Góc Nguyễn Nguyên: Gìn giữ tài năng!

Nguyễn Nguyên |

Năm 2000 bóng đá Việt Nam có lứa U.16 vào đến bán kết VCK Châu Á và được xem là lứa cầu thủ tài năng nhất, chất nhất. 7 năm sau, khi lứa cầu thủ đấy bước sang tuổi U.23, thành phần dự SEA Games và lên ĐTQG chỉ còn lại hai cái tên Minh Đức, Như Thuật.

Có lần tôi hỏi những nhà làm bóng đá Việt Nam, vì sao xác định là tài năng nhưng càng lên cao thì tài năng càng rơi rụng theo nhiều cách?

Và có cầu thủ mới nhận vinh quang U.16 không lâu thì nghiện ngập rồi bị sa thải khỏi lò bóng đá địa phương, có cầu thủ mới trưởng thành thì theo đàn anh và sa ngã, rồi cũng có cầu thủ được nhận xét là không có khả năng phát triển ở tuổi lẽ ra phải phát triển có thể vì tuổi tác lệch với tuổi thật...

Bây giờ nhìn vào lứa U.19, nhiều người cũng cho đấy là lứa tài năng cần ươm mầm và phát triển, bởi các em là tinh hoa của những lò đào tạo trẻ có chọn lọc. Có những em cao trên 1m80, có những em được đánh giá là có tố chất tốt, sẽ phát triển tốt nếu được đặt đúng chỗ.

Gom cả lứa đấy thành một đội tuyển rồi nuôi dưỡng, cho ăn tập thì không thể, bởi họ là sản phẩm của nhiều CLB.

Thế nên nhiều người lo lắng khi trở về CLB thì có em đá hạng nhì và ì ạch ở đấy. Có em chơi hạng nhất thì còn cơ hội ra sân. Nhưng những em đá chuyên nghiệp thì có khi không có suất, bởi nhiều đội bóng vẫn chuộng thành tích và chuộng Tây.

Mới đây, chính cựu trung phong đội tuyển Nguyễn Việt Thắng - nay đang gõ đầu trẻ - chia sẻ lo lắng của mình là nhiều em trẻ đá trung phong rất tốt, nhưng lối đá của nhiều CLB lại cứ chọn trung phong Tây và đá theo kiểu rót bóng dài cho Tây, khiến lối chơi mất bản sắc và cầu thủ ta, đặc biệt là cầu thủ trẻ, không có cơ hội phát triển, rất uổng.

Gìn giữ tài năng còn phải tạo môi trường để tài năng phát triển. Điều mà nhiều người còn tung hô với thành tích mới nhưng nói xây dựng lộ trình để giữ thì chẳng có con tính nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại