Góc khuất đằng sau những lời dè bỉu U20 Việt Nam

Hà Quang Minh |

Sau một trận đấu với đối thủ ở đẳng cấp cao hơn rất nhiều lần, U20 Việt Nam từ người hùng bỗng nhiên phải nhận không ít lời chỉ trích khá vô lý.

1. "Đôi khi những con số thống kê biết nói đấy. Xâu chuỗi xưa nay cho thấy, bóng đá Pháp hay thất bại ở những thời điểm quyết định, hoặc thời điểm cuối cùng mà những đối thủ mang lại cay đắng cho họ toàn ở cửa dưới. Cho nên kiên nhẫn là điều không thừa để chuẩn bị cho trận đấu này". Đó là trao đổi riêng giữa tôi với Hoàng Anh Tuấn (xin phép anh cho tôi được sử dụng) một ngày trước khi U20 Việt Nam gặp U20 Pháp, và thất bại.

Góc khuất đằng sau những lời dè bỉu U20 Việt Nam - Ảnh 1.

Nếu phải trích dẫn lại lời phát biểu ấy, kèm theo một bình luận, tôi sẽ bình luận thế nào nhỉ? Tất nhiên, sẽ có 2 cách, đối nghịch nhau hoàn toàn.

Cách thứ nhất, tôi sẽ chê bai Hoàng Anh Tuấn, đã bơm một thứ tinh thần lạc quan thái quá cho cầu thủ của mình, đã không biết mình biết người, đã không nhìn lại đúng thực tế mình đang đứng đâu, đã ước vọng quá hão huyền... Sẽ có người ủng hộ lối phân tích đó. Nhưng cũng sẽ có người sẵn sàng chê trách tôi, thậm chí thóa mạ, rằng "Giỏi thì làm gì đi. Chỉ được cái chê là nhanh".

Cách thứ hai, tôi sẽ khen ngợi Hoàng Anh Tuấn, đã biết xây dựng sự tự tin, lòng tự tôn, khai thác sự nhẫn nại, xoáy sâu vào tinh thần chuẩn bị kỹ càng, biết đẳng cấp đối thủ nhưng không e sợ và vững tin rằng đối thủ cũng có khả năng gục ngã bất kỳ lúc nào. Với cách này, tất nhiên, cũng sẽ có 2 luồng khen – chê dành cho tôi, có cả những lời chê rất nặng.

Nhưng tôi không bình luận gì cả. Tôi chỉ để ở đấy thôi, như một mở màn cho câu chuyện từ U20 Việt Nam, và nhìn vào một môi trường xã hội mà chúng ta đang sống.

2. Hai ví dụ về bình luận kể trên, cùng với hệ quả tất nhiên mà nó mang lại trong cách tranh luận mở rộng hôm nay, cho thấy một điều rất rõ. Chúng ta đã quá quen rồi với việc bàn luận trên kết quả, bàn luận dựa theo kết quả, mà bỏ qua hết cả một quá trình, với rất nhiều chiều nguyên nhân của một sự việc.

Góc khuất đằng sau những lời dè bỉu U20 Việt Nam - Ảnh 2.

Và bàn luận trên kết qủa thì rất dễ, như việc nói về cái thua của U20 Việt Nam trước Pháp. Thậm chí, chúng ta có thể "lập trình chính mình" một cách vô thức. Thắng sẽ nói gì, và thua sẽ nói gì, bật ra tự động.

Và đã có những bật ra như thế, rất mỉa mai cho chính cái đội bóng mà chúng ta vừa ngợi khen cách đó 3 ngày. Sự kích động dễ dàng đã khiến chúng ta quên rất nhanh chính những gì mình mới nói gần đó.

Giống như chính tôi, cứ lưu giữ một tin nhắn nổi giận của một người mới quen, sự nổi giận đối với Hoàng Anh Tuấn và U20, sau khi họ thua Pháp, dù rằng chỉ trước đó 1 hôm, người ấy ngà ngà men khen ngợi Hoàng Anh Tuấn hết lời, rồi xin số điện thoại của tôi, rủ rỉ "Có dịp ngồi với Tuấn, cho anh ké nhé". Người ấy, tiếc kinh khủng, lại là một người có ăn có học.

3. Trở lại với chuyện U20 và Hoàng Anh Tuấn, nói gì thì nói, phải thừa nhận, Hoàng Anh Tuấn là một HLV rất quái trong các "đòn" tâm lý với học trò. Nếu đọc những chia sẻ của Tuấn trên mạng xã hội, chúng ta sẽ nhận ra mỗi dòng trạng thái đều hướng đến một đối tượng cụ thể.

Trong đợt World Cup U20 này, đối tượng ấy chính là học trò của anh, người trong BHL của anh, và có cả những cá nhân trong nghề. Bởi vậy, một "ông hay chê" như Lê Thụy Hải còn phải khen ngợi U20 Việt Nam sau trận thua Pháp rằng "đáng khen, vì tâm thế nhập cuộc. Họ đã dám chơi, dám đá".

Góc khuất đằng sau những lời dè bỉu U20 Việt Nam - Ảnh 3.

U20 Việt Nam đã chơi đầy dũng cảm trước người Pháp.

Nhưng cũng ở câu chuyện U20 ấy, chúng ta phải xác định với nhau rằng việc tham dự một World Cup và việc đạt đẳng cấp World Cup là khác nhau xa. Rất nhiều đội bóng đã tham dự World Cup, nhưng chưa một lần chạm cửa đẳng cấp World Cup.

Tính thời điểm của những trận thắng thua không thể hiện nổi bản chất của một nền bóng đá và vì thế, U20 đá World Cup ở xứ Hàn cũng không phải là hiện thân của một nền bóng đá trẻ Việt Nam tiệm cận cửa World Cup.

Chúng ta chỉ cần hiểu, tất cả họ đã cố gắng và dù chưa thắng trận nào, chưa ghi được bàn nào, thì họ cũng đã có được những "thắng lợi" khác. Đó là họ là lứa trẻ Việt Nam đầu tiên được cọ sát thực sự bằng cuộc chiến danh hiệu với các nền bóng đá lớn hơn mình chứ không phải bằng những trận giao hữu tốn kém vô cùng.

Và trong sự ngợi khen dành cho họ, với những nỗ lực họ đã bỏ ra, cùng những khát vọng họ đang cố vươn tới, chúng ta cảm thấy xót xa cho một nền bóng đá trẻ mà chính họ là đại diện tiêu biểu nhất. Hết World Cup rồi, họ sẽ làm gì?

Sẽ lại trở về với quẩn quanh hi vọng nhỏ nhoi: phấn đấu kiếm một hợp đồng béo bở, ngõ hầu kiếm sống, và tích luỹ, ở V-League. Đó là lối mòn mà các thế hệ trước đã đi qua, và các thế hệ sau chưa chắc đã thoát khỏi.

Góc khuất đằng sau những lời dè bỉu U20 Việt Nam - Ảnh 4.

Những người hùng U20 Việt Nam chưa chắc được trọng dụng khi trở về CLB.

Đã bao lâu rồi chúng ta vẫn chưa được nhìn thấy, chứng kiến, một giải trẻ đúng nghĩa ở quốc nội, giải đấu mà các đội trẻ đá vòng tròn hai lượt (round-robin) và mỗi tuần họ cũng ra sân như các cầu thủ đội 1 ở CLB? Cái cọ sát thường xuyên mang tính cạnh tranh đó mới là thứ họ cần, chứ không phải chỉ là cái giải tập trung ngắn ngủi một tháng mỗi năm, cho các lứa U21, U19, U17 và U15.

Ai sẽ đứng ra lo cho họ một sự nghiệp bằng cái nhìn thật xa như vậy?

Đừng mơ ai cả. Tôi vẫn còn giữ đây lá thư từ LĐBĐ Pháp, năm 2014, gửi về mở cửa cơ hội hợp tác giữa hai LĐ: VFF và FFF. Đề nghị của họ rất cụ thể: "Hãy yêu cầu người hữu trách của LĐBĐ VN (chủ tịch hoặc TTK) gửi thư cho Chủ tịch hoặc TTK FFF về đề xuất hợp tác. Chúng tôi sẽ hỗ trợ vận động hành lang".

Nhưng những chi tiết, kể cả phương án gửi thư đề nghị thế nào, được tôi gửi cho một quan chức của LĐ, đã không bao giờ nhận được hồi âm. Đã ba năm rồi kể từ hôm ấy. Có lẽ, quan chức ấy bận họp quá nhiều???

Nếu Hoàng Anh Tuấn và học trò thắng Honduras đủ để có vé vào vòng 16 đội, sẽ nhiều người lắm ôm lấy họ như thành quả của mình. Nhưng nếu họ thất bại, Tuấn dè chừng đấy, kể cả việc anh đứng ra bảo đảm cho Trần Minh Chiến tham gia ban huấn luyện U20 cùng với mình.

Góc khuất đằng sau những lời dè bỉu U20 Việt Nam - Ảnh 5.

HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ gặp nhiều áp lực nếu U20 Việt Nam không làm nên chuyện trước Honduras.

Xứ này, phù thịnh dập suy đã thành cái thói.

Xứ này, ứng xử đúng đắn với nhau đã thành của hiếm, từ lâu rồi.

Chẳng có gì buồn nhưng thật hơn khi phải kết bài này bằng chính nhận xét của một dịch giả, một trí thức tạm gọi là còn trẻ, về trận thua của U20 vừa rồi. Anh ta đưa tấm ảnh các cầu thủ da màu của Pháp lên, với lời "chua": "Thua cái đội tuyển gọi là Pháp này cũng chẳng có gì xấu hổ, các em ạ.".

Vâng, chẳng có gì mà buồn các anh em ạ. Hãy buồn vì ở xã hội mình, đến một trí thức còn thốt ra lời kém văn minh như thế thì chuyện các anh em thua trận, bị dè bỉu đây đó, cũng thường…

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại