1. "Arsenal mời Wenger ký vào bản hợp đồng gia hạn điên rồ", tờ Telegraph giật tít bình luận về sự kiện Arsenal mời Wenger gia hạn 2 năm. "Tội ác của Arsenal: Mời Wenger gia hạn hợp đồng", Evening Standard tỏ ra gay gắt hơn rất nhiều.
Có lẽ chưa bao giờ, phòng trào phản đối sự có mặt của Wenger lại rầm rộ như lúc này. Cánh báo chí từ thái độ khá dè dặt khi nói về Giáo sư người Pháp, giờ đây tỏ ra gay gắt, thẳng thắn và trực tiếp nhất có thể.
Và cũng chưa bao giờ những sự phản đối từ chính NHM Arsenal lại công khai như lúc này. Những biểu ngữ kêu gọi Wenger ra đi, những lời mỉa mai châm chọc ông xuất hiện trên các khán đài Emirates nhiều hơn bao giờ hết.
Khi cả NHM và báo chí cùng đồng lòng tấn công một mục tiêu, có nghĩa là Wenger thật sự có vấn đề.
Ở Arsenal, tiếng nói của cổ động viên chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Và việc Arsenal thay vì giải quyết dứt điểm vấn đề đã ngáng trở Pháo thủ tìm đến chức vô địch Premier League lại quyết định đặt cược tương lai vào tay Wenger, được ví như đang chơi một trò xổ số với tâm lý rất phổ thông: Chẳng nhẽ… thua mãi.
Thời Wenger mới đến nước Anh, ông được ví như người khổng lồ Gulliver đến với xứ sở tí hon Lilliput. Rất dễ dàng để Wenger, bằng tầm vóc của mình, khẳng định dấu ấn ở Premier League.
Ông mang về Highbury những cái tên như Graeme Le Saux, Nicolas Anelka hay nổi tiếng nhất là Patrick Vieira.
Ông đưa vào tập thể Arsenal những khái niệm rất lạ lẫm vào thời điểm đó: Làm việc cường độ cao, chế độ dinh dưỡng của Nhật Bản, cách ăn kiêng của Yann Rougier…
Bóng đá của Arsenal đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi Wenger có mặt. Rất nhiều cầu thủ từng nói rằng, làm việc với Wenger những năm đầu tiên quả thật giống như làm việc với một cuốn từ điển.
2. Nhưng bóng đá suốt 17 năm qua không ngừng phát triển. Dinh dưỡng kiểu Nhật, ăn kiêng kiểu Yann Rougier đã trở nên phổ biến. Chỉ một mình Wenger nghĩ rằng, cách làm bóng đá của 17 năm trước vẫn còn hợp thời.
Sự trì trệ trong việc cập nhật xu thế của Wenger đã được nói rất nhiều, nói liên tục trong ít nhất là 4 năm trở lại đây, và thực tế là Giáo sư người Pháp đã có những thay đổi.
Tuy nhiên, tại sao Arsenal vẫn thất bại và thất bại đó hoàn toàn do lỗi của ông thầy người Pháp?
Theo phân tích của cây bút Amy Lawrence trên Guardian, vấn đề xuất phát từ việc Wenger đang tự biến mình thành kẻ độc tài ở Emirates. Chế độ độc tài trong bóng đá là tự sát.
Hãy nhìn làng HLV khắp thế giới. Sau mỗi trận thua, mỗi giai đoạn sa sút, họ sẽ phải giải trình với ông chủ, với CĐV, với các thành viên của Hội đồng ban lãnh đạo. Áp lực thành công, sự giám sát từ giới chủ khiến cho mọi thất bại đều phải trả giá.
Bao năm qua, Arsenal của Wenger vốn đã quá quen với việc làm "kẻ lót đường" cho những đội bóng khác.
Nhưng ở Arsenal, Wenger không chịu bất kỳ sức ép trực tiếp nào.
Tại sao Arsenal lại chọn lối chơi này thay vì lối chơi khác? Tại sao Wenger không tìm kiếm một tiền vệ trung tâm đích thực? Tại sao Giroud thi đấu tồi tệ mà vẫn được Wenger bao bọc, khen ngợi.
Tại sao Mesut Ozil lại nhạt nhẽo trong giai đoạn 2 mà vẫn được đề nghị mức lương 200.000 bảng/tuần.
Và trên hết: Tại sao 11 năm qua, trong khi Chelsea đã vô địch Premier League, vô địch cả Europa League lẫn Champions League mà Arsenal mới 2 lần vô địch FA Cup?
Có rất nhiều câu hỏi tại sao, nhưng Wenger không cần trả lời cho bất kỳ ai cả. Các quan chức của Pháo thủ còn bận đấu đá, bận tranh chấp từng cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn, bận chuyển tiền của Pháo thủ về Mỹ dưới danh nghĩa trả phí tư vấn.
Tại sao phải vô địch khi Arsenal vẫn có thể kiếm tiền đều đặn? Với những ông chủ, họ chỉ quan tâm tới điều này và việc Arsene Wenger có tồi ra sao không quan trọng bằng việc hầu bao của họ được lấp đầy thế nào.
Đó chính là lý do mà bất chấp Wenger đã hoàn toàn không còn thích hợp với tương lai của Arsenal, ông vẫn nghiễm nhiên được đề nghị gia hạn hợp đồng.
Tại sao chúng tôi phải liều lĩnh thay HLV khi đã biết về bài học của Man United? Có lẽ giới chủ Arsenal đang nghĩ vậy.
Thối nát. Thật sự thối nát. Tập thể Arsenal đang bị biến thành một cỗ máy kiếm tiền và Wenger chỉ đơn thuần chỉ là chú bù nhìn rơm đứng đó trên danh nghĩa một HLV.
Thời Arsenal mới chuyển từ sân Highbury sang Emirates, Pháo thủ từng phải sống nhiều năm liên tiếp với ngân quỹ chuyển nhượng cực kỳ hạn hẹp vì BLĐ của họ đang phải è cổ gánh món nợ xây chung cư trên nền sân Highbury cũ.
Đó là một trong những ví dụ chứng minh giới chủ của Arsenal hầu như đã phó mặc chuyện thành - bại của Arsenal cho Wenger. Arsenal với họ đơn giản chỉ là một khối tài sản.
Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Arsenal bất chấp sự phản đối của NHM mời Wenger gia hạn.
Và cũng chẳng ngạc nhiên nếu Pháo thủ dưới sự chèo lái của vị giáo sư hết đát này tiếp tục phải lót đài vinh quang cho những CLB khác, thậm chí cả Tottenham, đội bóng mà suốt 21 năm qua Arsenal chưa từng xếp dưới sau khi kết thúc mùa bóng.