việc cho Microsoft, Amazon hay Google... trong ngành CNTT. Một năm làm việc ở Mỹ với trình độ master có thể kiếm được khoảng 100.000 USD. Sẽ rất lãng phí tiền bạc, thời gian nếu đi học PhD chỉ để ra làm kỹ sư phần mềm cho các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 11.

Quay trở lại chuyện khởi nghiệp, anh đặt mục tiêu giúp 27% dân số thế giới cải thiện giấc ngủ, vậy mục tiêu này đã làm tới đâu rồi?

GS Vũ Ngọc Tâm: Tôi nhận thấy, những gì chúng tôi làm được cho đến nay mới chỉ giúp một cách gián tiếp con người nhưng chưa giúp trực tiếp được bất cứ ai.

Gián tiếp có nghĩa là những phát minh công nghệ chúng tôi, người khác đã dùng để phát triển nhiều sản phẩm mới. Nhưng chính tôi lại chưa tự đưa được một sản phẩm nào tới tận tay người dùng. Đó là lý do vì sao tôi thấy thiếu và hiện giờ đang startup 2 công ty công nghệ.

Hiện tại, tôi dành 100% thời gian cho 2 công ty, 60% cho nghiên cứu, 40% thời gian cho những việc khác. Tôi nỗ lực 200% với hy vọng tiến nhanh hơn, cùng lúc phát triển cả nghiên cứu và việc thương mại hóa sản phẩm tới tay người dùng.

Với sự nỗ lực ấy, dự án Earable sau 4 năm với số tiền rót vốn khoảng 3 triệu USD và tài trợ 10 tỷ đồng từ VinTech City, đã phát triển tới đâu rồi?

GS Vũ Ngọc Tâm: Sản phẩm mẫu của Earable đã bước đầu được thử nghiệm lâm sàng tại một bệnh viện của Mỹ với độ chính xác khoảng 95% so với những thiết bị hiện đại hiện nay, trong khi giá thành rẻ hơn 200 lần. Chúng tôi hy vọng đến cuối 2020 sẽ bán đại trà thiết bị đeo tai không dây này.

Startup một công ty công nghệ đảm đương cả phần cứng lẫn phần mềm thường rất rủi ro. Anh chuẩn bị cho mình những gì để tránh thất bại?

GS Vũ Ngọc Tâm: Làm phần cứng khá khó, vì nếu sai sẽ phải tốn chi phí, thời gian, công sức làm lại mà vòng lặp của nó khá lâu chứ không dễ giải quyết như phần mềm. Mỗi lỗi nhỏ trong thiết kế có thể kéo chậm tiến độ từ 1 đến 2 tháng. Sau khi hoàn thiện sản phẩm con phải test trong bệnh viện, xin giấy phép...

Startup nào cũng có thể chết, kể cả khi công ty đã gọi được hàng trăm triệu đô và đã có doanh thu, nhưng nếu đội ngũ con người đủ mạnh để đưa công ty vượt qua qua thăng trầm thì khả năng sống sót sẽ cao hơn.

Đối với Earable, chúng tôi đang có những nhân sự rất giỏi chèo lái công ty tiến về phía trước. Chẳng hạn, CFO là người đã startup công ty từ con số 0 đến khi đạt giá trị 2 tỷ đô và công ty vẫn đang hoạt động. Chief Architecture - Sangtae Ha là bạn tôi suốt 10 năm qua và cũng là GS tại ĐH Colorado Boulder. Anh đã startup 3 công ty và cả 3 đang "sống" rất tốt. Gần như tất cả các thiết bị di động hiện nay đều sử dụng giao thức về truyền dữ liệu của anh ấy, giúp các thiết bị chia đường truyền với nhau. Chính nhờ công nghệ này, Samsung đã có lời mời anh về làm Senior Vice President (SVP - Phó chủ tịch cao cấp) nhưng anh từ chối.

CMO - Robin Deterding - co-founder của Earable, cũng là GS tại Trường Y tại ĐH Colorado đồng thời quản lý 30-40 giáo sư bác sĩ khác, đang vận hành Viện Thở tại Colorado với doanh thu 60-80 triệu đô/ năm.

Những người như thế khi có cùng tầm nhìn, họ tham gia cùng tôi và đã dành rất nhiều thời gian cho công ty. Tôi cảm nhận mình học hỏi từ họ rất nhiều. Khi làm startup cũng là lúc tôi bắt đầu học một bằng MBA nhưng không hẹn ngày tốt nghiệp – đó là bằng MBA từ trường đại học danh giá nhất – trường Đời.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 12.

Lựa chọn những người bạn lâu năm về cộng tác với mình, anh có sợ mất  đi những mối quan hệ thân tình vì trong công việc, có lúc sẽ xảy ra xung đột về lợi ích?

GS Vũ Ngọc Tâm: Nhiều người thường hỏi tôi về việc, làm sao tuyển được người giỏi về làm chung? Tôi nghĩ, để làm được điều này, các bạn phải có giá trị làm cho người giỏi nể phục mình. Khi người giỏi mang theo giá trị A của họ vào giúp công ty phát triển, người founder phải có giá trị B - lớn hơn hoặc bằng với giá trị họ mang vào – thì mới tạo ra mối quan hệ đối tác bền chặt.

Ngoài ra, muốn cùng đi đường dài, phải có chung tầm nhìn, và phải luôn rất trung thực với nhau. Cái gì mình làm được, cái gì không, cái gì đã hứa thì phải nhớ phải đưa cho người ta. Chuyện nuốt lời đã từng xảy ra với nhiều nhân sự cấp cao ở Việt Nam. Khi mời về, người giỏi được hứa hẹn cho nhiều tài nguyên để phát triển công ty, nhưng sau đó HĐQT lại đổi ý khiến CEO phải nghỉ việc.

Việc xây dựng mối quan hệ cá nhân với những người giỏi hơn mình rất quan trọng vì muốn cùng startup công ty, phải có sự tin tưởng bởi một cá nhân không thể biết và không thể tự làm hết tất cả mọi việc được. Trong trường hợp không có mối quan hệ từ trước, cần có bạn chung hoặc người uy tín cao giới thiệu. Chẳng hạn, tôi và co-founder đã làm chung 6 năm trước khi cùng mở công ty. Hoặc CFO cũng là mối quan hệ rất thân thiết, ông quyết định vào làm không công cho công ty suốt mấy tháng để xem có phù hợp hay không trước khi quyết định nhận lương và lợi ích về cổ phần.

Rủi ro mất đi mối quan hệ là điều vẫn có thể xảy ra nhưng nguyên tắc của tôi là luôn sẵn sàng trả giá nếu trót tin tưởng sai một người. Trong cuộc sống này, lòng tin là thứ đắt giá nhất nhưng nó lại là nguyên liệu quan trọng trong sự sống còn của một startup

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 13.
GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 14.

Anh vừa nói, mọi nghiên cứu rồi sẽ lỗi thời, tất cả sản phẩm làm ra rồi sẽ lạc hậu. Vậy thì ý nghĩa của việc liên tục nghiên cứu và phát triển thế hệ học giả người Việt mà anh đang theo đuổi là gì?

 GS Vũ Ngọc Tâm: Các vấn đề nghiên cứu của chúng tôi đều xuất phát từ một thực tế khó nên cần đột phá công nghệ để giải quyết. Khi giải quyết được bài toán đó, giá trị sẽ nằm ở chỗ tạo ra nguồn tri thức mới để người khác có thể dựa vào, phát triển tiếp lên cao. Ví dụ năm 2012-2013, tôi phát minh chiếc nhẫn bảo mật (lưu trữ các loại mật khẩu). Sau 5 năm, vì tôi không thương mại hóa nó nên công nghệ ấy đã lỗi thời. Nhưng nó lỗi thời vì công ty khác (Google, Apple, SamSung, IBM) đã xây dựng sản phẩm dựa trên công nghệ của tôi.

Cảnh giới cao nhất của nghiên cứu là sáng tạo ra tri thức mới cho loài người, vì đó là giá trị trường tồn. Trên nền tảng ấy sẽ giúp tạo ra sản phẩm mới. Ngoài ra, tôi muốn đào tạo con người vì con người là trung tâm của sự phát triển.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 15.

GS Vũ Ngọc Tâm tại buổi chia sẻ tại MIT Media Lab

Niềm đam mê nghiên cứu đó của anh bắt đầu từ khi nào?

GS Vũ Ngọc Tâm: Từ nhỏ, tôi đã có tính rất xấu là cầu toàn - luôn muốn làm thật tốt trong những lĩnh vực mà mình quan tâm. Chẳng hạn, hồi học cấp I, tôi rất thích chơi cầu lông nhưng vì thấp bé nên thường xuyên thua kém bạn bè. Để cải thiện, tôi thuyết phục mẹ mời huấn luyện viên riêng để tôi có thể đánh được tốt hơn.

Khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, dù được nhận biên chế ở Trung tâm mạng của trường chỉ 4 tháng sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn luôn cảm thấy, với những kiến thức học được, tôi sẽ không thể làm ra một cái gì đó thật tốt và có giá trị, đúng như tính cách con người tôi từ nhỏ.

Sau chuyến tu nghiệp ngắn ngày ở Nhật Bản nhờ học bổng AOTS (một loại học bổng kỹ thuật và quản lý với sự tài trợ từ vốn ODA của Nhật Bản), tôi quyết định sang Mỹ để tiếp cận với tri thức tốt nhất về khoa học công nghệ. Con đường nghiên cứu khoa học của tôi cũng bắt đầu từ đó.

Cái gì anh cũng muốn hoàn hảo như vậy liệu có mệt không?

GS Vũ Ngọc Tâm: Tôi nghĩ, mình không thể trở nên xuất sắc với tất cả mọi việc mà chỉ có thể trở nên xuất sắc trong lĩnh vực mình quan tâm. Đối với những gì tôi tâm huyết, tôi luôn có 2 lựa chọn, hoặc là thật xuất sắc, hoặc không là gì cả và không dành thời gian cho nó.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 16.

GS Vũ Ngọc Tâm tại ĐH Oxford.

Tháng 10 vừa qua, phòng lab của tôi giành giải Bài Báo xuất sắc nhất của MobiCom - Hội thảo lớn và khó nhất trong ngành mà chúng tôi nghiên cứu. Đây là lần thứ 3, chúng tôi được giải này. Trước đó, chúng tôi cũng giành giải Best Paper của MobiSys, và Sensys, Google... Đó là những hội thảo rất khó, mỗi năm chỉ chấp nhận khoảng 30-35 paper trên toàn cầu nhưng chúng tôi luôn có mục tiêu phải đứng số 1, nghĩa là phải tạo cho mình sức cạnh tranh ngang tầm thế giới thì mới có hy vọng đạt tới đỉnh cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Để đạt được mục tiêu đó, tôi thường làm với cường độ cao, mỗi tuần từ 80-100 giờ, mỗi ngày 16-17 tiếng. Nếu như người bình thường làm việc 40 giờ/ tuần thì tôi đã làm việc gấp hơn 2 lần so với họ. Cứ như vậy, 1 năm của tôi bằng 2 năm của người khác, 2 năm bằng 4 năm.

Trong môi trường làm việc trí óc, tôi tin vào nguyên tắc "2 + 2 << 4" – nghĩa là kết quả của việc làm 4 giờ liên tục sẽ cao hơn rất nhiều so với kết quả của 2 lần làm việc mỗi lần 2 giờ. 

Trong cuốn sách Outlier (những kẻ xuất chúng), Malcolm Gladwell từng nói rằng, một người muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó phải làm việc ít nhất 10.000 giờ. Nhưng tôi nghĩ để trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó bạn cần ít nhất 30.000 giờ.

Ngoài ra, khi đã xác định mục tiêu, bạn phải chấp nhận hy sinh, dám làm những việc không ai dám làm thì mới có thể hơn được người khác. Tất nhiên, việc đi ngược dòng ấy phải đúng pháp luật và không phạm đạo đức.

Những điều ấy đã giúp tôi từ một người không thông minh, xuất phát điểm thấp vươn tới được vị trí ngày hôm nay. Chưa khi nào, trong hành trình ấy, tôi thấy mệt mỏi.

Một chút rất không liên quan nhưng liệu có phải vì làm việc điên cuồng như vậy nên đến giờ, anh vẫn còn độc thân?

GS Vũ Ngọc Tâm: Với tôi, tôi hiểu gia đình theo nghĩa rộng hơn một chút – nó bao gồm tất cả những người mình quan tâm và yêu thương như ruột thịt của mình. Tôi thương những sinh viên nghiên cứu sinh của tôi như những người em trong chính gia đình nhỏ của tôi. Đôi khi cũng cho roi, cho vọt, để mong một ngày nhìn thấy các em thành công. Gia đình đó luôn là động lực để mỗi ngày tôi đến phòng lab mà không cảm thấy mình đang đi làm.

Ngoài gia đình, tôi nghĩ rằng, mỗi người sinh ra có một mục tiêu. Những người may mắn có cơ hội thực hiện mục tiêu đó thì phải có trách nhiệm hoàn thành. Với tôi, mục tiêu quan trọng nhất lúc này là tạo ra tri thức mới cho con người để giải quyết những vấn đề quan trọng trong thực tế (nghiên cứu), mang những tri thức đó đến tay người dùng (khởi nghiệp) và trồng lên "cây Giáo sư" người Việt toả bóng toàn cầu.

GS người Việt muốn nâng giấc ngủ cho 2,1 tỷ người và 25 bằng sáng chế trên đất Mỹ - Ảnh 17.
Trương Thu Hường
JPG
Theo Trí Thức Trẻ02/03/2020