Cần phải thừa nhận việc Conte chuyển sang sơ đồ 3-4-3 sau thất bại 0-3 trước Arsenal hồi tháng Chín năm ngoái là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua vô địch Premier League. Sau khởi đầu mùa giải không mấy ấn tượng, hệ thống vận hành mới này trở thành nền tảng đưa đội chủ sân Stamford Bridge đến với ngai vàng.
Từ Chelsea, 3-4-3 lan rộng khắp Premier League
Trong sơ đồ ấy, Victor Moses và Marcos Alonso trở thành vũ khí nguy hiểm ở vị trí cầu thủ chạy cánh (wing-back), cùng với sự ổn định nơi hàng thủ nhờ ba trung vệ cùng hai tiền vệ trung tâm, qua đó giải phóng cho Eden Hazard được thoải mái tấn công.
Rõ ràng Chelsea đã áp đảo đối thủ với sơ đồ ấy, với bằng chứng là kể từ tháng 10 năm ngoái, thầy trò Conte thắng 27 trong 32 trận tiếp theo ở Premier League, chỉ thua đúng 3 trận.
Công thức chiến thắng của Chelsea đã tạo cảm hứng cho nhiều đội bóng tại nước Anh. Vào thời điểm thầy trò Conte lên ngôi, có đến 18 trong 20 đội tại Premier League đã thử nghiệm hệ thống chiến thuật này. Theo thống kê từ trang Opta, có đến 135 lần các đội bóng chơi với sơ đồ 3 hậu vệ mùa trước, nhiều hơn hẳn so với 22 lần mùa 2015-16.
Đó là một bước chuyển biến quan trọng về chiến thuật, điều vẫn có thể tiếp tục diễn ra trong mùa này. Mùa này, Pep Guardiola đã chi ra 126 triệu bảng để mua vệ những hậu vệ cánh có thể chơi như những wing-back, trong khi Arsene Wenger khẳng định Arsenal sẽ tiếp tục sử dụng sơ đồ ba hậu vệ ở mùa giải này.
Vậy làm thế nào để hóa giải hệ thống này? Phần lớn gợi ý là dùng chiêu “gây ông đập lưng ông”. Tottenham từng dùng chính sơ đồ 3-4-3 để đánh bại Chelsea 2-0 trên sân White Hart Lane hồi đầu năm.
Jamie Carragher, cựu cầu thủ Liverpool tin rằng đó là một ý tưởng không tồi chút nào: “Hãy nghĩ về lý do Tottenham đánh bại Chelsea, và đặt ra câu hỏi: Chúng ta có thể hạ gục đối thủ ở đâu? Đâu là khoảng trống để khai thác?
Khi đối đầu với Chelsea, những khoảng trống sẽ lộ ra xung quanh những cầu thủ đá cánh, có thể là phía trước hoặc đằng sau họ. Những cầu thủ chạy cánh của đối thủ có thể khai thác khoảng trống ấy bằng những đường bóng dài dọc biên và sau đó xử lý bóng hai. Nếu Chelsea chơi với hàng thủ ba người, khoảng cách mà hai tiền vệ trung tâm phải bao quát sẽ trở thành vấn đề”.
Tương kế tựu kế có phải lựa chọn tối ưu?
Tottenham đã làm tốt điều đó trong cả hai bàn thắng của mình, khi Christian Eriksen tìm ra khoảng trống ở các vị trí biên để tung ra đường căng ngang cho Dele Alli ghi bàn. Carragher cho hay: “Đó là vị trí mà các đội bóng có thể gây khó khăn cho Chelsea”.
Các HLV cần phải quan sát kỹ cách Tottenham xử lý những tình huống không có bóng. Điều quan trọng trong sơ đồ 3-4-3 là khả năng phân phối bóng chính xác đến những vị trí tấn công từ bên phần sân nhà, nhưng Tottenham đã làm mất nhịp độ chơi bóng của Chelsea bằng những pha áp sát khắp mặt sân.
Điều này gây khó cho Chelsea, với hai thống kê: David Luiz có tỷ lệ chuyền bóng thành công ở mức cực thấp (68,8%), và Kante mất bóng tới 16 lần, nhiều hơn cả con số trong hai trận đấu trước đó. Dưới sức ép không ngừng nghỉ và không có được sự kiểm soát cần thiết, Chelsea nhanh chóng bộc lộ gót chân Achilles.
Ngoài Tottenham, Man United là một đội bóng khác đã khắc chế thành công sơ đồ 3-4-3 của Chelsea trong lần đụng độ hồi tháng Tư năm nay. Thay vì sử dụng cách chơi gây áp lực mạnh mẽ như Tottenham, họ cử riêng Ander Herrera khóa chặt ngòi nổ Eden Hazard.
Việc tuyển thủ người Bỉ bị vô hiệu hóa khiến Chelsea lần đầu tiên sau một thập kỷ không tung ra nổi một cú sút trúng đích nào. Nếu Man City hay Arsenal cũng chuyển sang sơ đồ này, sẽ không ngạc nhiên nếu Mourinho sử dụng cách tiếp cận tương tự với Kevin De Bruyne hay Alexis Sanchez.
Mặt khác, không phải đội bóng nào cũng thu được kết quả như ý nếu sử dụng chiêu “tương kế tựu kế” khi đối đầu với Chelsea, như trường hợp của Leicester và Everton, những đội bóng phải hứng chịu thất bại nặng nề trước Chelsea với kiểu tiếp cận ấy.
Vẫn còn đó những cách tiếp cận khác có thể đem lại hiệu quả, như Crystal Palace từng đánh bại Chelsea với sơ đồ thân thuộc 4-2-3-1, nhưng thay vì quá lo sợ đến mức phải lùi đội hình thật thấp để chịu trận, đội chủ sân Selhurst Park sẵn sàng tung ra những đường phản công ở thời điểm thích hợp.
Pha lập công thứ hai của Crystal Palace trong trận đấu đó là ví dụ rõ ràng nhất về việc khoảng trống của những cầu thủ chạy cánh có thể được khai thác ra sao, nhờ sự kết hợp ăn ý giữa Benteke, Townsend và Zaha.
Nhắc đến điều đó để thấy rằng sau khi Conte để lại dấu ấn cùng 3-4-3, thách thức cho Premier League mùa này là phải tìm cách chống lại nó.