Ở đấu trường Asian Cup, Hàn Quốc được xếp thứ tư trong danh sách của những nhà vô địch, với hai lần đăng quang liên tiếp vào năm 1956 và 1960. Song tính từ lần cuối cùng vô địch trên sân nhà cách đây gần 64 năm, đội tuyển Hàn Quốc không thể vô địch thêm bất kỳ lần nào nữa, dù vào tận trận chung kết đến 4 lần. Lần gần nhất là Asian Cup 2015.
Trước giải đấu Asian Cup 2015 gần một năm, liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã có một động thái khá kỳ lạ, đấy là cho đúc 23 tấm huy chương vàng Asian Cup. Những tấm huy chương ấy được trao cho ai? Và tại sao liên đoàn bóng đá nước này lại "tranh việc" mà đáng ra là của AFC?
Câu chuyện bắt đầu từ kỳ Asian Cup cuối cùng mà đội tuyển Hàn Quốc đoạt chức vô địch - ngay trên sân nhà. Chỉ vài ngày sau khi bước lên bục danh sự cao nhất để nhận tấm huy chương vàng, toàn bộ 23 tuyển thủ quốc gia đồng loạt trả lại tấm huy chương mà mình được nhận cho Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc. Lý do là chỉ vài ngày sau khi nhận, những tấm huy chương ấy đã bong tróc lớp mạ vàng "pha ke", lộ ra cốt đen sì, xấu xí bên trong.
Thay vì tìm cách khắc phục sự việc xấu xí này để trao lại cho các tuyển thủ tấm huy chương xứng đáng với đóng góp của họ, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc khi ấy quyết định chọn giải pháp "làm ngơ", để rồi mọi việc chìm vào quên lãng cho đến tận lúc không ít những tuyển thủ ngày nào đã khuất núi, mang theo nỗi ấm ức về chiếc huy chương "ố màu" thuở nào.
Cho đến tận năm 2014, các quan chức Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc mới giật mình khi nhớ ra rằng đã 54 năm trôi qua, đội tuyển nước nhà. không thể nào thêm lần vô địch Asian Cup, dù thực lực luôn nằm trong tốp ứng cử viên vô địch. Sau khi cân nhắc, để chuần bị tốt nhất cho Asian Cup 2015, họ quyết định làm cái việc mà đáng ra phải làm từ hơn nửa thế kỷ trước, là đúc lại 23 tấm huy chương, để "giải lời nguyền".
Song rốt cuộc, phần lớn những tấm huy chương đúc lại ấy cũng không đến tay các cựu tuyển thủ năm nào, hay gia đình họ, bởi bản thân các cựu tuyển thủ và gia đình từ chối nhận. Âu cũng là điều dễ hiểu khi họ phải nuốt nỗi uất ức suốt 54 năm trời, thậm chí là đem cả nỗi uất ức ấy xuống mồ. Kết quả là ở kỳ Asian Cup 2015, dù có Son Heung-min trong đội hình, song Hàn Quốc vẫn chỉ về nhì sau khi thua Australia ở hiệp phụ.
Ngay trước kỳ Asian Cup 2019, những lời đồn về "lời nguyền ánh sắc vàng" năm nao lại tiếp tục dấy lên trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá Hàn Quốc, và càng ngày họ càng tin rằng chính "lời nguyền" này đã khiến những thế hệ sau của đội tuyển Hàn Quốc vô địch năm 1960 bị trừng phạt bởi sự tắc trách, vô tâm, bạc bẽo của các quan chức bóng đá nước này.
Đầu năm 2019, trong nỗ lực giải lời nguyền nặng nề nhất của bóng đá Hàn Quốc, liên đoàn bóng đá nước này đã trao thành công 3 tấm huy chương vàng được đúc lại cho gia quyến ba cố tuyển thủ Cho Jung-min, Cho Hong-bok và Cho Yoon-ok. Song còn rất nhiều những tấm huy chương nữa vẫn không thể tìm được chủ nhân. Kết quả là ở kỳ Asian Cup năm ấy, Hàn Quốc bị loại ở vòng tứ kết bởi Qatar - đội sau đó lên ngôi vô địch.
Ở kỳ Asian Cup 2023, đội tuyển Hàn Quốc dưới sự dẫn dắt của HLV lừng lẫy Jurgen Klinsmann, cùng ngôi sao Premier League - Son Heung-min trong đội hình, rốt cuộc vẫn để thua Jordan - đối thủ được đánh giá thấp hơn rất nhiều, ở bán kết, kết thúc hành trình chinh phục chiếc huy chương vàng để "giải lời nguyền".
Sau trận thua trước Jordan, dư luận Hàn Quốc đang chĩa mùi dùi về HLV Jurgen Klinsmann, thậm chí trách móc Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc tại sao không thuê HLV Park Hang-seo, song ở một góc tâm linh, không ít người hâm mộ nước này vẫn nhắc về "lời nguyền ánh sắc vàng", hỏi nhau liệu đến bao giờ và phải làm thế nào để bóng đá Hàn Quốc giải "lời nguyền" ám ảnh nhất này.