ĐT nữ Việt Nam xuất sắc giành vé dự VCK World Cup 2023 (Ảnh: Getty).
Sau 2 ngày giành vé dự VCK World Cup 2023, ĐT nữ Việt Nam được thưởng tổng cộng hơn 10 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau. Nếu so sánh với bóng đá nam, số tiền thưởng này khá khiêm tốn, nhưng nó là số tiền cực lớn với các cô gái vàng, những người vốn “thắt lưng buộc bụng” cả năm trời để trang trải cuộc sống, theo nghiệp bóng đá.
Người xưa có câu “Một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” nên số tiền mà ĐT nữ Việt Nam được thưởng dù nhiều, dù ít cũng rất quý. Bởi đó là sự ghi nhận, là tấm lòng của người trao thưởng gửi gắm đến thầy trò HLV Mai Đức Chung.
Tất nhiên, ĐT nữ Việt Nam xứng đáng được thưởng, xứng đáng được ca tụng vì kỳ tích của mình. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và khen ngợi cho thấy sự ghi nhận rất lớn của Chính phủ, của nhân dân Việt Nam với những nữ chiến binh của chúng ta.
Sau cột mốc lịch sử là nhiệm vụ lớn lao và thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ thực hiện nó vào mùa hè 2023. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bóng đá nữ Việt Nam được hưởng lợi gì sau kỳ tích đã làm được trên đất Ấn Độ.
Chia sẻ với VOV.VN, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho biết: “ĐT nữ Việt Nam giành vé đi World Cup sẽ có tác động thêm trong việc thúc đẩy phát triển bóng đá nữ ở nước ta. Tuy nhiên, đây là một bài toán của xã hội, tổng hòa của nhiều yếu tố.
Dù muốn hay không thì việc ĐT nữ Việt Nam giành vé dự World Cup cũng sẽ tạo ra tác động, đặc biệt là các khoản đầu tư, chuẩn bị của các Bộ, ban ngành cũng như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Khi bóng đá đến World Cup rồi thì phải đầu tư thế nào cho xứng đáng? Theo tôi, việc giành vé dự World Cup có tác động nhiều đến sự phát triển bóng đá nữ hay không còn phải phụ thuộc vào kinh tế, thói quen, cơ sở vật chất chứ không chỉ một sự kiện này mà làm thay đổi hoàn toàn được”.
Những đánh giá của chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú hoàn toàn xác đáng. Bởi muốn phát triển một nền bóng đá cần xã hội hóa thể thao, phát triển đồng bộ, có nền móng, toàn diện, nó là nhiệm vụ của cả đất nước chứ không phải riêng ai.
Bóng đá nam sau kỳ tích ở Thường Châu năm 2018 cũng tạo ra tiếng vang, được đầu tư rất mạnh tay và chúng ta cũng có những bước tiến lớn khi lần đầu tiên vào tới vòng loại thứ 3 World Cup. Nhưng, sự chênh lệch lớn về trình độ khiến chúng ta bị loại sau 7 trận thua liên tiếp và giấc mơ giành vé dự VCK World Cup trong tương lai thực sự đang khá xa vời ngay cả khi FIFA mở rộng số đội tham dự.
Khác với bóng đá nam, bóng đá nữ của Việt Nam luôn nằm trong nhóm đầu châu lục, chúng ta chỉ chịu thua những siêu cường như Triều Tiên, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Thành tích của ĐT nữ Việt Nam ở khu vực, châu lục cũng tốt hơn bóng đá nam. Do đó, đây là lợi thế, là bàn đạp rất tốt để chúng ta phát triển bóng đá nữ.
ĐT nữ Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giành vé dự VCK World Cup. Chiến công vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Dần sẽ đi vào lịch sử của bóng đá Việt Nam. Nhưng thầy trò HLV Mai Đức Chung đá bóng không phải vì tiền thưởng, mà vì màu cờ sắc áo, vì lòng yêu nước và tự tôn dân tộc.
Thành ngữ Việt Nam có câu “Có tiền mua tiên cũng được”, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tiền với ĐT nữ Việt Nam nói riêng và bóng đá nữ Việt Nam là tốt đấy, nhưng nó không quan trọng bằng việc họ được yêu thương, được thừa nhận, được chăm sóc và đầu tư lớn hơn nữa để phát triển trong tương lai.
Tất nhiên, trên bình diện quốc tế, bóng đá nữ vẫn chưa thể sánh được với bóng đá nam, vẫn thua thiệt đủ đường. Tuy nhiên, sau kỳ tích ở Ấn Độ, hy vọng rằng những người làm bóng đá, người hâm mộ và toàn xã hội sẽ có sự quan tâm lớn hơn đến bóng đá nữ. Hãy biến biến kỳ tích đó thành điểm khởi đầu của sự phát triển, đừng để nó thành mốc son chói lọi rồi chìm vào quên lãng./.